Bán khống là gì?

Trần Vân Anh
Junior Editor
Bán khống (short selling) là việc các trader ăn chênh lệch từ việc dự đoán giá một tài sản sẽ giảm xuống, tức là họ sẽ bán ra các tài sản vay mượn từ bên môi giới và cam kết hoàn trả lại sau một khoảng thời gian, thông qua việc mua lại tài sản đó trên thị trường với mức giá thấp hơn.

Bán khống là hoạt động kiếm lời từ việc dự đoán giá tài sản giảm
Bán khống (short selling) là việc các trader ăn chênh lệch từ việc dự đoán giá một tài sản sẽ giảm xuống. Cụ thể, họ sẽ bán ra các tài sản vay mượn từ bên môi giới và cam kết hoàn trả lại sau một khoảng thời gian, thông qua việc mua lại tài sản đó trên thị trường với mức giá thấp hơn.
Các hoạt động bán khống có thể được sử dụng với mục đích đầu tư về lâu dài hoặc đầu cơ trong ngắn hạn. Do hoạt động này thường diễn ra khi giá có xu hướng giảm mạnh, nên ngoài việc kiếm lời từ hoạt động đầu cơ giá xuống thì chiến lược này còn được sử dụng để phòng ngừa các rủi ro tiền tệ.
Trên thị trường ngoại hối, hoạt động bán khống được thực hiện trên một cặp tiền tệ nên các nhà đầu tư không cần phải vay mượn tài sản từ bên môi giới. Để tối đa hóa lợi nhuận, họ thường sử dụng đòn bẩy tài chính và chỉ cần bỏ ra một lượng vốn không đáng kể.
Bán khống là chiến lược giao dịch có mức độ rủi ro cao
Về mặt lý thuyết, giá tài sản có thể tăng gấp nhiều lần nhưng chỉ có thể giảm 100%. Như vậy, không có giới hạn về mức độ thua lỗ khi tiến hành bán khống. Vì vậy, bán khống là một chiến lược rủi ro và chỉ nên được thực hiện bởi các nhà đầu tư có mức độ chấp nhận rủi ro cao.
Nếu các trader dự đoán sai thời điểm giá đạt đỉnh và bắt đầu xu hướng giảm, họ sẽ phải mua lại số tài sản này với giá cao hơn và dẫn đến việc thua lỗ. Đồng thời, các nhà đầu tư cũng có thể gặp khó khăn khi muốn mua lại lượng cổ phiếu với mức giá mong muốn do thanh khoản kém hoặc nhiều người khác cũng đang tiến hành bán khống.
Khi tham gia bán khống tại thị trường ngoại hối, biến động tỷ giá giao ngay kết hợp với việc sử dụng đòn bẩy có thể khiến nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị lỗ vốn chỉ với một biến động nhỏ về tỷ giá. Đặc biệt là trong các giao dịch có sử dụng đòn bẩy tài chính để tối đa hóa lợi nhuận.
Các nhà giao dịch có thể giảm thiểu rủi ro nhờ việc quản lý hiệu quả danh mục đầu tư, luôn cập nhật những tin tức và sự kiện kinh tế mới nhất, nhận thông báo về các giao dịch khi rời khỏi nền tảng,... hoặc tìm hiểu thêm về phân tích kỹ thuật để phối hợp tìm điểm vào lệnh.
Bán khống được áp dụng phổ biến trên nhiều thị trường
Trong lịch sử, bán khống đã được sử dụng trên thị trường hàng hóa theo hợp đồng thương lượng. Tuy nhiên trên thị trường tài chính hiện tại, bán khống đã lan rộng đến hầu hết mọi công cụ tài chính, phổ biến nhất là trên thị trường ngoại hối và thị trường chứng khoán.
Trên thị trường ngoại hối, khi thực hiện bán khống nghĩa là ta đang bán ra đồng tiền yết giá (funding currency) để mua vào đồng định giá (target currency) với kỳ vọng giá trị của cặp tiền sẽ giảm xuống theo thời gian. Nói cách khác, một vị thế bán (đặt cược giá giảm) luôn đi kèm với một vị thế mua (đặt cược giá tăng) một loại tiền tệ khác.
Ví dụ, bán khống EUR/USD thì EUR sẽ là đồng yết giá được bán ra và đồng thời sẽ mua vào đồng định giá USD khi các nhà đầu tư đặt cược tỷ giá EUR/USD sẽ giảm trong thời gian tới.
Giả sử cặp tỷ giá EUR/USD là 1.0947. Khi traders dự đoán EUR sẽ giảm so với USD thì họ sẽ tiến hành bán EUR/USD với giá 1 EUR = 1.0947 USD. Nếu giá giảm xuống như dự kiến, giả sử chỉ còn 1.0930 thì nhà đầu tư sẽ thu lời 17 pip.
Các giao dịch ngoại hối thường được giao dịch theo lô (lot): ít nhất là 1,000 lô (nano lot), 10,000 lô (micro lot) và 100,000 (mini lot).
Khi bán 100,000 lô, nhà đầu tư sẽ lời được: 17 * (0.0001/1.0947 * 100,000) = $155,29
Khoản tiền này chưa bao gồm phí hoa hồng (có thể cố định là $5 cho một mini lot hoặc chênh lệch giữa giá chào mua và giá chào bán cho mỗi giao dịch).
Một trong số các hoạt động bán khống nổi tiếng trên thị trường FX có thể kể đến “Thứ tư đen” (Black Wednesday), một sự kiện gây chấn động trong lịch sử hoạt động của Ngân hàng trung ương Anh (BoE) nói riêng và giới tài chính toàn cầu nói chung khi các nhà đầu cơ tìm cách kiếm lợi từ việc phá giá GBP.
Vào ngày 15/9/1992, quỹ đầu tư của George Soros đã triển khai bán khống hơn 10 tỷ GBP bất chấp mọi nỗ lực can thiệp từ BoE như tăng lãi suất lên đến 15%. Đến cuối cùng, ngân hàng vẫn buộc phải thừa nhận thất bại sau mọi nỗ lực cứu vãn tình hình và Anh sau đó phải rút khỏi Cơ chế tỷ giá châu Âu (Exchange Rate Mechanism - ERM).
Thông qua việc đánh sập đồng Bảng, Soros đã kiếm được khoản lợi nhuận trị giá hơn $1 tỷ, còn nước Anh thiệt hại tới 3.3 tỷ GBP. Toàn bộ vụ việc này đã làm tổn hại đến vị thế của GBP và tác động lớn đến nền kinh tế quốc gia.
Tại thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư thường vay mượn cổ phiếu từ bên mối giới để bán ra khi nhận thấy giá chứng khoán có nguy cơ giảm, sau đó mua lại chúng với giá thấp hơn trong tương lai để trả lại cho nhà môi giới và thu lợi nhuận từ các chênh lệch giá mua - bán này.
Các tổ chức và bên môi giới cung cấp hoạt động vay mượn chứng khoán thường là các ngân hàng hay tổ chức tài chính lớn, như là JPMorgan, Goldman Sachs hay Morgan Stanley,… Điều kiện là họ có tài khoản ký quỹ, tiền mặt hoặc vốn cổ phần trong tài sản thế chấp tại các tổ chức này.
Bán khống có thể gây ra tình trạng giảm giá chứng khoán trong ngắn hạn và tăng giá trong dài hạn vì khi đến hạn, nhà đầu tư phải mua chứng khoán để hoàn trả số chứng khoán đã bán khống trước đó.
Nổi tiếng nhất trong số hoạt động bán khống chứng khoán lịch sử tại Phố Wall không thể không nhắc đến phi vụ bán khống cổ phiếu làm phá sản ngân hàng Lehman Brothers trong cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2008.
Sau hai quý liên tiếp báo lỗ bởi các hoạt động chứng khoán hóa bất động sản (MBS, MBO, CDO) đầy rủi ro trong năm 2008, các nhà đầu cơ đã tiến hành bán khống cổ phiếu của Lehman khi đặt cược giá sẽ giảm mạnh. Như dự kiến, chỉ trong vòng một tuần cổ phiếu của ngân hàng này đã giảm mạnh từ hơn $60 xuống chỉ còn $0.15.
Thông qua việc vay cổ phiếu để bán trước và mua quyền bán cổ phiếu, các nhà giao dịch đã thu được nguồn lợi nhuận khổng lồ từ việc bán khống cổ phiếu của Lehman. Một trong số đó là nhà đầu tư David Einhorn của công ty quản lý quỹ bất động sản Greenlight Capital với khoản lời lên đến $1 tỷ.
dubaotiente.com