Dầu thô là gì?

Đức Nguyễn
FX Strategist
Dầu thô là một loại hợp chất lỏng, được hình thành trong lòng đất sau hàng triệu năm hình thành. Dầu thô cũng là một công cụ tài chính được giao dịch nhiều nhất trên thị trường hàng hóa. Một số loại dầu thô được giao dịch có thể kể đến như dầu thô WTI, dầu thô Brent.

Những khái niệm cơ bản nhất về dầu thô
Dầu thô là hỗn hợp chất lỏng đặc biệt được sử dụng trong máy móc
Dầu thô là một loại hợp chất lỏng, được khai thác từ trong lòng đất, được sử dụng làm năng lượng cho các loại động cơ, máy móc hay được sử dụng trong các sản phẩm thuốc trừ sâu, phân bón, nhựa đường, làm tiền đề cho ngành sản xuất, vận chuyển, khai thác,...
Có nhiều cách phân loại dầu thô trên thế giới
Có 3 cách phân loại dầu thô chính trên thế giới là: phân loại theo tỷ trọng và độ nhớt, phân loại theo nồng độ lưu huỳnh có trong dầu và phân loại dầu theo khu vực mà nó được sản xuất.
Thứ nhất, dầu thô phân loại theo tỷ trọng và độ nhớt gồm dầu thô nhẹ, dầu thô trung bình và dầu thô nặng. Dầu thô nhẹ có độ nhớt thấp, trọng lượng riêng thấp (tùy thuộc theo quy ước của từng quốc gia). Dầu thô trung bình và dầu thô nặng sẽ có độ nhớt và trọng lượng riêng ở mức cao hơn và cũng phụ thuộc và quy định của mỗi quốc gia.
Thứ hai, dầu thô được phân loại theo nồng độ lưu huỳnh gồm dầu thô chua - trong thành phần của loại dầu thô này chứa lượng lớn hợp chất lưu huỳnh và dầu thô ngọt - chỉ chứa một ít hợp chất lưu huỳnh.
Cuối cùng, dầu thô phân loại theo khu vực sản xuất và khai thác sẽ đa dạng hơn so với hai loại trên, bao gồm: dầu thô WTI của Mỹ; dầu Brent - được khai thác tại Biển Bắc, khu vực giáp Na Uy và Vương Quốc Anh; Dầu Arab - được khai thác và sản xuất tại Ả Rập Saudi; dầu Urals được sản xuất tại Nga;...
Trong các loại dầu trên, dầu thô Brent được sử dụng phổ biến nhất do dễ vận chuyển vì được khai thác ở ngay vùng biển, còn tại Mỹ, dầu thô WTI được sử dụng nhiều hơn.
Bên cạnh đó, ở Mỹ họ còn sử dụng dầu đá phiến (được chế biến từ loại đá phiến trong quá trình tổng hợp và phân tách).
Khai thác dầu mỏ cần nhiều công đoạn phức tạp
Để khai thác dầu, các nhà địa chất dò dưới lòng đất các giếng dầu và khoan xuống vùng đó. Khi đã khoan trúng lớp dầu thô, dầu sẽ tự phun lên không trung nhờ áp suất cao. Khi lượng dầu giảm bớt dần thì áp suất cũng giảm theo, đội khai thác phải dùng bơm để hút dầu lên hoặc bơm xuống giếng dầu nước hay khí để duy trì áp suất cần thiết.
Một số quốc gia có phần lớn các giếng dầu nằm ở vùng đất liền và khá nông như Mỹ, Nga, khu vực Trung Đông. Tuy nhiên cũng có nhiều giếng dầu ở ngoài biển khơi khiến cho chi phí khai thác khá cao.
Một cách khai thác dầu khác cũng được sử dụng trên thế giới là phương pháp cắt phá thủy lực, sử dụng áp suất chất lỏng nhằm làm nứt các tầng đá có trong lòng đất. Đường nứt sẽ đi theo mạch đất, mở ra những khoáng chất bị nén chặt trong lòng đất. Các hóa chất được trộn lẫn với nhau và cát dưới áp suất cao khi được đẩy vào giếng mỏ sẽ nứt vỡ tầng đá, giúp dầu mỏ có thể được bơm lên.
Trái đất có chứa trữ lượng dầu thô khổng lồ
Dựa trên số liệu thống kê của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trên thế giới hiện có 40,000 mỏ dầu lớn nhỏ, tập trung phần lớn ở Châu Mỹ và khu vực Trung Đông. Trữ lượng dầu tương đương với mức 1,380 tỷ thùng, Tuy nhiên trong gần một thế kỷ qua do sự phát triển của ngành công nghiệp, mà lượng dầu trên thế giới đã được sử dụng ngày càng nhiều hơn và theo dự báo của các chuyên gia, lượng dầu thô sẽ hết vào những năm 2050.
Dầu thô có thể tinh chế thành nhiều loại sản phẩm
Dầu thô, qua nhiều công đoạn với các quy trình khác nhau, có thể tạo ra nhiều loại sản phẩm, từ nhựa đường, xăng, khí dầu mỏ hóa lỏng, năng lượng đốt lò, paraffin, dầu diesel, hóa chất, nhựa đường, năng lượng cho ngành vận chuyển và các nhà máy hoạt động.
Cụ thể, dầu thô sau khi được khai thác sẽ được đưa về các nhà máy lọc sạch tạp chất, cát và được đưa vào với từng quy trình tinh chế phù hợp sẽ tạo ra được các sản phẩm nói trên.
Thị trường quyết định giá dầu
Giá dầu thô thế giới luôn biến động từng ngày, phụ thuộc vào yếu tố cung - cầu của thị trường. Giá dầu thậm chí có thể vọt lên mức 180 USD/thùng hoặc cũng có thể âm tùy vào từng hoàn cảnh. Cung - cầu dầu thô thế giới sẽ bị tác động bởi các nước lớn trong xuất khẩu và nhập khẩu dầu mỏ như sau.
Các nước xuất khẩu dầu thô chủ đạo trên thế giới
Ả rập Saudi là quốc gia xuất khẩu nhiều dầu nhất
Thái tử Ả rập Saudi Mohammad bin Salman
Trữ lượng dầu mỏ của Ả rập Saudi rơi vào khoảng 267 tỷ thùng, chỉ xếp sau Venezuela với trữ lượng 297 tỷ thùng. Quốc gia này đứng đầu trên thế giới về xuất khẩu dầu thô, lên tới 7.7 triệu thùng/ngày, chiếm gần 10% nhu cầu dầu thế giới. Chính vì là nước cung cấp dầu lớn nhất thế giới nên Ả rập Saudi có thể điều chỉnh giá dầu theo mục tiêu giá mà họ mong muốn bằng cách thay đổi sản lượng dầu.
UAE cũng không hề kém cạnh Ả rập Saudi
Dubai, thành phố biểu tượng của sự giàu có của Dubai nhờ dầu mỏ
Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất xếp thứ 5 trên bảng các quốc gia xuất khẩu nhiều dầu thô nhất vào năm 2022 với tổng lượng dầu thô xuất khẩu trị giá 112 triệu USD (tương đương với khoảng 3 triệu thùng/ngày)
Nga bị giới hạn xuất khẩu do lệnh cấm từ châu Âu
Trong năm 2021, Nga đã sản xuất tổng cộng 540 tấn dầu thô, chiếm 13% tổng sản lượng thế giới.
Các sản phẩm năng lượng xuất khẩu chính của Nga là dầu thô Urals và khí tự nhiên hóa lỏng. Tính đến năm 2021, Nga xuất khẩu 4.6 triệu thùng dầu/ngày. Tuy nhiên, sang tới năm 2022, lệnh hạn chế từ Châu Âu khiến xuất khẩu giảm mạnh xuống 3.3 triệu thùng/ngày.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC)
OPEC là một liên minh các quốc gia xuất khẩu Dầu mỏ tại Châu Phi và Trung Đông. Thành lập từ năm 1960, tổ chức hiện có 17 thành viên bao gồm các nước khu vực Trung Đông như Iraq, Ả rập Saudi, UAE, Libya, Venezuela hay Nigeria đến từ Châu Phi,... Tổ chức được thành lập với mục đích ổn định nguồn cung dầu trên thế giới. OPEC họp mỗi năm 2 lần nhằm thống nhất các biện pháp ổn định giá bằng cách quy định sản lượng dầu mà mỗi quốc gia trong nhóm sản xuất.
Sau này, tổ chức này còn được mở rộng ra thành OPEC+ (Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và thành viên) bao gồm Nga.
Các nước nhập khẩu dầu thô lớn trên thế giới
Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu lớn nhất
Trung Quốc nhập khẩu 10.8 triệu thùng/ngày, gần gấp đôi Hoa Kỳ. Do có dân số lớn, cùng mật độ nhà máy trải rộng, đất nước áp dụng công nghiệp hóa nhanh và mạnh nên dầu thô càng ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong đối với Trung Quốc.
Năm 2022, nửa đầu năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu dầu từ Nga nhiều nhất do giá thành rẻ. Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn nhập khẩu nhiều dầu thô từ khối OPEC do sản lượng lớn và chất lượng dầu lọc tốt.
Ảnh hưởng của Trung Quốc lên giá dầu rất lớn, thể hiện một phần nhu cầu dầu thế giới. Vào những năm gần đây, khi Trung Quốc áp dụng chính sách Zero-Covid, các nhà máy, phương tiện giao thông ít được hoạt động dẫn tới nhu cầu thế giới giảm mạnh, OPEC+ liên tục phải cắt giảm sản lượng dầu để ổn định giá.
Mỹ vẫn nhập khẩu nhiều dầu dù có tiềm lực sản xuất lớn
Mỹ là một trong những quốc gia có chứa trữ lượng dầu lớn nhất thế giới nhưng vẫn nhập khẩu dầu từ nước ngoài do lượng tiêu thụ dầu lớn trong nước. Tính đến năm 2022, Mỹ nhập khẩu 5.9 triệu thùng dầu/ngày, đứng thứ 2 trên bảng xếp hạng.
Châu Âu
Liên minh Châu Âu (EU) là khu vực nhập khẩu nhiều dầu thô nhất thế giới. Năm 2022, các quốc gia trong khối đã nhập khẩu tổng cộng gần 14 triệu thùng/ngày, chủ yếu các nước nhập khẩu lớn là Đức, Na Uy, Pháp, Phần Lan - những nơi có nền công nghiệp hiện đại. Mỗi năm, Liên minh Châu Âu tiêu thụ khoảng hơn 12 triệu thùng/ngày.
Những sự kiện lớn gắn với dầu thô
Khủng hoảng dầu mỏ tại Trung Đông 1973 - 1975
Cuộc khủng hoảng dầu mỏ này bắt đầu diễn ra từ ngày 17/10/1973 khi OPEC quyết định không cung cấp nhiên liệu sang Mỹ, Nhật Bản và Tây Âu, nhằm trừng phạt sự ủng hộ của nhóm các nước này với Israel. Khi đó, cuộc xung đột giữa Israel và liên quân Ai Cập - Syria đang diễn ra gay gắt. Lượng dầu bị cắt giảm tương đương 7% sản lượng của cả thế giới thời kỳ đó, khiến giá dầu thế giới tăng mạnh, tạo ra cuộc khủng hoảng kinh tế 1973-1975. Ngày 16/10/1973, giá dầu thô tăng từ mức 3.01 USD lên 5.11 USD/ thùng, và tăng đến gần 12 USD vào giữa 1974.
Trong thời gian diễn ra khủng hoảng, tại nhiều bang ở Mỹ mỗi người dân chỉ được phép mua một lượng nhiên liệu nhất định, giá đã tăng trung bình 86% chỉ trong vòng một năm từ 1973 đến 1974.
Giá dầu sập năm 1980
Trong vòng 5 năm từ năm 1981 đến 1986, do tăng trưởng kinh tế chậm tại các nước công nghiệp lớn (hậu quả do của các cuộc khủng hoảng năm 1973 và 1979 gây ra), nhu cầu tiêu thụ dầu trên toàn thế giới đã bị trì trệ. Ở các nước tiêu thụ dầu lớn như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu, nhu cầu nhiên liệu giảm 13% từ năm 1979 đến năm 1981. Hệ quả là giá dầu giảm mạnh từ 35 USD/thùng hồi 1981 xuống dưới 10 USD/thùng vào năm 1986.
Giá giảm đã có lợi cho rất nhiều nước tiêu thụ lớn như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu và các nước thuộc thế giới thứ 3, nhưng lại gây tổn thất nghiêm trọng cho các nước xuất khẩu dầu ở Bắc Âu, Liên Xô và khối OPEC. Nhiều công ty nhiên liệu của Mexico, Nigeria và Venezuela đến bờ vực phá sản. Dầu mất giá còn khiến khối OPEC mất đi sự đoàn kết.
Khủng hoảng giá dầu năm 2007 - 2008
Năm 2007, giá dầu tiến đến gần 100 USD. Khi đó, USD mất giá nghiêm trọng, nhiều nước có dự trữ USD lớn và OPEC đã phải tính đến khả năng chuyển dần sang sử dụng loại ngoại tệ mạnh khác để yết giá dầu. Dầu trở nên đắt đỏ và nguy cơ cạn kiệt nguồn cung đã làm bùng lên cuộc tranh chấp giữa các cường quốc về chủ quyền đối với những giếng dầu lớn tại Bắc Đại Dương và Nam Đại Dương.
Bong bóng nhà ở vỡ tại Mỹ do giám sát tài chính thiếu cẩn thận đã dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007. Sự đổ vỡ lên đỉnh điểm cực điểm vào tháng 10/2008, lan rộng và đưa nền kinh thế giới vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể đại suy thoái 1929 - 1933. Vào thời điểm đó, có thời điểm giá dầu lên đến mức cao kỷ lục 145 USD/thùng.
Giá dầu âm năm 2020
Đại dịch Covid đã khiến các nhà máy dừng hoạt động do không có nhân công, phương tiện di chuyển trong thời điểm này bị cấm hoạt động trên đường, các cảng biển bị đóng cửa do các nước không muốn nguồn lây bệnh xâm nhập từ nước ngoài vào, dẫn tới nguồn cung xăng dầu trở nên dư thừa khi các nhà máy lọc dầu chưa đóng cửa kịp thời. Các công ty lọc hóa dầu thậm chí còn phải dùng tàu chở các thùng dầu ra biển do hết chỗ chứa tại các kho. Chính vì vậy, vào ngày 20/4/2020, giá dầu thế giới chạm mức -35 USD/thùng. Các công ty sẵn sàng trả tiền cho người mua dầu của mình.
dubaotiente.com