Với Trung Quốc, mọi dự đoán luôn khó khăn. Thị trường vẫn luôn chờ đợi những động thái thực tế đến từ Bắc Kinh sau những lần tuyên bố trước đó. Sau ba năm liên tiếp sụt giảm, chứng khoán Trung Quốc được dự báo sẽ khép lại năm 2024 với một kết quả tích cực. Tuy nhiên, thành tựu này phần lớn nhờ vào đợt tăng mạnh ngắn ngủi ngay trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh tháng 10.
Hiện tại, nhu cầu trong nước vẫn ở mức rất thấp. Cộng thêm áp lực lạm phát suy giảm và sự đình trệ của ngành bất động sản trong những năm gần đây, việc khôi phục nền kinh tế trở thành một bài toán đầy thách thức. Chưa kể, bối cảnh kinh tế toàn cầu cũng không mấy khả quan khi châu Âu tìm cách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Cùng với đó, cuộc chiến thương mại giữa quốc gia này và Mỹ vẫn đang tiếp tục leo thang. Tình trạng này được dự đoán căng thẳng hơn nữa khi ông Trump dự kiến nhậm chức vào năm tới.
Bắc Kinh đã đưa ra hàng loạt cam kết mạnh mẽ, đặc biệt trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh, tâm lý thị trường duy trì ở mức thận trọng. Dữ liệu thị trường cho thấy đà tăng trưởng đột biến đã chững lại và chứng khoán rơi vào trạng thái điều chỉnh. Đây có thể là dấu hiệu thận trọng, hoặc đơn giản là nhà đầu tư đang chờ đợi tín hiệu lạc quan tiếp theo để quay trở lại.
Trung Quốc từ lâu đã là thị trường hấp dẫn đối với giới đầu tư toàn cầu. Dù vậy, vài năm trở lại đây, tình hình không mấy suôn sẻ, phần lớn do cách xử lý đại dịch Covid-19 chưa hiệu quả, dẫn đến đà phục hồi chậm chạp. Nhiều nhà đầu tư tỏ ra lo ngại, không phải vì mất niềm tin vào triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc, mà bởi họ kỳ vọng vào sự hồi phục và tận dụng mức định giá thấp hiện tại.
Dẫu vậy, chưa thể nói thị trường rơi vào trạng thái "tuyệt vọng". Có lẽ, chúng ta đang chứng kiến một giai đoạn mà nhà đầu tư hy vọng vào bất kỳ tín hiệu tích cực nào để thúc đẩy xu hướng tăng trưởng. Điều này có thể mang lại vài đợt phục hồi ngắn hạn cho chứng khoán Trung Quốc trong năm tới, tương tự như những gì đã xảy ra gần đây.
Tuy nhiên, xét trên phương diện tổng thể, Bắc Kinh cần có những điều chỉnh chính sách tài khóa quyết liệt hơn để tạo niềm tin thực sự. Những số liệu kinh tế "đẹp mắt" không mang lại hiệu quả khi thiếu sự tin tưởng từ thị trường.
Hơn nữa, với thách thức nhân khẩu học mà Trung Quốc sẽ phải đối mặt trong vài thập kỷ tới, điều này có thể trở thành vấn đề nghiêm trọng nếu không được xử lý kịp thời. Một "Nhật Bản phiên bản 2.0" có thể là viễn cảnh mà Bắc Kinh phải đối mặt nếu không chèo lái con tàu kinh tế đúng hướng ngay từ bây giờ.