Trump và nghịch lý của những lời hứa kinh tế: Càng ít thực hiện, càng tốt cho nước Mỹ?
Ngọc Lan
Junior Editor
Tại cuộc thăm dò ý kiến sau bầu cử hôm thứ Ba, gần 80% cử tri Mỹ đã đặt lá phiếu tín nhiệm vào Donald Trump, với niềm tin rằng ông sẽ cải thiện nền kinh tế - vấn đề được họ đặt lên ưu tiên hàng đầu.
Con số này có thể khiến nhiều người ngạc nhiên, bởi lẽ nền kinh tế Mỹ gần đây đang cho thấy những dấu hiệu khả quan: tốc độ tăng trưởng vững chắc, lạm phát hạ nhiệt, và tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp. Song, bức tranh tươi sáng ở tầm vĩ mô vẫn không thể che lấp những khó khăn của người dân ở cấp địa phương. Từ đầu năm 2021 đến nay, mức giá leo thang 20% đã đẩy nhiều gia đình vào tình thế khó khăn. Chi phí thuê nhà và y tế ngày một đội lên cao, trong khi nợ thẻ tín dụng chất chồng không ngừng. Hơn 70 triệu cử tri đã gửi gắm hy vọng vào Trump, tin rằng ông sẽ là người xoay chuyển vận mệnh của họ.
Thị trường chứng khoán cũng đang hân hoan đón nhận tín hiệu tích cực. Kế hoạch cắt giảm thuế của vị tân Tổng thống cùng với việc thu phục được giới công nghệ đã khiến cả Phố Wall lẫn Thung lũng Silicon - hai trụ cột của nền kinh tế Mỹ - phấn chấn hẳn lên. Trump không chỉ có được sự ủng hộ mạnh mẽ từ dư luận, mà còn thừa hưởng một nền kinh tế đang ở thế thuận lợi: Fed đã khởi động chu kỳ cắt giảm lãi suất và áp lực lạm phát đang dần hạ nhiệt.
Tuy nhiên, không loại trừ khả năng làn sóng lạc quan và nền tảng kinh tế thuận lợi này sẽ bị lung lay, tùy thuộc vào mức độ quyết liệt trong việc thực thi các đề xuất của ông Trump. Các kế hoạch của ông được ví như phiên bản nâng cấp mạnh mẽ của nhiệm kỳ đầu tiên. Ông quyết tâm mở rộng chính sách cắt giảm thuế năm 2017, đồng thời giảm mạnh thuế doanh nghiệp và thuế thu nhập. Về thuế quan - điều mà ông ví von là "từ ngữ đẹp đẽ nhất" trong từ điển - có thể sẽ áp dụng mức 10-20% đối với mọi hàng hóa nhập khẩu, riêng hàng hóa từ Trung Quốc sẽ chịu mức thuế lên đến 60%. Bên cạnh đó, chiến dịch trục xuất quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ cũng đã được đưa vào chương trình nghị sự.
Bất kể mang hình thái nào, cốt lõi của Trump 2.0 vẫn hướng đến một viễn cảnh: lạm phát gia tăng, lãi suất leo thang và gánh nặng nợ công đè nặng hơn so với những dự báo căn bản. Dẫu rằng chính sách cắt giảm thuế có thể tiếp thêm động lực cho tăng trưởng, song đồng thời cũng khiến thâm hụt ngân sách trầm trọng hơn. Làn sóng thuế quan mới sẽ dội thẳng vào giá bán lẻ, trong lúc nguồn cung lao động suy giảm cũng có thể tạo thêm áp lực lên mặt bằng giá cả. Thật nghịch lý khi cử tri đặt niềm tin vào Trump vì bất mãn với chi phí sinh hoạt đắt đỏ. Vậy câu chuyện này sẽ diễn tiến ra sao?
Theo kịch bản đầu tiên, Trump sẽ triển khai trọn vẹn những cam kết đã được tuyên bố trong bài diễn văn nhậm chức. Nếu điều này thành hiện thực, niềm tin thị trường và sức khỏe nền kinh tế sẽ bị lung lay đáng kể. Chính sách cắt giảm thuế quyết liệt có thể đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ lên cao, từ đó gây chấn động thị trường tài chính. Tình hình càng trở nên bất ổn hơn nếu tính độc lập của Fed bị can thiệp. Đáng lo ngại hơn, việc áp đặt thuế quan cao một cách nóng vội có nguy cơ kích hoạt một cuộc chiến thương mại toàn diện, không chỉ đẩy giá cả nội địa tăng vọt mà còn gây tổn thương nghiêm trọng cho các nhà xuất khẩu Mỹ, đồng thời bóp nghẹt nhu cầu tiêu dùng toàn cầu.
Ở kịch bản thứ hai, những đề xuất cực đoan của Trump có thể được điều chỉnh hoặc giãn tiến độ, thông qua sự can thiệp của đội ngũ cố vấn, các nhóm vận động hành lang hoặc các nhà lập pháp (trong trường hợp đảng Cộng hòa không nắm được quyền kiểm soát Hạ viện). Kịch bản này sẽ tạo động lực tích cực cho tâm lý thị trường và giảm thiểu tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, những cải cách về thuế nội địa và quy định mang tính ôn hòa hơn của Trump sẽ tiếp thêm sức mạnh cho nhà đầu tư, trong khi ảnh hưởng của thuế quan nhập khẩu sẽ dịu đi đáng kể - hoặc do doanh nghiệp có đủ thời gian chuẩn bị các phương án đối phó, hoặc bởi các biện pháp được thực thi một cách linh hoạt hơn. Hiện tại, Phố Wall đang đặt cược vào viễn cảnh khả quan này.
Trong số các dự báo về tương lai, có một kịch bản đặc biệt lạc quan nổi lên. Theo đó, các kế hoạch áp thuế của Trump thực chất chỉ là một đòn bẩy trong nghệ thuật đàm phán. Với phương thức tiếp cận thiên về đàm phán và trao đổi, chính sách thuế nhập khẩu có thể sẽ được áp dụng một cách linh hoạt và có chọn lọc hơn. Chính quyền của ông cũng có khả năng sẽ định hướng và ưu tiên rõ ràng hơn cho chiến lược cắt giảm thuế nội địa và đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt chú trọng vào việc hỗ trợ tầng lớp trung lưu và người thu nhập thấp, đồng thời thúc đẩy các hoạt động đầu tư. Với những động thái này, có thể đến năm 2028, không chỉ riêng tình hình kinh tế mà cả những nền tảng cốt lõi của nền kinh tế vẫn được bảo toàn, thậm chí còn có thể phát triển mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, dù ở bất kỳ kịch bản nào, tính cách bốc đồng vốn có của Trump sẽ không thể tránh khỏi việc tạo ra những bất ổn và những biến động thất thường trên thị trường - như một đặc điểm cố hữu của nhiệm kỳ. Điều này chắc chắn sẽ là một lực cản đáng kể đối với đà tăng trưởng kinh tế. Nhưng có một điều vô cùng nghịch lý trong bức tranh chính trị Mỹ hiện nay rằng triển vọng tươi sáng nhất lại là khi vị tân Tổng thống không thực thi những cam kết đã hứa hẹn với cử tri của mình.
Financial Times