CEO Eurizon: Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm có thể đạt 2% trong năm 2024
Nguyễn Mai Vinh
Junior Analyst
Theo nhà quản lý quỹ phòng hộ Stephen Jen, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ chấm dứt chính sách tiền tệ siêu nới lỏng sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu hạ lãi suất, khiến đồng yên mạnh lên và lợi suất trái phiếu chính phủ tăng trong năm nay.
Giám đốc điều hành của quỹ quản lý tài sản Eurizon SLJ Capital, ông Stephen Jen cho rằng tỷ giá USDJPY có thể giảm xuống mức 1 USD đổi 130 Yen vào cuối năm nay, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm có khả năng tăng lên 1.5% - 2%. USDJPY giao dịch xung quanh mức 148.10 và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm ở mức 0.71% trong ngày 29/1.
Theo Stephen Jen, cha đẻ của lý thuyết Đô la cười, trọng tâm của Thống đốc Kazuo Ueda trong thời gian tới là thiết lập lại chính sách tiền tệ “cho phép BoJ hành động mà không làm vỡ bong bóng trái phiếu chính phủ (JGB)”.
Các trader ngày càng nghiêng về quan điểm diều hâu, sau khi ông Ueda cho biết sự chắc chắn trong việc đạt được dự báo về giá đang dần tăng lên, đây là điều kiện tiên quyết trước khi đảo chiều chính sách tiền tệ. Việc tăng lãi suất cũng báo hiệu nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sắp thoát khỏi thời kỳ nhu cầu ảm đạm kéo dài.
Vị chuyên gia cho rằng, xét tới tình trạng mong manh của nhiều ngân hàng tại Nhật Bản và việc người dân đã quen với lãi suất siêu thấp, BoJ có thể sẽ nới lỏng chính sách kiểm soát đường cong lợi suất khi lạm phát chậm lại, thay vì thắt chặt chính sách tiền tệ để đối phó với lạm phát cao.
BoJ nhiều khả năng sẽ chuyển từ chính sách lãi suất âm sang chính sách lãi suất bằng 0 và nới lỏng YCC khi Fed bắt đầu hạ lãi suất, bởi vì điều đó “sẽ mang lại sự yên bình nhất cho thị trường JGB”, ông viết.
Quan điểm của Pimco
Trong khi đó, Mohit Mittal, giám đốc đầu tư chiến lược cốt lõi của Pacific Investment Management (Pimco), cho biết BoJ có thể sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ theo thời gian, khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản tăng lên đều đặn.
“Tôi nghĩ quỹ đạo lạm phát và chính sách của ngân hàng trung ương đang có sự khác biệt giữa Nhật Bản và phần còn lại của thế giới”, ông Mohit Mittal nói.
Bloomberg