Thị trường chứng khoán toàn cầu đều diễn biến tích cực trong ngày hôm qua trong bối cảnh các nhà đầu tư chờ đợi báo cáo thu nhập từ những doanh nghiệp lớn nhất nước Mỹ và cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang. Mặc dù số đơn đặt hàng hóa lâu bền không đạt kỳ vọng, S&P 500 vẫn đóng cửa tăng 0.18% lên 4,187.63, Nasdaq tăng 0.87% lên 14,138.78, cả 2 chỉ số này đều liên tục tạo đỉnh mới giai đoạn gần đây.
Giá vàng không biến động quá nhiều trong phiên giao dịch đầu tuần, có lúc giảm xuống $1,770/oz nhưng nhanh chóng đảo chiều tăng lại sau đó về giao dịch chủ yếu quanh vùng $1,780/oz. Lợi suất TPCP Mỹ không thể bứt phá có lẽ vẫn là nguyên nhân chính giữ giá vàng đi ngang trong ngày hôm qua.
Dầu thô biến động giật 2 chiều khá chóng mặt hôm thứ hai, suy yếu xuống vùng đáy tháng 4 tại $60.7/thùng vào phiên Âu nhưng bật ngược về vùng giá mở cửa tại $62/thùng vào phiên Mỹ. Cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch và có một số dấu hiệu tích cực từ châu Âu, nhưng thị trường năng lượng đang đối mặt với những sóng gió từ sự bùng phát virus ở Ấn Độ. Điều đó có thể gây ra cản trở cho liên minh OPEC +, vốn đã đồng ý bắt đầu bổ sung thêm nguồn cung từ tháng 5.
Trên thị trường FX, sự phân hóa thể hiện rõ đối với các đồng tiền trong nhóm G7 khi các đồng beta cao tăng rất mạnh trong khi EUR lại yếu đi phần nào. EUR/USD giảm nhẹ 0.1% xuống 1.2085, GBP/USD ít thay đổi, giao dịch tại 1.3896 trong một ngày không có nhiều yếu tố dẫn dắt xuất hiện. AUD/USD tăng tới hơn 50 pips lên 0.78 và USD/CAD mất gần 80 pips, hướng xuống vùng đáy tháng 3 tại 1.2367 nhờ tâm lý risk on tràn ngập trên hầu khắp các thị trường. CAD có vẻ vẫn tiếp tục được hưởng lợi từ dư âm cắt giảm chương trình mua trái phiếu của BOC vào tuần trước nhưng các nhà đầu tư nên cẩn trọng vì thời điểm cuối tháng sắp đến và tháng 5 thường chứng kiến thị trường chứng khoán sụt giảm. Các đồng lợi suất thấp như JPY và CHF giảm nhẹ so với đồng dollar ngày hôm qua.