MUFG Research: Hậu bầu cử Mỹ - Cuộc chiến không tiếng súng trên thị trường FX

MUFG Research: Hậu bầu cử Mỹ - Cuộc chiến không tiếng súng trên thị trường FX

Phạm Phương Anh

Phạm Phương Anh

Junior Editor

16:46 29/11/2024

Nhận định từ Bộ phận Research của Ngân hàng MUFG.

JPY: Kỳ vọng tăng lãi suất của BoJ được thúc đẩy bởi báo cáo CPI Tokyo

Đồng Yên tiếp tục tăng mạnh vào đêm qua, khiến tỷ giá USD/JPY giảm xuống dưới mức 150.00 so với đỉnh 156.75 vào ngày 15/11. Đồng Yên là đồng tiền có hiệu suất tốt nhất trong nhóm G10 tuần này, hiện tăng hơn 3% so với đồng USD. Mặc dù đà điều chỉnh của đồng USD đã hỗ trợ tỷ giá USD/JPY, nhưng sự vượt trội của Yên chủ yếu do kỳ vọng gia tăng về việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ nâng lãi suất ngay trong tháng tới.

Theo Bloomberg, thị trường kỳ vọng BoJ sẽ tăng lãi suất khoảng 15 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách vào ngày 19/12 và 20 điểm cơ bản tại cuộc họp tiếp theo vào ngày 24/1. Kỳ vọng về việc BoJ tăng lãi suất được thúc đẩy bởi báo cáo CPI Tokyo mới nhất cho tháng 11. Báo cáo cho thấy lạm phát toàn phần ở Tokyo tăng cao hơn dự kiến lên 2.6% so với mức 1.8% của tháng 10. Chỉ số CPI loại trừ thực phẩm tươi tăng 0.4% lên 2.2% trong tháng 11 và chỉ số loại trừ thực phẩm tươi và năng lượng tăng 0.1% lên 1.9%. Nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao là do giá dịch vụ tiện ích đã tăng sau khi chính phủ cắt giảm trợ cấp năng lượng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang có xu hướng chuyển gánh nặng chi phí lương cao lên giá dịch vụ, khiến CPI dịch vụ tăng nhẹ lên 0.9%. Nhìn chung, báo cáo này sẽ giúp BoJ tự tin hơn rằng nền kinh tế và lạm phát của Nhật Bản đang diễn ra theo đúng kế hoạch mà họ đã nhấn mạnh nhiều lần và sẽ hỗ trợ cho việc tăng lãi suất thêm. Mặc dù chưa chắc chắn 100% BoJ sẽ tăng lãi suất vào tháng tới, nhưng chúng tôi tin rằng loạt dữ liệu gần đây sẽ đủ để khuyến khích BoJ tăng lãi suất và đã điều chỉnh dự báo của chúng tôi về thời điểm tăng lãi suất sang sớm hơn. Một đợt tăng lãi suất sớm hơn từ BoJ sẽ hỗ trợ thêm cho đồng Yên trước thời điểm cuối năm. Vào ngày 21/11, Thống đốc Ueda tuyên bố không thể dự đoán kết quả của cuộc họp chính sách tháng 12 và ngụ ý rằng quyết định sẽ phụ thuộc vào nhiều dữ liệu và thông tin hơn vào thời điểm đó.

Đồng thời, đà giảm của USD/JPY cũng được hỗ trợ bởi đợt điều chỉnh của đồng USD trong tuần này. Chỉ số đồng DXY dự kiến sẽ ghi nhận tuần sụt giảm đầu tiên kể từ cuộc bầu cử. Đồng USD đã điều chỉnh giảm sau khi không thể break kháng cự 107.00. Diễn biến tương tự cũng xuất hiện ở thị trường trái phiếu Mỹ, khi lợi suất TPCP Mỹ 10 năm đã quay trở lại mức trước bầu cử. Các giao dịch Trump, bao gồm đồng USD mạnh hơn và lợi suất Mỹ cao hơn, rõ ràng đã mất đà tăng trong tuần này, ngay cả khi Tổng thống đắc cử Trump đe dọa áp đặt thuế cao hơn đối với Canada, Trung Quốc và Mexico. Chúng tôi cho rằng các yếu tố nền tảng của đồng USD vẫn ổn định, và đợt giảm giá hiện tại chỉ là tạm thời sau giai đoạn tăng mạnh sau bầu cử. Yếu tố then chốt quyết định diễn biến tiếp theo sẽ là báo cáo việc làm phi nông nghiệp tháng 11 sắp tới. Nếu báo cáo không chứng minh được sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường lao động - sau giai đoạn suy giảm do ảnh hưởng của bão và các cuộc đình công trong tháng 10 thì niềm tin của thị trường về khả năng Fed chỉ cắt giảm lãi suất ba lần 25 điểm cơ bản vào cuối năm tới sẽ bị lung lay.

EUR: Kỳ vọng cắt giảm lãi suất của ECB và “drama” ngân sách Pháp

Đồng EUR cũng hưởng lợi từ sự điều chỉnh giảm của USD, đẩy tỷ giá EUR/USD từ mức thấp 1.0335 tuần trước lên 1.0600. Một phần do EU không bị đưa vào danh sách áp thuế của Tổng thống đắc cử Trump, nhà đầu tư tạm thời cảm thấy nhẹ nhõm. Tuy nhiên, chúng tôi nhận định đây chỉ là sự tạm thời, bởi rất có thể trong năm tới, Trump sẽ chuyển trọng tâm sang vấn đề thặng dư thương mại giữa EU và Mỹ. Đồng EUR còn nhận được hỗ trợ bởi sự thay đổi trong kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Sau các báo cáo PMI yếu kém tháng 11 - báo hiệu nguy cơ suy thoái kinh tế trở lại khu vực EU - thị trường ban đầu dự báo ECB sẽ cắt giảm mạnh 50 điểm cơ bản tại cuộc họp sắp tới. Tuy nhiên, nhà đầu tư đã điều chỉnh kỳ vọng, hiện chỉ kỳ vọng ECB sẽ cắt giảm khoảng 30 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 12 và 65 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 1.

Các quan chức ECB có quan điểm khác nhau về việc cắt giảm lãi suất. Thành viên Hội đồng điều hành Schnabel cho rằng còn rất ít dư địa để cắt giảm, vì lãi suất hiện đang tiệm cận mức trung hòa (khoảng 2.00% đến 3.00%). Trong khi đó, thành viên Villeroy de Galhau lại thể hiện quan điểm linh hoạt hơn. Ông vẫn cho rằng còn dư địa để nới lỏng chính sách và thậm chí gợi ý có thể cần cắt giảm lãi suất sâu hơn mức trung hòa (theo Ngân hàng Pháp, là khoảng 2.00% đến 2.50%). Tuy nhiên, cả hai đều chưa rõ ràng về khả năng cắt giảm 50 điểm cơ bản trong tháng tới. Những diễn biến thuận lợi này trong tuần đã bù đắp tác động tiêu cực từ sự mất niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu Chính phủ Pháp. Chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu Chính phủ Pháp và Đức 10 năm đã chạm ngưỡng cao nhất từ cuộc khủng hoảng nợ khu vực EU giữa năm 2012.

Thị trường trái phiếu Chính phủ Pháp gần đây đã chứng kiến những biến động đáng chú ý, phản ánh tâm lý lo lắng của các nhà đầu tư về tình hình chính trị không ổn định. Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Armand đã thể hiện sự sẵn sàng thỏa hiệp về dự luật ngân sách nhằm ngăn chặn nguy cơ Đảng Quốc gia (National Rally) đưa ra một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chống lại Chính phủ, đây được xem là nỗ lực để giữ ổn định và tránh một khủng hoảng chính trị có thể xảy ra trước cuối năm.

Thủ tướng Barnier đã đưa ra một số nhượng bộ, cam kết giữ nguyên giá điện và hứa sẽ giảm thâm hụt ngân sách từ khoảng 6% xuống còn 5% trong năm tới. Tuy nhiên, những nhượng bộ này nhanh chóng bị Chủ tịch Đảng Quốc gia Bardella đặt thêm áp lực bằng các yêu sách mới, bao gồm việc giảm bảo hiểm y tế, ngừng các loại thuế mới, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như điều chỉnh lương hưu theo mức lạm phát từ đầu năm. Tình trạng thiếu đa số trong quốc hội khiến nỗ lực ổn định tài khóa của Chính phủ gặp nhiều thách thức, tạo áp lực tiêu cực lên thị trường trái phiếu Pháp. Mặc dù vậy, ảnh hưởng tiêu cực tới đồng EUR vẫn còn hạn chế.

MUFG Research

Broker listing

Cùng chuyên mục

JPMorgan Management Asset: Ảnh hưởng tiềm tàng của những thay đổi chính sách tại Mỹ đến các khoản đầu tư thay thế
Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

JPMorgan Management Asset: Ảnh hưởng tiềm tàng của những thay đổi chính sách tại Mỹ đến các khoản đầu tư thay thế

Nhiều chính sách đang được đề xuất có tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nguy cơ lạm phát. Nếu điều này xảy ra, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể sẽ phải kết thúc chu kỳ nới lỏng tiền tệ sớm hơn dự kiến, khiến lãi suất quỹ liên bang neo ở mức cao.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ