Bài học lịch sử về cách thị trường phản ứng với cuộc bầu cử
Huyền Trần
Junior Analyst
Cuộc bầu cử Mỹ sắp tới hứa hẹn sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến thị trường tài chính, dù nhiều nhà đầu tư vẫn tỏ ra thờ ơ trước các rủi ro tiềm tàng.
Kết quả của cuộc bầu cử Mỹ sắp tới có thể gây ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính, tuy nhiên nhiều nhà đầu tư vẫn khá thờ ơ trước các tác động tiềm ẩn của sự kiện này đối với tài sản rủi ro. Theo Goldman Sachs, dự đoán mức biến động cho kỳ bầu cử này chỉ khoảng 2%, mức thấp nhất kể từ khi họ bắt đầu theo dõi chênh lệch biến động. Tuy nhiên, các tác động từ kết quả bầu cử đang dần hiện rõ, nhất là đối với chính sách thương mại và tài khóa.
Dự đoán mức biến động cho cuộc bầu cử năm 2024
Henry Allen từ Deutsche Bank đã đưa ra một số bài học từ các kỳ bầu cử trước, giúp nhà đầu tư có cái nhìn tham khảo:
1, Không nên phụ thuộc quá nhiều vào mô hình phản ứng của năm 2016.
Năm 2016, chiến thắng bất ngờ của Trump đã gây sốc cho thị trường. Khi ấy, các dự đoán chỉ ra rằng Trump chỉ có 28% cơ hội chiến thắng, và nhiều bang chiến lược như Wisconsin, Michigan, và Pennsylvania đều nghiêng về phía Hillary Clinton.
Ngược lại, vào năm 2024, dự báo hiện tại của FiveThirtyEight đã đưa ra tỷ lệ chiến thắng 54% cho Trump, trong khi trung bình các cuộc cá cược trên RealClearPolitics có tới 61% khả năng Trump tái đắc cử. Do đó, mặc dù nhiều nhà đầu tư vẫn tập trung vào phản ứng thị trường của năm 2016, nhưng cần nhớ rằng phản ứng khi đó là do kết quả bất ngờ. Thị trường có thể sẽ phản ứng với kết quả cuộc bầu cử, nhưng chiến thắng của Trump sẽ không thể tạo ra cú sốc như lần trước.
Tỷ lệ cược trên sàn Polymarket
2, Những cuộc bầu cử kéo dài và gây tranh cãi về kết quả trong lịch sử thường tạo áp lực lớn lên thị trường chứng khoán Mỹ.
Trong hai cuộc bầu cử năm 2000 và 1876, kết quả vẫn chưa thể xác định trong hơn một tháng sau Ngày bầu cử. Kịch bản tương tự có thể xảy ra nếu kết quả tại bang quyết định chiến thắng quá sát sao. Năm 2000, George W. Bush thắng ở Florida với cách biệt chỉ 0.009%, khiến chỉ số S&P 500 giảm 1.6% vào ngày hôm sau và liên tiếp giảm 0.7% và 2.4% vào những ngày sau đó, khiến tháng 11/2000 trở thành tháng giảm mạnh nhất trong năm của S&P 500, với mức giảm lên tới 8%.
Cuộc bầu cử năm 1876 còn căng thẳng hơn khi chưa có người thắng cuộc trong nhiều tháng. 20 phiếu đại cử tri còn gây tranh cãi, buộc Quốc hội phải thành lập Ủy ban Bầu cử 15 thành viên để đưa ra quyết định. Giống như năm 2000, thị trường chứng khoán giảm do bất ổn kéo dài. Dù khó xác định thị trường sụt giảm vì tranh cãi bầu cử hay do Cuộc suy thoái dài (1873–1879), nhưng những tiền lệ này vẫn đáng chú ý.
Chỉ số S&P500 trong cuộc bầu cử năm 2000 và năm 1876
3, Kiểm soát Quốc hội đóng vai trò quan trọng.
Nếu Tổng thống mới không nắm quyền kiểm soát cả hai viện, điều này sẽ có tác động lớn đến khả năng thực hiện chương trình nghị sự của họ. Kể từ thời Bill Clinton, mọi Tổng thống mới đều bắt đầu nhiệm kỳ với việc đảng của họ nắm quyền kiểm soát Quốc hội. Mặc dù quyền kiểm soát này có thể bị mất trong quá trình nhiệm kỳ, nhưng ngay từ đầu, họ luôn có khả năng triển khai các chính sách lập pháp. Điều này rất quan trọng đối với chính sách tài khóa, bao gồm cả các dự luật chi tiêu (vì không có dự luật này, chính phủ có thể phải đóng cửa) và việc cần tăng trần nợ công, điều này cũng cần phải được thông qua bằng luật. Hơn nữa, Thượng viện cần có đa số để có thể phê duyệt các vị trí trong Nội các, Thẩm phán Tòa án Tối cao và Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang.
Nếu chính phủ bị chia rẽ, đảng đối lập sẽ có quyền phủ quyết quan trọng đối với nhiều chính sách, điều này có thể ngăn cản Tổng thống thực hiện các chương trình lập pháp của mình. Tình trạng này cũng có thể dẫn đến các tranh cãi về trần nợ công, thường xảy ra khi chính phủ bị chia rẽ thay vì hợp nhất.
Theo các thị trường dự đoán, khả năng chính phủ bị chia rẽ vẫn tương đối cao. Trên Polymarket, hai kịch bản “chiến thắng toàn diện” (khi một bên giành được cả Tổng thống, Thượng viện và Hạ viện) hiện đang được đánh giá khoảng 60%. Điều này cho thấy khả năng chính phủ hợp nhất vẫn cao hơn, nhưng không thể chắc chắn hoàn toàn.
Tỷ lệ cược trên sàn Polymarket về kịch bản "chiến thắng toàn diện"
4, Các cuộc bầu cử gần đây cho thấy rằng sai số trong thăm dò ý kiến thường có sự tương quan.
Điều này có nghĩa là nếu một bên bị đánh giá thấp ở một bang chiến trường, khả năng cao là tình trạng tương tự cũng xảy ra ở những bang khác và cả trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát Quốc hội. Một ví dụ điển hình là năm 2016, khi các cuộc thăm dò không phản ánh đúng khả năng thắng của Trump tại các bang miền Trung Tây, nơi ông giành chiến thắng sít sao, như Pennsylvania, Michigan và Wisconsin. Tình huống tương tự cũng diễn ra ở Thượng viện, nơi đảng Cộng hòa vượt qua kỳ vọng và giành được 52/100 phiếu.
Đến năm 2020, các cuộc thăm dò lại tiếp tục đánh giá thấp Trump và đảng Cộng hòa, mặc dù điều này không đủ để ông giành chiến thắng. Trong Hạ viện, đảng Dân chủ cũng không đạt được như mong đợi, khi chỉ giành được 222 ghế. Một lần nữa, sự sai lệch trong thăm dò cho thấy một xu hướng rõ ràng: Một bên thường vượt qua kỳ vọng ở nhiều lĩnh vực cùng lúc.
ZeroHedge