Tỷ giá tham chiếu USD/CNY hôm nay: 7.1907
- Dự kiến: 7.2312
- Giá đóng cửa trước đó: 7.2288
- PBOC bơm 39 tỷ nhân dân tệ thông qua reverse repo 7 ngày, đặt lãi suất ở mức không đổi 1.5%
- 134 tỷ nhân dân tệ reverse repo sẽ đáo hạn vào ngày hôm nay.
- Một khoản bơm ròng tương đương 95 tỷ nhân dân tệ được thông qua trong hoạt động thị trường mở trong ngày
USD/JPY biến động sau bài phát biểu của Thống đốc BoJ Ueda
USD/JPY tăng cao, đạt khoảng 154.98:
Bài phát biểu của Thống đốc BoJ Ueda có gì đáng chú ý?
Hoạt động kinh tế
- Khu vực doanh nghiệp: Tâm lý kinh doanh đã được cải thiện, với lợi nhuận của doanh nghiệp đang có xu hướng tăng. Các công ty duy trì lập trường đầu tư tích cực, tập trung vào các lĩnh vực tăng trưởng trong tương lai như số hóa và phi carbon hóa.
- Khu vực hộ gia đình: Tiêu dùng tư nhân cho thấy xu hướng tăng vừa phải, được hỗ trợ bởi mức tăng rõ ràng về tiền lương danh nghĩa và tiền thưởng mùa hè.
- Triển vọng chung: Chu kỳ lành mạnh của việc tăng thu nhập dẫn đến chi tiêu cao hơn đang dần tăng cường, với GDP thực tế dự kiến sẽ tăng khoảng 1% trong các năm tài chính tới.
Diễn biến lạm phát
- Lạm phát hiện tại: CPI y/y đối với tất cả các mặt hàng không bao gồm thực phẩm tươi sống ở mức 2.4% vào tháng 9 năm 2024. Trong khi tác động của mức tăng giá nhập khẩu trước đây đã giảm bớt, lạm phát dịch vụ vẫn ổn định, cho thấy động lực lạm phát đang chuyển từ chi phí đẩy sang mức tăng lương trong nước.
- Triển vọng: CPI dự kiến sẽ tiếp tục tăng vừa phải, với lạm phát chính chậm lại khi sản lượng được cải thiện và lạm phát kỳ vọng trung hạn đến dài hạn tăng lên.
Chính sách tiền tệ
- Điều chỉnh chính sách: Vào tháng 7 năm 2024, BoJ đã tăng lãi suất chính sách lên khoảng 0.25% và vạch ra kế hoạch giảm mua TPCP, hướng tới mục tiêu lạm phát ở mức 2% một cách bền vững.
- Lập trường tương lai: Ngân hàng có kế hoạch tiếp tục tăng dần lãi suất chính sách, duy trì các điều kiện tài chính thích ứng để hỗ trợ hoạt động kinh tế.
- Thống đốc Ueda nhấn mạnh tầm quan trọng của cách tiếp cận cân bằng đối với chính sách tiền tệ, đảm bảo rằng các điều chỉnh được thực hiện thận trọng để tránh các cú sốc kinh tế và hỗ trợ chu kỳ lành mạnh đang diễn ra giữa tiền lương và giá cả.
PMI dịch vụ của New Zealand cải thiện một chút trong tháng 10
PMI dịch vụ của New Zealand trong tháng 10 ở mức 46.0, trước đó: 45.7.
PMI của ngành dịch vụ New Zealand vẫn đang trong tình trạng thu hẹp và thấp hơn nhiều so với mức trung bình 53.1 trong lịch sử khảo sát
Bình luận của Chuyên gia kinh tế cấp cao Doug Steel của BNZ:
“Mặc dù đang thu hẹp với tốc độ chậm hơn nhiều so với tháng 6 (khi PSI ở mức 41.1), PSI đã dao động trong khoảng từ 45 đến 46 trong bốn tháng qua. Triển vọng hoạt động của ngành đã được cải thiện trong các cuộc khảo sát kinh doanh gần đây, nhưng tình hình hiện tại vẫn cực kỳ khó khăn”.
Goodmorning from Dubaotiente. Tổng hợp thị trường ngày 15.11: Chứng khoán Hoa Kỳ lao dốc khi các nhà đầu tư lo ngại về lộ trình lãi suất của Fed, Vàng có tuần "tệ nhất" trong hơn 3 năm
Cổ phiếu lao dốc vào thứ Sáu khi đợt phục hồi sau bầu cử bị xoá bỏ và các nhà đầu tư lo lắng về lộ trình lãi suất của Fed. Chỉ số Dow Jones giảm 305.87 điểm, đóng cửa ở mức 43,444.99. Chỉ số S&P 500 giảm 1.32% và đóng cửa ở mức 5,870.62, trong khi Nasdaq Composite giảm 2.24% xuống còn 18,680.12. Sự sụt giảm của cổ phiếu dược phẩm đã gây áp lực lên Dow Jones và S&P 500. Tổng thống đắc cử Donald Trump cho biết hôm thứ Năm rằng ông có kế hoạch đề cử người có "định kiến" với vắc-xin Robert F. Kennedy Jr. làm người đứng đầu Bộ Y tế. SPDR S&P Biotech ETF (XBI) đã giảm hơn 5% và ghi nhận tuần tồi tệ nhất kể từ năm 2020. Ngành công nghệ của S&P 500 là lĩnh vực có hiệu suất kém nhất, giảm hơn 2%, khi Nvidia, Meta Platforms, Alphabet và Microsoft đều giảm. Tesla là một ngoại lệ hiếm hoi trong số Mag 7, khi cổ phiếu của gã khổng lồ xe điện tăng 3%. Các nhà giao dịch cũng lo ngại về những bình luận gần đây từ Chủ tịch Fed Jerome Powell, người đã phát biểu vào thứ Năm rằng NHTW không vội vàng cắt giảm lãi suất. Ông lưu ý rằng sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế sẽ cho phép các nhà hoạch định chính sách có thời gian để quyết định mức độ cắt giảm lãi suất. Chủ tịch Fed Boston Susan Collins đã đưa ra quan điểm thận trọng hơn nữa khi nói với The Wall Street Journal rằng việc cắt giảm lãi suất vào tháng tới không phải là điều chắc chắn. Dữ liệu bán lẻ tháng 10 vào thứ Sáu cho thấy mức tăng 0.4%, tốt hơn một chút so với dự báo 0.3% từ các nhà kinh tế được Dow Jones thăm dò. Phát hiện đó diễn ra sau báo cáo CPI 10 phù hợp với dự đoán của các nhà kinh tế. Các chỉ số chứng khoán Hoa Kỳ đã tăng trưởng sau chiến thắng của Trump - ba chỉ số chính đã đạt mức đỉnh mới vào đầu tuần - nhưng đà tăng đã chậm lại. Tính đến hết ngày cuối tuần, S&P 500 đã ghi nhận mức giảm 2.1%, trong khi Nasdaq Composite giảm khoảng 3.2%. Chỉ số Dow Jones đã giảm 1.2% trong tuần này.
- Dow Jones -0.70%
- S&P 500 -1.32%
- Nasdaq -2.24%
Trên thị trường FX, JPY mạnh nhất, GBP yếu nhất trong nhóm tiền tệ chính. USD/JPY đã xoá bỏ một số mức tăng trong tuần, cặp tiền này đã lao dốc xuống 154.3 từ mức 156.3. JPY đã bù đắp được đợt lao dốc trong tuần khi chính phủ Nhật Bản đã có một số can thiệp bằng ngôn từ nhằm hỗ trợ đồng tiền. GBP đang trên đà giảm mạnh nhất trong tuần kể từ tháng 1 năm 2023, ở mức khoảng 2.4%. GBP phản ứng rất ít với dữ liệu cho thấy nền kinh tế Anh bất ngờ suy giảm vào tháng 9 và tăng trưởng chậm lại trong quý thứ ba. Chỉ số DXY chạm đỉnh trong một năm ở mức 107.07, tăng gần 1.65% trong tuần này, đạt hiệu suất tốt nhất kể từ tháng 9. Việc Fed hawkish hơn đã thúc đẩy sức mạnh của USD.
- Chỉ số DXY -0.18%
- EURUSD +0.08%
- GBPUSD -0.38%
- AUDUSD +0.09%
- NZDUSD +0.29%
- USDJPY -1.26%
- USDCHF -0.27%
- USDCAD +0.17%
Giá Vàng vào thứ Sáu đang trên đà giảm mạnh nhất trong hơn ba năm qua do kỳ vọng về việc Fed cắt giảm lãi suất ít chậm hơn đã thúc đẩy USD, làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý đối với các nhà đầu tư. Vàng giảm 0.1% xuống còn 2,562.59 USD/ounce. Giá đã giảm hơn 4% trong tuần này, chạm mức thấp nhất kể từ ngày 12 tháng 9 vào thứ Năm. USD đã thiết lập mức tăng trong tuần lớn nhất trong hơn một tháng, khiến vàng trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác. Lợi suất TPCP tăng nhẹ vào thứ Sáu, khép lại một tuần đầy biến động. Lợi suất 10y tăng khoảng 2 bps lên mức 4.439%. Lợi suất 2y được giao dịch lần cuối ở mức khoảng 4.307%, tăng khoảng 1 bps. Tuần trước, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 2 năm lần lượt kết thúc ở mức 4.31% và khoảng 4.25%. Giá dầu lao dốc vào thứ Sáu đã do tình trạng dư cung đang nổi lên và USD mạnh làm thị trường suy yếu. Giá dầu WTI giảm 2.43% xuống 66.90 USD/thùng. Dầu thô WTI đã giảm gần 5% trong tuần này, trong khi dầu Brent đã giảm gần 4%.
Hàng tồn kho doanh nghiệp tháng 9 của Mỹ tăng ít hơn dự kiến
- Hàng tồn kho doanh nghiệp tháng 9 của Mỹ +0.1%, dự kiến +0.2%
- Hàng tồn kho bán lẻ không bao gồm ô tô +0.2%
Sản lượng công nghiệp tháng 10 của Mỹ giảm đúng như dự kiến
- Sản lượng công nghiệp tháng 10 của Mỹ -0.3%, đúng như dự kiến. Trong tháng trước đó, chỉ số này -0.4% (đã điều chỉnh thành -0.5%)
- Hiệu suất 77.1%, dự kiến 77.2%
Giá nhập khẩu của Mỹ trong tháng 10 tăng mạnh
- Giá nhập khẩu của Mỹ trong tháng 10 +0.3% m/m, +0.8% y/y
- Giá xuất khẩu +0.8% m/m, -0.1% y/y
Doanh số bán lẻ nhóm kiểm soát của Mỹ giảm trong tháng 10
- Doanh số bán lẻ tháng 10 của Mỹ +0.4%, dự kiến +0.3%
- Doanh số bán lẻ nhóm kiểm soát -0.1%, dự kiến +0.3%
- Doanh số bán lẻ theo năm +2.8%, trước đó +1.7%
- Doanh số bán lẻ lõi +0.1%, dự kiến +0.3%
Thị trường crypto hôm nay có tin tức gì đáng chú ý?
Hàn Quốc điều tra Upbit vì 600,000 hành vi vi phạm KYC
- Đơn vị tình báo tài chính (FIU) của Hàn Quốc thuộc Ủy ban dịch vụ tài chính (FSC) đã xác định được ít nhất 500,000 đến 600,000 hành vi vi phạm KYC tiềm ẩn của sàn giao dịch Upbit.
- Theo báo cáo của MK, FIU đã xác định nhiều trường hợp mà Upbit được cho là không tuân thủ các thủ tục KYC. Ví dụ, Upbit bị cáo buộc cho phép người dùng mở tài khoản bằng ID có dữ liệu cá nhân bị làm mờ như tên và số đăng ký, điều này không cho phép các cơ quan quản lý xác định đúng danh tính của họ.
- Do các vi phạm xác minh khách hàng bị cáo buộc, Upbit có thể sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt 100 triệu won (71,500 USD) cho mỗi trường hợp.
- Được thành lập vào năm 2017, Upbit là một trong những sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất tại Hàn Quốc và trên toàn cầu, giao dịch 2.2 tỷ USD mỗi ngày, theo CoinGecko.
Bitcoin, Ethereum ETF chứng kiến dòng vốn đầu tiên chảy ra kể từ cuộc bầu cử
- 11 quỹ ETF Bitcoin cùng nhau ghi nhận dòng vốn chảy ra khoảng 400.7 triệu USD, Bitcoin giảm 2% trong 24 giờ qua xuống còn 88,200 USD.
- Các quỹ ETF Ether cũng chứng kiến dòng vốn chảy ra đầu tiên kể từ chiến thắng của Trump, có khoảng 3.2 triệu USD chảy ra khỏi các quỹ. ETH đã giảm gần 5% trong 24 giờ qua và đang giao dịch dưới mức 3,100 USD.
- BlackRock hưởng lợi nhiều nhất trong ngày, các quỹ Bitcoin và Ether của họ chứng kiến dòng vốn chảy vào lần lượt là 126.50 triệu USD và 18.9 triệu USD.
- Đây là lần đầu tiên các quỹ ETF ghi nhận dòng vốn chảy ra kể từ khi Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức vào ngày 5 tháng 11, sự kiện này đã khởi đầu cho một đợt tăng giá tiền điện tử lớn khiến Bitcoin tăng vọt khoảng 30% lên mức đỉnh điểm gần 93,500 USD tính đến ngày 13 tháng 11.
Nhà lập pháp GOP giới thiệu dự luật thành lập quỹ dự trữ Bitcoin của tiểu bang
- Nhà lập pháp Pennsylvania Mike Cabell, một đại diện của GOP, đã giới thiệu một dự luật, nếu được thông qua, sẽ cho phép tiểu bang đầu tư tới 10% giá trị trái phiếu kho bạc của họ vào Bitcoin như một biện pháp phòng ngừa lạm phát.
- Cabell cho rằng sự bất ổn kinh tế và nhu cầu đa dạng hóa là những yếu tố thúc đẩy động thái này. Dự luật được giới thiệu vào ngày 13/11, sẽ cho phép tiểu bang phân bổ tiền từ Quỹ chung và Quỹ đầu tư của tiểu bang. Dự luật này được đồng tài trợ bởi Dân biểu Aaron Kaufer và phản ánh những nỗ lực vận động tương tự của Quỹ Hành động Satoshi.
- Cộng đồng tiền điện tử phản ứng tích cực, nhiều người cho rằng dự luật là một bước ngoặt đối với lĩnh vực này.
Cập nhật phiên Âu: Chứng khoán châu Âu "đỏ lửa", giá vàng hướng đến tuần giao dịch yếu nhất, Bitcoin quay về mốc 90,000 USD
Thị trường chứng khoán châu Âu chứng kiến phiên giao dịch đầy biến động trong ngày thứ Sáu, khi nhà đầu tư đánh giá các số liệu kinh tế mới và triển vọng cắt giảm lãi suất sau phát biểu thận trọng của Chủ tịch Fed Jerome Powell.
Chỉ số Eurotoxx 600 giảm nhẹ 0.43%, với diễn biến trái chiều ở các sàn giao dịch chính và các nhóm ngành. Cổ phiếu công nghệ giảm mạnh 1.82%, trong khi khai khoáng cùng dầu khí đều tăng hơn 1%.
Cổ phiếu Bavarian Nordic "rơi xuống đáy" với mức giảm 16% sau khi báo cáo doanh thu quý III sụt giảm do nhu cầu vaccine mpox không ổn định.
Nhóm cổ phiếu y tế cũng chịu áp lực giảm 2.3% khi giới đầu tư lo ngại về quyết định bổ nhiệm ông Robert F. Kennedy Jr. làm Bộ trưởng Y tế của Tân Tổng thống Donald Trump.
Về kinh tế vĩ mô, số liệu GDP Anh công bố hôm thứ Sáu - báo cáo đầu tiên sau thông báo ngân sách tháng 10 của chính phủ Công đảng - cho thấy tăng trưởng quý III chỉ đạt 0.1% so với quý trước, thấp hơn mức dự báo 0.2% của các chuyên gia kinh tế và giảm mạnh so với mức tăng 0.5% của quý II. Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves thừa nhận "không hài lòng" với con số này.
Thị trường cũng đón nhận báo cáo kết quả kinh doanh từ các công ty như Aegon, Experian, Cepsa. Tại Mỹ, Chủ tịch Fed Powell nhận định tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ đang cho phép các nhà hoạch định chính sách có thêm thời gian cân nhắc mức độ và tốc độ giảm lãi suất.
Giá vàng hiện đang ở mức 2,566 USD/oz ít biến động trong phiên thứ Sáu nhưng đang hướng đến tuần giảm mạnh nhất trong hơn ba năm do đồng USD mạnh lên và kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất ít hơn. Bitcoin quay về mức giá 90,000 USD sau khi giảm mạnh xuống mức 86,685 USD trong phiên thứ Năm.
Giá dầu giảm nhẹ vào phiên thứ Sáu do lo ngại dư cung và nhu cầu yếu khi đồng USD mạnh lên, át đi tác động từ việc dự trữ nhiên liệu của Mỹ giảm mạnh. Hiện tại, hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 0.12%, ở mức 72.32 USD/thùng. Cùng lúc đó, hợp đồng tương lai dầu WTI giảm 0.0%, xuống 68.52 USD/thùng.
Bitcoin quay về mốc 90,000 USD
Bitcoin quay về mốc 90,000 USD
Mỹ phê duyệt gói hỗ trợ 6.6 tỷ USD cho nhà máy sản xuất chip TSMC tại Arizona
Bộ Thương mại Mỹ vừa chính thức thông qua khoản trợ cấp 6.6 tỷ USD cho nhà máy sản xuất chip bán dẫn của Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) tại Phoenix, Arizona.
Hợp đồng này được ký kết sau thỏa thuận sơ bộ công bố hồi tháng 4. Đây là khoản hỗ trợ lớn đầu tiên được hoàn tất trong khuôn khổ chương trình 52.7 tỷ USD được thông qua năm 2022. Quyết định được đưa ra chỉ vài tuần trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump, người từng chỉ trích chương trình này, nhậm chức.
Trước đó, vào tháng 4, TSMC đã đồng ý mở rộng kế hoạch đầu tư thêm 25 tỷ USD, tổng quy mô lên tới 65 tỷ USD và xây dựng nhà máy thứ ba tại Arizona vào năm 2030. Công ty Đài Loan này sẽ sản xuất công nghệ chip 2 nanomet được cho là tiên tiến nhất thế giới tại nhà máy thứ hai ở Arizona, dự kiến đi vào hoạt động năm 2028. TSMC cũng cam kết sử dụng công nghệ sản xuất chip tiên tiến nhất của họ, được gọi là "A16", tại Arizona.
"Khi chúng tôi bắt đầu dự án này, nhiều người hoài nghi cho rằng TSMC có thể chỉ sản xuất chip 5 hoặc 6 nanomet tại Mỹ", Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn. "Thực tế, họ đang đưa công nghệ chip tiên tiến nhất của mình đến Mỹ."
DXY có thể bước vào vùng tích lũy
Thống đốc Fed Jerome Powell đã đề cập đến dự báo về kịch bản lạm phát quay về mức mục tiêu 2%, dù có thể trải qua "nhiều giai đoạn không ổn định". Thị trường đã giảm kỳ vọng về khả năng cắt giảm lãi suất 0.25 điểm phần trăm trong tháng 12 xuống còn 63% (so với 71% một tuần trước đó). Kỳ vọng này sẽ tiếp tục điều chỉnh khi có thêm các số liệu kinh tế Mỹ.
Điều này làm tăng sự chú ý vào các dữ liệu công bố tối nay, gồm doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp. Sau đó, số liệu PMI sơ bộ và chỉ số tâm lý tiêu dùng của Đại học Michigan sẽ được công bố vào thứ Sáu tuần sau.
Nếu các số liệu tốt hơn dự kiến, sự ổn định của nền kinh tế Mỹ sẽ được củng cố thêm, giúp duy trì mặt bằng lãi suất và sức mạnh đồng USD trong dài hạn, cho đến khi có các số liệu cho thấy kịch bản trái ngược.
Chủ tịch Fed Boston: Vẫn chưa thể hoàn toàn chắc chắn với kịch bản lãi suất vào tháng 12 tới
Theo bà Susan Collins, chủ tịch Fed Boston, khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 12 gần như đã vô cùng chắc chắn. Tuy nhiên, chi tiết về động thái này vẫn còn chưa rõ ràng. Bà nhấn mạnh:
- Chúng ta sẽ có thêm nhiều dữ liệu từ nay đến tháng 12 để đánh giá kịch bản này.
- Cần tiếp tục cân nhắc và đánh giá các yếu tố nào là quan trọng.
- Fed có thể sẽ giảm tốc độ cắt giảm lãi suất, nhưng còn quá sớm để khẳng định liệu Fed có tạm dừng điều chỉnh lãi suất trong tháng 12 hay không.
- Chính sách hiện tại của Fed vẫn mang tính thắt chặt
- Không thấy bằng chứng về áp lực giá cả mới.
Sau phát biểu của Chủ tịch Jerome Powell vào hôm qua, xác suất Fed cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong tháng 12 đã giảm xuống còn khoảng 63%. Những phát biểu của bà Collins tiếp tục củng cố khả năng Fed có thể tạm dừng cắt giảm lãi suất, khiến thị trường tài chính trở nên cẩn trọng hơn.
AUD/USD duy trì đà phục hồi trước thềm công bố dữ liệu bán lẻ Mỹ
AUD/USD tiếp tục đà phục hồi từ mức đáy 3 tháng trong phiên giao dịch hôm thứ Sáu, bất chấp những số liệu kinh tế quan trọng từ Úc được công bố hôm thứ Năm. Đáng chú ý, AUD cũng không bị ảnh hưởng nhiều bởi các số liệu kinh tế trái chiều từ đối tác thương mại lớn là Trung Quốc.
Theo công bố trước đó, doanh số bán lẻ của Trung Quốc tăng 4.8% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 10, vượt dự báo 3.8% và mức tăng 3.2% của tháng 9. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp chỉ tăng 5.3%, thấp hơn mức dự báo 5.6% nhưng cao hơn mức 5.4% của kỳ trước.
Trong cuộc họp báo, cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) đã nhấn mạnh sự phục hồi về kỳ vọng tiêu dùng trong tháng 10. Cơ quan này cho biết sẽ tăng cường điều chỉnh chính sách và kích cầu nội địa, đồng thời khẳng định các chính sách gần đây đã tác động tích cực đến nền kinh tế.
Đà phục hồi của AUD có thể được củng cố nhờ phát biểu của Thống đốc RBA Michele Bullock hôm thứ Năm. Bà Bullock khẳng định lãi suất đã đủ thắt chặt và sẽ giữ nguyên ở mức này cho đến khi NHTW thay đổi đánh giá về triển vọng lạm phát.
Thị trường hiện đang chờ đợi số liệu bán lẻ tháng 10 của Mỹ công bố vào thứ Sáu, cùng với phát biểu của các quan chức Fed. Trước đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhận định nền kinh tế Mỹ đang hoạt động "đặc biệt ổn định", tạo điều kiện cho Fed từng bước hạ lãi suất.
Chứng khoán châu Âu trái chiều: Bavarian Nordic giảm 16.5%; Alstom tăng 5.6%
Cổ phiếu của Bavarian Nordic giảm mạnh 16.5%, trở thành cổ phiếu giảm sâu nhất trong chỉ số Stoxx 600, sau khi công ty báo cáo doanh thu hàng năm theo quý III sụt giảm do nhu cầu không ổn định đối với vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ (mpox).
Ngược lại, cổ phiếu của Alstom, nhà sản xuất tàu hỏa của Pháp, tăng 5.6% nhờ kết quả tài chính khả quan và việc công ty xác nhận triển vọng kinh doanh cả năm trong tuần này.
Anh Quốc: 2 tỷ GBP được đầu tư cho xây dựng đường dây điện gió siêu công suất
Cơ quan Quản lý Năng lượng Anh (Ofgem) vừa chính thức phê duyệt gói tài trợ trị giá 2 tỷ GBP để xây dựng "đường cao tốc điện" dưới lòng biển phía Bắc.
Theo thông báo từ cơ quan quản lý, dự án Eastern Green Link 1 sẽ triển khai lắp đặt hệ thống cáp điện cao thế dài 196 km, nối liền Scotland với miền Bắc nước Anh. Dự án này dự kiến có thể cung cấp điện cho khoảng 2 triệu hộ gia đình.
Động thái này nằm trong kế hoạch đầy tham vọng của Chính phủ Anh trong việc mở rộng công suất điện gió ngoài khơi và hướng tới mục tiêu phát điện, không phát thải từ giờ đến 2030. Bên cạnh việc xây dựng các trang trại điện gió, phát triển hạ tầng lưới điện đóng vai trò then chốt trong việc đưa nguồn điện sạch đến người tiêu dùng, qua đó góp phần giảm chi phí điện năng.
Cổ phiếu ngành dược lao dốc sau khi Tổng thống Trump bổ nhiệm nhân sự mới
Cổ phiếu ngành dược thị trường chứng khoán châu Âu đã chứng kiến đợt bán tháo mạnh với mức giảm 2,02% sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump công bố quyết định bổ nhiệm ông Robert F. Kennedy Jr. làm Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh.
Các "ông lớn" dược phẩm như AstraZeneca, GSK, Sanofi và Convatec đều chịu áp lực bán mạnh, với mức giảm trên 2,7%. Giới đầu tư lo ngại về những thay đổi chính sách y tế dưới thời ông Kennedy - một người nổi tiếng với quan điểm hoài nghi về vaccine và thường xuyên đưa ra các học thuyết gây tranh cãi.
Đáng chú ý, cổ phiếu Bavarian Nordic "rơi tự do" với mức giảm 16.5%, một phần do báo cáo tài chính không như kỳ vọng của nhà đầu tư.
Ủy ban Châu Âu: Kinh tế Eurozone dự kiến phục hồi vào năm 2025 và 2026
Ủy ban Châu Âu dự báo kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng 0.8% vào năm 2024, đạt 1.3% vào năm 2025 và tiếp tục kéo dài đà tăng trưởng đến năm 2026, chạm mốc 1.6%. Lạm phát tại châu Âu cũng dự kiến được kiểm soát, với mức 2.4% vào năm 2024, 2.1% vào năm 2025 và 1.9% vào năm 2026.
Đáng chú ý, Ủy ban đã điều chỉnh dự báo đối với kinh tế Đức, cho thấy tăng trưởng kinh tế tại đây có khả năng suy yếu 0.1% trong năm nay, thay vì mức tăng 0.1% như dự báo trước đó vào mùa xuân. Trong khi đó, kinh tế Pháp dự kiến sẽ tăng trưởng 1.1% trong năm nay.
Xét về triển vọng kinh tế năm tới, ủy ban Châu Âu cũng cảnh báo về những rủi ro từ xung đột địa chính trị và động thái điều chỉnh chính sáng sau khi Trump tái đắc cử Tổng thống. Ngoài rủi ro từ các cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông, việc các đối tác giao thương thúc đẩy các biện pháp bảo hộ có thể tạo áp lực lớn đối với thương mại quốc tế trong thời gian tới.
Dữ liệu CPI tháng 10 chính thức tại Ý nhất quán so với sơ bộ
Theo công bố của Istat (Ý) về dữ liệu tháng 10:
- Dữ liệu CPI chính thức: +0.9% so với cùng kỳ năm ngoái (Sơ bộ: +0.9%; Trước đó: +0.7%)
- Dữ liệu HICP: +1.0% so với cùng kỳ năm ngoái (Sơ bộ: +1.0%; Trước đó: +0.7%)
Dự liệu lạm phát ổn định trong tháng 10, tại mức 1.8%. Mặc dù số liệu này có thể khiến các quan chức ECB yên tâm phần nào, lạm phát tại Đức vẫn đang là "nút thắt" chính của NHTW này.
USD/JPY suy yếu trước thềm công bố Doanh số bán lẻ của Hoa Kỳ
USD/JPY sụt giảm, phá vỡ chuỗi bốn ngày tăng vào thứ Sáu. Tuy nhiên, JPY đã phải đối mặt với những thách thức sau khi dữ liệu GDP quý 3 của Nhật Bản được công bố vào thứ Sáu. Tiềm năng tăng của cặp USD/JPY được hỗ trợ bởi sức mạnh USD. Các nhà giao dịch cũng đang chuẩn bị cho việc công bố dữ liệu Doanh số bán lẻ tháng 10 của Hoa Kỳ, dự kiến vào cuối thứ Sáu.
GDP sơ bộ của Nhật Bản tăng 0.2% q/q trong quý 3, giảm so với mức 0.5% trong quý trước, phù hợp với kỳ vọng của thị trường. Tăng trưởng GDP của quốc gia này trong quý 3 ở mức 0.9% y/y, vượt qua mức đồng thuận của thị trường ở 0.7%, nhưng cho thấy sự chậm lại mạnh so với mức tăng trưởng 2.2% được ghi nhận trong quý 2.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản, Katsunobu Kato, đã tuyên bố vào thứ Sáu rằng ông sẽ có hành động thích hợp để chống lại những biến động quá mức của thị trường FX. Kato nhấn mạnh tầm quan trọng của các biến động FX phản ánh các yếu tố cơ bản của nền kinh tế và bày tỏ lo ngại về những thay đổi đột ngột, một chiều trên thị trường.
Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản, Ryosei Akazawa, cho biết ông kỳ vọng sự phục hồi kinh tế khiêm tốn sẽ tiếp tục, được thúc đẩy bởi sự cải thiện trong việc làm và tiền lương. Tuy nhiên, Akazawa cũng nhấn mạnh nhu cầu theo dõi cẩn thận các rủi ro tiềm ẩn từ nền kinh tế toàn cầu và sự biến động trên thị trường tài chính và vốn.
USD/JPY hiện suy yếu xuống dưới 155.500:
CPI chính thức tháng 10 của Pháp phù hợp với dữ liệu sơ bộ
- CPI chính thức tháng 10 của Pháp ở mức 1.2% y/y, phù hợp với dữ liệu sơ bộ, trước đó 1.1%
- HICP 1.6% y/y, sơ bộ 1.5%, trước đó 1.4%
Lạm phát lõi đi ngang, ở mức 1.4% y/y vào tháng 10. Vì vậy, đây ít nhất một điểm sáng cho ECB mặc dù lạm phát vẫn tương đối cao ở Đức.
Cổ phiếu châu Âu giảm nhẹ khi mở cửa phiên giao dịch
- Eurostoxx -0.6%
- DAX -0.5%
- CAC 40 -0.8%
- FTSE -0.4%
- IBEX -0.3%
- FTSE MIB -0.5%
Điều này xoá bỏ mức tăng hôm qua khi các chỉ số châu Âu vẫn chuẩn bị kết thúc tuần ở mức thấp hơn. Sự sụt giảm ở đây đi kèm với tâm trạng tiêu cực hơn ở Phố Wall và hợp đồng tương lai S&P 500 cũng giảm 0.6% lúc này. Sự phấn khích sau bầu cử có vẻ đang lắng xuống, với USD cũng giảm nhẹ vào đầu phiên giao dịch.
Lịch kinh tế hôm nay có gì đáng chú ý?
Sự kiện đáng chú ý duy nhất trong phiên giao dịch châu Âu là bản công bố GDP của Anh. Chỉ có một số bản phát hành dữ liệu cấp thấp cho đến khi phiên giao dịch của Hoa Kỳ bắt đầu. Đó là lúc Báo cáo Doanh số bán lẻ của Hoa Kỳ sẽ được công bố, đây sẽ là điểm nhấn chính trong ngày.
20:30 theo giờ Việt Nam - Doanh số bán lẻ tháng 10 của Hoa Kỳ
Doanh số bán lẻ Hoa Kỳ M/M dự kiến ở mức 0.3% so với 0.4% trước đó, trong khi chỉ số M/M không bao gồm ô tô được dự kiến ở mức 0.3% so với 0.5% trước đó. Trọng tâm sẽ là doanh số bán lẻ của Nhóm kiểm soát dự kiến ở mức 0.3% so với 0.7% trước đó.
Chi tiêu của người tiêu dùng ổn định, đây là điều đáng mong đợi khi xét đến mức tăng trưởng tiền lương thực tế tích cực và thị trường lao động phục hồi. Sự gia tăng ổn định trong Tâm lý người tiêu dùng của UMich cho thấy tình hình tài chính của người tiêu dùng đang cải thiện.
HĐTL Eurostoxx giảm 0.6% trước giờ mở cửa phiên giao dịch
- Hợp đồng tương lai DAX -0.5%
- Hợp đồng tương lai CAC 40 -0.7%
- Hợp đồng tương lai FTSE -0.4%
Điều này diễn ra sau khi Phố Wall có biểu hiện tiêu cực hơn, với hợp đồng tương lai của Hoa Kỳ cũng giảm hôm nay. Hợp đồng tương lai S&P 500 hiện giảm 0.5% với cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà giảm. Hợp đồng tương lai Nasdaq giảm 0.7% khi phiên giao dịch châu Âu bắt đầu.
GDP sơ bộ quý 3 của Anh thấp hơn dự kiến
GDP sơ bộ của Anh:
- 0.1% q/q, dự kiến 0.2%, trước đó 0.5%
- 1.0% y/y, dự kiến 1.0%, trước đó 0.7%
Ước tính theo quý cho thấy nền kinh tế Anh hầu như không tăng trưởng trong quý 3, điều này làm nổi bật bối cảnh khó khăn hơn trong nửa cuối năm. BoE sẽ gặp khó khăn khi xem xét dữ liệu, đặc biệt là nếu điều kiện thị trường lao động cũng bắt đầu giảm nhanh hơn trong những tháng tới.
GDP trong tháng 9 của Anh không đạt được kỳ vọng
GDP tháng 9 của Anh giảm 0.1% so với tháng trước, thấp hơn nhiều so với mức dự kiến 0.2%, trước đó 0.2%
- Dịch vụ 0.0% m/m, dự kiến 0.2%, trước đó 0.1%
- Sản lượng công nghiệp -0.5% m/m, dự kiến 0.1%, trước đó 0.5%
- Sản lượng sản xuất 1.0% m/m, dự kiến -0.1%, trước đó 1.1% (điều chỉnh thành 1.3%)
- Sản lượng xây dựng 0.1% m/m, dự kiến 0.2%, trước đó 0.4% (điều chỉnh thành 0.6%)
Hợp đồng quyền chọn FX đáo hạn ngày hôm nay có gì đáng chú ý?
Sự chú ý duy nhất được dành cho cặp EUR/USD ở mức quan trọng 1.0500. Đây là một mốc kỹ thuật quan trọng đối với cặp tiền này và hợp đồng đáo hạn hôm nay làm nổi bật thêm sự quan tâm đối với mốc này. Đây là một mốc kỹ thuật mà phe bán sẽ phải vượt qua. Như vậy, điều này sẽ cung cấp một mức sàn cho hành động giá ít nhất là trong phiên giao dịch sắp tới.
Cập nhật thị trường phiên Châu Á: Thị trường biến động nhẹ, AUD và NZD phục hồi
Thị trường:
- Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0.86%
- Chỉ số Shanghai Composite giảm 0.35%
- Chỉ số Hang Seng tăng 0.48%
- Chỉ số S&P/ASX 200 tăng 0.61%
- Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc giảm 0.41%
- Vàng tăng lên mức $2,566.15
- Bitcoin ít thay đổi ở mức $87,451
Trên thị trường ngoại hối, USD giảm so với AUD và NZD khi các đồng tiền này hồi phục từ mức đáy. NZD/USD đã giảm xuống mức đáy kể từ tháng 11/2023 trong khi AUD/USD, nó đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 5 tháng 8. Các đồng tiền khác đang giao dịch trong phạm vi hẹp
Trước đó, người phát ngôn của Cục Thống kê Trung Quốc cho biết nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu phục hồi, mặc dù nhu cầu nội địa vẫn còn yếu. Trong tháng 10, các chỉ số kinh tế chính đã được cải thiện, với kỳ vọng của người tiêu dùng tăng lên và thị trường bất động sản bắt đầu ổn định. Các yếu tố tích cực, chẳng hạn như dòng tiền ngày càng tăng cho các nhà phát triển bất động sản và các chính sách hỗ trợ, dự kiến sẽ củng cố tăng trưởng quý IV. Trong khi tăng trưởng tiêu dùng phải đối mặt với những thách thức, chính phủ đặt mục tiêu tăng thu nhập hộ gia đình, thúc đẩy thương mại hàng tiêu dùng và mở rộng nhu cầu nội địa trong bối cảnh giá sản xuất trì trệ. Ngoài ra, Trung Quốc có kế hoạch mở rộng hỗ trợ chính sách cho việc cải tạo làng đô thị tới 300 thành phố, tiếp tục hỗ trợ sự ổn định và tăng trưởng kinh tế.
Tại Nhật Bản, hoạt động kinh tế theo số liệu thống kê được công bố hôm nay đã phục hồi từ mức thấp hơn tháng trước
Thị trường ngoại hối biến động nhẹ trước thềm phiên châu Âu
Biến động của các đồng tiền chính khá nhẹ nhàng với biên độ hẹp. Tuy nhiên, đồng USD vẫn đang ở vị thế tốt sau khi tăng trở lại trong phiên giao dịch hôm qua. Tâm lý thị trường được hỗ trợ bởi nhận định của Chủ tịch Fed Powell, rằng họ không quá vội vàng trong việc hạ lãi suất.
USD/JPY đang giữ trên mức 156.00 sau khi vượt qua mốc này vào hôm qua. Hiện tại, cặp tỷ giá này chỉ bị cản trở bởi ngưỡng kháng cự kỹ thuật là 160.00.
Trong khi đó, GBP/USD đang tiến gần đến mức thấp nhất kể từ tháng 7, còn AUD/USD đã chạm mức đáy tháng 4, dưới 0.6500.
EUR/USD đã có lúc chạm mốc 1.0500, nhưng phe mua đang giữ vững vị thế hiện tại. Như đã đề cập, đây là một mức quan trọng cần theo dõi đối với cặp tỷ giá này và cả tâm lý đối với đồng USD.
Với dữ liệu doanh số bán lẻ của Hoa Kỳ sẽ được công bố sau đó, thị trường có thể sôi động hơn trước khi nhà đầu tư bước vào cuối tuần.
WSJ: Israel đang tăng cường hoạt động quân sự tại Lebanon
Tờ WSJ đưa tin Israel đang mở rộng các hoạt động mặt đất ở miền nam Lebanon, đưa quân vào các ngôi làng xa hơn biên giới.
Những điểm chính:
- Sáu binh sĩ Israel đã thiệt mạng bởi các chiến binh Hezbollah trong một trong những sự cố chết người nhất kể từ khi chiến dịch bắt đầu.
- Mục tiêu ban đầu của Israel là đẩy lui Hezbollah khỏi biên giới và phá hủy cơ sở hạ tầng của tổ chức này; hàng trăm chiến binh Hezbollah đã bị tiêu diệt và kho dự trữ vũ khí tiên tiến đã bị thu giữ.
- Israel đã tăng cường các cuộc không kích ở miền nam Lebanon và thành trì Beirut của Hezbollah, nhắm mục tiêu vào các kho dự trữ vũ khí, bao gồm cả tên lửa đạn đạo và tên lửa đất đối hải.
- Israel đang tìm kiếm sự đảm bảo rằng họ có thể thực thi lệnh ngừng bắn nếu lực lượng Lebanon hoặc Liên Hợp Quốc thất bại, và nhằm mục đích ngăn chặn Hezbollah tái vũ trang.
- Lebanon và Hezbollah phản đối việc Israel thực thi lệnh ngừng bắn và đề nghị bổ sung bên trung gian thứ tư, có thể là Hoa Kỳ.
- Một số chuyên gia tin rằng Israel nên nhắm mục tiêu loại bỏ hoàn toàn Hezbollah và thậm chí yêu cầu các cuộc tấn công vào Iran để ngăn chặn việc tái thiết lập lực lượng của Hezbollah.
- Những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn đang được tiến hành, với sự lạc quan về một thỏa thuận trước khi Tổng thống đắc cử Trump nhậm chức, mặc dù vẫn còn những thách thức. Đề xuất do Hoa Kỳ làm trung gian sẽ di chuyển lực lượng Hezbollah về phía bắc sông Litani, với lực lượng Lebanon và Liên Hợp Quốc ngăn chặn sự trở lại của họ.
80% người Israel tin rằng tình hình an ninh hiện tại không an toàn để cư dân phía bắc trở về nhà.
Dữ liệu sản xuất công nghiệp tháng 9 của Nhật Bản được điều chỉnh tăng so với ước tính
- Tăng trưởng sản xuất công nghiệp tháng 9 của Nhật Bản được điều chỉnh lên mức 1.6% (Ước tính: 1.4%. Trước đó: -3.3%)
- Công suất hoạt động tăng 4.4% (Tháng trước: -5.3%)
- Hoạt động ngành dịch vụ giảm -0.2% (Ước tính: +0.2%. Tháng trước: -1.1%)
VanEck: Bitcoin sẽ liên tục vượt đỉnh trong hai quý tới
Matthew Sigel, trưởng bộ phận nghiên cứu tài sản kỹ thuật số của VanEck, cho biết BTC có thể đạt mốc $180,000 vào năm 2025: "Đồng tiền này hiện không có ngưỡng kháng cự kỹ thuật nào và có thể sẽ đạt được nhiều mức ATH trong hai quý tới".
Bitcoin (BTC) đã tăng khoảng 30% sau khi Donald Trump, người ủng hộ tiền điện tử, được bầu làm tổng thống. Mức đỉnh mới được thiết lập vào ngày 13/11 là $93,490, theo TradingView. Đà tăng của Bitcoin sau đó đã hạ nhiệt và hiện giao dịch quanh mức $88,100.
Dữ liệu của Google Trends cho thấy mức độ quan tâm của từ khóa "Bitcoin" hiện tại đã đạt mức gấp 3 lần kể từ mức đỉnh cũ tháng 05/2021.
Nhật Bản phát hành lượng trái phiếu trị giá 1,750 tỷ Yên
Thông tin lượng trái phiếu được phát hành trong phiên đấu giá lần này:
- Lợi suất: 0.706% (so với 0.562% tháng trước)
- Kỳ hạn: 5 năm
- Tỷ lệ dự thầu/trúng thầu: 3.81X (so với mức 3.73X tháng trước)
- Mức chênh lệch (spread): 0.02 (so với mức 0.03 trước đó)
Kết quả đấu giá trái phiếu lần này khá trái chiều, nhưng không quá tệ.
Goldman Sachs: Kỳ vọng doanh số bán lẻ tháng 10 tại Mỹ vẫn vững vàng
Goldman Sachs dự báo dữ liệu Doanh số bán lẻ tháng 10 tại Hoa Kỳ sẽ cho thấy sự tăng trưởng ổn định, với doanh thu lõi (không bao gồm nhiên liệu và ô tô) vững chắc, với dữ liệu toàn phần tăng nhẹ nhờ doanh số bán xe ô tô. Điều này phản ánh một môi trường chi tiêu tiêu dùng khá bền vững, mặc dù giá xăng có biến động.
Cục thống kê Trung Quốc: Nhu cầu trong nước vẫn chưa đủ mạnh, nhưng nền kinh tế đang dần hồi phục
Theo phát biểu của phát ngôn viên Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, nhu cầu trong nước vẫn chưa đủ mạnh, nhưng các chỉ số kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi tích cực trong tháng 10.
- Mặc dù nhu cầu trong nước còn yếu, các chỉ số kinh tế quan trọng như sản xuất công nghiệp và bán lẻ đã có sự cải thiện rõ rệt.
- Sản lượng công nghiệp tăng 5.3% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù thấp hơn dự báo 5.6%, nhưng doanh thu bán lẻ lại tăng trưởng mạnh mẽ, đạt mức tăng 4.8% nhờ vào kỳ nghỉ lễ và sự kiện mua sắm Ngày hội độc thân.
Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một số biện pháp để hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm gói hỗ trợ trị giá 1.4 nghìn tỷ NDT nhằm giảm bớt nợ của các chính quyền địa phương và cung cấp các ưu đãi thuế nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản. Tuy nhiên, sự phục hồi của Trung Quốc có thể gặp khó khăn do các yếu tố như cuộc bầu cử của Donald Trump và khả năng tăng thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc.
Mặc dù vậy, phát ngôn viên Cục Thống kê Trung Quốc vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế trong quý IV. Các dấu hiệu cho thấy thị trường bất động sản đang dần ổn định, với giá nhà có dấu hiệu hồi phục và dòng tiền của các nhà phát triển bất động sản đang cải thiện. Chính phủ tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ thị trường, đồng thời kỳ vọng lạm phát tiêu dùng sẽ tiếp tục ở mức tăng vừa phải.
Tuy nhiên, tăng trưởng tiêu dùng vẫn gặp phải một số hạn chế, và chính phủ dự kiến sẽ đẩy mạnh tăng thu nhập hộ gia đình và thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa tiêu dùng.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Kato: Đưa ra biện pháp thích hợp để ngăn chặn biến động tỷ giá quá mức
Bộ trưởng tài chính Nhật Bản Kato phát biểu vào sáng thứ Sáu:
- Có hành động thích hợp để đối phó với các biến động tỷ giá quá mức.
- Đặc biệt là những biến động 1 chiều và đột ngột trên thị trường ngoại hối.
- Điều quan trọng là tỷ giá biến động ổn định và phản ánh các yếu tố cơ bản.
- Chính phủ sẽ giám sát chặt chẽ thị trường ngoại hối với mức độ cảnh giác cao, bao gồm cả các hoạt động mang tính đầu cơ.
USDJPY giảm dần trong ngày sau các bình luận can thiệp từ Nhật Bản.
Chứng khoán châu Á hầu hết tăng điểm vào đầu phiên thứ Sáu
Cổ phiếu châu Á nhìn chung tăng điểm sau những biến động lớn trong phiên Mỹ thứ Năm do thị trường giảm bớt kỳ vọng giảm và khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 12. Vào rạng sáng nay, chủ tịch Fed Powell đã ra tín hiệu không vội nới lỏng trong thời gian tới do tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ vẫn lạc quan.
Cổ phiếu Trung Quốc dần phục hồi nhờ dữ liệu bán lẻ tăng vọt và tỷ lệ thất nghiệp bất ngờ giảm xuống, dù sản lượng công nghiệp và giá nhà giảm nhẹ.
Cổ phiếu Nhật Bản tăng cao hơn, được hỗ trợ bởi JPY suy yếu do dữ liệu sơ bộ cho thấy tăng trưởng kinh tế quý III chậm lại. Điều này có nguy cơ làm chậm lại quá trình bình thường hóa chính sách của BoJ, trong khi tại Mỹ, Fed đang dự tính không vội cắt giảm thêm lãi suất. Từ đó, tạo ra phân kỳ chính sách rõ hàng hơn giữa Fed và BoJ.
Cổ phiếu Hàn Quốc giảm điểm sau tin tức cho biết ông Donald Trump có thể xóa bỏ các khoản tín dụng thuế gianh cho việc mua xe điện.
Các chỉ số chứng khoán Trung Quốc dần phục hồi sau các dữ liệu kinh tế trái chiều
Chỉ số HangSheng của HongKong:
Chỉ số ShangHai của Thượng Hải: