Thị trường chứng khoán châu Á có vẻ sẽ theo chân "các đồng nghiệp" tại Mỹ suy yếu khi Nikkei 225 giảm 1.38% xuống 29,284.69 ngay đầu phiên. Các chỉ số chính tại Mỹ ngày hôm qua đều chìm trong sắc đỏ, dẫn đầu bởi Tesla sau khi một chiếc xe không người lái của hãng đã gây tai nạn làm 2 người chết. S&P 500 giảm 0.53% xuống 41,63.27 và Nasdaq mất 0.98%, đóng cửa tại 13,914.77, thể hiện sự thận trọng của các nhà đầu tư sau đà tăng mạnh trước đó.
Về kim loại quý, vàng đã không thể duy trì đà tăng trước đó mặc dù đồng USD bị bán tháo trên diện rộng ngày hôm qua. Vàng tăng lên mức đỉnh tại $1,790/oz vào phiên Âu nhưng sau đó đã đảo chiều xuống quanh vùng $1,770/oz.
Giá dầu tăng nhẹ trong ngày hôm qua với dầu WTI tăng 0.65% lên $63.48/thùng, không có tin tức gì đáng chú ý trên thị trường dầu thô ngày hôm qua và đà tăng vẫn được duy trì nhờ nhu cầu tiêu thụ năng lượng ngày một cải thiện. Lượng tồn kho dầu thô tích lũy trong đại dịch của các nước phát triển đã gần như biến mất hoàn toàn và các tổ chức như OPEC+ và IEA cũng đưa ra dự báo rất lạc quan đối với dầu thô.
Đồng dollar nới rộng đà suy yếu, giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 12 năm ngoái, chỉ số DXY mất tới 0.58% xuống 91.081. Tin tức về lô hàng vắc-xin mới cung cấp đến châu Âu đã cải thiện triển vọng phục hồi kinh tế tại lục địa già, đẩy EUR/USD bứt phá ngưỡng kháng cự quan trọng 1.20. GBP mới là đồng tiền tâm điểm hôm qua, khi tăng tới gần 200 pips áp sát vùng 1.40 mà không có yếu tố dẫn dắt rõ ràng nào, theo JP Morgan thì các quỹ phòng hộ đã mua vào tích cực đồng Cable. Câu chuyện tương tự diễn ra trên cả các đồng beta cao và các đồng lợi suất thấp, đều có mức tăng mạnh mẽ so với USD. Trong đó, đáng chú ý là USD/JPY đang giao dịch tại mức kỹ thuật quan trọng là đường MA 50 ngày tại 108.00.