Biên bản cuộc họp tháng 7 của Fed: Báo hiệu khả năng cao trước việc cắt giảm lãi suất vào tháng 9

Biên bản cuộc họp tháng 7 của Fed: Báo hiệu khả năng cao trước việc cắt giảm lãi suất vào tháng 9

Quế Anh

Quế Anh

Junior Editor

08:04 22/08/2024

Theo biên bản được công bố vào thứ tư, Fed tại cuộc họp tháng 7 đã tiến gần hơn đến việc cắt giảm lãi suất, vốn đã được mong đợi từ lâu, nhưng vẫn giữ nguyên quyết định, đồng thời cho thấy khả năng cắt giảm vào tháng 9 đã tăng lên.

“Đại đa số” các thành viên tham gia cuộc họp ngày 30-31 tháng 7 nhận định rằng "nếu dữ liệu tiếp tục được công bố giống như dự đoán, việc nới lỏng chính sách tại cuộc họp tiếp theo sẽ là hợp lý,” bản tóm tắt cho biết. Thị trường hiện đã hoàn toàn định giá khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 9 là 100%, đây sẽ là lần đầu tiên kể từ khi Fed thực hiện các biện pháp nới lỏng khẩn cấp trong những ngày đầu của cuộc khủng hoảng Covid.

Mặc dù tất cả các thành viên bỏ phiếu trong Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đều đồng ý giữ nguyên lãi suất cơ bản, một số quan chức đã có xu hướng bắt đầu nới lỏng chính sách tại cuộc họp tháng 7 thay vì chờ đến tháng 9. Tài liệu cho biết, “một số thành viên cuộc họp nhận thấy rằng triển vọng lạm phát gần đây và việc tăng tỷ lệ thất nghiệp đã khiến một số quan chức ủng hộ hành động cắt giảm lãi suất ngay trong cuộc họp trước đó”

Theo cách diễn đạt mà Fed sử dụng trong biên bản họp, tên cụ thể cũng như số lượng các nhà hoạch định chính sách có quan điểm tương tự không được nêu ra và “một số” chỉ là một số lượng tương đối nhỏ. Tuy nhiên, bản tóm tắt cho thấy các quan chức Fed tự tin về xu hướng của lạm phát và sẵn sàng bắt đầu nới lỏng chính sách nếu dữ liệu cho thấy sự hợp tác.

Tâm lý này được thể hiện ở hai mặt: Các chỉ số lạm phát đã cho thấy áp lực giá cả giảm đáng kể, trong khi một số thành viên lưu ý về những lo ngại đối với thị trường lao động cũng như khó khăn của các hộ gia đình, đặc biệt là những người thuộc tầng lớp thu nhập thấp, đang phải đối mặt trong môi trường hiện tại.

“Về tình hình lạm phát thời gian tới, các thành viên đánh giá rằng dữ liệu gần đây đã củng cố niềm tin của họ rằng lạm phát đang di chuyển ổn định về mức 2%,” biên bản cho biết. “Gần như tất cả các thành viên nhận định rằng các yếu tố đã góp phần vào sự giảm phát gần đây có khả năng sẽ tiếp tục gây áp lực giảm lạm phát trong những tháng tới.”

Về thị trường lao động, “nhiều” quan chức đã lưu ý rằng “số liệu báo cáo về tăng trưởng việc làm có thể đã bị thổi phồng.” Vào thứ Tư trước đó, Cục Thống kê Lao động đã báo cáo trong một bản sửa đổi sơ bộ về NFP từ tháng 4 năm 2023 đến tháng 3 năm 2024 cho rằng số lượng việc làm có thể đã bị thổi phồng lên hơn 800,000.

Biên bản cho biết: “Đa số các thành viên nhận xét rằng rủi ro đối với mục tiêu của Fed về thị trường lao động đã tăng lên, và nhiều thành viên lưu ý rằng rủi ro đối với mục tiêu lạm phát đã giảm." Ngoài ra, biên bản cũng đề cập đến việc có một số ý kiến lưu ý rằng việc tiếp tục nới lỏng dần dần trong trường hợp thị trường lao động có thể chuyển thành sự suy giảm nghiêm trọng hơn. Trong tuyên bố sau cuộc họp, ủy ban nhấn mạnh rằng tăng trưởng việc làm đã giảm và lạm phát cũng đã “giảm nhẹ.” Tuy nhiên, họ đã chọn giữ nguyên khung lãi suất điều hành của mình, hiện đang được duy trì trong khoảng 5.25%-5.50%, mức cao nhất trong 23 năm qua.

Thị trường chứng kiến sự tăng trưởng vào ngày diễn ra cuộc họp của Fed nhưng sau đó đã sụt giảm trong các phiên tiếp theo do lo ngại rằng NHTW đang hành động quá chậm trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ.

Ngày hôm sau cuộc họp, Bộ Lao động đã báo cáo một sự gia tăng bất ngờ trong số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp, trong khi một chỉ số khác cho thấy lĩnh vực sản xuất đã sụt giảm nhiều hơn dự kiến. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi báo cáo NFP tháng 7 cho thấy chỉ có 114,000 việc làm mới được tạo ra và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4.3%.

Fed được kêu gọi cắt giảm lãi suất nhanh chóng, thậm chí có người cho rằng nên thực hiện một động thái ngay giữa các cuộc họp để ngăn chặn những lo ngại rằng nền kinh tế đang suy thoái nhanh chóng.

Tuy nhiên, sự hoảng loạn này không kéo dài khi các dữ liệu sau đó cho thấy số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã giảm về mức bình thường trong lịch sử, cùng với đó là các chỉ số lạm phát cho thấy áp lực giá cả đang giảm. Dữ liệu doanh số bán lẻ cũng tốt hơn mong đợi, xoa dịu lo ngại về áp lực đối với người tiêu dùng. Mặc dù vậy, các chỉ số gần đây đã chỉ ra những áp lực trong thị trường lao động, và phần lớn các nhà giao dịch tiếp tục đặt kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9.

CNBC

Broker listing

Cùng chuyên mục

Số vụ kiện đòi bình đẳng thu nhập tại Anh tăng vọt
Quế Anh

Quế Anh

Junior Editor

Số vụ kiện đòi bình đẳng thu nhập tại Anh tăng vọt

Số vụ kiện đòi bình đẳng thu nhập tại Anh đã tăng hơn 30%. Dữ liệu này cho thấy việc các nhà bán lẻ lớn ở quốc gia này liên tục bị kiện có thể đã thúc đẩy người lao động lên tiếng về vấn đề bất bình đẳng tại nơi làm việc.
Fed "gây bão" với việc cắt giảm 50 bps lãi suất: Thị trường chao đảo
Nguyễn Tuấn Đạt

Nguyễn Tuấn Đạt

Junior Analyst

Fed "gây bão" với việc cắt giảm 50 bps lãi suất: Thị trường chao đảo

Fed bất ngờ cắt giảm lãi suất 50 bps, khiến thị trường chao đảo. Mặc dù Powell khẳng định nền kinh tế Mỹ không suy thoái, chứng khoán nhanh chóng lao dốc khi ông cảnh báo không nên kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục hạ lãi suất mạnh tay. Quyết định này đã gây ra phản ứng trái chiều và lo ngại về hướng đi tiếp theo của Fed.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ