Danske Bank Research: Viễn cảnh của EUR/USD hậu bầu cử Mỹ

Danske Bank Research: Viễn cảnh của EUR/USD hậu bầu cử Mỹ

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

15:12 05/11/2024

Nhận định của Bộ phận Nghiên cứu tại Danske Bank.

Điểm chính

Hôm nay, tâm điểm chú ý sẽ đổ dồn vào sự kiện quan trọng nhất trong tuần - Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Mặc dù xác suất chiến thắng của bà Kamala Harris trên các thị trường dự đoán đã tăng mạnh vào cuối tuần qua, nhưng những kết quả thăm dò tại nhiều bang chiến trường vẫn cho thấy cuộc đua vô cùng sít sao. Michigan, Wisconsin và Pennsylvania được xem là những bang then chốt có khả năng định đoạt kết quả chung cuộc.

Những diễn biến đáng chú ý gần đây

Úc

Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 4.35%, hoàn toàn phù hợp với dự báo của giới phân tích và kỳ vọng của thị trường. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh lạm phát lõi vẫn duy trì ở mức cao.

Mỹ

Những tuần gần đây, giới đầu tư đã nghiêng về khả năng ông Donald Trump tái đắc cử. Các chính sách hạn chế người nhập cư, giảm thuế và tăng thuế quan của ông có thể sẽ đưa bóng ma lạm phát trở lại, qua đó đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ và USD tăng cao. Mặt khác, nếu bà Harris thắng cử, các chính sách hiện tại của chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể sẽ được tiếp nối.

Do đó, giới phân tích cho rằng, việc USD giảm giá mạnh trong phiên hôm qua có thể liên quan đến kết quả khảo sát của J. Ann Selzer công bố hồi cuối tuần, cho thấy sự ủng hộ đáng kể dành cho bà Kamala Harris tại bang Iowa - tiểu bang mà cho tới gần đây ông Trump vẫn chiếm ưu thế. Chưa kể, một cuộc khảo sát khác do New York Times/Siena College thực hiện cho thấy bà Harris đang nhỉnh hơn ở các bang Nevada, North Carolina và Wisconsin, trong khi ông Trump chỉ dẫn trước ở Arizona. Đây là vài trong số những bang chiến trường mà cuộc đua diễn ra căng thẳng nhất.

Châu Âu

Ở mặt trận khác, chỉ số niềm tin nhà đầu tư Sentix của Châu Âu đạt mức -12.8, thấp hơn so với dự báo chung là -12.5, đồng thời cho thấy tín hiệu tiêu cực đầu tiên về tâm lý thị trường trong tháng 11. Mặt khác, bức tranh kinh tế ghi nhận một điểm sáng khi chỉ số PMI sản xuất (chính thức) của tháng 10 bất ngờ tăng nhẹ lên 46.0 (dự báo: 45.9, kỳ trước: 45.9). Nhìn chung, ngành sản xuất tại khu vực này vẫn chưa thoát khỏi vùng suy thoái, bất chấp việc lãi suất giảm.

Dầu mỏ

Giá dầu thô mở rộng đà phục hồi sau tuyên bố của OPEC+ vào hôm Chủ nhật, rằng họ sẽ lùi kế hoạch tăng sản lượng từ tháng 12 sang tháng 1 năm sau. Cụ thể, giá dầu thô Brent và WTI tăng khoảng 3.00% kể từ đầu tuần, lên lần lượt 74.90 và 71.75 USD/thùng tại thời điểm viết bài.

Chứng khoán

Nhìn chung, thị trường chứng khoán toàn cầu giao dịch khá trầm lắng trong ngày hôm qua, với chỉ một vài biến động nhỏ giữa các ngành và nhóm cổ phiếu. Điều này được lý giải là do giới đầu tư đang tập trung chờ đợi kết quả của cuộc bầu cử Mỹ và việc nhận diện động lực của thị trường sẽ không còn quá phức tạp khi mọi thứ được sáng tỏ. Phản ứng của thị trường TPCP được cho là sẽ đóng vai trò then chốt trong việc định hình biến động trên thị trường chứng khoán hậu bầu cử.

Chỉ số VIX, đo lường biến động thị trường chứng khoán Mỹ, dừng chân ở mức 22 vào hôm qua. Nếu không có cuộc bầu cử, chúng tôi cho rằng chỉ số này sẽ dao động quanh mức 15, dựa trên bối cảnh môi trường kinh doanh hiện tại, cùng các dữ liệu kinh tế vĩ mô và báo cáo thu nhập doanh nghiệp gần đây. Kết phiên hôm qua, chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq giảm lần lượt 0.3%, 0.6% và 0.3%, trong khi Russell 2000 tăng 0.4%. Về phiên giao dịch hôm nay, chứng khoán Châu Á nhìn chung được thúc đẩy bởi đà tăng của thị trường Trung Quốc, sau khi chỉ số PMI dịch vụ Caixin cho thấy tín hiệu khả quan và kỳ vọng tích cực về gói kích thích kinh tế mới. Mặt khác, hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ về tổng thể tăng nhẹ, trong khi diễn biến trái chiều được ghi nhận tại thị trường Châu Âu.

Lợi suất TPCP

Lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn dài giảm khoảng 10 bps, sau khi xác suất chiến thắng của bà Kamala Harris tăng lên, xóa tan phần nào những lo ngại về viễn cảnh Đảng Cộng hòa kiểm soát cả hai viện Quốc hội, kéo theo khả năng triển khai các gói kích thích tài khóa cũng thấp hơn. Biến động chủ yếu tập trung ở thị trường TPCP Mỹ, tương tự như những gì đã diễn ra vào cuối ngày thứ Sáu, trong khi lợi suất TPCP Châu Âu gần như đi ngang do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư.

Ngoại hối

Về cơ bản, thị trường ngoại hối đang trong giai đoạn “án binh bất động” trước thềm cuộc bầu cử Mỹ. Sau khi suy yếu nhẹ đầu tuần, USD dường như đang chững lại, giao dịch quanh 103.80 tại thời điểm viết bài. EUR/USD neo gần 1.0900, USD/JPY lấy lại ngưỡng 152.00, trong khi GBP/USD giao dịch ngay dưới 1.3000. Việc RBA quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 4.35% sáng nay đã không gây bất ngờ cho thị trường, do đó, AUD gần như đứng yên.

Giờ đây, tâm điểm chú ý đang đổ dồn vào cuộc bầu cử Mỹ, sự kiện được xem là sẽ có tác động mạnh đến EUR/USD. Nhìn lại những phiên gần đây, việc xác suất chiến thắng của ông Donald Trump hoặc Đảng Cộng hòa giảm sút đã kéo theo sự suy yếu của USD và lợi suất TPCP Mỹ, đặc biệt là ở các kỳ hạn dài. Mặc dù khả năng Đảng Cộng hòa giành chiến thắng “toàn diện” đã giảm trong tuần qua, nhưng đây vẫn là kịch bản được cho là có khả năng xảy ra cao nhất (37%). Nếu điều này xảy ra, EUR/USD có thể giảm khoảng 2-3%. Ngược lại, chiến thắng của bà Kamala Harris và Đảng Dân chủ có thể đẩy EUR/USD vượt ngưỡng 1.1000. Nhìn chung, dự kiến EUR/USD sẽ dao động trong khoảng 1.0600-1.1100, tùy thuộc vào kết quả bầu cử, đi kèm biến động gia tăng trong ngắn hạn. Hậu bầu cử, chúng tôi dự báo các yếu tố cơ bản sẽ quay trở lại giữ vai trò chủ đạo trong việc định hình biến động của EUR/USD, bao gồm tình hình thị trường lao động và chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ trong mùa mua sắm cuối năm. Qua đó, chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm tiêu cực đối với EUR/USD và ưu tiên việc tìm kiếm các cơ hội short.

Danske Bank Research

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ