Các đồng tiền kỹ thuật số của các ngân hàng trung ương có thể mở ra triển vọng tươi sáng cho Bitcoin và Libra trong dài hạn
Nam Anh
Senior Economic Analyst
Đồng tiền điện tử Bitcoin và Libra (do Facebook khởi xướng) có thể sẽ đóng một vai trò nhất định trong thế giới nơi các ngân hàng trung ương trên toàn cầu bắt đầu phát hành tiền kỹ thuật số của riêng họ, Raghuram Rajan, cựu thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, nói với CNBC.
Điểm nhấn
- Đồng tiền điện tử Bitcoin và Libra (do Facebook khởi xướng) có thể sẽ đóng một vai trò nhất định trong thế giới nơi các ngân hàng trung ương trên toàn cầu bắt đầu phát hành tiền kỹ thuật số của riêng họ, Raghuram Rajan, cựu thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, nói với CNBC.
- Rajan gọi bitcoin là “tài sản đầu cơ” trong khi Libra được thiết kế như 1 phương tiện giao dịch.
Mặc dù cả hai đều bị chỉ trích nặng nề, Raghuram Rajan cho rằng hai loại tiền kỹ thuật số này hoàn toàn có thể có chỗ đứng khi các ngân hàng trung ương bước vào cuộc chạy đua phát hành đồng tiền kỹ thuật số.
“Tôi nghĩ rằng những đồng tiền tư nhân này cũng sẽ là đối trọng với các tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương,” Rajan nói trong chương trình “Beyond the Valley” của CNBC.
Các loại tiền kỹ thuật số có thể có tác động lớn đến vai trò của các ngân hàng trung ương và các tổ chức cho vay bán lẻ trên thế giới và có thể thay đổi bộ mặt của toàn bộ hệ thống tài chính.
Trong khi ý tưởng này vẫn đang được tranh luận, các ngân hàng trung ương có thể sẽ phát hành các phiên bản kỹ thuật số của đồng tiền định danh. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã và đang thực hiện thí điểm trong khi các ngân hàng trung ương khác đang xem xét có nên phát hành 1 phiên bản riêng của họ hay không.
Bitcoin là một loại tiền điện tử “phi tập trung”, có nghĩa là nó không có bất cứ cơ quan trung ương nào quản lý việc phát hành, không giống như tiền tệ định danh. Nó được xây dựng trên công nghệ blockchain, ở cấp độ đơn giản nhất, có thể hiểu như một sổ cái công khai bất biến của các giao dịch bitcoin. Bitcoin thường bị chỉ trích là một tài sản đầu cơ. Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đã nói vào đầu năm nay rằng nó “không có giá trị”.
Trong khi đó, Libra có cách tiếp cận tập trung hơn. Đây là một dự án được đề xuất bởi một tập đoàn các công ty do Facebook đứng đầu vào năm ngoái. Nhưng Libra đã bị các cơ quan quản lý chỉ trích nặng nề, đặc biệt là vì mối liên hệ của nó với Facebook, doanh nghiệp vốn có lịch sử khá mờ ám về các vấn đề về theo dõi và bảo mật dữ liệu cá nhận.
Ý tưởng cho Libra là một cái gọi là "đồng tiền ổn định", được hỗ trợ bởi một rổ tiền tệ toàn cầu. Điều đó sẽ giữ cho giá trị của nó ổn định trái ngược với sự biến động thường thấy ở bitcoin. Trong thời gian qua, Libra đã co hẹp đáng kể một số tham vọng của mình. Đầu năm nay, Hiệp hội Libra đã nộp đơn để được các cơ quan quản lý chấp thuận phát hành một loại tiền kỹ thuật số được hỗ trợ bởi một loại tiền tệ. Điều đó đồng nghĩa với việc đồng tiền kỹ thuật số này có thể tương đương với đồng Euro hoặc USD, chẳng hạn.
Về Bitcoin, Rajan nói rằng đây là một “tài sản đầu cơ” chứ không phải là một tài sản có thể được sử dụng cho các giao dịch trên diện rộng. Ông cho biết các nhà đầu tư thường đổ xô vào bitcoin khi các tài sản truyền thống như trái phiếu kém hấp dẫn hơn.
“Với góc nhìn như vậy, bitcoin có vẻ hơi giống vàng. Trên thực tế, vàng có một số giá trị vì chúng ta coi trọng nó như đồ trang sức, nhưng bitcoin thì bạn thậm chí không thể làm được điều đó. Tuy nhiên, nó có giá trị đơn giản bởi vì những người khác nghĩ rằng nó có giá trị”, Rajan nói.
“Ngược lại, Libra là một nỗ lực để tạo ra một loại tiền tệ có thể được sử dụng để giao dịch. Do đó, ý tưởng ở đây không phải là giữ nó như một tài sản đầu cơ làm tăng giá trị, mà sử dụng nó cho các giao dịch. Vì vậy, giá trị cơ bản cuối cùng sẽ đến từ các ngân hàng trung ương, họ sẽ bảo toàn giá trị, không phải của Libra mà là những gì Libra có thể được quy đổi ra.” ông nói thêm.
Cựu giám đốc ngân hàng trung ương Ấn Độ cho rằng việc tồn tại một loại tiền kỹ thuật số tư nhân có tính “độc quyền” sẽ là 1 vấn đề nhức nhối. Nhưng cuối cùng sẽ xuất hiện các loại tiền kỹ thuật số tư nhân khác cạnh tranh với các vai trò khác nhau.
“Vì vậy, điểm mấu chốt mà tôi nghĩ là các loại tiền tệ tư nhân khác nhau sẽ nắm những vai trò khác nhau. Nó có thể là bitcoin phát triển trong tương lai như một kho lưu trữ giá trị hoặc như một tài sản đầu cơ. Trong khi Libra có thể là loại tiền tệ được sử dụng rộng rãi nhằm mục đích giao dịch”, Rajan nói.
Những lo ngại về quản lý dữ liệu
Một trong những thách thức lớn với các loại tiền kỹ thuật số là lượng dữ liệu khổng lồ đi kèm với chúng.
“Bạn có tin tưởng ngân hàng trung ương đến mức cho họ biết các chi tiết về mọi giao dịch bạn thực hiện không? Liệu chính phủ có nên biết hay không? Vẻ đẹp của tiền mặt trong tay chúng ta chính là sự vô danh của chúng. Ngay cả khi bạn không làm điều gì đó bất hợp pháp, bạn cũng không muốn chính phủ nhìn thấy mọi việc bạn làm”, Rajan cho hay.
Vấn đề tương tự cũng phát sinh với các loại tiền kỹ thuật số tư nhân. Nhưng Rajan nói rằng có thể cần phải có sự "tích hợp dữ liệu" giữa các loại tiền kỹ thuật số cạnh tranh này "bởi vì bạn không muốn toàn bộ mọi thứ được Balkan hóa". (ám chỉ sự chia cắt, tan rã của 1 tập thể lớn thành những thực thể đơn lẻ khác nhau- mỗi đơn vị phát triển đồng tiền không phối hợp hay chia sẻ thông tin)
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng có một số câu hỏi cần được trả lời về cách bảo vệ dữ liệu đó.
“Chúng ta cần tạo ra những bộ quy tắc toàn cầu. Các quốc gia sẽ làm gì với dữ liệu thu thập từ nước ngoài về những người sử dụng tiền tệ của họ? Làm thế nào để bạn đảm bảo rằng sẽ có những biện pháp bảo mật đối với các thông tin đó? Nếu ai đó sử dụng ngoại tệ kỹ thuật số để mua một số dịch vụ có thể gây tổn hại cho họ nếu bị phát tán ra bên ngoài, liệu họ có phải chịu những cáo buộc về hoạt động gián điệp hay đối mặt với việc bị tống tiền? Và đó là những mối quan tâm không hề lo xa trong thế giới ngày nay”, Rajan nói với CNBC.