BoJ 10 năm nhìn lại: Chính sách siêu nới lỏng của thống đốc Kuroda không phải cho dài hạn
Đức Nguyễn
FX Strategist
Khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản công bố chiến dịch nới lỏng tiền tệ mạnh nhất trong lịch sử hiện đại một thập kỷ trước, các nhà chức trách đã hy vọng phép thử này sẽ kết thúc sau khoảng hai năm, do lo ngại về cách tiếp cận “sốc và sợ hãi”, theo biên bản đầy đủ của các cuộc họp chính sách từ giai đoạn đó.
Trong cuộc họp đầu tiên dưới thời Thống đốc Haruhiko Kuroda vào tháng 4/2013, lãnh đạo ngân hàng trung ương đã thực hiện một nước đi bất thường là chỉ tập trung vào quá trình thảo luận chính sách để đạt được mục tiêu lạm phát 2%, theo biên bản được công bố vào thứ Hai.
“Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể,” ông nói. “Chúng ta nên tránh việc từ từ triển khai chính sách theo từng bước, mà cố gắng đạt được mục tiêu trong thời gian sớm nhất có thể. Với tôi, con số cụ thể là khoảng 2 năm.”
Ông Kuroda, được lựa chọn rất kỹ lưỡng bởi Thủ tướng Shinzo Abe, được kỳ vọng sẽ từ bỏ chính sách hiện hữu BOJ mà các nhà phê bình vào thời điểm đó gọi là “quá ít, quá muộn”. JPY và cổ phiếu đã phản ánh kỳ vọng về một sự thay đổi lớn tại ngân hàng.
Tuy nhiên, kế hoạch của ông Kuroda đã không thành công. Ông buộc phải giải quyết các tác dụng phụ do việc nới lỏng tiền tệ kéo dài trong những năm cuối nhiệm kỳ của mình và từ chức vào tháng 4 với tư cách là thống đốc phục vụ lâu nhất trong lịch sử của BOJ mà không đạt được mục tiêu của mình.
Hơn một thập kỷ kể từ khi bơm tiền ra nền kinh tế, BoJ cuối cùng cũng bắt đầu thấy những mầm xanh xuất hiện trong mục tiêu của mình, đồng thời theo dõi rủi ro lạm phát tăng. Thống đốc Kazuo Ueda đã trích dẫn những lý do đó vào thứ Sáu khi giải thích tại sao BOJ tăng linh hoạt cho chương trình kiểm soát đường cong lợi suất.
Hầu hết các thành viên hội đồng ông Kuroda đều ủng hộ ông vào năm 2013, nhưng nhiều người cũng lưu ý rằng họ lo ngại về cách tiếp cận kích thích gây sốc và sợ hãi. Thành viên Takahide Kiuchi thậm chí đã bỏ phiếu chống lại việc xác định đạt được mục tiêu lạm phát trong 2 năm.
Takehiro Sato, một trong chín thành viên hội đồng vào thời điểm đó, cho biết việc nới lỏng quy mô lớn này hơi “đánh bạc”. Koji Ishida, một thành viên khác, cho biết ông phải yêu cầu đánh giá lại trong thời gian một năm nếu chính sách không có tác động rõ ràng.
Ryuzo Miyao, một thành viên khác, cho biết: “Không có chuyện chúng tôi sẽ tiếp tục trong nhiều năm mà không có giới hạn.”
Các thành viên cũng thảo luận về định nghĩa của mục tiêu lạm phát 2% và hầu hết đều nhất trí rằng đó là một mục tiêu linh hoạt có cho phép sai lệch.
Ông Kikuo Iwata, khi đó là phó thống đốc, cho biết tại cuộc họp năm 2013, rằng mục tiêu có thể lệch 1%, nhưng điều quan trọng là phải giữ cam kết duy trì ổn định khoảng 2% trong trung hạn.
“Tôi không thay đổi cách hiểu rằng đây là mục tiêu lạm phát linh hoạt,” ông phát biểu tại cuộc họp.
Điều đó cho thấy đã có một số thay đổi về cách hiểu mục tiêu lạm phát trong những năm qua. Tuần trước ông Ueda đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc kích thích tiền tệ, dù dự báo lạm phát hàng quý mới nhất của ngân hàng cho thấy lạm phát ở mức khoảng 2% trong ba năm cho đến năm tài chính 2025, sau khi tăng 3% vào năm ngoái.
Thống đốc nhắc lại ông không đủ tự tin lạm phát sẽ duy trì tăng sau khi chậm lại vào cuối năm nay. Định nghĩa về mục tiêu lạm phát có thể sẽ là một chủ đề chính trong tương lai, đặc biệt nếu giá cả tiếp tục mạnh hơn dự kiến.
Bloomberg