USDJPY giảm xuống dưới 152 khi nhu cầu trú ẩn gia tăng
JPY tiếp tục tăng giá trong ngày, kéo cặp USDJPY giảm xuống dưới 152 - vùng đáy 3 tuần khi bước vào phiên Âu, trong bối cảnh USD giảm nhẹ trên diện rộng. Mối đe dọa từ các chính sách thuế quan của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump, cùng với cuộc xung đột Nga-Ukraine ngày một leo thang, trở thành yếu tố thúc đẩy dòng tiền đổ vào các tài sản trú ẩn như Yên.
Dù vậy, sự không chắc chắn về khả năng BoJ có tiếp tục tăng lãi suất trong bối cảnh bất ổn chính trị trong nước có thể là yếu tố cản trở đối với triển vọng tăng giá của đồng JPY. Ngoài ra, tâm lý lạc quan đến từ thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah, cùng với sự gia tăng lợi suất TPCP Mỹ, có thể làm giảm nhu cầu mua JPY - một đồng tiền có lợi suất thấp - trước thềm công bố loạt dữ liệu kinh tế vĩ mô quan trọng của Mỹ.
Lịch kinh tế hôm nay có gì đáng chú ý?
Hôm nay, phiên giao dịch châu Âu dự kiến sẽ yên ắng do thiếu đi xúc tác từ các số liệu kinh tế đáng chú ý. Tuy nhiên, bước sang phiên Mỹ, nhiều báo cáo quan trọng sẽ được công bố sớm hơn thường lệ do kỳ nghỉ lễ tại Hoa Kỳ. Phần lớn các báo cáo này sẽ không tác động mạnh đến tâm lý thị trường, ngoại trừ dữ liệu lạm phát PCE và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần.
Thị trường vẫn đang kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất khoảng 3 lần vào năm 2025, bất chấp các dữ liệu kinh tế gần đây vẫn tích cực. Để thay đổi kỳ vọng này, các nhà đầu tư cần nhận được thêm nhiều tín hiệu rõ rệt hơn về tiến trình giảm lạm phát.
Các báo cáo quan trọng hôm nay:
-
20:30: Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp
- Dự báo số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu: Dự báo: 216,000 (trước đó: 213,000).
- Số đơn xin tiếp tục nhận trợ cấp: Dự báo: 1,908,000 (không thay đổi so với kỳ trước)
-
20:30: Chỉ số PCE tháng 10
- PCE hàng năm: Dự báo 2.3% (trước đó: 2.1%).
- PCE hàng tháng: Dự báo không đổi ở mức 0.2%.
- PCE lõi hàng năm: Dự báo 2.8% (trước đó: 2.7%).
- PCE lõi hàng tháng: Dự báo không đổi ở mức 0.3%.
Hợp đồng tương lai Eurostoxx giảm 0.2% trước giờ mở cửa phiên Âu
- HĐTL German DAX và HĐTL UK FTSE đi ngang
- HĐTL CAC 40 giảm nhẹ 0.3%
Diễn biến trên thị trường tương lai châu Âu tương tự với xu hướng được ghi nhận trên thị trường Hoa Kỳ, với HĐTL S&P 500 gần như không biến động, mặc dù lực mua tăng mạnh vào cuối phiên hôm qua đã giúp Phố Wall khép phiên tăng nhẹ.
Giá dầu ổn định trước thềm cuộc họp OPEC+ diễn ra vào cuối tuần
Theo các nguồn tin nội bộ, OPEC+ dự kiến sẽ họp vào cuối tuần này và đang cân nhắc việc trì hoãn kế hoạch khôi phục lại sản lượng, vốn được kỳ vọng sẽ diễn ra vào tháng 1, do lo ngại dư cung. Thông tin này giúp ngăn giá dầu giảm sâu hơn sau thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah.
- Dầu Brent duy trì dưới mức 73 USD/thùng sau khi giảm khoảng 3% trong hai phiên trước đó do kỳ vọng về thỏa thuận ngừng bắn.
- Dầu WTI vẫn giữ trên mức 68 USD/thùng.
Thị trường dầu mỏ gần đây dao động trong biên độ hẹp, chịu tác động bởi cả tín hiệu tích cực và tiêu cực:
- Chính sách của Trump trong nhiệm kỳ thứ hai.
- Rủi ro địa chính trị liên quan đến nguồn cung từ Nga và Iran vào năm sau.
Robert Rennie, chuyên gia từ Westpac Banking Corp. đã nhận định: "Giá dầu Brent dao động trong khoảng 70-75 USD/thùng được coi là hợp lý ở thời điểm hiện tại. OPEC+ gần như chắc chắn sẽ kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng ít nhất đến hết quý I năm sau."
Viện Dầu khí Mỹ (API) báo cáo lượng tồn kho dầu thô của Mỹ tuần trước giảm 5.9 triệu thùng, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 8 nếu được xác nhận bởi dữ liệu chính phủ vào thứ Tư. Canada cảnh báo rằng các mức thuế do Trump đề xuất, áp dụng lên khoảng 4 triệu thùng dầu thô nhập khẩu từ Canada, có thể đẩy giá xăng và giá năng lượng tại Mỹ tăng cao.
NZD/USD tăng vọt sau khi RBNZ điều chỉnh kỳ vọng cắt giảm lãi suất
Cặp USD/JPY đang tiến tới kiểm tra lại đường MA 200 ngày, hiện ở mức 151.97. Vào đầu tháng, giá đã chạm đến mức hỗ trợ này sau đó bật tăng trở lại sau khi có kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Hiện tại, áp lực bán có thể đẩy giá kiểm tra lại vùng này một lần nữa.
Ở các cặp tiền khác, NZD/USD tăng vọt sau khi RBNZ điều chỉnh kỳ vọng cắt giảm lãi suất. Cặp NZD/USD hiện tại đang chịu áp lực giảm từ đỉnh 0.5880 xuống mức 0.5863. Giá đang dao động gần đường MA 200 giờ tại 0.5861, một ngưỡng hỗ trợ quan trọng trong ngắn hạn. Nếu giá phá vỡ xuống dưới mức này, xu hướng ngắn hạn sẽ chuyển sang trung lập, với mức hỗ trợ tiếp theo nằm tại đường MA 100 giờ, hiện ở 0.5846.
Về xu hướng dài hạn, NZD/USD có dấu hiệu phục hồi từ vùng đáy 2 năm tại 0.5800. Hỗ trợ này đã từng giữ vững trong đợt giảm mạnh vào tháng 10/2023, được xác nhận trên cả biểu đồ ngày và tuần, cho thấy đây là vùng kỹ thuật quan trọng cần lưu ý.
Hôm nay, thị trường châu Âu có thể sẽ khá trầm lắng do thiếu các báo cáo dữ liệu quan trọng. Tâm điểm sẽ hướng về dữ liệu kinh tế Mỹ khi hàng loạt báo cáo sẽ được công bố trước kỳ nghỉ lễ Tạ ơn bắt đầu từ ngày mai.
Lịch kinh tế phiên tới có gì đáng chú ý?
Lịch kinh tế phiên châu Âu sẽ không có nhiều dữ liệu gây biến động mạnh trên thị trường:
- 13:00 - Niềm tin của người tiêu dùng GfK của Đức
- 13:45 - Niềm tin của người tiêu dùng của Pháp trong tháng 11
- 16:00 - Tâm lý nhà đầu tư UBS của Thụy sĩ trong tháng 11
- 19:00 - Số đơn xin thế chấp MBA của Mỹ
Westpac: RBNZ sẽ cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng 2
Westpac kỳ vọng RBNZ sẽ cắt giảm thêm 50 điểm cơ bản lãi suất vào cuộc họp tiếp theo của RBNZ vào ngày 19 tháng 2.
Trích dẫn của WPAC (tóm tắt):
- Lãi suất điều hành của RBNZ được kỳ vọng sẽ ở mức 3.55% vào cuối năm 2025
- Thống đốc Orr cho biết sẽ cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng 2 nhưng sau đó sẽ hành động chậm hơn vào cuối năm 2025
- Lãi suất trung lập có khả năng nằm trong phạm vi 2.5% - 3.5%
- Dự báo tăng trưởng kinh tế của RBNZ đã được điều chỉnh giảm
- Lạm phát dự kiến sẽ duy trì ở quanh mức 2%
Hợp đồng quyền chọn FX đáo hạn hôm nay có gì đáng chú ý?
Đầu tiên là quyền chọn EUR/USD ở các mức 1.0415, 1.0475 và 1.0500. Mức 1.0475 và 1.0500, sẽ hạn chế biến động giá trong phiên giao dịch sắp tới. Bên cạnh đó, đường MA 200 giờ ở mức 1.0521 hiện cũng tạo thêm một lớp kháng cự ngắn hạn khác.
Ngoài ra, có một quyền chọn USD/JPY ở mức 152.50. Tuy nhiên, quyền chọn này không gần ngưỡng kỹ thuật quan trọng nào. Cặp tiền này đang tiếp tục đi xuống với mục tiêu cần quan sát hơn là đường MA 200 ngày ở mức 151.97.
Bản tin FX Châu Á-Thái Bình Dương: Bất chấp RBNZ cắt giảm lãi suất 50bps như dự kiến, NZD vẫn tăng
RBNZ đã cắt giảm lãi suất 50 bps từ 4.75% xuống 4.25% đúng như dự báo. Có thông tin cho rằng họ dự báo tốc độ cắt giảm lãi suất sẽ chậm hơn trong tương lai, khiến tỷ giá NZD/USD tăng vọt. Tuy nhiên ngay sau đó, nhận định này đã bị Thống đốc RBNZ Orr bác bỏ, ông dự báo RBNZ sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất 50 bps vào tháng 2, tất nhiên là tùy thuộc vào diễn biến của nền kinh tế.
NZD/USD đạt đỉnh khoảng 0.5880 và sau đó giảm dần xuống mức 0.5845.
Lợi nhuận công nghiệp tại Trung Quốc tiếp tục giảm vào tháng 10. Những yếu tố cản trở thu nhập công nghiệp của Trung Quốc là nhu cầu yếu và áp lực giảm phát.
Goldman Sachs ước tính lượng nhập khẩu khí đốt năm 2024 của Trung Quốc sẽ cao kỷ lục
- Lượng nhập khẩu LNG năm 2024 của Trung Quốc ước tính sẽ quay trở lại mức cao kỷ lục trước đó là hơn 80 triệu tấn mỗi năm.
- Đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Trung Quốc dự kiến sẽ được sử dụng hết công suất vào năm tới, dẫn đến sự tăng mạnh trong lượng nhập khẩu LNG của Trung Quốc trong 10 năm tới.
- Ngành điện của Trung Quốc dự kiến sẽ là động lực chính dài hạn thúc đẩy tiêu thụ khí đốt tự nhiên.
USD/JPY giảm mạnh, chạm mức thấp nhất trong nhiều tuần
- Yên Nhật hưởng lợi từ các mối đe dọa về thuế quan của Trump và sự sụt giảm gần đây của lợi suất trái phiếu Mỹ.
- Đồng USD đang suy yếu mạnh mẽ, đẩy USD/JPY xuống mức thấp nhất trong ba tuần.
- Các nhà giao dịch hiện đang hướng đến dữ liệu GDP quý III sơ bộ của Mỹ và Chỉ số PCE.
ANZ: RBNZ có thể có thêm các đợt điều chỉnh lãi suất vào 2025
Ngân hàng ANZ vừa đưa ra dự báo về động thái điều chỉnh RBNZ với những chi tiết sau:
- RBNZ vừa cắt giảm lãi suất 50bps, xuống còn 4.25% như kỳ vọng. Dự báo mới của RBNZ ngụ ý sẽ cắt giảm khoảng 40 điểm cơ bản vào tháng 2, với tốc độ chậm hơn, về mức khoảng 3.0% như trước đây. Phát biểu của Thống đốc tại cuộc họp báo cho thấy việc cắt giảm 50bps vào tháng 2 là mức kỳ vọng cơ bản.
- RBNZ đã điều chỉnh giảm dự báo GDP từ cuối năm 2025 trở đi. Đồng thời, ngân hàng này cũng không mấy lạc quan về nguồn cung. Điều này có nghĩa là dự báo độ lệch tổng sản lượng sẽ tiến dần đến mức 0 và dự báo lạm phát phi thương mại tăng nhẹ.
- Dự báo về lãi suất của ANZ không thay đổi: dự kiến các đợt cắt giảm 25 điểm cơ bản tiếp theo sẽ vào tháng 2, tháng 4 và tháng 5, đưa mức lãi suất xuống mức 3.5%. Như thường lệ, tốc độ và mức độ nới lỏng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào dữ liệu kinh tế, đặc biệt là các dữ liệu dự kiến công bố giữa các kỳ họp. Khả năng cắt giảm 50 bps vào tháng 2 đã tăng lên, dựa trên các nhận xét của Thống đốc, nhưng dữ liệu từ nay đến lúc đó sẽ quyết định. Đã có những dấu hiệu rõ ràng về sự tăng trưởng sản xuất cải thiện (từ một điểm khởi đầu rất yếu).
Thống đốc RBNZ: Thuế quan sẽ gây áp lực lên giá cả toàn cầu
Thống đốc RBNZ Adrian Orr đưa ra các nhận định mới về chính sách tiền tệ:
- Mức lãi suất trung lập ở khoảng 2.5 - 3.5%
- Dự kiến sẽ đạt mức trung lập vào cuối năm 2025.
- Ông tự tin rằng áp lực lạm phát trong nước sẽ tiếp tục giảm và tăng trưởng kinh tế sẽ phục hồi trong năm 2025.
- Khả năng tăng lãi suất trong thời gian tới có thể giảm do các chính sách thuế quan của Hoa Kỳ.
- Ngoài ra, ông cũng bày tỏ lo ngại về các chính sách thuế quan, nhấn mạnh rằng thuế quan sẽ gây áp lực tăng giá cả trên toàn cầu.
Trung Quốc: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bị điều tra vì nghi vấn tham nhũng
Chủ tịch Tập Cận Bình đang thực hiện thanh trừng nhiều bộ máy, tổ chức. Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cũng không "miễn nhiễm"
Theo tờ Financial Times, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Tuấn đã bị điều tra, là một trong nhiều trường hợp thuộc cuộc điều tra chống tham nhũng diện rộng. Nếu thông tin này được xác nhận, ông Đổng Tuấn sẽ là bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc thứ ba liên tiếp bị điều tra vì cáo buộc tham nhũng.
Trước đó, Lưu Lương Ca, cựu Thống đốc PBoC, đã bị kết án tử hình nhưng hoãn thi hành án hai năm trong phiên tòa sơ thẩm hôm thứ Ba vì tội nhận hối lộ số tiền lớn.
Tỷ giá tham chiếu USD/CNY hôm nay: 7.1982
Giá đóng cửa trước đó: 7.2503.
Dự kiến: 7.2535.
RBNZ: Lộ trình lãi suất sẽ không diễn ra một cách "dần dần" như dự báo
Thống đốc RBNZ Adrian Orr vừa làm rõ một số điểm về dự báo chính sách tiền tệ của NHTW:
- Ông khẳng định việc cho rằng các dự báo của RBNZ thể hiện tốc độ cắt giảm lãi suất "dần dần" là một sự hiểu lầm.
- Các dự báo nhất quán với việc cắt giảm 50bps vào tháng 2, tuy nhiên vẫn còn phải phụ thuộc vào tình hình kinh tế trong tương lai.
- Dự báo sẽ có nhiều biến động giá hơn do các yếu tố địa chính trị.
- Thống đốc cho biết hầu như không có thảo luận về việc cắt giảm 75 hay 25bps.
- MPC có thể họp bất kỳ lúc nào nếu cần thiết.
Lợi nhuận công nghiệp Trung Quốc từ đầu năm đến hiện tại cho thấy đà suy yếu trầm trọng
Theo ghi nhận của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS)
- Lợi nhuận công nghiệp tính từ đầu năm đến hiện tại đã giảm 4.3% so với cùng kỳ năm ngoái.
- Trước đó, lợi nhuận công nghiệp tính từ đầu năm đến tháng 9 ghi nhận mức giảm 3.5% so với cùng kỳ năm ngoái
- Riêng tháng 10, dữ liệu này giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Diễn biến Trung Đông ngay trước thềm thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực
Về thỏa thuận ngừng bắn:
- Chính thức có hiệu lực vào 9 giờ sáng thứ Tư.
- Nội các an ninh Israel đã thông qua thỏa thuận với tỷ số phiếu 10-1.
- Được Mỹ và Pháp làm trung gian đàm phán.
- Thủ tướng lâm thời Lebanon Najib Mikati phát biểu hoan nghênh thỏa thuận.
- Ngoại trưởng Abdallah Bou Habib cho biết quân đội Lebanon sẵn sàng triển khai ít nhất 5,000 binh sĩ tại miền Nam Lebanon khi quân đội Israel rút lui.
- Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu Hezbollah vi phạm thỏa thuận.
Diễn biến trước giờ ngừng bắn:
- Các động thái xung đột vẫn diễn ra gay gắt vào thứ Ba.
- Israel gia tăng đột biến các cuộc không kích tại Beirut và các khu vực khác của Lebanon.
- Các cơ quan y tế Lebanon báo cáo ít nhất 18 người thiệt mạng.
- Israel ban hành thêm các cảnh báo sơ tán muộn vào thứ Ba, chỉ vài giờ trước thời điểm ngừng bắn.
- Hezbollah vẫn tiếp tục phóng tên lửa vào Israel.
Israel không kích các cửa khẩu biên giới Lebanon-Syria ngay sau thỏa thuận ngừng bắn
Theo thông tin từ Reuters, các cuộc không kích của Israel vào mới đây đã nhắm vào ba cửa khẩu biên giới phía bắc Lebanon-Syria, theo lời Bộ trưởng Giao thông Lebanon Ali Hamieh.
Các cuộc không kích diễn ra ngay sau khi thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và nhóm vũ trang Hezbollah của Lebanon được công bố.
Ông Hamieh cho biết chưa thể xác định ngay lập tức liệu các tuyến đường có bị cắt đứt do ảnh hưởng các cuộc không kích hay . Các đợt không kích của Israel vào các cửa khẩu phía đông Lebanon trong những tuần gần đây đã từng phong tỏa các tuyến đường sang Syria.
Theo thông tin từ Hội Trăng Đỏ Syria, một nhân viên tình nguyện đã thiệt mạng và một người khác bị thương "trong khi đang thực hiện nhiệm vụ nhân đạo cứu trợ người bị thương vào sáng sớm thứ Tư".
Tổ chức này cho biết các cuộc không kích đã làm hư hại một số xe cứu thương và các điểm làm việc.
Theo đài truyền hình quốc gia Syria, đã 18 người bị thương, một số trong tình trạng nguy kịch, tại một cuộc không kích của Israel tại cửa khẩu biên giới Arida. Những người bị thương được đưa đến các bệnh viện lân cận. Thương vong cũng được báo cáo tại một cuộc không kích riêng biệt của Israel tại cửa khẩu Dabousieh với Lebanon.
Quân đội Israel chưa lên tiếng bình luận. Trước đây, lực lượng này từng khẳng định nhắm mục tiêu vào các địa điểm mà họ cho là của Iran tại Syria như một phần chiến dịch rộng lớn nhằm hạn chế ảnh hưởng của Iran và đồng minh Hezbollah trong khu vực.
Úc: Dữ liệu công trình xây dựng ghi nhận mức tăng vượt dự báo
Theo ghi nhận trong quý III/2024:
- Dữ liệu công trình xây dựng: +1.6% so với quý trước (Trước đó: 0.1%; Dự kiến: 0.3%)
Dữ liệu này ghi nhận kết quả tích cực cho nền kinh tế của quóc gia này.
New Zealand: MPC công bố biên bản cuộc họp sau khi điều chỉnh lãi suất
Sau khi giảm lãi suất 50bps về mức 4.25% như kỳ vọng, ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) vừa công bố báo cáo chính sách tiền tệ với những điểm nhấn quan trọng:
- Lạm phát: Tỷ lệ lạm phát hàng năm đã giảm và đang tiệm cận mục tiêu 1-3%. Kỳ vọng lạm phát và lạm phát lõi đang tiến về mức trung lập. Dự kiến sẽ có thêm các đợt điều chỉnh lãi suất cơ bản vào đầu năm 2025 nếu các điều kiện kinh tế thuận lợi.
- Điều kiện kinh tế: Hoạt động kinh tế của New Zealand hiện đang ở mức thấp, với sản lượng sản xuất dưới mức tiềm năng và áp lạm phát suy yếu được thúc đẩy từ thặng dư công suất. Ngoài ra, các diễn biến như giá nhập khẩu giảm và mức lương trong nước đang góp phần khiến lạm phát suy yếu.
- Triển vọng tương lai: Theo dự báo, nền kinh tế sẽ hồi phục vào năm 2025 nhờ điều kiện lãi suất thấp. Tăng trưởng việc làm nhiều khả năng còn trì trệ cho đến giữa năm 2025.
- Kinh tế toàn cầu: Tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo duy trì ở mức thấp, với những bất ổn địa chính trị và chính sách có thể làm tăng biến động kinh tế và lạm phát.
- Lập trường chính sách: MPC nhấn mạnh việc duy trì lạm phát gần mức trung lập sẽ hỗ trợ ứng phó với các cú sốc lạm phát trong tương lai.
Dự báo của RBNZ về lãi suất cơ bản:
- 4.07% vào tháng 3/2025
- 3.55% vào tháng 12/2025
Các dự báo này cho thấy khả năng sẽ còn nhiều đợt cắt giảm lãi suất. Ngân hàng sẽ có một cuộc họp chính sách vào tháng 2 tới.
Goodmorning from Dubaotiente. Tổng hợp thị trường 26.11: Sắc xanh bao trùm thị trường chứng khoán Mỹ, chính sách thuế quan của Trump duy trì "sức nóng" đối với nhà đầu tư, giá vàng tiếp tục biến động trước diễn biến của xung đột địa chính trị
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch hôm thứ Ba sau khi Tân Tổng thống Donald Trump công bố chính sách thuế quan mới. hỉ số S&P 500 và Dow Jones đều thiết lập các kỷ lục mới. Chỉ số Dow Jones tăng 123.74 điểm, tương đương 0.28%, đóng cửa ở mức 44,860.31 điểm, sau khi hồi phục từ mức giảm hơn 300 điểm trong phiên. Chỉ số S&P 500 tăng 0.57% lên 6,021.63 điểm. Nasdaq tăng 0.63% lên 19,174.30 điểm. Mặc dù chỉ số S&P 500 tăng điểm, một số cổ phiếu và quỹ đầu tư gặp khó khăn khi các nhà đầu tư phân tích tác động tiềm ẩn từ các chính sách Trump đề xuất. Cổ phiếu hai hãng ô tô Ford và General Motors lần lượt giảm khoảng 2.6% và 9%. Công ty rượu Constellation Brands - được biết đến với các nhãn bia Mexico Corona và Modelo - giảm hơn 3%. Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum Pardo cho biết bất kỳ mức thuế mới nào đối với nước này sẽ được đáp trả bằng thuế nhập khẩu từ Mỹ sang Mexico. Những diễn biến này diễn ra sau khi thông báo về việc ông Trump chọn Scott Bessent - một nhà điều hành quỹ phòng hộ - làm Bộ trưởng Tài chính, giúp củng cố niềm tin vào đợt hồi phục sau bầu cử. Tuy nhiên, chỉ số Russell 2000 tập trung vào các công ty vốn hóa nhỏ, sau khi lập đỉnh hôm thứ Hai, đã giảm 0.73% trong phiên thứ Ba.
- Dow Jones: 0.28%
- S&P 500: 0.57%
- Nasdaq: 0.63%
Trên thị trường FX, chỉ số DXY tăng nhẹ 0.04%, chạm mức 106.877 sau công bố về một loạt dữ liệu về thị trường bất động sản và niềm tin tiêu dùng cho thấy sự bất ổn của nền kinh tế trước thềm chuyển giao chính quyền. Theo số liệu kinh tế mới nhất, chỉ số giá nhà S&P/Case-Shiller tăng 0.2%, thấp hơn so với dự báo 0.3%. Chỉ số này duy trì đà tăng so với cùng kỳ năm ngoái với mức tăng 4.6% - một xu hướng không giảm kể từ tháng 6/2023. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn thấp hơn so với dự báo 4.8% và con số 5.2% của tháng trước. Xu hướng thị trường bất động sản tiếp tục cho thấy sự suy giảm khi số lượng nhà bán mới (ghi nhận theo năm) giảm xuống 0.610 triệu đơn vị, so với 0.738 triệu đơn vị của tháng 10. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 12/2023. Chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 11 đã tăng so với tháng trước, đạt 111.7 điểm so với 109.6 điểm trước đó, và vượt dự báo 111.30 điểm. Ngoài ra, các chuyên gia thị trường nhận định chính sách thuế quan bổ sung của Tổng thống Donald Trump đối với Trung Quốc, Canada và Mexico ngay từ ngày đầu nhiệm kỳ sẽ khởi đầu một giai đoạn biến động mạnh tại thị trường FX.
- Chỉ số DXY: +0.04%
- EURUSD: -0.07%
- GBPUSD không đổi
- AUDUSD: -0.45%
- NZDUSD: -0.19%
- USDJPY: -0.71%
- USDCHF: -0.03%
- USDCAD: +0.49%
Trong phiên thứ Ba, giá vàng rơi vào thế "giằng co" khi giảm xuống mức đáy trong tuần nhu cầu tài sản trú ẩn suy yếu sau thỏa thuận ngừng bắn của Israel-Lebanon. Tuy nhiên, lo ngại về tình hình Ukraine và các kế hoạch áp thuế của Tổng thống Donald Trump đã hạn chế đà giảm. Kết phiên, giá vàng tăng 0.31%, giao dịch ở mức 2,632.78 USD/oz. Cùng với sự kiện Israel-Lebanon, giá dầu cũng tiếp tục ghi nhận mức giảm trong phiên thứ Ba. Theo ghi nhận, HĐTL dầu Brent giảm 0.10 USD, về mức 72.45 USD/thùng. Cùng với đó, HĐTL dầu WTI giảm 0.09 USD, chạm mốc 68.93 USD/thùng. Giá Bitcoin vẫn chưa thể tiến tới mốc 100,000 USD, khi các nhà đầu tư quyết định chốt lời sau những đợt tăng giá sau cuộc bầu cử tổng thống. Trong tháng này, Bitcoin liên tục lập đỉnh mới, và các nhà đầu nắm giữ lâu dài đã gia tăng bán ra với số lượng lớn hơn. Thị trường trái phiếu phản ứng khá trầm lắng sau khi chứng khoán Mỹ ghi nhận đợt tăng lớn thứ hai trong năm. Các quan chức Fed thể hiện sự ủng hộ cho cách tiếp cận thận trọng trong việc cắt giảm lãi suất, theo biên bản từ cuộc họp chính sách gần đây nhất. Lợi suất trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ 10y tăng 3 điểm cơ bản lên 4.31%.
Doanh số bán nhà mới tại Mỹ trong tháng 10 thấp hơn dự kiến
- Doanh số bán nhà mới tại Mỹ trong tháng 10: 0.610 triệu căn, thấp hơn nhiều so với dự kiến 0.725 triệu
- Doanh số -17.3%
Quan chức BoC Mendes: Lạm phát sẽ sớm ổn định ở mức 2%
- Lạm phát sẽ ở mức 2% trong thời gian tới
- Điều này sẽ cho phép người tiêu dùng và doanh nghiệp Canada chi tiêu và đầu tư một cách tự tin
- Nếu nền kinh tế tăng trưởng theo dự báo của chúng tôi, thì chúng tôi sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất
- Chúng tôi sẽ đưa ra quyết định trong từng cuộc họp
Cập nhật phiên Mỹ: Khẩu vị rủi ro tích cực bất chấp Trump đe dọa áp thuế quan
Tối nay sẽ không có nhiều dữ liệu được công bố. Đối với thị trường FX, những biến động mạnh sau phát biểu của Trump đều đã lắng xuống, DXY giảm trở lại. HĐTL chứng khoán của Hoa Kỳ đang tăng. Lợi suất trái phiếu kho bạc vẫn đang giảm, điều này cũng đang gây áp lực lên đồng bạc xanh.
Trong phiên giao dịch sắp tới, báo cáo Niềm tin người tiêu dùng Hoa Kỳ sẽ là dữ liệu đáng chú ý nhất.
Bloomberg: Các nhà sản xuất dầu khí Mỹ sẽ không tăng mạnh sản lượng trong những năm tới
Bloomberg đưa tin rằng Chủ tịch Liam Mallon của Exxon Mobil Corp, phụ trách mảng Upstream (khai thác và sản xuất), đã phát biểu tại một hội nghị ở London rằng khẩu hiệu "khai thác đi, nào khai thác đi" (drill, baby, drill) của Trump sẽ khó có thể xảy ra dưới thời Trump bởi vì "phần lớn, nếu không muốn nói là tất cả nhà sản xuất, đều tập trung vào hiệu quả kinh tế trong hoạt động của họ".
Mỹ đang sản xuất hơn 13 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, vượt qua mọi quốc gia khác và tăng gần 45% trong thập kỷ qua.
Quan chức ECB Rehn: Dự kiến lạm phát sẽ đạt mục tiêu của ECB vào năm 2025
- Dự kiến lạm phát sẽ đạt mục tiêu của ECB vào năm 2025.
- Nền kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng chậm và phục hồi dần dần.
- Lạm phát tiền lương và dịch vụ vẫn dai dẳng, duy trì rủi ro lạm phát giảm chậm hơn dự kiến.
- Nếu số liệu thống kê và dự báo mới hỗ trợ quan điểm hiện tại về lạm phát và tăng trưởng, ECB nên tiếp tục cắt giảm lãi suất.
- Hướng giảm lãi suất là rõ ràng và tốc độ phụ thuộc vào dữ liệu.
- Chúng tôi có thể cắt giảm vào tháng 12 nếu dữ liệu và dự báo ủng hộ.
- Chúng tôi vẫn đang hướng tới lãi suất mức trung lập
Quan chức ECB Centeno: Lạm phát đang tiến gần đến mục tiêu 2%
- Nền kinh tế châu Âu đang đối mặt với sự trì trệ.
- Đó là cái giá phải trả để chống lạm phát.
Deutsche Bank: Nhu cầu USD sẽ suy yếu vào cuối tháng
- Công ty này cho biết, dựa trên mô hình của họ, đồng USD sẽ hoạt động kém hiệu quả hơn so với đồng EUR và CHF
Deutsche Bank lưu ý rằng các biến động của tài sản tại Mỹ sau cuộc bầu cử đang tạo ra các tín hiệu tái cơ cấu đáng kể do hiệu suất tương đối tốt của cổ phiếu. Theo các tín hiệu từ mô hình của họ, điều này sẽ cho thấy khả năng nhu cầu lớn đối với EUR và CHF so với USD.
Công ty cũng chỉ ra nhu cầu USD yếu hơn từ các doanh nghiệp. Nhưng nếu điều đó xảy ra, thì dòng tiền cuối tháng này có thể khá im ắng.
Quan chức ECB Villeroy: Các chính sách của Trump có tác động hạn chế đến lạm phát của châu Âu
Tuy nhiên, ông Villeroy nói rằng các chính sách của Trump có thể có khả năng tác động đến lãi suất điều hành. Và điều đó đúng, đặc biệt nếu thuế quan làm gia tăng thêm các khó khăn kinh tế cho châu Âu. Hiện tại, các nhà hoạch định chính sách tiếp tục cố gắng và duy trì câu chuyện về một cuộc hạ cánh mềm trong giai đoạn "phục hồi" này.
Vàng tích lũy quanh mốc 2,620 USD/oz
Giá vàng ổn định sau khi giảm hơn 3% trong phiên trước. Kim loại quý được hỗ trợ nhờ nhu cầu trú ẩn do những rủi ro đến từ chính sách thuế quan mà Donald Trump áp lên Canada, Mexico và Trung Quốc. Vàng giao ngay giao động quanh mốc 2,619 USD/ounce trong phiên, phục hồi một phần sau khi giá giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 18/11.
Chỉ số DXY giảm xuống dưới 107, xóa bỏ phần lớn gap tăng trong ngày
Thị trường FX đã có phản ứng mạnh mẽ sáng nay sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ áp dụng thuế 25% đối với tất cả các sản phẩm từ Mexico và Canada, cùng với thuế 10% bổ sung đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Nhìn chung, phản ứng tức thời của thị trường khá nhẹ nhàng, một phần vì mối đe dọa về thuế quan đã được thông báo từ trước. Tuy nhiên, câu hỏi vẫn còn là về thời gian áp dụng thuế và mức độ cụ thể của chúng. Ngoài ra, cũng chưa rõ liệu Trump có đang dùng thuế quan như một công cụ để đạt được các mục tiêu khác hay không, nhằm cân bằng lại các lợi ích kinh tế giữa các quốc gia.
Theo các nhà phân tích OCBC, động lực tăng giá của USD có vẻ đang dần suy yếu. Mặc dù mối lo ngại về thuế quan đã gây ra phản ứng tức thời, nhưng thiếu sự tiếp diễn. Việc đánh giá triển vọng của USD quá tích cực, kết hợp với các tín hiệu kỹ thuật và khả năng ảnh hưởng do yếu tố chu kỳ vào tháng 12 (chỉ số DXY thường giảm từ tháng 10 tháng 12 trước đây) có thể là những yếu tố làm chậm lại hoặc thậm chí đảo ngược đà tăng của USD.
BTC đối mặt với nguy cơ bị giảm mạnh nếu "mất" mốc 92,500 USD
Bitcoin đang đối mặt với nguy cơ giảm giá mạnh nếu phá xuống dưới hỗ trợ 92,500 USD. Dữ liệu từ Cointelegraph và TradingView cho thấy mức giá $92,600 đã hình thành đáy giá BTC trên Bitstamp.
Trong ngày 25/11, BTC/USD đã giảm 5,000 USD. Dù xuất hiện một vài nhịp hồi, nhưng vẫn chưa đủ sức thuyết phục nhà đầu tư rằng giá đã chạm đáy.
Nhà đồng sáng lập của Material Indicators, Keith Alan, nhận định nhịp hồi ngắn hạn này chỉ là cái "bẫy" để các nhà đầu tư mua vào.
Nhà đầu tư nổi tiếng Skew nhấn mạnh vùng hỗ trợ 92,500 - 92,000 USD là khu vực quan trọng để quyết định xem liệu Bitcoin sẽ tiếp tục tăng hay giá hay gặp phải một đợt điều chỉnh sâu hơn. Skew cũng chỉ ra rằng đà giảm hiện tại của Bitcoin có sự tương đồng với đợt điều chỉnh sau khi Bitcoin đạt mức cao nhất mọi thời đại (ATH) đầu tiên tại 93,500 USD vào đầu tháng 11.
Lịch kinh tế hôm nay có gì đáng chú ý?
Điểm nổi bật chính trong ngày hôm nay là báo cáo Niềm tin người tiêu dùng của Mỹ. Bên cạnh đó, cũng sẽ có một số dữ liệu ít quan trọng hơn như Chỉ số giá nhà tại Mỹ và một số dữ liệu khác từ các ngân hàng trong khu vực. Cuối ngày, Biên bản cuộc họp FOMC sẽ được công bố, tuy nhiên, như thường lệ, không có nhiều thông tin mới được kỳ vọng.
Sự kiện nổi bật hôm nay là các mức thuế mà Trump đề xuất, với một trong những sắc lệnh đầu tiên sẽ là áp thuế 25% lên tất cả các sản phẩm nhập khẩu từ Mexico và Canada, cùng với mức thuế 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc.
Lịch phát biểu của các quan chức ngân hàng trung ương:
- 15:00: Quan chức ECB Villeroy (trung lập - có quyền bỏ phiếu)
- 16:00: Quan chức ECB Centeno (dovish - có quyền bỏ phiếu)
- 17:00: Quan chức ECB Rehn (trung lập - có quyền bỏ phiếu)
- 20:00: Quan chức ECB Muller (hawkish - có quyền bỏ phiếu)
- 20:05: Quan chức BoC Mendes
- 20:30: Quan chức ECB Kazaks (hawkish - có quyền bỏ phiếu)
- 22:00: Quan chức BoE Pill (trung lập - có quyền bỏ phiếu)
Israel chuẩn bị phê duyệt thỏa thuận ngừng bắn với Hezbollah
Vào thứ Ba, một quan chức cấp cao của Israel cho biết:
- Israel có thể sẽ phê duyệt kế hoạch ngừng bắn của Mỹ với Hezbollah, lực lượng được Iran hậu thuẫn.
- Điều này mở đường cho việc kết thúc cuộc chiến đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng kể từ khi bùng phát do xung đột ở Gaza 14 tháng trước.
Nội các an ninh của Israel dự kiến sẽ họp vào chiều thứ Ba để thảo luận và có khả năng phê duyệt văn bản này dưới sự chủ trì của Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Các nguồn tin từ Lebanon cho biết việc ngừng bắn có thể được công bố bởi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Phát ngôn viên an ninh quốc gia Nhà Trắng, John Kirby, cho biết vào thứ Hai rằng "chúng tôi gần đạt được thỏa thuận," nhưng "chưa có gì chắc chắn cho đến khi mọi thứ hoàn tất." Phủ Tổng thống Pháp cho biết các cuộc thảo luận về ngừng bắn đã có những tiến triển quan trọng.
Quan chức ECB Guindos: Mối lo ngại chuyển từ lạm phát sang vấn đề tăng trưởng kinh tế
- Chúng tôi sẽ đa ra dự báo mới vào tháng 12, nhưng hiện tại tăng trưởng kinh tế vẫn yếu.
- Rủi ro từ địa chính trị và các thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ đang gia tăng, điều này làm tình hình thêm bất ổn.
- Khi áp thuế, các quốc gia sẽ phải đối mặt với sự trả đũa, và điều này có thể tạo ra một vòng xoáy nguy hiểm.
- Vì vậy, có khả năng ECB sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 12.
- Thị trường hiện đang dự đoán khoảng 56% khả năng sẽ cắt giảm 25 điểm cơ bản, 44% khả năng cắt giảm 50 điểm cơ bản.
Sắc đỏ bao trùm thị trường chứng khoán châu Âu đầu phiên thứ Ba
Cổ phiếu châu Âu giảm điểm khi các nhà đầu tư đánh giá tác động toàn cầu từ kế hoạch của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhằm tăng thuế đối với hàng hóa từ Trung Quốc, Mexico và Canada.
Vào tối thứ Hai, Donald Trump tuyên bố rằng một trong những hành động đầu tiên khi nhậm chức sẽ là áp đặt thuế nhập khẩu bổ sung 10% đối với tất cả hàng hóa từ Trung Quốc vào Mỹ. Ông cũng đe dọa sẽ áp dụng mức thuế 25% đối với hàng hóa từ Mexico và Canada, đồng thời chấm dứt thỏa thuận thương mại tự do khu vực (USMCA).
- Chỉ số Eurostoxx giảm 0.7%
- Chỉ số DAX của Đức giảm 0.5%
- Chỉ số CAC40 của Pháp giảm 0.8%
- Chỉ số FTSE của Vương quốc Anh giảm 0.3%
- Chỉ số IBEX của Tây Ban Nha giảm 0.8%
- Chỉ số FTSE MIB của Ý giảm 0.9%
Bộ trưởng kinh tế Đức: Cần xem xét nghiêm túc mối đe dọa về thuế quan của Trump
- Liên minh châu Âu cần phải đoàn kết.
- Châu Âu cần phải thương lượng với Mỹ để tránh một cuộc chiến thương mại làm tổn hại tất cả các bên.
- Canada và Mexico là những mục tiêu đầu tiên của Trump, vì vậy châu Âu cần cảnh giác do Trump có thể sẽ nhắm đến khu vực này.
Rabobank dự đoán EUR/USD sẽ giảm xuống 1.0000 vào giữa năm 2025
Rabobank nhận định:
- Nền kinh tế khu vực Eurozone, đặc biệt là Đức có thể chịu tác động tiêu cực từ các thuế quan thương mại của Trump
- Các nhà xuất khẩu Đức sẽ tận dụng được cơ hội EUR suy yếu.
- Điều này có thể thúc đẩy ECB phải cắt giảm lãi suất nhiều hơn.
- Các chính sách tăng cường thuế quan và cắt giảm thuế của Trump có thể làm gia tăng lạm phát và hạn chế việc cắt giảm lãi suất của Fed.
- Fed có thể sẽ tạm dừng nới lỏng sau tháng 1/2025.