CHF - Đồng Franc Thụy Sĩ
Đức Nguyễn
FX Strategist
Đồng Franc Thụy Sĩ (CHF) là đơn vị tiền tệ chính thức của Thụy Sĩ, được công nhận vào tháng 5/1850, khi nó thay thế cho nhiều loại tiền khác nhau do từng bang phát hành riêng biệt trước đó.
Đồng CHF là gì?
CHF là đơn vị tiền tệ chính thức của Thụy Sĩ
Đồng Franc Thụy Sĩ (CHF) là đơn vị tiền tệ chính thức của Thụy Sĩ, được công nhận vào tháng 5/1850, khi nó thay thế cho nhiều loại tiền khác nhau do từng bang phát hành riêng biệt trước đó.
CHF là ký hiệu viết tắt của cụm từ “Confoederatio Helvetica Franc”, trong đó “Confoederatio Helvetica” là tên Latinh của Liên bang Thụy Sĩ, “Franc” là tên gọi của tiền tệ của một số nước châu Âu.
Hiện nay, CHF là đồng Franc duy nhất còn được phát hành và sử dụng ở châu Âu, vì các quốc gia khác trước đây sử dụng các loại Franc đều đã sử dụng EUR – đồng tiền chung của Eurozone.
CHF là một đồng tiền phòng hộ
Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ
Từ thời Trung cổ, ngân hàng trung ương Thụy Sĩ đã áp dụng những chính sách bảo mật thông tin, và những chính sách này đã được sửa đổi thành luật vào năm 1934. Đặc biệt hơn, cũng từ rất lâu ngân hàng này luôn tuân theo chính sách lạm phát bằng 0.
Ngoài ra, với chính sách tiền tệ độc lập, ngân hàng trung ương Thụy Sĩ không quyết định lượng tiền của mình dựa trên vàng dự trữ như các nước khác, do đó Thụy Sĩ có thể in lượng tiền bất kỳ mà không cần dự trữ. Đây có thể coi là một hình thức nới lỏng định lượng cho phép ngân hàng trung ương kiểm soát tỷ giá một cách độc lập với giá trị tài sản khác.
Chính những điều này đã giúp Thụy Sĩ luôn có một hệ thống kinh tế vững mạnh, tốc độ tăng trưởng không quá cao nhưng rất ổn định và được kiểm soát tốt. Bằng chứng cho nền tài chính ổn định của Thụy Sĩ là việc nước này là chủ nợ lớn thứ 7 của Hoa Kỳ.
Kết hợp với tính trung lập chính trị của đất nước, tất cả đã biến đồng Franc Thụy Sĩ trở thành một loại tiền tệ đặc biệt mạnh mẽ và ổn định. Cũng không quá ngạc nhiên khi đồng Franc Thụy Sĩ được xem là một tài sản trú ẩn an toàn trong thời kỳ bất ổn kinh tế và chính trị, điển hình như trong cuộc khủng hoảng nợ châu Âu năm 2008.
Mặc dù nổi tiếng là tài sản trú ẩn an toàn, nhưng đồng Franc Thụy Sĩ không phải là một loại tiền tệ dự trữ. Những giao dịch ngoại thương liên quan đến Thụy Sĩ cũng thường được thanh toán bằng Euro hoặc USD thay vì sử dụng đồng Franc Thụy Sĩ.
Lịch sử hình thành và phát triển của CHF
Đồng Franc Thụy Sĩ là một trong số ít các đặc điểm thống nhất của đất nước, và cũng là đồng tiền pháp định trong Công quốc Liechtenstein. Trong quá khứ, Hiến pháp Liên bang Thụy Sĩ năm 1848 đã quy định rằng chỉ chính phủ liên bang mới được phép phát hành tiền và đồng Franc Thụy Sĩ được ra đời 2 năm sau đó.
Năm 1798, Pháp đã giới thiệu tiền tệ chung cho Thụy Sĩ
Trước năm 1798, Thụy Sĩ là một liên bang gồm 31 bang, tình hình tiền tệ ở Thụy Sĩ lúc bấy giờ có thể nói là khá “loạn” với rất nhiều loại tiền khác nhau ở từng bang. Cụ thể, tính đến năm 1798, khoảng 75 tổ chức đã đúc tiền ở Thụy Sĩ, với 860 loại tiền khác nhau được lưu hành với mệnh giá, trọng lượng và cấu trúc tiền tệ khác nhau.
Đến năm 1798, Thụy Sĩ bị Pháp xâm chiếm và chính Pháp đã giới thiệu một loại tiền tệ chung duy nhất cho toàn bộ Thụy Sĩ, dựa trên đồng Berne thaler (một loại tiền tệ của bang Berne), gọi là đồng Franc Helvetian, và khối lượng của nó tương đương với 6.75 gram bạc nguyên chất.
Mặc dù đồng tiền này chỉ được sử dụng cho tới khi Cộng hòa Helvetic kết thúc vào năm 1803, nó vẫn là cơ sở cho việc cải cách tiền tệ của một số bang Thụy Sĩ.
Năm 1850, đồng Franc Thụy Sĩ chính thức ra đời
Sau khi giành độc lập vào năm 1815, cùng với mong muốn tăng cường liên kết nội bộ, Hiến pháp Liên bang Thụy Sĩ mới đã được ra đời vào năm 1848, quy định rằng tổ chức duy nhất được phép phát hành tiền tệ trong nước là Chính phủ liên bang. Ngay sau đó, luật tiền tệ đầu tiên đã được ban hành vào ngày 7 tháng 5 năm 1850, xác định đồng Franc Thụy Sĩ là đơn vị tiền tệ duy nhất được lưu thông.
Từ năm 1865 - 2015, đồng Franc Thụy Sĩ được neo giá với nhiều đơn vị khác nhau
Từ năm 1865 đến những năm 1920, Liên minh tiền tệ Latinh được thành lập bởi Thụy Sĩ, Pháp, Bỉ và Ý. Giá trị tiền tệ của cả bốn quốc gia này lúc bấy giờ được neo với giá bạc.
Đến năm 1945, sau khi Thụy Sĩ tham gia vào hệ thống Bretton Woods, tỷ giá hối đoái đã được thiết lập với USD. Tuy nhiên, hệ thống này duy trì đến những năm 1971 thì sụp đổ.
Sau đó, tỷ giá của đồng Franc Thụy Sĩ lại được neo với giá vàng cho đến tháng 5 năm 2000.
Một thời gian sau, tỷ giá hối đoái của đồng Franc Thụy Sĩ tiếp tục được neo giá với đồng EUR. Tuy nhiên đến năm 2011, đồng EUR suy yếu, là một nước xuất khẩu lớn, Thụy Sĩ không muốn đồng tiền nước họ trở nên quá mạnh. Chính vì vậy, mùa hè năm 2011, Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ đã tuyên bố đặt trần tỷ giá giữa đồng EUR và đồng Franc Thụy Sĩ ở mức là 1.2.
Từ năm 2015 - nay, giá trị đồng Franc Thụy Sĩ được thả nổi
Biện pháp áp mức trần tỷ giá năm 2011 được cho là biện pháp tạm thời lúc bấy giờ để bảo vệ nền kinh tế Thụy Sĩ khỏi bị tổn hại nghiêm trọng. Tuy nhiên, đồng EUR sau đó vẫn tiếp tiếp tục mất giá mạnh so với đồng USD và điều này đã gây ra tác động khiến đồng Franc Thụy Sĩ suy yếu so với đồng USD.
Điều này đã khiến Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ đưa ra quyết định thả nổi tỷ giá hối đoái của đồng Franc Thụy Sĩ ngày 15/1/2015. Ngay sau quyết định này, CHF ngay lập tức tăng 30% lên mức kỷ lục so với đồng EUR, từ 1.2 CHF/EUR lên 0.8052 CHF/EUR và cũng tăng 25% so với đồng USD.
Tại sao Thụy Sĩ không sử dụng EUR?
Thụy Sĩ không tham gia Liên minh Châu Âu
Thụy Sĩ là một quốc gia lớn ở châu Âu, có biên giới chung với Đức, Pháp, nhưng hoàn toàn không phải là một phần của Liên minh Châu Âu (EU). Người dân Thụy Sĩ đã bỏ phiếu không tham gia Khu vực kinh tế châu Âu (EEA) với tỷ lệ khoảng trên 59% vào năm 1992.
Nguyên nhân chính khiến Thụy Sĩ không tham gia EU là vì tính trung lập của nước này. Từ trước đến giờ, Thụy Sĩ luôn tách mình tránh xa khỏi các xung đột và chiến tranh trong khu vực cũng như trên thế giới. Đồng ý tham gia EU đồng nghĩa với việc Thụy Sĩ sẽ phải đi theo những đường lối mà liên minh vẽ ra, trong đó có cả các quyết định về chiến tranh và chủ quyền.
Do không tham gia Liên minh châu Âu nên chính phủ Thụy Sĩ đã phải ký hàng loạt thỏa thuận song phương với Liên minh châu Âu Trong khoảng 10 năm từ 1992 đến 2002, để cho phép người dân tự do đi lại dù không phải là một phần trong khối.
Dù CHF đã được ấn định là đồng tiền chính thức và duy nhất, EUR vẫn có thể được sử dụng trong thanh toán hàng ngày, nhưng nó được coi là ngoại tệ, giống như tiền tệ của các quốc gia khác.
dubaotiente.com