CPI lõi của Mỹ tiếp tục tăng 0.3% trong tháng thứ 4 liên tiếp
Nguyễn Tuấn Đạt
Junior Analyst
CPI của Mỹ tiếp tục tăng trong tháng 11 với tốc độ đáng lo ngại, cho thấy tiến trình kiềm chế lạm phát của Fed đang chững lại.
Chỉ số CPI lõi - không bao gồm chi phí thực phẩm và năng lượng - đã tăng 0.3% m/m trong tháng thứ tư liên tiếp. So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số này đã tăng 3.3%. Các nhà giao dịch tiếp tục kỳ vọng vào việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tuần tới sau khi các số liệu phần lớn đúng như dự kiến.
Các nhà kinh tế cho rằng CPI lõi chỉ báo tốt hơn về xu hướng lạm phát cơ bản so với CPI toàn phần. Chỉ số này đã tăng 0.3% so với tháng trước và tăng 2.7% so với một năm trước. Chi phí nhà ở chiếm gần 40% mức tăng chung.
Tiến trình kiểm soát lạm phát của Fed đã có những dấu hiệu chậm lại trong khoảng thời gian gần đây. Đồng thời, những lo ngại về thị trường lao động cũng đang giảm bớt, điều này khiến Fed thận trọng hơn trong việc nới lỏng chính sách.
Báo cáo CPI cho thấy chi phí hàng hóa không bao gồm thực phẩm và năng lượng tăng 0.3%, mức cao nhất kể từ tháng 5/2023, được thúc đẩy bởi giá xe và giá quần áo tăng cao. Giá hàng tạp hóa tăng 0.5%, mức tăng lớn nhất kể từ đầu năm ngoái.
Các nhà kinh tế đã chú ý chặt chẽ đến giá nhà ở, danh mục lớn nhất trong các dịch vụ và là một trong những yếu tố gây ra lạm phát dai dẳng nhất trong những năm gần đây. Chỉ số này đã tăng 0.3% vào tháng 11. Tiền thuê nhà tương đương của chủ sở hữu tăng nhẹ 0.2%, mức tăng nhỏ nhất kể từ năm 2021. Không tính nhà ở và năng lượng, giá dịch vụ đã tăng 0.3% trong tháng thứ 2 liên tiếp.
Dữ liệu PPI của Mỹ sẽ được công bố vào tối ngày mai, dự kiến sẽ cung cấp thông tin chi tiết về các danh mục ảnh hưởng trực tiếp đến PCE, bao gồm dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giá vé máy bay và quản lý danh mục đầu tư.
Các nhà hoạch định chính sách cũng chú ý chặt chẽ đến mức tăng trưởng tiền lương, vì dữ liệu này có thể giúp phản ánh kỳ vọng về chi tiêu của người tiêu dùng — động lực chính của nền kinh tế. Thu nhập thực tế theo giờ được ghi nhận tăng 1.3% so với một năm trước.
Một phần lý do khiến các quan chức Fed cho biết họ không vội vàng hạ lãi suất là vì họ không còn tin rằng thị trường lao động là nguồn cơn gây ra lạm phát. Mặc dù quan điểm của người tiêu dùng về nền kinh tế và tài chính đã được cải thiện kể từ khi Donald Trump chính thức trở lại Nhà Trắng, nhiều nhà kinh tế cho biết một số lời hứa trong chiến dịch tranh cử của ông có thể gây thêm áp lực lên lạm phát. Ví dụ, một số doanh nghiệp đang cân nhắc tăng giá để dự đoán mức thuế quan cao hơn.
Bloomberg