JPMorgan Asset Management: Đằng sau động thái cắt giảm lãi suất làm "rung chuyển thị trường" - Điều gì đã khiến Fed trở nên “khó tính” hơn?
Thành Duy
Junior editor
Dự báo tăng trưởng GDP thực tế của Mỹ đã được nâng lên 2.5% cho năm nay, 2.1% trong năm 2025, và dự kiến sẽ đạt mức trung bình nhiều năm là 2.0% vào Q4/2026.
Trong phiên họp cuối cùng của năm, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã bỏ phiếu giảm lãi suất quỹ liên bang 25 bps, đưa phạm vi mục tiêu xuống còn 4.25%-4.50%. Như vậy, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã cắt giảm lãi suất tổng cộng 100 bps (3 lần) trong năm nay. Tuy nhiên, những định hướng về chính sách tiền tệ được đưa ra thông qua Tóm tắt Dự báo Kinh tế (SEP) lại cho thấy một lộ trình cắt giảm lãi suất với tốc độ chậm hơn dự kiến trong năm tới. Thậm chí, tuyên bố của Fed còn mang sắc thái "diều hâu", ngụ ý rằng họ sẽ tạm dừng việc cắt giảm lãi suất tại phiên họp tiếp theo và cân nhắc khả năng duy trì điều đó trong suốt năm 2025, tùy thuộc vào diễn biến của dữ liệu kinh tế. Vậy điều gì đã khiến Fed chuyển sang lập trường “diều hâu” như vậy?
Các cập nhật trong SEP ủng hộ việc giảm bớt số lần hạ lãi suất trong năm tới, và thậm chí còn gợi ý đến một kịch bản "không hạ cánh", thay vì "hạ cánh mềm" như những dự đoán trước đó:
- Dự báo tăng trưởng GDP thực tế được nâng lên 2.5% cho năm nay, 2.1% trong năm 2025, và dự kiến đạt mức tăng trưởng trung bình nhiều năm là 2.0% vào Q4/2026.
- Dự báo tỷ lệ thất nghiệp được điều chỉnh giảm xuống 4.2% cho năm 2024, sau đó duy trì ở mức 4.3% đến tận năm 2027.
- Dự báo cho cả chỉ số PCE toàn phần và lõi đều được nâng lên lần lượt là 2.4% và 2.8% cho năm 2024; đạt 2.5% vào năm 2025 trước khi trở về mức bình thường 2.0% vào Q4/2027.
Các thành viên Ủy ban đã nâng dự báo cho lãi suất chính sách trong Dot-plot, báo hiệu chỉ còn hai lần cắt giảm lãi suất vào năm 2025, so với dự kiến bốn lần tại cuộc họp tháng 9. Dự báo lãi suất quỹ liên bang dài hạn cũng được nâng từ 2.9% lên 3.0%.
Nền kinh tế Mỹ đang thể hiện sức bền bỉ đáng kinh ngạc với mức tăng trưởng khoảng 3.0% so với quý trước trong Q4. Sự phục hồi của tăng trưởng việc làm trong tháng trước cũng cho thấy thị trường lao động đang hạ nhiệt nhưng không hề có dấu hiệu suy sụp. Tuy nhiên, với việc tiến độ kiềm chế lạm phát gần đây có phần chững lại, Chủ tịch Powell đã bày tỏ mối quan ngại về vấn đề này, cho thấy Fed sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ một cách hết sức thận trọng.
Đáng chú ý, khi được hỏi về tác động tiềm tàng của chính sách thuế quan lên dự báo của Ủy ban, Chủ tịch Powell đã nhắc lại cách tiếp cận của Fed vào năm 2018, khi đó họ đã quyết định bỏ qua yếu tố này. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng một số thành viên đã cân nhắc đến các chính sách tài khóa và thuế quan tiềm năng dưới thời chính quyền mới trong ước tính của mình.
Kết quả là, lợi suất trái phiếu chính phủ tăng, giá cổ phiếu lao dốc và USD mạnh lên khi kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất bị dập tắt. Đối với các nhà đầu tư, bức tranh vĩ mô về cơ bản vẫn không thay đổi. Chúng tôi vẫn kỳ vọng tăng trưởng và lạm phát sẽ bình thường hóa, thị trường lao động hạ nhiệt dần và chính sách tiền tệ được nới lỏng một cách thận trọng trong năm tới. Điều này sẽ thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận, tạo động lực cho cổ phiếu và tín dụng, đồng thời lợi suất cao sẽ giúp duy trì sức hấp dẫn của thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, trước những bất ổn đáng kể về chính sách, việc đa dạng hóa danh mục đầu tư trên nhiều loại tài sản, bao gồm cổ phiếu, trái phiếu và các tài sản thay thế, vẫn là chiến lược quản lý rủi ro hiệu quả nhất.
Dự báo của 19 thành viên FOMC, ước tính trung vị. Màu xanh lá cây biểu thị điều chỉnh tăng, ngược lại với màu đỏ. Dự báo dài hạn cho lạm phát PCE lõi không được thu thập. Nguồn: Federal Reserve, J.P. Morgan Asset Management, 18/12/2024.
JPMorgan