Thị trường chứng khoán Mỹ đã tìm lại sắc xanh trong ngày hôm qua, với S&P 500 tăng 0.93% lên 4,173.4 trong khi chứng khoán châu Á lại suy yếu, Nikkei 225 mất hơn 2% do BOJ đã ngừng mua vào chứng chỉ ETF chỉ số này. Nhịp giảm hôm thứ ba do những lo ngại về số ca nhiễm Covid-19 bùng phát trên toàn cầu đã không thể đánh bại được sự lạc quan đến từ mùa báo cáo nhu nhập của các doanh nghiệp Mỹ.
Dầu thô đã có ngày sụt giảm thứ hai liên tiếp sau khi đạt đỉnh tại vùng $64/thùng khi Ấn Độ báo cáo tới hơn 250 nghìn ca nhiễm mới một ngày, một con số cao không tưởng trong khi đây là nước nhập khẩu dầu nhiều thứ ba thế giới. Tồn kho dầu thô tại Mỹ hôm qua cũng gây thất vọng, tăng 0.594 triệu thùng so với ước tính giảm 2.975 triệu thùng, hiện dầu WTI giao dịch quanh mức $61/thùng.
Giá vàng tiếp tục hưởng lợi từ sự suy yếu của USD và lợi suất TPCP Mỹ, có lúc đã gần chạm mức $1,800/oz trong phiên giao dịch hôm qua. Các quỹ ETF cũng đã quan tâm trở lại với kim loại quý này, chấm dứt đà bán ra và mua vào tương đối, khoảng gần 50,000 ounces.
Sự phục hồi của USD chẳng kéo dài được bao lâu, khi đồng Bạc xanh bị bán tháo liên tục trong phiên Mỹ tối qua. Tâm điểm trên thị trường FX chắc chắn là đồng CAD khi đồng tiền này giảm một mạch gần 200 pips từ 1.265 xuống đáy tại 1.2462 do quyết định cắt giảm chương trình mua trái phiếu từ 4 tỷ CAD/tuần xuống còn 3 tỷ CAD/tuần. BoC cũng cho biết lạm phát và GDP sẽ đạt mục tiêu vào năm 2022 và cho rằng làn sóng Covid-19 gần đây chỉ mang tính tạm thời. Hầu hết các đồng tiền khác trong nhóm G7 cũng đều hưởng lợi từ sự suy yếu trên diện rộng của USD, EUR/USD tăng hơn 30 pips lên 1.2034, GBP/USD hiện giao dịch quanh 1.393 sau đà giảm đầu ngày hôm qua. 2 đồng beta cao là AUD và NZD có mức tăng khá ấn tượng, gần 0.5% nhờ sự lạc quan trên thị trường chứng khoán. Riêng JPY và CHF ít thay đổi, do 2 đồng tiền trú ẩn này cũng không nhận được nhu cầu khi tâm lý risk on tràn ngập trên thị trường.