Áp lực giá cả ở châu Âu có thể mạnh đến mức nào?
Nguyễn Ngọc Mai
Analyst
Dữ liệu lạm phát của khu vực đồng Euro được công bố vào thứ Tư dự kiến sẽ sụt giảm nhẹ, song các nhà kinh tế cho rằng lạm phát sẽ tiếp tục đi lên trong nửa cuối năm nay.
Đà tăng áp lực giá cả của khu vực đồng Euro trong tháng 6 có thể sẽ tạm nghỉ ngơi, ngay cả khi khối này đã dần dỡ bỏ trạng thái phong toả và quá trình tiêm chủng vẫn diễn ra như kế hoạch. Một cuộc khảo sát ý kiến các nhà phân tích kinh doanh được thực hiện bởi Bloomberg đã dự đoán lạm phát sẽ quay trở lại với tốc độ hàng năm đạt 1.9%.
Tuy nhiên, theo cuộc khảo sát của IHS, trong nửa cuối còn lại của năm nay, hầu hết các nhà kinh tế đều kỳ vọng giá cả sẽ tăng. Quan điểm trên được củng cố nhờ kết quả tỷ lệ các doanh nghiệp báo cáo tăng giá trong tháng 6 so với tháng trước đã tăng lên mức cao nhất kể từ hai thập kỷ trước.
Lạm phát khu vực đồng tiền chung châu Âu vào tháng 5 đã tăng lên 2% - lần đầu tiên vượt quá mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Châu Âu trong hơn hai năm. Cuộc khảo sát kết quả kinh doanh của IHS Markit được công bố vào tuần trước cho thấy áp lực giá cả sẽ tăng cao trong tháng này.
Reinhard Cluse, nhà kinh tế học tại ngân hàng UBS, cho biết lạm phát sẽ đạt đỉnh 2.6% vào tháng 11 sau khi giảm nhẹ vào đầu mùa hè. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng cuộc khảo sát của IHS báo hiệu "đỉnh lạm phát năm nay có thể cao hơn mức dự báo của chúng tôi" .
Mức tăng trong giá hàng hoá đến từ sự thiếu hụt và tắc nghẽn chuỗi cung ứng, chi phí nhiên liệu, vận tải tăng, đồng thời là áp lực tăng lương.
Giống như tình hình tại Mỹ, các nhà hoạch định chính sách của ECB cho biết lạm phát sẽ chỉ là tạm thời do "hiệu ứng cơ bản". Ngân hàng dự báo lạm phát sẽ giảm xuống 1.4% vào năm 2023, khi giá năng lượng dần "giảm nhiệt".
Carsten Brzeski - nhà kinh tế học tại ngân hàng ING, cho biết cả ngân hàng trung ương Hoa Kỳ và khu vực đồng Euro “dường như đã sẵn sàng cho cả mức lạm phát toàn phần tạm thời tăng cao và sự khởi đầu của vòng xoáy giá cả tiền lương”.
Valentina Romei, The Economist