Xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều về việc các nhà hoạch định chính sách BoE sẽ bỏ phiếu thế nào, nhưng nhìn chung NHTW này dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 5.25%. Thị trường đang đặt phần lớn kỳ vọng BoE cắt giảm lần đầu vào tháng 6 năm nay, trong khi xác suất cắt giảm vào tháng 5 là vào khoảng 70%. Tính cả hôm nay thì BoE còn 3 lần họp nữa để ra tín hiệu xoay trục nhưng sẽ là khôn ngoan hơn cả nếu họ giữ vững lập trường phụ thuộc vào dữ liệu. Hai nhân tố chính cần quan tâm lúc này sẽ là lạm phát và triển vọng nền kinh tế.
- Về lạm phát, báo cáo tháng 12 không quá tích cực với BoE khi lạm phát dịch vụ vẫn ở mức cao và lạm phát cơ bản hàng năm vẫn trên 5%. Diễn biến lạm phát hiện nay nhìn chung vẫn chưa thực sự ủng hộ việc nới lỏng.
- Về triển vọng kinh tế đã ghi nhận sự phục hồi trong quý IV năm ngoái và điều này dường như sẽ tiếp tục được phản ánh lên dữ liệu tháng 1. Lĩnh vực dịch vụ hoạt động mạnh mẽ hơn đang là một bước tiến đáng mừng đối với BoE và cho phép lãi suất được duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn.
Nói tóm lại, BoE gần như sẽ giữ nguyên lãi suất. Một trong sô những điều cần lưu ý là tỷ lệ bỏ phiếu vì có thể sẽ xuất hiện 1-2 ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, cuộc họp này có thể ghi nhận tỷ lệ bỏ phiếu 9-0 với quyết định cuối cùng là giữ nguyên ;ãi suất, nhưng cũng cần lưu ý rằng quan chức dovish nhất trong MPC, Dhingra có thể bỏ phiếu cắt giảm 25bp.
Phần lớn trọng tâm có thể chuyển hướng sang tuyên bố chính sách BoE. Họ có thể tái khẳng định sự phụ thuộc vào dữ liệu và lập trường "đủ thắt chặt trong thời gian đủ dài" cũng sẽ được duy trì. Tuy nhiên, bất cứ thay đổi nhỏ nào trong định hướng chính sách này đều nên được xem xét kỹ lưỡng và hiểu theo hướng dovish, đặc biệt khi họ chỉnh sửa hay loại bỏ dòng "sẽ cần phải thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ nếu có bằng chứng về áp lực lạm phát dai dẳng hơn".