Phố Wall khép phiên giao dịch ngày thứ Hai với mức giảm, theo sau đà lao dốc của chứng khoán toàn cầu, khi lo ngại rằng các mức thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp lên Canada, Mexico và Trung Quốc có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, những động thái từ chính phủ Mexico đã giúp ổn định một phần thị trường trong phiên giao dịch cuối ngày. Các chỉ số chứng khoán Mỹ đều giảm điểm mạnh ngay khi thị trường mở cửa. Tuy nhiên, sau khi Mexico đồng ý tăng cường an ninh biên giới với Mỹ và hoãn việc áp thuế 25% lên hàng hóa Mexico, thị trường đã có sự hồi phục nhẹ vào cuối phiên. Chỉ số Dow Jones giảm 122.75 điểm (-0.28%) xuống 44,421.91, một phần do lo ngại rằng các quyết định thuế quan của Trump có thể khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái. Chỉ số S&P 500 giảm 45.96 điểm (-0.76%) xuống 5,994.57, trong khi Nasdaq Composite giảm 235.49 điểm (-1.20%) xuống 19,391.96. Trump thông báo hoãn áp thuế đối với Mexico trong vòng một tháng sau khi nước này đồng ý triển khai 10.000 thành viên Vệ binh Quốc gia tại biên giới phía Bắc để ngăn chặn việc buôn lậu ma túy. Các nhà phân tích tại Citi cảnh báo rằng nếu thuế quan kéo dài, thị trường có khả năng giảm sâu hơn và áp lực lạm phát sẽ gia tăng. Carol Schleif, Giám đốc Đầu tư tại BMO Family Office, nhận định: “Trump rõ ràng coi thuế quan là công cụ chính sách quan trọng, khiến thị trường đối mặt với những biến động lớn trong ngắn hạn.” 11 lĩnh vực chính của S&P 500 có sự phân hóa. Các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe và hàng tiêu dùng thiết yếu dẫn đầu mức tăng, trong khi công nghệ thông tin và hàng tiêu dùng không thiết yếu giảm mạnh nhất. Tài sản trú ẩn an toàn tiếp tục thu hút dòng tiền đổ vào, với lợi suất trái phiếu chính phủ giảm và giá vàng giao ngay đạt mức cao kỷ lục.
-
Dow Jones: -0.28%
-
S&P 500: -0.76%
-
Nasdaq Composite: -1.20%
Trên thị trường FX, DXY đã giảm 0.56%, xuống mức 108.90. Sự suy yếu của USD chủ yếu đến từ lo ngại rằng các biện pháp thuế quan có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế Mỹ, trong khi chính sách tiền tệ của Fed vẫn duy trì ở mức thắt chặt. Đồng thời, dữ liệu kinh tế Mỹ lại cho thấy sự phục hồi trong lĩnh vực sản xuất và đầu tư xây dựng, điều này làm gia tăng khả năng Fed sẽ không sớm nới lỏng chính sách lãi suất. Lợi suất trái phiếu ngắn hạn, vốn phản ánh kỳ vọng lãi suất, đã tăng 1.5 điểm cơ bản lên 4.253%. Điều này gây áp lực cho USD khi nhà đầu tư đánh giá tác động kép của thuế quan và chính sách tiền tệ lên nền kinh tế. Một trong những điểm sáng trên thị trường là đồng Peso Mexico, với mức tăng mạnh 1.26%. Việc hoãn áp thuế đối với hàng hóa Mexico trong một tháng, sau khi Tổng thống Claudia Sheinbaum đồng ý tăng cường kiểm soát biên giới, đã giúp đồng Peso phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, triển vọng dài hạn vẫn không chắc chắn, vì căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn vẫn chưa được giải quyết triệt để. Các nhà phân tích cho rằng sự hồi phục của Peso có thể chỉ mang tính ngắn hạn. EUR/USD cũng chịu sức ép lớn, giảm 0.67%, xuống mức 1.0293. Các dữ liệu kinh tế từ khu vực Eurozone vẫn chưa đủ mạnh để hỗ trợ đồng tiền này, trong khi ECB vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, càng làm tăng áp lực giảm giá cho Euro. Trong bối cảnh thị trường biến động, JPY tiếp tục khẳng định vị thế là tài sản trú ẩn an toàn, với tỷ giá USD/JPY giảm 0.3% còn 154.72. Sự mạnh lên của Yên Nhật được hỗ trợ bởi tâm lý tránh rủi ro của nhà đầu tư khi lo ngại về cuộc chiến thương mại gia tăng. Trong khi đó, USD/CAD lại tăng nhẹ 0.32%, lên 1.46.
- Chỉ số DXY: -0.56%
- EURUSD: -0.26%
- USDJPY: +0.38%
- GBPUSD: -0.20%
- AUDUSD: -0.27%
- USDCAD: +0.11%
- USDCHF: -0.20%
Trên thị trường hàng hoá, giá dầu mở phiên trong sắc đỏ nhưng nhanh chóng đảo chiều và kết thúc với mức tăng nhẹ sau khi Mỹ quyết định tạm hoãn áp thuế 25% lên hàng hóa nhập khẩu từ Mexico trong vòng một tháng. Dầu thô Mỹ WTI tăng 0.87% lên 73.16 USD/thùng, trong khi dầu Brent tăng 0.38% lên 75.96 USD/thùng. Vàng tiếp tục khẳng định vị thế là tài sản trú ẩn an toàn, chạm mức cao kỷ lục do lo ngại về căng thẳng thương mại và suy thoái kinh tế toàn cầu. Giá vàng giao ngay tăng 0.57%, đạt $2,816.98, trong khi HĐTL vàng tại Mỹ tăng 0.72% lên $2,832.80. Các nhà đầu tư đổ xô mua vàng sau khi chính sách thuế quan của Mỹ làm gia tăng rủi ro trên thị trường chứng khoán và ngoại hối. Nhu cầu vàng tại châu Á cũng tăng mạnh, đặc biệt tại Ấn Độ và Trung Quốc, hai thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới. Thị trường tiền mã hóa giảm mạnh vào thứ Hai do tâm lý risk-off bị tác động bởi căng thẳng thương mại leo thang. Bitcoin giảm xuống mức thấp nhất trong ba tuần, ở mức $91,441.89 trước khi hồi phục lên $95,730.35, giảm 6.2% trong ngày. Ethereum giảm mạnh gần 25% kể từ thứ Sáu, đánh dấu mức sụt giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 11/2022, hiện giao dịch ở mức $2,592.14. Gần 25% trong số 100 đồng tiền mã hóa lớn nhất đã giảm hơn 20% trong 24 giờ qua, theo dữ liệu từ CoinGecko.