Chiến sự Ukraine đã đưa crypto trở lại tâm điểm!
Đức Nguyễn
FX Strategist
Vai trò của tiền điện tử như Bitcoin đã trở thành điểm nhấn quan trọng trong chiến tranh Nga-Ukraine, việc ban hành các lệnh trừng phạt cũng như tình trạng hỗn loạn của thị trường tài chính sau đó.
Và tới giờ, ta có ba câu hỏi lớn về cách crypto được sử dụng trong chiến tranh và tương lai của tiền điện tử.
Có thể dùng crypto để né trừng phạt không?
Sau khi tấn công Ukraine, Nga đã đón rất nhiều lệnh trừng phạt nhằm cắt đứt nước này khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.
Những nhân vật định chế tài chính chủ chốt của Nga đã bị liệt vào danh sách trừng phạt của Mỹ, cấm các doanh nghiệp Mỹ giao thương với họ. Trong khi đó, Mỹ, Canada và EU đã loại một số ngân hàng Nga khỏi SWIFT. Những lệnh trừng phạt này đã khiến đồng Rúp Nga lao dốc.
Điều này đã dẫn đến một tranh luận về việc liệu tiền điện tử, đặc biệt là Bitcoin, có thể được dùng để né tránh các lệnh trừng phạt này hay không, vì Bitcoin nói riêng và crypto nói trung thường có tính phi tập trung, không bị kiểm soát bởi một cơ quan như ngân hàng trung ương. Khi crypto được gửi đến người dùng, nó không đi qua hệ thống tài chính truyền thống.
Thế nhưng, vẫn có một số vấn đề.
Thứ nhất, blockchain, công nghệ đứng sau crypto, là một sổ cái công khai. Do vậy, không khó để theo dõi dòng tiền từ tài khoản này sang tài khoản khác, nên đây không phải cách hay để né trừng phạt.
“Hiểu lầm lớn nhất về crypto là nó không thể bị truy vết và dễ dàng dùng cho mục đích xấu, nhưng điều này sai hoàn toàn,” theo Vijay Ayyar, phó chủ tịch bộ phận phát triển tại sàn crypto Luno.
Hơn nữa, thanh khoản trên thị trường crypto là không đủ để tài phiệt Nga tẩu tán tài sản.
“Thanh khoản thị trường tiền điện tử chỉ bằng một phần rất nhỏ của thị trường tiền tệ toàn cầu, nên di chuyển lượng lớn tiền là điều không thể.
Các sàn giao dịch tiền điện tử cũng sẽ cảnh giác cao độ.
Theo Charles Hayter, Giám đốc điều hành của công ty dữ liệu CryptoCompare, “Các sàn với quy trình/quy tắc ứng xử nghiêm ngặt chắc chắn sẽ theo dõi cao độ dòng tiền có nguồn gốc bất chính.
Vào thứ Năm, Brian Armstrong, Giám đốc điều hành Coinbase, đã ủng hộ nhưng quan điểm này trong một bài viết. Ông nói rằng tất cả doanh nghiệp Mỹ phải làm đúng luật.
“Không quan tâm công ty bạn quản lý USD, vàng hay crypto, bất động sản. Trừng phạt áp dụng với tất cả người dân và doanh nghiệp Mỹ.”
“Nên đừng nghĩ các công ty crypto như Coinbase nằm ngoài luật pháp. Chúng tôi sẽ làm theo luật. Đó là lý do chúng tôi sẽ lọc những người đăng ký dịch vụ theo danh sách đen toàn cầu, và chặn những giao dịch có thể liên quan tới những cá thể bị trừng phạt, như những doanh nghiệp khác đang làm.
Tuy vậy, khối lượng giao dịch dùng Rúp mua BTC và USDT sau khi Nga tấn công đã tăng đột biến. Hayter cho rằng đây là “con đường tìm trú ẩn, crypto như là một cách để lưu trữ giá trị,” khi mà RUB đã giảm sâu.
Ông Armstrong nói một số người Nga bình thường đã tìm đến sợi dây cứu sinh crypto sau khi đồng tiền của họ sập.
Đầu tuần này, các nhà lập pháp Mỹ, gồm cả Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren đã thúc giục Bộ Tài chính đảm bảo rằng các công ty tiền điện tử sẽ tuân thủ các lệnh trừng phạt lên Nga. Một quan chức khác cho biết ít có khả năng Nga sẽ né tránh các lệnh trừng phạt bằng crypto.
Bitcoin - Vàng điện tử hay vàng bịp?
Nhiều năm nay, những người ủng hộ Bitcoin đã gọi đồng tiền này là vàng điện tử. Lý do là Bitcoin có thể được sử dụng để lưu trữ giá trị và là tài sản an toàn trong khủng hoảng.
Tuy nhiên, giả thuyết đó có vẻ không thực tế lắm, khi Bitcoin có tương quan rất lớn với tài sản rủi ro, đặc biệt là cổ phiếu.
Nhưng khi chiến sự tại Ukraine leo thang, Bitcoin đã tăng vọt, vượt $44,000, khiến nhiều suy đoán về tài sản an toàn trở lại.
Nhưng một số lại bất đồng tình.
“Chúng tôi đã đọc qua một số bài viết nói rằng BTC đang lấy lại vị thế tài sản trú ẩn. Chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với quan điểm này,” Lux Thiagarajah, trưởng bộ phận giao dịch và quản lý tài khoản của BCB cho biết.
“Một tài sản an toàn phải giữ được giá trị trong thời kỳ thị trường biến động. Tiền điện tử bị bán tháo rất mạnh kể từ khi Fed gần như chắc chắn sẽ tăng lãi suất nhanh hơn dự báo, khiến chứng khoán bị đạp mạnh. Đây không phải là tài sản an toàn.”
Ayyar cho biết tuần trước Bitcoin đã đánh mất tương quan với vàng và chứng khoán khá nhiều, một tín hiệu tích cực xoay quanh quan điểm tài sản trú ẩn. Ông nói thêm Bitcoin sẽ tiếp tục hoàn thiện, lấy thị phần từ vàng, nhưng để đến lúc đó sẽ cần nhiều thời gian.
Công nghệ blockchain đã chứng minh được lợi ích chưa?
Những người ủng hộ tiền điện tử thường nói blockchain tăng hiệu quả giao dịch khiến chúng dễ theo dõi hơn. Một lý do đó là không có trung gian như với các giao dịch tài chính truyền thống.
Nhưng nhiều đồng tiền vẫn chịu phí cao và tốc độ giao dịch chậm, và chưa được sử dụng rộng rãi để thanh toán.
Tuy nhiên, trong chiến tranh, Ukraine bắt đầu chấp nhận các khoản đóng góp bằng tiền điện tử để tài trợ cho quân đội của mình. Ukraine đã huy động được hơn 50 triệu USD bằng tiền điện tử, theo Elliptic.
Việc quyên góp qua ngân hàng truyền thống có thể gặp khó do chi phí gửi tiền ra nước ngoài cao. Cũng có thể mất nhiều thời gian để Ukraine nhận được tiền.
Và đây chính là lợi thế của crypto, theo Garrick Hileman, giáo sư thỉnh giảng Đại học Kinh tế London.
“Khi không còn hạ tầng thiết yếu, hoặc có mối lo về tốc độ chuyển tiền của ngân hàng, chỉ cần có internet và thiết bị kết nối, bạn có thể giao dịch với tiền ảo,” Hileman nói thêm.
Và vì các giao dịch được lưu trên sổ cái công khai, bạn có thể xem tiền mình gửi đã đến đâu và sử dụng với mục đích gì.
“Một số giá trị gốc của tiền điện tử đang chứng mình bản thân,” ông nói thêm.
CNBC