Chỉ số DXY đi ngang trước thềm các dữ liệu kinh tế quan trọng từ Mỹ
- Chỉ số DXY không có sự biến động mạnh như ngày hôm qua
Việc EUR/USD chỉ giao dịch trong phạm vi 15 pip cho thấy thị trường giao dịch trầm lắng như thế nào trong phiên Châu Âu cho đến nay. Cặp tiền này vẫn giữ ngay trên mức 1.08 với lượng lớn quyền chọn cũng sẽ đáo hạn tại mức giá này
Sự hội tụ của đường MA 100 ngày (đường màu đỏ) và 200 ngày (đường màu xanh) tại mức 1.0789-02 cũng đang giúp tăng thêm sự chú ý xung quanh mức giá hiện tại.
Nhìn sang các cặp tiền tệ chính khác, USD/JPY tăng lên 157.18 nhờ phản ứng của lợi suất TPCP Mỹ sau cuộc họp của Fed ngày hôm qua, trong khi USD/CHF tăng 11 pip, USD/CAD tăng 18 pip và AUD/USD giảm 10 pip. Cả ba cặp tiền này đều có lượng quyền chọn đáo hạn lớn trong ngày hôm nay.
Trong phiên Mỹ, số liệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Mỹ và PPI sẽ được công bố.
Nhìn chung, phản ứng của thị trường sau báo cáo CPI chắc chắn đã được kiềm chế, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại. Hãy xem liệu dữ liệu kinh tế tiếp theo của Mỹ sẽ mang lại những gì.
Nhịp tích lũy 92 ngày của Bitcoin đang tạo điều kiện cho đà tăng mạnh mẽ trong thời gian tới
Tính đến ngày 13/06, Bitcoin đã trải qua giai đoạn tích lũy dài nhất trong lịch sử của đồng tiền này kéo dài 92 ngày và các nhà phân tích tin rằng điều này sẽ tạo điều kiện cho một "đợt tăng giá mạnh mẽ" cho tài sản này trong thời gian tới.
Biểu đồ chu kỳ tích lũy của Bitcoin trong bốn chu kỳ bốn năm. Nguồn: Mag
Trong thời điểm sau halving Bitcoin năm 2020, BTC đã có một giai đoạn tích lũy 21 ngày trước khi bứt phá và chạm mốc đỉnh mọi thời đại vào thời điểm đó là $69,000 vào tháng 11/2021.
Dữ liệu cho thấy BTC đã ở trong giai đoạn tích lũy kể từ khi đạt mức cao nhất mọi thời đại là $73,679 vào ngày 13 tháng 3, tức 92 ngày trước đó.
Các giai đoạn tích lũy được quy ước là khi là khi khối lượng giao dịch và mức biến động của Bitcoin thấp hơn bình thường. Kể từ khi đạt mức cao nhất mọi thời đại, Bitcoin đã được giao dịch trong phạm vi 26%, với mức đáy trong giai đoạn này là $58,253 vào ngày 2 tháng 5.
Vào ngày 16 tháng 5, nhà sáng lập Capriole Investments là Charles Edwards dự báo rằng nhịp tích lũy lớn này có thể kéo dài đến ít nhất là tháng 9 hoặc thậm chí là tháng 10/2024.
Eurostat: Sản xuất công nghiệp của Eurozone giảm trở lại trong tháng 4
- -0.1% so với tháng trước (dự báo: 0.2%, trước đó: điều chỉnh giảm từ 0.6% xuống 0.5%)
Phân tích cho thấy sự sụt giảm của hàng hóa trung gian (-0.4%) là nguyên nhân chính làm giảm mạnh sản lượng công nghiệp, dù được bù đắp bằng mức tăng nhẹ về năng lượng (+0.4%), tư liệu sản xuất (+0.7%), hàng tiêu dùng lâu bền (+0.3%) và hàng tiêu dùng không lâu bền (+3.4%).
Cập nhật phiên Âu: USD tăng nhẹ so với các đồng tiền chính trong ngày
Lịch trình kinh tế đầu phiên Âu ảm đạm và thị trường FX đi ngang khi thiếu đi xúc tác từ các dữ liệu kinh tế quan trọng. USD ổn định trở lại sau khi bị bán tháo do dữ liệu lạm phát tháp hơn dự kiến vào thứ Tư. Các cặp tiền chính chủ yếu chỉ +/- khoảng 0.1% trong ngày, ngoại trừ JPY giảm khoảng 0.35% so với USD. BoJ sẽ công bố các quyết định chính sách tiền tệ trong phiên Á ngày mai.
CPI tại Tây Ban Nha tăng mạnh hơn trong tháng 5 như kỳ vọng. EUR/USD tăng khoảng 10pip sau tin, nhưng đây mới chỉ là dữ liệu của một tháng nên các nhà đầu tư vẫn cần thêm thông tin để có thêm cái nhìn toàn cảnh về triển vọng lạm phát châu Âu.
Trong nửa cuối ngày, báo cáo Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần và PPI tháng 5 sẽ được công bố vào tối nay. Ngoài ra, quan chức Fed Waller cũng sẽ có bài phát biểu vào tối muộn hôm nay. Thị trường đang đón chờ xem quan điểm của ông đối với dotplot và dự báo kinh tế mới nhất của Fed có tương tự như những gì Chủ tịch Powell đã chia sẻ đêm qua hay không.
Tại các thị trường khác:
- Vàng giảm nhẹ 0.35% xuống $2316/oz
- Dầu WTI giảm 0.5% xuống $78/thùng khi dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng mạnh hơn kỳ vọng
- Chứng khoán châu Âu giảm nhẹ do những lo ngại tiềm ẩn về bất ổn chính trị tại châu Âu
UBS: Dự báo Fed chỉ cắt giảm lãi suất 1 lần vào tháng 12
Theo UBS:
- Dữ liệu sẽ cần phải hạ nhiệt đủ mạnh để thị trường có thêm niềm tin vào việc lãi suất được cắt giảm vào tháng 9".
- Báo cáo lạm phát ngày hôm qua đã xây dựng lại niềm tin của thị trường, nhưng ta cần có nhiều dữ liệu hạ nhiệt hơn thế
- Khả năng Fed sẽ chỉ cắt giảm lãi suất từ 0 đến 1 lần là cao hơn so với khả năng họ sẽ cắt giảm từ 2 đến 3 lần.
Điều gì đã thay đổi sau cuộc họp FOMC và báo cáo CPI?
Dữ liệu CPI của Mỹ trong tháng 5 thấp hơn dự kiến, khiến thị trường gia tăng kỳ vọng lên 2 lần cắt giảm lãi suất vào cuối năm và Fed sẽ dovish hơn. Tuy nhiên, Fed lại đưa ra các dự báo và biểu đồ dot plot nghiêng về phía hawkish hơn.
Về biểu đồ dotplot:
- Biểu đồ dotplot cho thấy các thành viên FOMC dự kiến sẽ chỉ có 1 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay, thay vì 2 lần như thị trường kỳ vọng
- Fed không điều chỉnh dự báo lạm phát sau công bố báo cáo CPI, có lẽ NHTW này muốn cẩn trọng hơn
- Xuất hiện quan điểm chính sách trái chiều: 7 thành viên dự đoán 2 lần cắt giảm, 8 người dự đoán 1 lần
- Fed nâng dự báo lãi suất dài hạn, cho thấy Fed đánh giá chính sách sẽ giảm dần cường độ thắt chặt, nhưng phải chờ đến năm sau
- Dự báo lạm phát tăng, nhưng Fed có thể tạo điều kiện để cắt giảm lãi suất nếu lạm phát thấp hơn kỳ vọng.
Về cuộc họp báo của Chủ tịch Powell:
- Chủ tịch Fed Powell cho biết FOMC phụ thuộc vào dữ liệu và không quá tin tưởng vào các dự báo kinh tế
- Nếu CPI tiếp tục hạ nhiệt, họ có thể họ sẽ xem xét 2 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay
Nhìn chung, báo cáo CPI và cuộc họp FOMC không thay đổi nhiều bức tranh toàn cảnh: tăng trưởng bền vững và giảm lạm phát. Dù có thể dao động giữa 1 và 2 lần cắt giảm, đây vẫn là môi trường tốt thúc đẩy các tài sản rủi ro tăng giá và khẩu vị rủi ro.
Chứng khoán châu Âu giảm nhẹ đầu phiên thứ Năm
Chứng khoán châu Âu giảm nhẹ đầu phiên sau đợt phục hồi khiêm tốn hôm qua. Các chỉ số châu Âu vẫn sẽ phải chịu áp lực do tình hình chính trị căng thẳng trong khu vực, vì vậy đó là một yếu tố các nhà đầu tư cần lưu ý khi nhìn vào toàn cảnh. Dù vậy, khẩu vị rủi ro vẫn ổn định, với HĐTL chỉ số S&P 500 tăng 0.2% và Nasdaq tăng 0.7% nhờ động lực tích cực của nhóm cổ phiếu công nghệ.
Quan chức ECB Vasle: Lãi suất có thể được cắt giảm nhiều hơn nếu tiến trình giảm lạm phát ổn định
- ECB sẽ cắt giảm lãi suất nhiều hơn vào năm tới nếu quá trình giảm lạm phát tiếp tục
- Nhưng có nguy cơ là tiến trình này có thể bị chậm lại
- Động lực tăng lương vẫn tương đối mạnh
ECB ủng hộ việc tiếp tục cắt giảm lãi suất nhiều hơn nữa, nhưng cũng không hoàn toàn cam kết về điều đó và thị trường phải chờ đợi ít nhất đến sau mùa hè.
INE: CPI tháng 5 tại Tây Ban Nha tăng cao hơn như dự báo
- CPI toàn phần: +3.6% so với cùng kỳ (dự báo: 3.6%, trước đó: 3.3%)
- CPI lõi: +3.8% so với cùng kỳ (dự báo: 3.8%, trước đó: 3.4%)
Lạm phát cơ bản hàng năm tăng từ 2.9% lên 3% trong tháng - tiếp tục dai dẳng trong tháng trước. Nhưng đây mới chỉ là số liệu của một tháng, vì vậy chúng ta sẽ phải xem diễn biến trong một tháng tới để có cái nhìn toàn cảnh về triển vọng lạm phát.
Cập nhật FX: EURUSD tăng nhẹ hơn 10pip sau tin
Lịch trình kinh tế tối nay có gì đáng chú ý?
Lịch trình kinh tế đầu phiên Âu không có dữ liệu nào đủ mạnh có thể tác động đến thị trường trong phiên Âu, vì vậy dư âm từ quyết định chính sách FOMC sẽ tiếp tục là nhân tố chính ảnh hưởng đến biến động thị trường. Trong phiên Mỹ, các nhà đầu tư sẽ có số liệu từ báo cáo PPI và Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Hoa Kỳ.
Ngoài ra, quan chức Fed William sẽ có bài phát biểu vào đêm nay, và thị trường sẽ muốn biết liệu ông ấy có ủng hộ biểu đồ dotplot và các dự báo kinh tế như Chủ tịch Powell hay không.
FSO: Chỉ số giá sản xuất và xuất nhập khẩu tại Thụy Sĩ giảm xuống trong tháng 5
- -0.3% (trước đó: 0.6%)
Chỉ số giá sản xuất và xuất nhập tại Thụy Sĩ đã giảm trong tháng trước. Tuy nhiên, chỉ báo này không chỉ ra bất kỳ áp lực giá mạnh nào sắp xảy ra có thể cản trở kế hoạch của SNB, ít nhất là vào thời điểm hiện tại.
Hợp đồng tương lai Eurostoxx giảm 0.4% vào đầu phiên Âu
- Hợp đồng tương lai DAX của Đức -0.4%
- Hợp đồng tương lai FTSE của Anh -0.5%
Hợp đồng tương lai S&P 500 đang tăng nhẹ 0.2% trong phiên.
Chỉ số giá bán buôn tháng 5 của Đức tăng ít hơn tháng trước
- Chỉ số giá bán buôn tháng 5 của Đức: +0.1% m/m
- Trước đó: +0.4% m/m
Chỉ số giá bán buôn giảm 0.7% y/y. Điều đó chủ yếu là do giá các sản phẩm hóa chất giảm 13.9% y/y.
Quyền chọn FX hết hạn vào ngày 13/06 lúc 10 giờ sáng theo giờ New York
Đối với EUR/USD, các mức đáo hạn quan trọng nằm trong khoảng 1.0775 đến 1.0810. Biến động tỷ giá hiện tại cũng đang tiệm cận các đường MA quan trọng ở mức 1.0788-1.0802. Do đó, các mức đáo hạn này có thể sẽ hạn chế biến động mạnh của tỷ giá, ít nhất là cho đến khi có thêm dữ liệu kinh tế Mỹ được công bố vào cuối ngày. Tuy nhiên, cần lưu ý đến khả năng đồng USD sụt giảm trở lại.
Đối với USD/CHF, USD/CAD và AUD/USD, các mức đáo hạn nằm gần tỷ giá giao ngay hiện tại. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, các mức đáo hạn này không quá quan trọng.
Lịch kinh tế phiên Âu hôm nay có gì đáng chú ý?
Thị trường đang khá thận trọng sau những sự kiện ngày hôm qua: chỉ số CPI yếu hơn kỳ vọng, Chủ tịch Fed Powell nhấn mạnh lập trường diều hâu. Điều này khiến các nhà đầu tư phải điều chỉnh kỳ vọng của họ.
Hiện tại, thị trường đang chờ đợi các dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ được công bố vào cuối ngày, bao gồm số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần và báo cáo PPI tháng 5.
Trên thị trường chứng khoán, hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ vẫn đang ở mức cao sau phiên tăng hôm qua. Tuy nhiên, đà tăng này đã giảm bớt do Fed không đưa ra tín hiệu rõ ràng về động thái cắt giảm lãi suất. Mặc dù vậy, cả chỉ số S&P 500 và Nasdaq đều đóng cửa ở mức đỉnh kỷ lục.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện đang ở quanh 4.325%, tăng từ mức 4.250% hôm qua. Sự biến động này cho thấy nhà đầu tư vẫn đang cân nhắc về triển vọng của thị trường.
Phiên Âu hôm nay dự kiến sẽ khá im ắng do không có nhiều dữ liệu kinh tế quan trọng được công bố. Đây sẽ là khoảng thời gian để nhà đầu tư xem xét về các sự kiện của ngày hôm qua và đưa ra quyết định cho các hoạt động giao dịch sắp tới.
- 13:00 - Chỉ số giá bán buôn tháng 5 của Đức
- 13:30 - Chỉ số giá sản xuất và nhập khẩu tháng 5 của Thụy Sĩ
- 14:00 - Chỉ số CPI cuối cùng tháng 5 của Tây Ban Nha
- 02:00 - Sản xuất công nghiệp tháng 4 của khu vực sử dụng đồng Euro
Giá vàng vẫn ổn định dưới 2310 USD/oz khi đồng USD được hỗ trợ sau quan điểm diều hâu của Fed
Giá vàng quay đầu giảm sau chuỗi tăng ba phiên liên tiếp lên mức 2,341-2,342 USD. Quan điểm diều hâu của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vào thứ Tư - các nhà hoạch định chính sách hiện chỉ kỳ vọng một đợt cắt giảm lãi suất vào năm 2024, thấp hơn nhiều so với dự báo 3 đợt trong tháng 3 - đã gây áp lực bán lên vàng.
Mặt khác, sự thay đổi trong dự báo của Fed đã thúc đẩy lợi suất TPCP Hoa Kỳ và hỗ trợ đồng USD. Điều này dường như càng làm suy yếu giá vàng, mặc dù căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông và sự bất ổn chính trị ở châu Âu có thể giúp hạn chế đà lao dốc của vàng.
USD/JPY tăng trở lại mốc 157.00 khi BoJ dự kiến sẽ giữ nguyên chính sách tiền tệ hiện tại
Đồng yên tiếp tục suy yếu sau phiên tăng trước đó do đồng USD được củng cố sau quan điểm diều hâu của Fed. FOMC đã giữ nguyên lãi suất ở mức 5.25%–5.50% trong cuộc họp thứ bảy liên tiếp vào thứ Tư, đúng như dự đoán của thị trường.
Đà sụt giảm của đồng Yên có thể được hạn chế do sự thận trọng trước quyết định chính sách của BoJ vào thứ Sáu. Mặc dù BoJ được dự đoán sẽ không thay đổi lãi suất nhưng các nhà giao dịch sẽ theo dõi chặt chẽ mọi thông báo liên quan đến khả năng cắt giảm hoạt động mua trái phiếu hàng tháng của BoJ.
Đồng AUD vẫn suy yếu bất chấp dữ liệu việc làm mạnh mẽ
Đồng AUD giảm nhẹ bất chấp dữ liệu việc làm tích cực. Báo cáo vệc làm của Úc cho thấy số lượng việc làm đã tăng 39.7 nghìn trong tháng 5, vượt dự kiến 30.0 nghìn và mức tăng 38.5 nghìn trước đó. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 4.0%, thấp hơn dự kiến.
Đồng USD phục hồi sau quan điểm diều hâu từ Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed), làm suy yếu cặp AUD/USD. Nhà đầu tư đang chờ đợi chỉ số PPI và dữ liệu thất nghiệp lần đầu của Hoa Kỳ vào thứ Năm.
Cập nhật thị trường phiên Á: USD mạnh lên, USD/JPY quay lại mốc 157.00 sau cuộc họp của FOMC
Sau dữ liệu CPI của Hoa Kỳ, quyết định chính sách của FOMC kèm theo Bản tóm tắt các Dự báo Kinh tế được công bố, và sau đó là cuộc họp báo của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Powell, quả là một phiên họp với rất nhiều thông tin quan trọng dành cho các nhà giao dịch ngoại hối.
Đối với tin tức và dữ liệu mới nhất ở châu Á thì khá ít. Báo cáo việc làm của Úc trong tháng 5 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ổn định và số lượng việc làm tăng tốt hơn nhiều so với dự kiến.
AUD/USD nhích lên một chút sau khi báo cáo được công bố nhưng sau đó nhanh chóng giảm xuống. EUR, GBP, NZD, CAD, CHF đều mất điểm so với đồng USD.
USD/JPY tăng cao hơn, vượt mốc 157.00. Cuộc họp chính sách của BoJ đang diễn ra, và sẽ có kết quả vào ngày mai, cuộc họp này cũng sẽ cân nhắc việc giảm lượng mua JGB.
Chứng khoán châu Á quay đầu giảm sau đà tăng trước đó do chứng khoán Nhật Bản lao dốc phiên thứ ba liên tiếp do lo ngại BoJ có thể cắt giảm hoạt động mua trái phiếu tại cuộc họp chính sách. Chứng khoán Úc, Hồng Kông và Hàn Quốc tăng sau đà leo dốc trên Phố Wall hôm thứ Tư.
Giá dầu giảm sau 3 ngày tăng do nhà đầu tư cân nhắc sự gia tăng bất ngờ của kho dự trữ dầu thô Mỹ và triển vọng lãi suất cao trong thời gian dài hơn của Fed.
Vàng trượt giá, hiện gia dịch quanh mức 2312.8 USD.
Chủ tịch Fed New York John Williams sẽ có bài phát biểu hôm nay
23:00: Chủ tịch Fed New York John Williams tham gia thảo luận với Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen tại một sự kiện do Economic Club of New York tổ chức
Williams là người có vai trò quan trọng tại FOMC bởi ông cũng là Phó Chủ tịch FOMC.
USDJPY tăng chạm 157.00 khi đồng bạc xanh được hưởng lợi từ quan điểm hawkish của Fed
USDJPY tăng chạm 157.00 khi đồng bạc xanh được hưởng lợi từ quan điểm hawkish của Fed.
Bên cạnh đó, JPY cũng chịu áp lực từ tâm lý thận trọng trước quyết định chính sách của BoJ vào thứ 6. BoJ được kỳ vọng sẽ giữ nguyên lãi suất nhưng cắt giảm lượng mua trái phiếu chính phủ Nhật Bản.
Dầu trượt dốc do lo ngại tăng trưởng kinh tế Mỹ, nguồn cung dầu thô dồi dào
Giá dầu giảm vào đầu phiên giao dịch hôm thứ Tư khi các nhà đầu tư tiếp nhận thông tin rằng Fed đã chọn không cắt giảm lãi suất trong tương lai gần, trong khi tồn kho dầu thô và nhiên liệu dồi dào của Mỹ tiếp tục gây áp lực lên thị trường.
Fed đã giữ lãi suất ổn định vào thứ Tư và đẩy lùi thời điểm bắt đầu cắt giảm lãi suất có lẽ muộn nhất là vào tháng 12.
Lãi suất cao có xu hướng làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và có thể hạn chế nhu cầu dầu mỏ.
Chủ tịch Fed Jerome Powell lưu ý trong một cuộc họp báo sau khi kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày rằng lạm phát đã giảm mà không gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và ông nói không có lý do gì để nghĩ rằng điều đó không thể tiếp tục.
Các thương nhân cũng đang theo dõi các cuộc đàm phán đang diễn ra về lệnh ngừng bắn ở Gaza, nếu thành công sẽ làm giảm lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung.
Trong cuộc tấn công mới nhất nhằm vào hoạt động vận tải biển, phiến quân Houthi đồng minh với Iran hôm thứ Tư đã nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công bằng tàu thủy nhỏ và tên lửa khiến một tàu chở than thuộc sở hữu của Hy Lạp cần được giải cứu gần cảng Hodeidah ở Biển Đỏ của Yemen.
Nhóm chiến binh này đã tấn công hoạt động vận chuyển hàng hải quốc tế ở khu vực Biển Đỏ kể từ tháng 11 để thể hiện tình đoàn kết với người Palestine trong cuộc chiến giữa Israel và Hamas.
Cuối ngày thứ Tư, nhóm chiến binh Palestine Hamas đã đưa ra một tuyên bố nhấn mạnh “sự tích cực” của họ trong các cuộc đàm phán ngừng bắn.
Hamas kêu gọi Mỹ gây áp lực buộc Israel phải chấp nhận một thỏa thuận dẫn đến lệnh ngừng bắn vĩnh viễn ở Gaza cũng như việc rút hoàn toàn khỏi vùng đất này, tái thiết và thả các tù nhân Palestine.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Hamas đã đề xuất nhiều thay đổi đối với đề xuất ngừng bắn do Mỹ hậu thuẫn, đồng thời nói thêm rằng các nhà hòa giải đã quyết tâm thu hẹp khoảng cách.
Về phía nguồn cung, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng mạnh hơn dự kiến vào tuần trước, chủ yếu do nhập khẩu tăng vọt, trong khi tồn kho nhiên liệu cũng tăng nhiều hơn dự đoán.
Thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều
Thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều vào thứ Năm sau khi Fed giữ lãi suất ở mức 5.25% đến 5.5% và dot plot dự đoán 1 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay, giảm so với 3 lần cắt giảm dự kiến trong cuộc họp tháng 3.
- Kospi tăng 1.46% và đang trên đà tăng ngày thứ ba, trong khi Kosdaq tăng 0.6%.
- Nikkei 225 giảm 0.06%
- S&P/ASX 200 tăng 0.49%, phục hồi sau hai ngày giảm điểm.
- Hang Seng tăng 0.39%, nhờ vào sự gia tăng của cổ phiếu xe điện bất chấp việc Liên minh châu Âu áp mức thuế quan lên tới 38% đối với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc.
- CSI 300 tăng 0.12%.
Lô đồng Nga trị giá 20 triệu USD của thương nhân hàng hóa Trung Quốc bị mất tích: nghi vấn gian lận thương mại
Bloomberg báo cáo về việc một nhà kinh doanh hàng hóa thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc thua lỗ sau khi một chuyến hàng đồng từ Nga trị giá gần 20 triệu USD bị mất tích. Bloomberg trích dẫn nguồn tin giấu tên:
- Wuchan Zhongda Group Co., một công ty lớn của Trung Quốc (doanh thu 580 tỷ nhân dân tệ vào năm 2023), đã mua 2,000 tấn đồng tinh luyện từ một nhà máy luyện kim của Nga
- Lô hàng đáng lẽ phải được giao vào tháng 5
- Tuy nhiên, lô hàng lại được khai báo là đá granit với mức giá rẻ hơn nhiều và có khả năng đã đến Thổ Nhĩ Kỳ, theo hồ sơ của hãng tàu xử lý lô hàng
Tỷ giá tham chiếu USDCNY hôm nay: 7.1122
- Dự kiến: 7.2384
- Giá đóng cửa trước đó: 7.2380
- PBOC bơm 2 tỷ nhân dân tệ thông qua reverse repo 7 ngày, đặt lãi suất ở mức không đổi 1.8%
- 2 tỷ nhân dân tệ reverse repo sẽ đáo hạn vào ngày hôm nay.
AUDUSD giảm xuống dưới 0.6650 sau báo cáo việc làm Úc tháng 5
Thị trường lao động Úc tiếp tục vững chắc khi tỷ lệ thất nghiệp không thay đổi, số lượng việc làm được tăng thêm nhanh hơn, sự tham gia vẫn gần mức cao kỷ lục.
AUDUSD giảm xuống dưới 0.6650 sau tin
Tỷ lệ thất nghiệp của Úc tháng 5 đúng như dự kiến
- Tỷ lệ thất nghiệp của Úc tháng 5: 4.0%
- Dự kiến: 4.0%
- Trước đó: 4.0%
- Thay đổi việc làm: 39.7 nghìn
- Dự kiến: 30 nghìn
- Trước đó: 38.5 nghìn
- Tỷ lệ tham gia vẫn ở mức 66.7%.
- Tỷ lệ việc làm trên dân số vẫn ở mức 64.1%.
- Tỷ lệ thiếu việc làm vẫn ở mức 6.7%.
- Số giờ làm việc hàng tháng tăng lên 1,958 triệu.
Goldman Sachs: Dữ liệu lạm phát tháng 5 là tin tốt nhưng sẽ cần nhiều hơn thế
Dựa trên dữ liệu lạm phát tháng 5 từ Hoa Kỳ, người đứng đầu bộ phận đầu tư đa lĩnh vực tại Goldman Sachs Asset Management cho biết:
- Đây là một khởi đầu tốt
- FOMC sẽ cần phải có thêm những dữ liệu tương tự trước khi có thể cam kết cắt giảm lãi suất vào tháng 9
- Mặc dù việc cắt giảm vào tháng 9 có thể được đặt lên bàn đàm phán nhưng sẽ cần một loạt dữ liệu lạm phát tích cực để điều đó thể xảy ra.
- Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cho tiến trình giảm phát
- Dữ liệu CPI tháng 5 là tin tốt nhưng chúng ta sẽ cần nhiều hơn thế
Giám đốc điều hành cấp cao của JP Morgan: Fed khó có thể cắt giảm lãi suất
Giám đốc điều hành cấp cao của JPMorgan cũng như Đồng Giám đốc điều hành của Ngân hàng Thương mại & Đầu tư (CIB) Rohrbaugh cho biết:
- Fed khó có thể cắt giảm lãi suất
- Việc cắt giảm lãi suất có thể bị trì hoãn ngoài mong đợi của thị trường
Chủ tịch Fed Powell: Sẽ tiếp tục đưa ra quyết định theo từng cuộc họp
Chủ tịch Fed Powell phát biểu trong cuộc họp báo sau khi Fed công bố quyết định chính sách tháng 6:
- Các chỉ số gần đây cho thấy nền kinh tế vẫn tăng trưởng với tốc độ vững chắc
- Chi tiêu tiêu dùng vẫn ổn định
- GDP đã chậm lại nhưng hoạt động mua hàng trong nước của tư nhân vẫn tăng với tốc độ tương đương nửa đầu năm 2023
- Thị trường lao động đã cân bằng hơn nhưng dữ liệu việc làm tháng 4 và tháng 5 vẫn tốt
- Tỷ lệ thất nghiệp tăng nhưng vẫn ở mức thấp
- Một loạt các chỉ số cho thấy chúng ta đã quay trở lại thị trường việc làm như trước đại dịch, tương đối chặt chẽ nhưng không quá nóng
- Lạm phát đã giảm đáng kể
- Fed sẽ cần niềm tin lớn hơn về tiến trình giảm phát để cắt giảm lãi suất, mặc dù những con số gần đây nhất cho thấy đã có những tiến bộ khiêm tốn hơn
- Sẽ cần xem thêm dữ liệu tốt để củng cố niềm tin vào lạm phát
- Chính sách được định vị tốt
- Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa ra quyết định từng cuộc họp
Trả lời phỏng vấn, ngài Chủ tịch cho biết:
- Chúng ta sẽ có chỉ số lạm phát toàn phần giảm, lạm phát cơ bản tăng nhẹ trong nửa cuối năm
- Nếu có nhiều dữ liệu như CPI hôm nay, mọi thứ sẽ tiến triển tốt
- Bất chấp dự báo trên dot plot, các quan chức Fed đều rất phụ thuộc vào dữ liệu
- Chúng ta đang chứng kiến thị trường lao động nguội dần khi chuyển sang trạng thái cân bằng tốt hơn
- Có ý kiến cho rằng mức tăng lao động đã được phóng đại nhưng thực tế thì thị trường lao động vẫn mạnh mẽ
- Việc cắt giảm lãi suất dự kiến diễn ra trong năm nay sẽ diễn ra vào năm tới
- Chúng ta sẽ phải xem dữ liệu sẽ dẫn đến điều gì
- Báo cáo lạm phát tốt hơn mong đợi
- Chúng ta đã đạt được tiến bộ khá tốt về lạm phát
- Fed không loại trừ khả năng tăng lãi suất, nhưng không ai coi đó là kịch bản cơ sở
- Tiền lương vẫn đang đi theo con đường bền vững
- Tiền lương không phải là nguyên nhân chính gây ra lạm phát nhưng cần giảm để lạm phát chung quay trở lại mức 2%
- Số dư thẻ tín dụng và nợ không trả được đã tăng lên nhưng không ở mức cao
- Chi tiêu tiêu dùng vẫn tăng trưởng vững chắc
- Kế hoạch của chúng tôi không phải là chờ đợi mọi thứ bị hỏng rồi cố gắng sửa chữa chúng
Dot plot dự đoán 1 lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024
Trong cuộc họp tháng 6, Fed quyết định giữ nguyên lãi suất và dự đoán:
- Lãi suất trung bình ở mức 4.1% so với 3.9% trước đó vào cuối năm 2025
- Trung bình tăng trưởng GDP năm 2024: +2.1 so với +2.1% trước đó
- GDP năm 2025: +2.0% so với +2.0% trước đó
- Tỷ lệ thất nghiệp năm 2024: 4.0% so với 4.0% trước đó
- Tỷ lệ thất nghiệp năm 2025: 4.2% so với 4.1% trước đó
- PCE năm 2024: 2.6% so với 2.4% trước đó
- PCE năm 2025: 2.8% so với 2.6% trước đó
- PCE lõi năm 2024: 2.8% so với 2.6% trước đó
- PCE lõi năm 2025: 2.3% so với 2.2% trước đó
Dot plot dự đoán 1 lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024 so với 3 lần trước đó
Toàn văn quyết định chính sách tháng 6 của Fed
Các chỉ số gần đây cho thấy hoạt động kinh tế tiếp tục mở rộng với tốc độ vững chắc. Việc làm vẫn tăng trưởng và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp. Lạm phát đã giảm trong năm qua nhưng vẫn ở mức cao. Trong những tháng gần đây, đã có thêm tiến bộ khiêm tốn trong tiến trình giảm phát về mục tiêu 2%.
Ủy ban sẽ tìm cách đạt được mục tiêu kép là duy trì việc làm và lạm phát tối đa ở mức 2% trong thời gian dài hơn. Ủy ban đánh giá rằng những rủi ro trong việc đạt được mục tiêu việc làm và lạm phát đã chuyển sang hướng cân bằng tốt hơn trong năm qua. Triển vọng kinh tế không chắc chắn và Ủy ban vẫn hết sức chú ý đến rủi ro lạm phát.
Để hỗ trợ các mục tiêu của mình, Ủy ban đã quyết định duy trì phạm vi mục tiêu cho lãi suất chính sách ở mức 5.25% đến 5.5%. Khi xem xét bất kỳ điều chỉnh nào đối với phạm vi mục tiêu của lãi suất, Ủy ban sẽ đánh giá cẩn thận dữ liệu sắp tới, triển vọng và sự cân bằng rủi ro. Ủy ban không cho rằng việc giảm phạm vi mục tiêu sẽ là phù hợp cho đến khi có được niềm tin lớn hơn rằng lạm phát đang tiến tới mức 2% một cách bền vững. Ngoài ra, Ủy ban sẽ tiếp tục giảm tỷ lệ nắm giữ trái phiếu kho bạc, các chứng khoán có bảo đảm bằng tài sản thế chấp, và các khoản nợ của các công ty hay các tổ chức tài chính liên quan đến chính phủ, như được mô tả trong kế hoạch đã công bố trước đó. Ủy ban cam kết đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%.
Để đánh giá lập trường phù hợp của chính sách tiền tệ, Ủy ban sẽ tiếp tục theo dõi tác động của thông tin đến đối với triển vọng kinh tế. Ủy ban sẽ sẵn sàng điều chỉnh quan điểm của chính sách tiền tệ cho phù hợp nếu xuất hiện rủi ro có thể cản trở việc đạt được các mục tiêu của Ủy ban. Đánh giá của Ủy ban sẽ tính đến nhiều loại thông tin, bao gồm các thông tin về điều kiện thị trường lao động, áp lực lạm phát và kỳ vọng lạm phát cũng như diễn biến tài chính và quốc tế.
Good morning from Dubaotiente. Tổng hợp thị trường ngày 12.06: Chứng khoán Mỹ biến động trái chiều, USD suy yếu khi dot plot dự đoán 1 lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024 dù lạm phát tháng 5 hạ nhiệt
Chứng khoán Mỹ biến động trái chiều khi Fed quyết định giữ nguyên lãi suất. Các nhà đầu tư tỏ ra lạc quan sau khi ngân hàng trung ương thừa nhận rằng đã đạt được một số tiến bộ trong tiến trình giảm phát về mục tiêu 2%. Khi kết thúc cuộc họp chính sách hôm thứ Tư, Fed cho biết sẽ chỉ có một đợt cắt giảm lãi suất vào năm 2024, giảm so với 3 đợt cắt giảm lãi suất mà các nhà hoạch định chính sách dự báo trước đó vào tháng 3. Trước khi quyết định của Fed được công bố, dữ liệu CPI giảm trong tháng 5 đã làm tăng thêm hy vọng rằng lạm phát đã hạ nhiệt. S&P 500 và Nasdaq Composite đóng cửa ở mức kỷ lục. S&P500 tăng 0.85%, trong khi Nasdaq tăng 1.53%. Dow Jones giảm 0.09%.
- Dow Jones: -0.09%
- S&P 500: +0.85%
- Nasdaq: +1.53%
Trên thị trường FX, AUD mạnh nhất, USD yếu nhất trong nhóm tiền tệ chính. USD cắm đầu giảm khi CPI tháng 5 thấp hơn dự kiến. DXY giảm xuống gần 104.40 và USD/JPY giảm 150 pip sau tin. Tuy nhiên, sự thận trọng của Fed và Powell đã hỗ trợ đồng bạc xanh. Sau khi dot plot dự đoán sẽ chỉ có 1 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay và chủ tịch Fed Powell có các phát biểu có phần "hawkish", DXY tăng trở lại, đóng cửa ở 104.70, USDJPY tăng 110 pip lên 156.85. Thị trường chờ đợi kết quả cuộc họp chính sách của BoJ, chú tâm vào việc liệu ngân hàng trung ương có giảm lượng mua trái phiếu chính phủ Nhật Bản.
- DXY: -0.54%
- EURUSD +0.64%
- GBPUSD +0.45%
- AUDUSD +0.87%
- NZDUSD +0.68%
- USDJPY -0.26%
- USDCHF -0.36%
- USDCAD -0.25%
Vàng leo dốc nhờ dữ liệu lạm phát tháng 5 hạ nhiệt nhưng thoái lui phần lớn mức tăng sau các tin tức từ Fed. XAUUSD tăng $3 lên $2,319. Bitcoin tăng hơn 1% lên trên $68,100. Ether tăng gần 2% lên trên $3,500. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đồng loạt giảm. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm 14 bps xuống 4.30% - chạm mức thấp nhất kể từ ngày 1/4 sau tin CPI trước khi tăng nhẹ trở lại vào cuối ngày, đóng cửa ở 4.33%. Giá dầu tăng do cán cân cung cầu dự kiến thắt chặt trong quý 3. Dầu thô WTI tăng 46-cents lên $82.39/ thùng.
Cập nhật phiên Mỹ: Thị trường biến động mạnh khi CPI Mỹ hạ nhiệt nhiều hơn dự báo
- CPI tổng thể của Mỹ tăng 3.3% y/y, trong tháng trước, chỉ số này tăng 3.4% y/y.
- Đặc biệt, so với tháng trước, chỉ số này chững lại ở mức 0.0% m/m
- CPI lõi tăng 0.2% m/m, thấp hơn so với mức 0.3% dự kiến. Tháng trước, chỉ số này tăng 0.3%
Chứng khoán Mỹ đạt mức cao mới mọi thời đại khi lạm phát giảm trên diện rộng đã thúc đẩy lợi suất trái phiếu sụt giảm, với các nhà giao dịch kỳ vọng Fed sẽ có thể cắt giảm lãi suất ít nhất hai lần trong năm nay.
- NASDAQ tăng 260 điểm lên mức 19469.
- Dow Industrial Average tăng 167 điểm lên mức 38911.
- S&P 500 tăng 62 điểm lên mức 5438.
Lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 2 năm giảm tới 15 bps khi USD yếu đi so với tất cả các đồng tiền lớn.
Hiện tại, thị trường hợp đồng swaps đang định giá 100% Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 bps vào tháng 11, đồng thời kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9 cũng tăng lên.
Chỉ số DXY vẫn đang giảm, hiện đang ở dưới mức 104.400.
Vàng đã tăng vọt sau khi dữ liệu CPI của Mỹ được công bố, đạt mức cao nhất trong phiên là 2,342 USD/ounce, tuy nhiên giá vàng cũng đang hạ nhiệt trở lại, hiện đang ở dưới mức 2,330 USD.
Giá dầu tăng mạnh khi chỉ số CPI được công bố, tuy nhiên đã hạ nhiệt do dữ liệu tồn kho EIA hàng tuần cao hơn nhiều so với kỳ vọng. Hiện tại WTI đang giao dịch ở mức 78.00 USD, dầu Brent giao dịch quanh mức 82.00 USD.
Bitcoin tăng mạnh, hiện đang ở mức 69,700 USD, rất gần với mốc 70,000 USD.
Vàng hạ nhiệt trước thềm Fed công bố quyết định lãi suất
Vàng đã tăng vọt sau khi dữ liệu CPI của Mỹ được công bố, đạt mức cao nhất trong phiên là 2,342 USD/ounce, tuy nhiên giá vàng cũng đang hạ nhiệt trở lại, hiện đang ở dưới mức 2,330 USD.
- Dữ liệu cho thấy Fed có thể cắt giảm lãi suất sớm hơn dự kiến, làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ Vàng.
- Tuy nhiên vàng vẫn có thể gặp nhiều biến động hơn sau khi quyết định chính sách của Fed được công bố.
BTC tiếp tục tăng sau dư âm của dữ liệu CPI Mỹ
- Sau khi dữ liệu CPI Mỹ được công bố, BTC đã tăng mạnh vượt mức 69,000 USD.
- Hiện tại đồng tiền này vẫn tiếp tục tăng, hướng đến mức 70,000 USD.
Tồn kho dầu EIA hàng tuần của Mỹ tăng, gây áp lực lên giá dầu
- Tồn kho dầu EIA hàng tuần của Mỹ tăng 3.73 triệu thùng, trong tuần trước đó, con số này cũng đã tăng 1.23 triệu thùng.
- Xăng tăng 2.57 triệu thùng, cao hơn nhiều so với ước tính.
- Tồn kho sản phẩm chưng cất tăng 881K thùng.
- Công suất lọc dầu giảm 0.4%
Những con số này đang gây áp lực nhẹ lên giá dầu, vốn đã tăng 1.20 USD trước dữ liệu.
Dầu tăng vọt khi thị trường kỳ vọng rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất nhiều hơn trong năm nay
- Dầu tăng cao hơn nhờ CPI tăng trưởng chậm hơn dự báo.
- Dữ liệu dự trữ API của Mỹ cho thấy tồn kho dầu giảm nhiều hơn dự kiến.
- Chỉ số DXY giảm xuống dưới mức 105.00 và thậm chí có vẻ sẽ tiếp tục giảm xuống mức 104.00.
Giá dầu đang tăng cao hơn vào thứ Tư, chạm mức cao nhất kể từ ngày 30/5, được hỗ trợ khi số lượng tồn kho dầu của Mỹ giảm lớn hơn dự kiến. Dữ liệu từ Viện Dầu mỏ Hoa Kỳ (API) cho thấy tồn kho dầu thô giảm 2.428 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 7/6, cao hơn nhiều so với mức giảm 1.75 dự kiến. Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) sẽ công bố số liệu của họ vào ít phút tới, đồng thời các nhà phân tích dự đoán tồn kho dầu cũng sẽ giảm.
Hiện tại, WTI đang giao dịch trên mức 79.10 USD/thùng, dầu Brent đang ở rất gần với mức 83.00 USD/thùng.
Chứng khoán Mỹ tăng sau dữ liệu CPI, NASDAQ và S&P lập kỷ lục mới
Các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đang tăng điểm sau dữ liệu CPI của Mỹ cho thấy lạm phát giảm nhiều hơn kỳ vọng.
Sau ít phút mở cửa, đây là những diễn biến của thị trường:
- Chỉ số Dow Industrial Average tăng 299 điểm lên mức 39049. Mức cao kỷ lục đóng cửa của chỉ số Dow là 40.003. Như vậy chỉ số vẫn còn cách mức cao kỷ lục 1000 điểm.
- Chỉ số S&P tăng 51.44 điểm lên mức 5427.
- Chỉ số NASDAQ cũng đang đạt mức cao kỷ lục mới khi tăng 239 điểm lên mức 17582.
- Russell 2000 tăng 54.01 điểm lên mức 2078.60.
Điểm qua một số cổ phiếu vốn hóa lớn:
- Cổ phiếu Apple tăng thêm 2.44%.
- Cổ phiếu của Nvidia tăng 2.89%.
- Microsoft tăng 0.90%.
- Meta Platform tăng 0.35%
- Amazon tăng 0.09%
- Tesla tăng 2.5%.
Lợi suất TPCP Mỹ giảm mạnh trước thềm quyết định lãi suất của FOMC:
- Lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 2 năm giảm 15.4 bps xuống 4.680%
- Lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 5 năm giảm 15.8 bps xuống 4.259%
- Lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 12.5 bps xuống 4.277%
- Lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 30 năm giảm 8.1 bps xuống 4.453%
Giá dầu thô tăng 1.30 USD lên 79.19 USD trước thềm công bố dữ liệu tồn kho của EIA.
Bitcoin tăng lên mức 69,453 USD sau khi giao dịch ở mức thấp nhất là 66,011 USD vào ngày hôm qua. Ethereum đang giao dịch ở mức $3617.70.
Vàng tăng 0.47% lên mức 2327 USD khi USD giảm. Bạc tăng 1.92% lên mức 29.81 USD.
EUR/USD tăng vọt lên trên mức 1.0800 sau báo cáo CPI của Mỹ
EUR/USD phục hồi lên 1.0830 sau báo cáo Lạm phát của Mỹ yếu hơn dự báo.
Dữ liệu CPI yếu của Mỹ đã làm tăng kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9.
Các nhà hoạch định chính sách của ECB không đưa ra một lộ trình lãi suất cụ thể.
Dữ liệu lạm phát của Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến đã đè nặng lên USD. Chỉ số Đô la Mỹ (DXY) giảm xuống dưới mức 104.50. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới 4.30%.