Kevin Hassett: Fed đã để lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát
Huyền Trần
Junior Analyst
Cựu cố vấn kinh tế của cựu tổng thống cho biết: Trump "ủng hộ" sự độc lập của Fed, nhưng "muốn tiếng nói của mình được lắng nghe"
Đầu tuần này, báo cáo lợi nhuận yếu kém của ASML đã khiến các nhà đầu tư trong ngành sản xuất chip bán dẫn hoảng loạn, dường như các công ty sản xuất chip bán dẫn sẽ gặp rắc rối lớn. Tuy nhiên, TSMC lại công bố lợi nhuận xuất sắc vào hôm qua, kích hoạt làn sóng tăng giá cổ phiếu trong toàn ngành. Liệu đây có phải là bằng chứng cho thấy trí tuệ nhân tạo thực sự có sức mạnh bền vững, hay chỉ là cơn sốt kéo dài?
Nội dung cuộc phỏng vấn hôm thứ sáu với Kevin Hasett:
Sau khi nói chuyện với các thành viên Hội đồng Cố vấn Kinh tế (CEA) trong các chính quyền cựu thổng thống Clinton và Obama, chúng tôi muốn có thêm góc nhìn từ Kevin Hassett, cựu chủ tịch CEA dưới thời Tổng thống Trump và hiện là học giả tại Đại học Stanford. Chúng tôi đã trao đổi với ông về chu kỳ kinh tế hiện tại, thuế quan, tính độc lập của Fed, chính sách đồng USD mạnh, và trí tuệ nhân tạo.
Unhedged: Ngay từ đầu chu kỳ của Fed, ông đã nhận định rằng họ hành động quá chậm. Ông nghĩ sao về cách họ đã xử lý cho đến thời điểm hiện tại, đặc biệt là quyết định cắt giảm 50 bps?
Hassett: Chúng ta phải nhìn lại thời điểm chính quyền Biden triển khai gói chính sách tài khóa lớn. Khi đó, Fed đã tách biệt chính sách tài khóa với dự báo lạm phát và tiếp tục khẳng định rằng lạm phát chỉ là tạm thời. Họ không nhận ra rằng cú sốc từ chính sách tài khóa đó đã tạo ra hoặc ảnh hưởng lớn tới tình trạng lạm phát. Điều này là cơ bản trong kinh tế học, rằng cú sốc tài khóa thường dẫn đến lạm phát.
Có thể vì muốn duy trì tính độc lập của ngân hàng trung ương, Fed lo ngại nếu siết chặt chính sách tiền tệ, họ sẽ bị coi là can thiệp chính trị. Nhưng dù lý do là gì, họ cũng đã để lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát.
Khi tôi tham dự hội nghị Jackson Hole hơn một năm sau đó, mọi người đều hiểu rằng Fed cần tăng tốc để bắt kịp tình hình. Nếu nhìn lại, họ đã tăng lãi suất rất mạnh so với lịch sử. Giống như bất kỳ chính sách kinh tế nào khác, Fed cũng mắc sai lầm, nhưng họ đã nhận ra và phản ứng quyết liệt. Vì vậy, tôi cho họ đánh giá thấp vì khởi đầu muộn, đồng thời cũng đánh giá cao vì đã nhanh chóng học hỏi và điều chỉnh chính sách.
Việc cắt giảm lãi suất gần đây dựa trên dữ liệu tại thời điểm đó là quyết định hợp lý. Khi đó, các chỉ số như quy tắc Sahm chỉ ra rằng nền kinh tế đang chững lại rõ rệt. Nhưng sau đó, dữ liệu kinh tế lại tốt hơn dự kiến. Nhìn lại, có thể quyết định giảm lãi suất đó là một sai lầm, nhưng tôi không nghĩ vậy. Với dữ liệu hiện tại, Fed hành động hợp lý dựa trên những dự liệu họ có lúc đó. Dữ liệu việc làm yếu vào mùa hè đã ảnh hưởng đến quyết định của họ. Dù lịch sử có thể gọi đó là sai lầm, tôi tin rằng khi đánh giá các nhà hoạch định chính sách, cần phải xem xét hoàn cảnh khi họ ra quyết định. Vì vậy, tôi không chê trách họ vì quyết định hồi tháng 9, dù hiện tại họ có thể hối hận vì điều đó.
Unhedged: Ông có nghĩ rằng cú sốc về nguồn cung cũng là một phần nguyên nhân gây ra lạm phát không?
Hassett: Bạn có thể xem lại bài viết tôi và John Cochrane đã viết trên National Review, hoặc một cuộc phỏng vấn tôi thực hiện vào tháng 5/2021, khi tôi dự đoán lạm phát sẽ khoảng 7% trong năm đó. Dự đoán này một phần dựa vào lý thuyết tài khóa về mức giá. Có thể một số người sẽ đưa ra những mô hình khác nhằm đổ lỗi cho ai đó vì lý do chính trị, nhưng tôi không nghĩ rằng việc hiểu kinh tế học trong tình huống này là quá phức tạp. Cách tôi giải thích dễ hiểu nhất là: giả sử nền kinh tế chỉ có một cây táo, cho ra 10 quả, và mỗi quả bán 1 USD. GDP danh nghĩa lúc đó là 10 USD, và GDP thực cũng vậy. Sau đó, chính phủ thấy rằng mọi người không có đủ táo, nên quyết định chi 20 USD để mua táo.
Nhưng nếu không có cây táo mới, GDP danh nghĩa sẽ tăng lên 2 USD, trong khi GDP thực vẫn giữ nguyên ở 1 USD. Sự chênh lệch đó chính là sự tăng giá của táo. Tính toán của tôi về cú sốc tài khóa này dựa trên trực giác đơn giản: nguồn cung hiện có là bao nhiêu?
Nếu bạn có một mô hình khác, tôi rất sẵn lòng xem xét. Tuy nhiên, trong bối cảnh chính trị hiện tại, khi mọi người phân bổ trách nhiệm, chúng ta cần thận trọng.
Unhedged: Liệu gói kích thích kinh tế của Mỹ có phải là nguyên nhân gây lạm phát ở Anh, Brazil hoặc Đức không?
Hassett: Mỹ đã thực hiện gói kích thích lớn hơn so với các quốc gia khác, và điều đó ảnh hưởng đến tình hình ở Mỹ. Nền kinh tế Mỹ có tác động lớn đến giá cả toàn cầu.
Để cung cấp một số thông tin cụ thể: nếu không tính đến năm Covid, chi tiêu thâm hụt trung bình trong ba năm của chính quyền Trump (2017, 2018, 2019) là 809 tỷ USD. Trong khi đó, thâm hụt trung bình dưới thời Biden (2022, 2023, 2024), ngoại trừ thời gian Covid, là 1.6 nghìn tỷ USD, gần gấp đôi. Không có mô hình kinh tế vĩ mô nào có thể chứng minh cú sốc lớn như vậy mà không dẫn đến lạm phát.
Unhedged: Vào tháng 4 vừa rồi, ông đã nói rằng có thể chúng ta sẽ gặp phải tình trạng lạm phát đình trệ. Ông có còn xem đó là một rủi ro không?
Hassett: Tôi thật sự ngạc nhiên về những dữ liệu kinh tế gần đây. Nhìn vào chỉ số GDPNow, có thể thấy rằng sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp đã dẫn đến một chuỗi dữ liệu chưa từng có trong lịch sử.
Tôi có hai suy nghĩ về vấn đề này. Thứ nhất, dữ liệu việc làm hiện nay có vẻ không ổn định so với trước. Điều này có thể liên quan đến cách mọi người trả lời khảo sát, hoặc có thể do sự gia tăng số người lao động bất hợp pháp, những người có thể không muốn cung cấp thông tin. Tôi không hoàn toàn chắc chắn về điều này.
Mặt khác, tôi tin rằng sự tăng trưởng GDP liên quan đến những nghiên cứu tuyệt vời của Erik Brynjolfsson, đồng nghiệp của tôi tại Stanford, về tác động của trí tuệ nhân tạo đối với năng suất. Vào cuối những năm 1990, khi internet bắt đầu phát triển, chúng ta đã chứng kiến nhiều năm với lợi suất vốn đầu tư cao và doanh thu tăng trưởng vượt dự đoán. Trong thời điểm đó, các chỉ số năng suất đã gặp khó khăn trong việc phản ánh tình hình thực tế. Có thể AI đang bắt đầu tác động đến dữ liệu nhiều hơn những gì mọi người đã dự đoán, hoặc có thể là sự kết hợp của cả hai yếu tố.
Unhedged: Ông nghĩ tác động tổng thể của làn sóng di cư cao kỷ lục đối với triển vọng lạm phát sẽ như thế nào?
Hassett: Để đưa ra một ước lượng chính xác về tác động này, tôi cần xem xét các tài liệu nghiên cứu và xác định điều gì là đáng tin cậy nhất. Tuy nhiên, việc tăng cung lao động chắc chắn sẽ gây áp lực lên mức lương, đây là điều hiển nhiên. Làn sóng di cư gần đây lớn hơn nhiều, và thật thú vị để xem tác động lên thị trường lao động là như thế nào. Ví dụ, nếu có một lượng lớn người mới đến làm việc ở các lĩnh vực có mức lương thấp và ít người muốn làm, thì mức lương trung bình có thể giảm do số lượng người làm việc trong lĩnh vực này tăng lên, nhưng điều đó sẽ không ảnh hưởng đến mức lương của những người làm việc ở các lĩnh vực khác.
Unhedged: Ông nghĩ gì về tác động lạm phát của các mức thuế quan toàn diện mà Trump đang đề xuất?
Hassett: Nếu xem xét nền tảng chính trị của Đảng Cộng hòa, chính sách thương mại đầu tiên được nhắc đến là Đạo luật Thương mại Đối ứng, cho phép Mỹ áp dụng mức thuế tương đương với mức thuế mà các đối tác thương mại áp lên hàng hóa của chúng ta. Nếu Mỹ quyết định thực hiện chính sách này, điều đó có thể dẫn đến phản ứng theo lý thuyết trò chơi, nghĩa là các nước khác có thể điều chỉnh thuế để không bị thiệt hại.
Chẳng hạn, nếu chúng ta đặt mức thuế cao hơn, các quốc gia sẽ phải xem xét: "Tôi không muốn bạn tăng thuế lên mức của tôi, vậy tôi sẽ điều chỉnh mức thuế của mình như thế nào?" Có những mức thuế suất ràng buộc và mức thuế suất áp dụng khác nhau. Tôi không biết các bạn có biết cách đo lường chúng không, nhưng tôi sẽ giải thích về mức thuế suất ràng buộc.
Mức thuế suất ràng buộc cho Mỹ là 3.4%, cho EU là 5%, Trung Quốc là 10%, Việt Nam khoảng 12%, Brazil là 31%, Ấn Độ là 50%, Nhật Bản là 4%, Vương quốc Anh là 5%, và Đài Loan là 6%.
Unhedged: Chúng ta nên hiểu những con số ràng buộc đó như thế nào?
Hassett: Có hai khái niệm cần nắm rõ: thuế suất ràng buộc (bound tariff) và thuế suất áp dụng (applied tariff). Mức thuế suất ràng buộc là mức cao nhất mà các quốc gia có thể áp dụng theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong khi mức thuế suất áp dụng là những gì mà các quốc gia thực sự áp dụng. Thường thì mức thuế suất áp dụng sẽ tương quan chặt chẽ với mức thuế suất ràng buộc, nhưng không bao giờ vượt quá mức ràng buộc đó. Ví dụ, Brazil có mức thuế thực là 11%, trong khi mức ràng buộc là 31%. Điều này có nghĩa là họ có thể tăng thuế lên 31% theo quy định của WTO mà không sợ bị Mỹ nhắm đến.
Giả sử Mỹ thông qua Đạo luật Thương mại Đối ứng và điều này thay đổi mức thuế suất ràng buộc của chúng ta. Khi đó, Brazil sẽ phải cân nhắc: "Nên giảm xuống 3.4% hay để Mỹ tăng lên 31%?" Dự đoán của tôi là họ sẽ chọn mức 3.4%, nhưng nếu họ không làm thế, Mỹ có thể sẽ áp mức thuế cao hơn.
Unhedged: Có lẽ chúng ta cần theo dõi kỹ hơn, nhưng Trump không nhắc đến Đạo luật Thương mại Đối ứng trong chiến dịch vận động.
Hassett: Ông ấy đã nhắc đến Đạo luật Thương mại Đối ứng nhiều lần! Vấn đề ở đây là tôi đang đưa ra hai bước. Bước đầu tiên là Đạo luật Thương mại Đối ứng, một chính sách mà ông ấy đã ủng hộ từ khi tôi bắt đầu nói chuyện với ông về thương mại. Ông thường nói rằng chúng ta đang bị các nước khác lợi dụng, khi họ áp dụng mức thuế cao cho hàng hóa của chúng ta trong khi chúng ta lại áp dụng mức thuế thấp cho hàng hóa của họ. Vậy điều gì sẽ xảy ra? Nếu nhìn vào mức thuế thực áp dụng của Mỹ do các thuế với Trung Quốc, mức thuế suất áp dụng đã tăng từ khoảng 3% lên 14% khi áp dụng các thuế này, nhưng nền kinh tế vẫn có mức tăng trưởng 3% trước Covid và lạm phát dưới 2%, mặc dù thuế đã tăng khoảng 10%.
Lý do cho việc lạm phát không tăng là vì có các đối tác thương mại thay thế không bị áp thuế từ Trung Quốc, cùng với việc sản xuất trong nước cũng đã tăng lên.
Câu hỏi của bạn là nếu chúng ta áp dụng một mức thuế đồng nhất thì lạm phát sẽ ra sao? Các nhà cung cấp thay thế nào sẽ được lựa chọn? Tỷ lệ chi phí giữa các nhà cung cấp đó là gì? Nếu chúng ta đưa hàng hóa mới vào Mỹ, tác động chi phí biên là gì? Điều khác biệt khi áp dụng thuế đồng nhất là khả năng có ít nhà cung cấp thay thế hơn, đặc biệt là đối với các sản phẩm cần nhiều lao động từ các quốc gia có mức lương thấp, vì chi phí vận chuyển đến Mỹ có thể ảnh hưởng đến giá cả. Tuy nhiên, đừng quên rằng thuế sẽ ảnh hưởng đến mức giá ngay khi hàng hóa nhập khẩu, không phải là tỷ lệ lạm phát dài hạn. Trong các mô hình kinh tế theo thời gian, luôn có những tác động lan tỏa, nhưng cơ bản chỉ là một điều chỉnh mức giá.
Tôi không phát biểu từ góc độ của một thành viên trong chiến dịch của Tổng thống Trump, mà từ kinh nghiệm và sự hiểu biết về suy nghĩ trong nhóm của ông ấy và trên Quốc hội, đừng quên rằng những chính sách này cần có sự phê duyệt từ Quốc hội, nhưng tôi nghĩ chúng có thể được thông qua trong quy trình điều chỉnh ngân sách. Là một người tham gia thị trường dự đoán chính sách kinh tế ở Mỹ, việc theo dõi Đạo luật Thương mại Đối ứng là điều rất quan trọng.
Unhedged: Chúng tôi đã nghe nhiều quan điểm khác nhau về giá trị của đồng USD và vai trò của USD trong tính cạnh tranh của Mỹ. Ông có ý kiến gì về vấn đề này không?
Hassett: Đồng USD mạnh đã là một phần quan trọng của nền kinh tế toàn cầu trong nhiều năm. Thị trường quyết định tỷ giá hối đoái, vì vậy để giữ cho đồng USD mạnh, cần có các chính sách phù hợp. Một đồng USD mạnh mang lại lợi ích cho nước Mỹ, vì vậy cần nỗ lực duy trì điều này.
Unhedged: Ông được nhắc đến như một ứng viên tiềm năng cho vị trí tại Fed trong chính quyền Trump. Ông nghĩ thế nào về các bình luận của cựu Tổng thống Trump và chính quyền Biden về tính độc lập của Fed?
Hassett: Tôi sẽ không bình luận về các vấn đề nhân sự. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy tính độc lập của Fed là điều tích cực. Trong quá khứ, như với Arthur Burns, khi không có đủ tính độc lập, đã xảy ra những kết quả không tốt. Cần lưu ý rằng tính độc lập không chỉ dựa vào quy định pháp lý mà còn nằm trong tư duy của những người làm việc tại ngân hàng. Có lý do để nghĩ rằng Fed chưa thực sự độc lập như mong muốn.
Ví dụ, ngay sau khi Tổng thống Trump đắc cử, vào tháng 12, Fed đã bắt đầu tăng lãi suất, mặc dù dữ liệu lúc đó không ủng hộ quyết định này. Khi có chính sách tài khóa lớn từ Đảng Dân chủ, Fed lại không có hành động gì để điều chỉnh. Trước đây, Alan Greenspan thường lên tiếng khi Quốc hội chuẩn bị thực hiện các chính sách tài chính vô trách nhiệm. Do đó, tính độc lập của Fed rất quan trọng, không chỉ dựa trên các quy tắc mà còn về thái độ của những người làm việc trong đó. Tôi tin rằng Tổng thống Trump ủng hộ sự độc lập này nhưng cũng muốn tiếng nói của mình được lắng nghe.
Cho tôi kể một câu chuyện vui. Tổng thống Trump không hài lòng với Jay Powell, chủ tịch Fed, và có một câu hỏi về việc liệu ông có thể sa thải Jay Powell hay không. Tôi đã tin rằng theo luật, chủ tịch Fed không thể bị sa thải bởi tổng thống.
Vào tháng 12/2018, có người hỏi tôi liệu Tổng thống có sa thải Jay Powell hay không, và tôi trả lời: “Không, tuyệt đối không.” Ngay sau đó, chỉ số Dow Jones đã tăng gần 1,000 điểm. Tối hôm đó, Tổng thống gọi cho tôi và nói đùa: “Chúng ta nên cho cậu lên truyền hình mỗi ngày.”
Unhedged: Trong lịch sử đã có nhiều thời kỳ mà chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đi theo hai hướng khác nhau, như thời kỳ Reagan. Liệu mối quan hệ này có bền vững không?
Hassett: Các nhà hoạch định chính sách tài khóa cần hiểu rằng nếu nhiệm vụ của Fed là duy trì ổn định giá cả, thì Fed sẽ phải phản ứng với các chính sách tài khóa. Đó là lý do Alan Greenspan rất cẩn trọng trong việc giáo dục các chính trị gia về trách nhiệm của họ, để không làm khó cho Fed trong công việc của mình.
Unhedged: Thị trường hiện đang rất mạnh, và phần nào đó câu chuyện thị trường liên quan đến AI. Ông có thấy thị trường phản ánh đúng thực tế kinh tế về AI không, hay có yếu tố nào khác như chính sách tài khóa đang tác động đến tình hình?
Hassett: AI đang phát triển nhanh chóng, thậm chí còn nhanh hơn cả sự ra đời của internet, và điều này sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế. AI mở ra nhiều khả năng mới cho tương lai, nhưng thị trường có thể gặp khó khăn trong việc thích nghi với những thay đổi này. Điều này có thể dẫn đến những phản ứng thái quá từ thị trường, giống như hiện tượng bong bóng, và đó là một rủi ro đáng lưu ý.
Cũng có thể đặt ra câu hỏi rằng liệu internet có phải là một “bong bóng” hay không. Nếu ai đó đầu tư vào internet vào năm 1996, họ vẫn có thể thu lợi lớn mặc dù nhiều khoản đầu tư đã trở thành “ đống giấy vụn”. Vì vậy, trong những thời điểm đầy bất ổn, luôn có những cơ hội lớn đang chờ đón.
Financial Times