Thị trường chứng khoán diễn biến tương đối trái chiều ngày hôm qua với cổ phiếu tại châu Âu tăng điểm trong khi các chỉ số tại Mỹ lại cho thấy sự suy yếu. Thị trường đã được hỗ trợ phần nào sau cuộc họp FOMC của Fed khi Powell vẫn cho rằng lạm phát chỉ mang tính tạm thời và "nhiều khả năng chúng ta sẽ không thấy lạm phát tăng ổn định cùng với sự cải thiện đáng kể trên thị trường lao động". S&P500 đóng cửa giảm 0.08% xuống 4,183.19; Nasdaq giảm 0.28%, giao dịch tại 14,051.03 và Dow Jones mất 0.48%, còn 33,820.39.
Dầu thô đã tăng trở lại mức đỉnh tháng 4 khi dường như những lo ngại về tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ không thể lấn át sự lạc quan của các nhà đầu tư. OPEC+ đã nâng triển vọng nhu cầu trong năm nay hồi đầu tuần và quyết định giữ nguyên kế hoạch sản lượng, thêm vào đó, dự báo giá dầu Brent đạt 80 USD/thùng vào quý 3 của Goldman Sachs cũng giúp đẩy "vàng đen" lên cao. Dầu WTI hiện tăng 0.27% lên $63.85/thùng.
Vàng đảo chiều sau khi chạm vùng đáy tháng 4 tại $1,762/oz nhờ lợi suất và đồng dollar suy yếu trở lại, tăng vọt lên $1,785/oz.
Hôm qua đúng là một ngày vô cùng "chóng mặt" với thị trường tiền tệ khi USD tăng cao và đẩy tất cả các đồng tiền khác giảm sâu từ đầu ngày cho đến hết phiên Âu. Nhưng khi bước vào phiên Mỹ, mọi chuyện đã đảo ngược hoàn toàn, USD liên tục bị bán tháo trước khi Fed "tặng thêm" một vài chất xúc tác cho đà giảm của đồng dollar với lập trường dovish. Lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng giảm khoảng 5 bps từ 1.66% xuống 1.613%, càng đè nặng lên đồng bạc xanh. USD tiếp tục là đồng tiền dẫn dắt trong nhóm G7, giúp EUR/USD đạt mức cao nhất kể từ tháng 3 tại 1.2136 và đang hướng tới mức đỉnh cũ tại 1.234. GBP/USD bật tăng gần 100 pips từ vùng đáy hôm qua lên 1.3956, điều tương tự cũng diễn ra với AUD và NZD. Dữ liệu bán lẻ rất ấn tượng của Canada ngày hôm qua đã giúp CAD trở thành một trong những đồng tiền có màn thể hiện mạnh mẽ nhất, USD/CAD giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 2 năm tại 1.2304.