Chính sách tài khóa

Chính sách tài khóa là gì?

Đức Nguyễn

Đức Nguyễn

FX Strategist

14:24 26/10/2023

Chính sách tài khóa được thực hiện bởi chính phủ với mục đích tác động vào thuế và các khoản chi tiêu khác nhằm đạt được những mục tiêu vĩ mô.

Chính sách tài khóa là gì?

Chính sách tài khóa là hệ thống các chính sách tài chính được thực hiện bởi Chính phủ

Chính sách tài khóa là hệ thống các chính sách tài chính được thực hiện bởi Chính phủ với mục đích tác động vào quy mô hoạt động kinh tế nhằm kiểm soát tổng cầu và giúp nền kinh tế tăng trưởng ổn định.

Chính sách tài khóa dùng để kiểm soát tổng cầu

Bằng công cụ thuế và chi tiêu chính phủ, chính sách tài khóa có thể kiểm soát được tổng cầu. Khi tổng cầu tăng, cung tăng từ đó giúp nền kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng. Trong trường hợp nền kinh tế phát triển quá nóng, chính phủ sẽ giảm chi tiêu để giảm tổng cầu.

Chính sách tài khóa được sử dụng để điều tiết tăng trưởng

Thông thường, chính sách tài khóa thường được sử dụng khi chính phủ tìm cách kích thích nền kinh tế. Có thể là chi tiền, giảm thuế hoặc hoàn thuế hướng đến cộng đồng, ngành công nghiệp, đầu tư hoặc hàng hóa cụ thể để hỗ trợ sản xuất, từ đó giảm tỷ lệ thất nghiệp và khuyến khích tăng trưởng kinh tế.

Tác động của chính sách tài khóa lên nền kinh tế 

Chính sách tài khóa có vai trò quan trọng, giúp Chính phủ tác động toàn diện đến nền kinh tế trong mọi trường hợp, từ đó ổn định lại nền kinh tế đang biến động.

Trong điều kiện bình thường, chính sách tài khóa giúp kinh tế tăng trưởng ổn định

Chính sách tài khóa giúp Chính phủ tác động lên nền kinh tế thông qua việc kiểm soát tổng cầu. Trong điều kiện bình thường, chính sách tài khóa giúp kinh tế tăng trưởng ổn định. Trong trường hợp kinh tế suy thoái hoặc phát triển quá mức mục tiêu, chính sách tài khóa giúp đưa nền kinh tế trở lại trạng thái cân bằng.

Chính sách tài khóa giúp Chính phủ phân bổ hiệu quả nguồn lực kinh tế

Chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực trong và ngoài nước vào các mục tiêu cụ thể. Từ đó giúp Chính phủ xác định và tập trung phát triển những lĩnh vực trọng tâm của quốc gia.

Chính sách tài khóa thực hiện chức năng phân phối và tái phân phối GDP

Việc chính sách tài khóa phân phối và tái phân phối thu nhập, tài sản, cơ hội hay các rủi ro từ thị trường một cách hiệu quả tạo ra môi trường an toàn, ổn định cho đầu tư và tăng trưởng.

Các loại chính sách tài khóa 

Có hai loại chính sách tài khóa gồm chính sách tài khóa mở rộngchính sách tài khóa thắt chặt

Chính sách tài khóa mở rộng giúp tăng tổng cầu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Khi nền kinh tế đang ở tình trạng suy thoái hoặc tăng trưởng chậm, Chính phủ có thể sử dụng chính sách tài khóa mở rộng với việc tăng chi tiêu, giảm thuế hay kết hợp cả hai để tăng tổng cầu và thúc đẩy kinh tế phát triển. 

Chính sách tài khóa mở rộng giúp giảm thất nghiệp và gánh nặng chi phí doanh nghiệp. 

Chính sách tài khóa mở rộng thường dẫn đến thâm hụt ngân sách khi chi tiêu chính phủ vượt quá khoản thu từ thuế và các nguồn khác. Lúc này, sẽ cần kết hợp với chính sách tiền tệ để giữ ổn định và phát triển nền kinh tế một cách hiệu quả nhất.

Chính sách tài khóa thắt chặt giúp giảm tổng cầu và hạ nhiệt nền kinh tế

Khi nền kinh tế ở tình trạng lạm phát hoặc phát triển quá nhanh, Chính phủ có thể sử dụng chính sách tài khóa thắt chặt với việc tăng thuế, giảm chi tiêu hay kết hợp cả hai để giảm tổng cầu và ngăn nền kinh tế rơi vào tình trạng đổ vỡ do quá nóng. 

Chính sách tài khóa thắt chặt thường dẫn đến thặng dư ngân sách. 

Các công cụ của chính sách tài khóa

Chính sách tài khóa bao gồm hai công cụ chính là chi tiêu chính phủ và thuế.

Chi tiêu chính phủ tác động cả trực tiếp và gián tiếp tới tổng cầu của nền kinh tế

Nếu một chính phủ tin rằng các hoạt động kinh tế diễn ra là không đủ, chính phủ có thể tăng lượng tiền chi tiêu, thường được gọi là chi tiêu kích thích. 

Chi tiêu của chính phủ gồm có chi mua hàng hóa dịch vụ (đầu tư quốc phòng, cơ sở hạ tầng, lương cán bộ nhà nước,..)  và chi chuyển nhượng (trợ cấp những nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội). Cả hai khoản chi này đều tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới tổng cầu của nền kinh tế: 

Nếu Chính phủ chi mua hàng hóa dịch vụ, cầu hàng hóa tăng sẽ trực tiếp làm tăng tổng cầu.

Nếu Chính phủ chi chuyển nhượng, thu nhập của người dân tăng sẽ gián tiếp làm tăng tổng cầu.

Thuế có tác động ngược lại so với chi tiêu chính phủ

Bằng cách tăng thuế, chính phủ đưa dòng tiền ra khỏi nền kinh tế và làm chậm các hoạt động kinh doanh. 

Thuế bao gồm hai loại là thuế trực thu (đánh trực tiếp vào thu nhập, tài sản của người chịu thuế) và thuế gián thu (đánh gián tiếp thông qua giá hàng hóa, dịch vụ thông qua các hành vi sản xuất và tiêu dùng của nền kinh tế).

Chi tiêu chính phủ là chi ra, thuế là thu vào nên có tác động ngược lại với chi tiêu chính phủ. Nếu thuế tăng, thu nhập của người dân giảm sẽ làm giảm tổng cầu giảm và GDP. Nếu thuế giảm, giá cả hàng hóa dịch vụ giảm sẽ làm tăng cả tổng cầu và GDP.

Hạn chế của chính sách tài khóa

Mặc dù không thể phủ nhận vai trò to lớn của Chính sách tài khóa đối với nền kinh tế, chính sách này vẫn còn gặp nhiều hạn chế trong việc ban hành và áp dụng.

Chính sách tài khóa có độ trễ về thời gian

Chính sách tài khóa thường được ban hành và áp dụng trễ hơn so với diễn biến của thị trường tài chính. Chính phủ thường phải mất một khoảng thời gian khá dài để thu thập, phân tích dữ liệu thống kê, nhận biết sự thay đổi của tổng cầu rồi mới ban hành được chính sách hoàn chỉnh. Chính sách này sau đó cũng cần thời gian để phát huy tác dụng.

Chính sách tài khóa có thể không hoạt động hiệu quả

Khi một chính sách tài khóa được áp dụng, thường có thể sẽ gặp phải một số hạn chế sau:

Khó đo lường được quy mô ảnh hưởng của chính sách tài khóa.

Trong trường hợp ước lượng được, các số liệu này cũng đã cũ so với tình hình tài chính hiện tại. Từ đó dẫn đến những kết quả sai lệch so với kỳ vọng, mục tiêu ban đầu của chính sách tài khóa.

Chính sách tài khóa tạo ra nguy cơ gia tăng lạm phát

Khi nền kinh tế suy thoái, sản lượng thực thấp, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, việc tăng chi tiêu của Chính phủ có thể dẫn đến ngân sách thâm hụt và lạm phát gia tăng.

Khi tổng cầu tăng, các công ty cũng được hưởng lợi khi họ thấy doanh thu tăng. Tuy nhiên, nếu nền kinh tế đã gần hết công suất, việc mở rộng chính sách tài khóa khiến lạm phát gia tăng. Lạm phát này sẽ trừ thẳng vào lợi nhuận của một số tập đoàn trong các ngành có tính cạnh tranh và cũng gây thiệt hại cho những người có thu nhập cố định.

Chính sách tài khóa có nguy cơ gặp phải những trở ngại về chính trị

Ở nhiều nước, Chính phủ muốn chi tiêu thường phải xin quốc hội phê duyệt và vẫn có khả năng bị quốc hội bác bỏ. Mặt khác, việc thực hiện chính sách tài chính thắt chặt sau khi đã chi và tiến hành đầu tư cũng gặp khó khăn vì không thể bỏ dở các công trình đã triển khai.

Thực hiện chính sách tài chính thắt chặt thông qua tăng thuế thường sẽ gặp phải sự phản đối của người dân.

So sánh chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa

  Chính sách tài khóa Chính sách tiền tệ
Khái niệm

Là chính sách kinh tế vĩ mô, được ban hành bởi ngân hàng trung ương để tác động đến nguồn cung tiền trong nền kinh tế

Là các chính sách thuế và chi tiêu được áp dụng bởi chính phủ để tác động đến cung và cầu chung của hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế 

Mục tiêu

Kiềm chế lạm phát, duy trì ổn định tỷ giá hối đoái, đạt được toàn dụng lao động và  tăng trưởng kinh tế

Duy trì sự ổn định, giảm tỷ lệ thất nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Vai trò

Điều tiết lượng tiền lưu thông, điều hòa nền kinh tế và tăng bình đẳng thu nhập

Phân phối và tái phân phối tổng sản phẩm quốc dân, phân bổ có hiệu quả các nguồn lực trong nền kinh tế

Công cụ
  • Lãi suất
  • Nghiệp vụ thị trường mở
  • Tỷ lệ dự trữ bắt buộc
  • Tỷ giá hối đoái
  • Công cụ phi truyền thống
  • Chi tiêu của chính phủ
  • Thuế

 

dubaotiente.com

Broker listing

Thư mục bài viết