Lạm phát không có dấu hiệu tăng, SNB tiếp tục duy trì lãi suất thấp kỷ lục
Anh Tùng, CFA
Senior Analyst
Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ tiếp tục duy trì lãi suất cực thấp để đối phó với những rủi ro kéo dài đối với nền kinh tế từ đại dịch và giữ cho đồng nội tệ có giá trị hợp lý.
Chủ tịch Thomas Jordan cùng các cộng sự đã thống nhất giữ lãi suất huy động và lãi suất chính sách ở mức -0.75%, một quyết định không gây bất ngờ đối với các nhà kinh tế. Họ cũng nhắc lại cam kết sử dụng các biện pháp can thiệp ngoại hối khi cần thiết.
Nền kinh tế Thụy Sĩ đang phục hồi với tốc độ nhanh mà không đi kèm lạm phát như ở các nước khác. Mặc dù lạm phát đã tăng từ mức thấp nhất năm 2020, nhưng vẫn được dự báo sẽ duy trì ở mức dưới 1% cho đến năm 2023. Điều này khiến SNB không cần phải bận tâm trong việc tăng lãi suất như các ngân hàng trung ương khác, như Fed có thể bắt đầu cắt giảm việc mua tài sản vào tháng 11.
Dự báo lạm phát của SNB
Mặc dù nền kinh tế phục hồi nhanh và tỷ lệ thất nghiệp thấp, SNB vẫn không tăng mức lãi suất vì điều đó có thể khiến đồng CHF mạnh lên và giảm lạm phát. Trong thập kỷ qua, SNB đã chi hàng trăm tỷ Franc cho các hoạt động can thiệp.
Nền kinh tế được dự báo tăng trưởng khoảng 3% trong năm nay, thấp hơn so với 3.5% được dự báo trước đó vào tháng 6. Đà tăng trưởng vững chắc hiện tại dự kiến sẽ tiếp tục trong những quý tới. GDP sẽ lấy lại mức trước khủng hoảng vào nửa cuối năm 2020, mặc dù ngân hàng trung ương lưu ý rằng triển vọng rất không chắc chắn.
Lãi suất của các quốc gia khác. SNB vẫn là quốc gia có lãi suất chính sách thấp nhất thế giới.
Mặt trái của chính sách nới lỏng của SNB là sự mất cân bằng trên thị trường bất động sản ngày càng trầm trọng hơn. Hoạt động cho vay đã tăng lên trong những ngày đầu của đại dịch khi các quan chức Thụy Sĩ ngừng tái cấp vốn cho các tài sản thế chấp của các ngân hàng để ngăn chặn tình trạng khủng hoảng tín dụng. Giá nhà ở được định giá quá cao tới 30%.