Trung Quốc "tung đòn" hoán đổi nợ khổng lồ: Nỗ lực cuối cùng cứu nguy kinh tế?
Huyền Trần
Junior Analyst
Trung Quốc đang chuẩn bị thực hiện cuộc hoán đổi nợ quy mô lớn nhất trong nhiều năm, nhằm giảm rủi ro vỡ nợ từ "nợ ẩn" của chính quyền địa phương, hạ lãi suất và ổn định nền kinh tế. Kế hoạch này có thể giúp các địa phương tái cơ cấu nợ, giảm áp lực thu thuế và ổn định môi trường kinh doanh.
Bộ trưởng Tài chính Lan Fo’an vừa thông báo vào tháng 10 rằng Trung Quốc sẽ sớm triển khai một kế hoạch lớn nhất trong nhiều năm nhằm giải quyết rủi ro từ nợ của các chính quyền địa phương. Điều này đã tạo ra kỳ vọng về một cuộc hoán đổi quy mô lớn đối với khoản nợ được gọi là "nợ ẩn", giúp đưa một lượng lớn khoản vay vào bảng cân đối kế toán chính thức của các địa phương. Hy vọng là quá trình này sẽ giảm rủi ro vỡ nợ, hạ chi phí lãi vay và tạo điều kiện cho các quan chức địa phương có thêm khả năng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Vậy “khoản nợ ẩn” là gì và có bao nhiêu "nợ ẩn"?
"Khoản nợ ẩn" đề cập đến các khoản nợ không được ghi trong bảng cân đối kế toán của chính quyền địa phương, chủ yếu liên quan đến các công ty tài chính của chính quyền địa phương (LGFV). Các LGFV được thành lập để vay tiền thay mặt cho các tỉnh và thành phố, nhằm tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng như đường, cầu, sân bay và khu công nghiệp. Các LGFV đã gia tăng số lượng sau khi Trung Quốc công bố gói kích thích kinh tế lớn vào cuối năm 2008 để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Lúc đó, chính quyền địa phương không được phép phát hành trái phiếu, vì vậy họ đã sử dụng LGFV để huy động vốn cho các dự án đầu tư.
Hiện tại, không có con số chính xác về tổng số nợ ẩn, nhưng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính rằng các LGFV có hơn 60 triệu tỷ nhân dân tệ (8.43 triệu tỷ USD) nợ tính đến năm ngoái, tương đương khoảng một nửa GDP của Trung Quốc.
Theo ước tính của IMF, tính đến năm 2023, các khoản vay của LGFV là 60 nghìn tỷ nhân dân tệ
Các nhà hoạch định chính sách quốc gia đã cố gắng cải cách mô hình hỗ trợ "nợ ẩn" trong nhiều năm. Một trong những lý do là lợi suất từ các khoản đầu tư này đã giảm, khi đất nước đến gần điểm bão hòa trong đầu tư cơ sở hạ tầng lớn. Thêm vào đó, nguồn thu từ việc bán quyền sử dụng đất, vốn từng giúp các chính quyền địa phương duy trì gánh nặng nợ lớn, đã giảm sút do sự suy thoái của thị trường bất động sản ở Trung Quốc. Những yếu tố này đã khiến một số LGFV ở các khu vực nhất định rơi vào tình trạng rủi ro cao và có nguy cơ vỡ nợ.
Doanh thu bị cắt giảm gây thêm áp lực lên tài chính của chính quyền địa phương
Cách chính phủ Trung Quốc xử lý nợ ẩn
Nhằm đối phó với những rủi ro tiềm ẩn đối với nền tài chính ổn định, Trung Quốc đã sửa luật vào năm 2015, cho phép các tỉnh phát hành trái phiếu chính thức. Từ đó, quy trình hoán đổi "nợ ẩn" thành trái phiếu địa phương diễn ra rộng rãi. Đến năm 2018, khoảng 12.2 nghìn tỷ nhân dân tệ “nợ ẩn” đã được hoán đổi.
Tuy nhiên, chương trình này không quá hiệu quả. Đến năm 2019, Trung Quốc mở rộng phạm vi hoán đổi, cho phép một số khu vực kém phát triển thay thế “nợ ẩn” bằng trái phiếu chính thức. Tại thời điểm đó, 158 tỷ nhân dân tệ trái phiếu đã được phát hành ở bảy tỉnh.
Một bước đột phá lớn hơn diễn ra vào cuối năm 2020 khi Trung Quốc phát hành trái phiếu đặc biệt để tái cấp vốn cho các khu vực yếu hơn. Sau đó, chương trình mở rộng đến các trung tâm kinh tế lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Đông. Đến giữa năm 2022, tổng cộng 1.13 nghìn tỷ nhân dân tệ trái phiếu tái cấp vốn đã được phát hành.
Từ năm ngoái, chương trình tiếp tục mở rộng thêm nhiều khu vực. Tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Lan Fo’an thông báo hơn 2.2 nghìn tỷ nhân dân tệ trái phiếu đã được phát hành trong năm 2023 để hoán đổi "nợ ẩn" và trả nợ cho doanh nghiệp, với hạn mức thêm 1.2 nghìn tỷ nhân dân tệ cho năm nay.
Vậy kế hoạch tiếp theo là gì?
Bộ trưởng Lan cho biết chính phủ đang chuẩn bị thực hiện một đợt hoán đổi “nợ ẩn” quy mô lớn nhất trong những năm gần đây. Thông tin chi tiết sẽ được công bố sau khi quy trình pháp lý hoàn tất.
Ông không làm rõ liệu đợt hoán đổi này sẽ tiếp tục sử dụng trái phiếu địa phương hay chính phủ trung ương sẽ tham gia phát hành trái phiếu hỗ trợ. Đây sẽ là một thay đổi lớn vì chính phủ trung ương thường yêu cầu các địa phương tự xử lý nợ. Việc trung ương tham gia có thể làm tăng rủi ro liên quan đến việc vay nợ.
Theo Bloomberg, Trung Quốc đang cân nhắc cho phép chính quyền địa phương phát hành tới 6 nghìn tỷ nhân dân tệ trái phiếu từ nay đến năm 2027, chủ yếu để tái cấp vốn cho các khoản nợ ngoài bảng cân đối.
Lợi ích của kế hoạch mới đối với kinh tế Trung Quốc
Doanh thu phi thuế của Trung Quốc tăng vọt
Chủ tịch Tập Cận Bình đã xác định nợ chính quyền địa phương, khủng hoảng bất động sản và hệ thống tài chính là ba rủi ro lớn nhất đối với kinh tế Trung Quốc. Áp lực kiểm soát nợ đã khiến các quan chức địa phương phải thận trọng hơn trong đầu tư, đồng thời tìm kiếm các nguồn thu mới. Nhiều thành phố đã cam kết bán mọi tài sản có thể để trả nợ. Một số chính quyền, thậm chí, phải hoãn thanh toán cho nhà thầu và truy thu thuế lâu năm, gây tổn hại đến niềm tin kinh doanh, buộc Bắc Kinh phải cảnh báo về việc áp đặt quá nhiều tiền phạt.
Kế hoạch hoán đổi nợ mới có thể giúp giảm lãi suất vay và gia hạn thời gian trả nợ, cho phép các địa phương tái đàm phán điều kiện vay. Nếu được thực hiện đúng cách, chương trình này có thể giúp các chính quyền thanh toán nợ cho doanh nghiệp, giảm áp lực thu thuế và hạn chế phạt. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi tài chính và ổn định môi trường kinh doanh.
Theo các chuyên gia kinh tế của Morgan Stanley, việc xử lý vấn đề "nợ ẩn" là chìa khóa để ngăn chặn vòng xoáy giảm phát và cũng quan trọng như việc thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trực tiếp.
Bloomberg