Tâm lý risk off sau nhiều ngày vắng bóng đã trở lại thị trường chứng khoán Mỹ vào ngày hôm qua khi thị trường hàng hóa tăng vọt làm dấy lên những lo ngại về lạm phát. Nhịp điều chỉnh ngày hôm qua rõ ràng không phải điều quá bất ngờ với các nhà đầu tư khi xét đến việc mức định giá cổ phiếu hiện nay đang quá cao. S&P 500 đóng cửa giảm 1.04% xuống 4,188.44, Nasdaq cũng mất tới 2.55%, còn 13,401.86.
Đà tăng mạnh của vàng trong tuần trước đã chững lại khi tiến gần đến kháng cự $1,850/oz, kim loại quý có lúc tăng lên đỉnh tại $1,845/oz vào hôm qua nhưng đã nhanh chóng đảo chiều sau đó. Vàng đóng cửa ngày hôm qua tăng nhẹ lên $1,836/oz.
Dầu thô diễn biến giằng co trong phiên giao dịch đầu tuần, kết phiên ít thay đổi tại mức 64.89 USD/thùng. Trong khi nhu cầu tiêu thụ năng lượng đang ngày một cải thiện tại các nước phát triển như Mỹ và châu Âu, sự bùng phát đại dịch tại các nước châu Á và Nam Mỹ đang là nguyên nhân chính kìm hãm đà tăng của "vàng đen". Bên cạnh đó, hệ thống dẫn dầu lớn nhất tại Mỹ vẫn chưa thể trở lại hoạt động sau khi bị tấn công mạng vào cuối tuần trước.
Trên thị trường FX, đồng USD đã phục hồi đôi chút vào phiên Mỹ hôm qua khi tâm lý tiêu cực len lỏi vào thị trường cổ phiếu. Các đồng tiền trong nhóm G7 đều có sự phân hóa rất rõ ràng, với EUR/USD giảm 0.28% xuống 1.21285 trong khi GBP/USD tăng tới hơn 100 pips lên 1.4117. Sự cẩn trọng trước báo cáo lạm phát tuần này tại Mỹ đã khiến khá nhiều đồng tiền không thể giữ được đà tăng trước đó nhưng đồng GBP vẫn cho thấy rằng không gì có thể cản nổi nó lúc này. Sau khi BoE nâng mạnh triển vọng kinh tế và giảm tốc độ chương trình mua trái phiếu, Cable đã tăng không ngừng nghỉ và mặc dù các đảng đòi độc lập đã giành được đa số ghế tại Quốc hội Scotland, sẽ không có cuộc trưng cầu dân ý nào xảy ra ít nhất cho đến năm sau. Các đồng beta cao như AUD và NZD tăng vào đầu ngày nhưng đều sụt giảm vào phiên Mỹ do chứng khoán suy yếu, CAD vẫn duy trì sức mạnh, đưa USD/CAD xuống vùng đáy năm 2017 tại 1.21. CHF tăng nhẹ trong khi JPY lại yếu đi.