Cấm vận Bitcoin? Nga cũng không quan tâm đâu!
Đức Nguyễn
FX Strategist
Khi chiến sự tại Ukraine xấu đi và kinh tế Nga cùng đồng tiền Nga chạm đáy mới, phía Mỹ được cho là đang tìm cách mới gây áp lực lên tổng thống Putin: trừng phạt đánh vào crypto.
Bộ Tư pháp Mỹ đã công bố vào thứ Tư một lực lượng đặc nhiệm mới được thiết kế chuyên để thực hiện các biện pháp trừng phạt nói trên. Lực lượng này sẽ nhắm vào việc sử dụng crypto để né tránh trừng phạt và rửa tiền.
Nhắm tới hoạt động sử dụng tiền điện tử của Nga được áp dụng giữa lúc Mỹ cùng đồng minh, kể cả Thụy Sĩ trung lập, đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt trước đó.
Nỗi lo hiện tại là phía Nga cùng các bên hỗ trợ Nga trong cuộc chiến tại Ukraine sẽ tìm cách né tránh trừng phạt thông qua tiền điện tử, vốn không nằm trong tầm kiểm soát của cơ quan quản lý tiền tệ. Giống với nhiều crypto khác, Bitcoin phi tập trung, phi biên giới. Vì không có cơ quan trung ương nào chặn các giao dịch, tiền điện tử cũng không ngán ai cả.
Kể từ khi Nga công bố chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, số liệu từ Kaiko cho thấy giao dịch trên các sàn Bitcoin phi tập trung bằng đồng Rúp Nga và Hryvnia đã tăng đột biến. Đây có thể là một phần tại sao phía Ukraine muốn các sàn lớn cấm người dùng Nga - một yêu cầu bị từ chối bởi nhiều bên, tiêu biểu là Binance, cho rằng điều đó đi ngược lại với lý do crypto tồn tại.
Dù có nhiều dấu hiệu sử dụng crypto, và cả những lời bình từ lãnh đạo toàn cầu về việc cấm Nga khỏi các sàn crypto, sử dụng crypto để né tránh trừng phạt không phải lựa chọn tốt trên quy mô lớn.
Thứ nhất, thị trường crypto không có nhiều thanh khoản, và các giao dịch có thể bị dò ra thông qua blockchain. Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng có nhiều cách tốt hơn và khôn ngoan hơn sử dụng Bitcoin để né tránh trừng phạt.
“Quy mô và thanh khoản của thị trường tiền điện tử không đủ để bù đắp cho những gián đoạn do trừng phạt. Nó như kiểu ai đó lấy đi tiền lương của bạn và bắt bạn dùng tiền đút lợn sống qua ngày,” Yaya Fanusie, một thành viên của Trung tâm An ninh Tân Hoa Kỳ, chuyên đánh giá rủi ro an ninh quốc gia và rửa tiền liên quan tới crypto.
Nga: Ngại gì trừng phạt?
Nga không còn lạ lẫm gì với trừng phạt cả. Và giới cầm quyền nước này đã dành nhiều năm tìm cách đi đường vòng.
Moscow hứng chịu chỉ trích toàn cầu sau khi sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine. Đây cũng là năm chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia từ Hà Lan về Malaysia được cho là đã bị bắt hạ bởi tên lửa đối không phe ly khai thân Nga trên không phận Ukraine.
Kể từ đó, tổng thống Putin đã tìm cách bảo vệ Nga trước các lệnh trừng phạt phương Tây, ước tính tốn mỗi năm khoảng 50 tỷ USD.
Các lệnh trừng phạt thường nắm tới một số cá nhân hoặc doanh nghiệp, và giao thương với các thực thể đó sẽ chịu phạt nặng nề. Nhưng trừng phạt cũng chỉ như hệ thống KYC của ngân hàng, theo Sarah Beth Felix, chuyên gia về chống rửa tiền và trừng phạt.
“Tùy vào độ nghiêm lệnh trừng phạt đó ra sao, rồi đến dữ liệu, rồi đến việc liệu trừng phạt có hiệu quả hay không,” bà Felix cho biết. “Điều này vô dụng với dòng tiền, dù có là crypto, tiền định danh, chuyển khoản, hay tín dụng.”
Một phần trong chiến lược của Putin liên quan đến việc đa dạng hóa danh mục đầu tư khỏi trái phiếu kho bạc Mỹ và đô la Mỹ, thay vào đó tập trung vào trái phiếu châu Âu và vàng. Dự trữ Nga gồm 630 tỷ USD dự trữ ngoại hối, một tấm khiên hấp thụ tác động của trừng phạt.
Các yếu tố cơ bản của Nga cũng giúp hấp thụ những cú sốc. Nga có tỷ lệ nợ trên GDP chỉ 18%, thặng dư tài khoản vãng lai, và giá dầu vượt $113/thùng đều hỗ trợ. Tới hiện tại, Mỹ vẫn chưa trừng phạt dầu Nga.
Hơn nữa, Nga đã chuẩn bị cho việc này suốt nhiều tháng.
“Các cơ quan tài chính và bộ phận tài phiệt Nga đã chuẩn bị cho các biện pháp trừng phạt trong khá lâu rồi,” theo Salman Banaei, trưởng bộ phận chính sách công Bắc Mỹ của Chainalysis.
“Tôi nghĩ hàng tỷ USD đã được chuyển qua các công ty vỏ bọc dược sở hữu bởi các bên từ Nga, dù là bằng crypto hay chuyển khoản ngân hàng,” Felix nói thêm.
Banaei đồng ý có ít khả năng những người bị chọn làm mục tiêu trừng phạt sẽ di chuyển lượng lớn tiền điện tử vào thời điểm này. Thay vào đó, họ sẽ chuyển từ từ qua nhiều tháng.
“Cuối cùng, điều bí ẩn vẫn sẽ là tính minh bạch của người sở hữu các công ty đó, dù là ở Mỹ hay ở đâu đi nữa,” Felix cho biết.
Bitcoin cũng sẽ vô dụng
Ngay cả khi Nga muốn sử dụng tiền điện tử để né tránh trừng phạt, kinh tế của nước này quá lớn, còn thị trường tiền điện tử quá nhỏ và bất kỳ giao dịch lớn nào cũng có thể bị truy vết.
Mỹ đã áp đặt lệnh hạn chế lên cổ phiếu và nợ của một số công ty quốc hữu Nga, với tổng tài sản lên tới gần 1.4 nghìn tỷ USD. Những tổ chức này sẽ không thể gọi vốn tại thị trường Mỹ, một nguồn vốn cực kỳ quan trọng. Trong khi đó, tổng vốn hóa thị trường tiền điện tử là 1.9 nghìn tỷ USD.
Thanh khoản thị trường crypto cũng không cao, nên khó có thể mua bán lượng lớn tiền như Bitcoin. Khối lượng giao dịch BTCRUB đạt đỉnh ở khoảng $250,000 mỗi giao dịch trên Binance, còn với BTCUSD, con số này là 2.6 triệu.
Theo Delston, quy mô giao dịch chính phủ Nga cần thực hiện phải gấp nhiều lần những gì người dân Nga thực hiện. Điều đó rất khó với thanh khoản mỏng, mà còn dễ bị cắm cờ.
Trên blockchain, khối lượng giao dịch sẽ được ghi nhận ngay lập tức, và giao dịch lớn nào cũng sẽ gây chú ý.
Trong khi crypto có lợi thế không bị giám sát như chuyển khoản ngân hàng, mọi giao dịch đều được công khai, không thể xóa, không thể thay đổi, và có thể bị truy ra nhanh chóng.
“Nếu bạn có tờ 5 đô, bạn không thể truy vết nó từ tôi, còn nếu tôi chuyển khoản bạn qua ví, giao dịch đó đều sẽ gắn với ID của tôi, và nếu trên sàn được kiểm định, có tất cả thông tin về khách hàng của tôi,” Felix nói.
Ông Banaei cũng nói thêm rằng chỉ cần một dấu vết, thị trường crypto sẽ đào ra cả một hệ thống ví liên quan đến hoạt động tống tiền và rửa tiền trong vài giờ, còn với ngân hàng, cần tới vài tháng.
Có nhiều loại tiền ẩn danh như monero, dash, nhưng thanh khoản của chúng không cao, vì nhiều sàn giao dịch đã quyết định không niêm yết do một số quy định.
“Rất khó mua đồ bằng crypto, đặc biệt mấy món đồ lớn,” Delston nói. Ông cho biết không rõ công ty điện tử, thực phẩm hay đồ gia dụng nào chấp nhận thanh toán bằng crypto, trong khi đây là những thứ rất cần thiết tại Nga, vì nước này không thể tự sản xuất được.
Đồng Rúp điện tử?
Trong khi nhiều người chú ý đến tiềm năng né trừng phạt của Bitcoin, câu chuyện lớn hơn đối với Fanusie là những gì các bên bị trừng phạt đang làm với tiền số của ngân hàng trung ương, hay CBDC.
Ngân hàng trung ương Nga đã công bố một bài báo về đồng Rúp điện tử vào tháng 10/2020, và thống đốc Elvira Nabiullina nói nước này đang lên kế hoạch triển khai trong năm nay.
Đây sẽ là đồng tiền điện tử được kiểm soát bởi ngân hàng trung ương, giống với đồng Nhân dân tệ điện tử.
Một quan chức Nga cũng nói đồng Rúp điện tử sẽ giúp giảm sự phụ thuộc vào USD, và hạn chế ảnh hưởng của trừng phạt.
Trước khi Nga đánh Ukraine, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ Michael Greenwald nói rằng Rúp điện tử có thể là một vấn đề đối với Mỹ.
“Điều khiến tôi lo là Nga, Trung Quốc và Iran tự tạo tiền số ngân hàng trung ương để hoạt động không phụ thuộc vào đô la, sau đó các quốc gia khác cũng học tập.”
CNBC