5 rủi ro lớn cho Bitcoin nửa cuối năm
Tin Tức Tổng Hợp
feeder
Sau nửa năm đầy biến động, giá Bitcoin có thể vẫn tiếp tục bấp bênh trong 6 tháng còn lại bởi đối mặt với loạt yếu tố rủi ro.
Bitcoin đã có một khởi đầu vững chắc đầu năm nay, đạt mức cao nhất mọi thời đại là gần 65.000 USD vào tháng 4. Nhưng đồng tiền số này đã khép lại nửa đầu năm với giá trị giảm khoảng 47% so với mức đỉnh.
Dù có những người ủng hộ việc nắm giữ Bitcoin lúc này, một số nhà đầu tư khác vẫn đang cảnh giác về sự biến động dữ dội trên thị trường và tác động của nó đối với danh mục đầu tư của họ. Đây là 5 trong số những rủi ro lớn nhất mà Bitcoin phải đối mặt khi bước vào nửa cuối năm.
Quy định chính sách
Một trong những rủi ro lớn nhất với Bitcoin là các chính sách. Trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã đóng cửa các mỏ đào và lệnh cho các ngân hàng, công ty thanh toán không được kinh doanh với các công ty tiền điện tử. Tuần trước, cuộc trấn áp tiền số đã lan sang Anh, nơi các nhà quản lý cấm hoạt động của sàn giao dịch tiền số Binance.
Simon Yu, Đồng sáng lập và CEO StormX, cho rằng các động thái của Trung Quốc nên được coi là một điều "tích cực" đối với Bitcoin và các loại tiền điện tử khác, vì nó sẽ dẫn đến phân cấp thị trường nhiều hơn. Tuy nhiên, theo ông thì "quy định quá mức" về tiền số của Mỹ có thể là một vấn đề.
"Mỹ có quá nhiều cơ quan quản lý nó từ các góc độ khác nhau. Tiền số có phải là bảo mật không? Một hàng hóa? Một tài sản?", Yu nói và cho rằng, đến hiện tại, Mỹ vẫn chưa tìm ra cách điều tiết một cách hợp lý. Điều này đôi khi dẫn đến các quyết định gây khó khăn cho hoạt động của tiền số.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và các quan chức khác gần đây đã cảnh báo về việc sử dụng tiền số trong các giao dịch bất hợp pháp. Từ năm ngoái, chính quyền Trump đã đề xuất một quy tắc chống rửa tiền, yêu cầu những người thực hiện các giao dịch từ 3.000 USD tiền số phải khai danh tính.
"Chúng tôi đã cảnh báo từ lâu rằng việc tâm lý nhà đầu tư thay đổi hoặc các cuộc đàn áp bằng quy định có thể làm thị trường tiền điện tử lao dốc giống như vỡ bong bóng", UBS đưa ra nhận định trong tuần này.
Độ biến động
Một rủi ro lớn khác là sự biến động mạnh và liên tục. Bitcoin đạt đỉnh với giá khoảng 64.829 USD vào tháng 4, đúng ngày Coinbase được niêm yết. Sau đó, nó giảm xuống mức thấp nhất là 28.911 USD vào tháng 6, trượt xuống dưới 30.000 USD một thời gian ngắn rồi quay về vùng giá 34.000 USD hiện nay.
Những người đầu cơ Bitcoin coi nó như một loại "vàng kỹ thuật số" - một tài sản có thể mang lại lợi nhuận đáng kể trong thời kỳ bất ổn kinh tế. Nếu giá tăng, nó có thể là tin vui cho người nắm giữ, nhưng loại tiền số này biến động cả hai hướng.
Trong nửa đầu năm, một người có thể nhân đôi giá trị tài sản nếu mua Bitcoin vào tháng 1 và bán ra tháng 4. Đầu năm đến nay, lợi nhuận từ Bitcoin là 18%, cao hơn một chút so với mức tăng 16% của S&P 500 nhưng độ biến động là khá lớn. Còn tính trong 12 tháng qua, giá Bitcoin đã tăng hơn 3 lần.
"Nguồn cung hạn chế có thể làm trầm trọng thêm sự biến động của tiền số. Việc ít sử dụng trong thế giới thực và sự biến động giá bất thường cũng cho thấy nhiều người mua đang tìm kiếm lợi nhuận từ đầu cơ", UBS nhận xét.
Dù sự biến động liên tục có thể khiến một số nhà đầu tư nản lòng nhưng Ross Middleton, Giám đốc tài chính của nền tảng tài chính phi tập trung DeversiFi, cho biết bản thân sự biến động không phải là rào cản.
Sự biến động "thực sự có thể là một điểm thu hút đáng kể vì tiềm năng biến động giá lớn có nghĩa là các quỹ có thể kiếm được lợi nhuận đáng kể với mức phân bổ tương đối nhỏ so với quy mô danh mục đầu tư tổng thể của họ", ông nói và cho rằng Bitcoin đi ngang trong phạm vi 30.000-40.000 USD càng lâu thì nhận thức về loại tiền số này càng cao, dẫn đến dòng vốn chảy vào nhiều hơn.
Lo ngại về môi trường
Các câu hỏi xung quanh tác động của Bitcoin đối với môi trường có thể là thách thức. Đào Bitcoin rất tốn điện và mức tiêu thụ năng lượng của đồng tiền số này đã tăng đáng kể trong những năm qua, song song với mức tăng giá.
Trong khi các nhà phê bình từ lâu đã cảnh báo về lượng khí thải carbon khổng lồ của việc đào Bitcoin thì CEO Tesla Elon Musk đã khơi lại vấn đề này đầu năm nay. Ông khiến cộng đồng hưng phấn với thông tin mua vào 1,5 tỷ USD Bitcoin và bắt đầu chấp nhận nó như một phương thức thanh toán. Nhưng sau đó, cũng chính ông khiến họ choáng váng khi tuyên bố dừng thanh toán bằng Bitcoin và việc đào nó phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch.
Theo các nhà phân tích tại Citi, ít nhất thì vấn đề môi trường cũng có thể ngăn cản một số nhà đầu tư nắm giữ Bitcoin, bởi ý thức đầu tư có trách nhiệm. Và ở góc độ chính phủ, nó cũng đã góp phần thúc đẩy sự can thiệp của Trung Quốc đối với hoạt động khai thác vừa qua.
"Stablecoin" bị nghi ngờ
Stablecoin là một loại tiền số có giá ổn định nhờ được gắn chặt với giá của một tài sản thực như USD. Tuy nhiên, các stablecoin ngày càng bị dò xét hơn. Tuần trước, Eric Rosengren, Chủ tịch Fed Boston cho biết đồng Tether là một rủi ro đối với sự ổn định của hệ thống tài chính.
Nhà phát hành Tether khẳng định rằng, đồng tiền này được hỗ trợ bằng USD theo tỷ lệ 1:1, tức mỗi Tether sẽ có một USD dự trữ để ổn định giá. Các nhà đầu tư tiền số thường sử dụng Tether để mua các loại tiền số khác thay vì trực tiếp dùng USD. Nhưng giờ, một số người lo lắng rằng nhà phát hành Tether không có đủ dự trữ USD cần thiết cho số Tether đang lưu hành.
Vào tháng 5, nhà phát hành Tether thừa nhận khoảng 76% lượng Tether được hỗ trợ bởi tiền và các khoản tương đương tiền. Nhưng chỉ dưới 4% trong số đó là tiền mặt thực tế, trong khi khoảng 65% là thương phiếu, một dạng nợ ngắn hạn.
Tether đã được so sánh với các quỹ thị trường tiền tệ truyền thống nhưng không chịu ràng buộc quy định gì. Nó đang có vốn hóa khoảng 60 tỷ USD, lớn hơn lượng tiền gửi vào nhiều ngân hàng ở Mỹ. Đã có những lo ngại về việc liệu Tether có được sử dụng để thao túng giá Bitcoin hay không. Một nghiên cứu tuyên bố rằng nó đã được sử dụng để hỗ trợ Bitcoin trong những đợt giảm giá năm 2017.
"Tether là một vấn đề lớn. Các cơ quan quản lý dường như không thể kiểm soát chúng cho đến nay", Carol Alexander, Giáo sư tài chính tại Đại học Sussex, đánh giá. Ông nói rằng, các nhà đầu tư tiền số cần stablecoin để mở tài khoản và giao dịch. Nhưng vì hầu hết các nhà giao dịch lớn có trụ sở tại Mỹ dùng Tether nên nó trở thành sự lựa chọn phổ biến trong các stablecoin.
Các đồng "meme" và lừa đảo
Sợ nở rộ của các đồng "meme" - những đồng tiền số xuất hiện như một trò đùa hay gần như để đầu cơ - là một rủi ro khác. Dogecoin là ví dụ. Giá của nó đã tăng mạnh vào đầu năm nay khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư cá nhân đổ xô vào tiền số để cầu mong lợi nhuận vượt trội.
Vào giai đoạn đỉnh điểm, Dogecoin có giá trị vốn hoá hơn cả Ford và các công ty lớn khác của Mỹ, nhờ một phần không nhỏ vào sự hỗ trợ từ những người nổi tiếng như Musk. Nhưng sau đó thì nó cũng mất giá đáng kể.
Hay như ở một phân khúc thị trường khác, với những đồng gọi là tài chính phi tập trung (DeFi), một đồng có tên Titanium (gọi tắt là Titan) đã mất giá đến mức 0. Tỷ phú Mark Cuban là một trong những người có nắm giữ nó.
"Một mối bận tâm khác là số lượng các trò lừa đảo xuất hiện thời gian qua. Với một số đồng tiền 'meme' nhất định đã chứng kiến nhiều hoạt động bơm và bán phá giá khiến các nhà đầu tư cá nhân thua lỗ", ông Simon Yu, Đồng sáng lập và CEO StormX, nhận xét.
Theo ông, khi các nhà đầu tư cá nhân bị cháy túi quá mức vì những trò lừa đảo thì các chính phủ sẽ vào cuộc để siết chặt hơn thị trường tiền số. Hậu quả tất yếu là ngành này sẽ bị tác động tiêu cực.
Link gốc tại đây.
VnExpress tổng hợp theo CNBC