Đáy thị trường
Trần Vân Anh
Junior Editor
Đáy thị trường là khu vực giá thấp nhất trong một chu kỳ giá giảm.
Đáy thị trường là khu vực giá thấp nhất trong một chu kỳ giảm
Đáy thị trường là khu vực giá thấp nhất trong một chu kỳ giảm. Đáy là thời điểm các trader có thể tận dụng cơ hội mua tài sản với giá thấp hơn giá trị thực của chúng, với hy vọng thu được lợi nhuận sau một thời gian giá tăng trở lại.
Thông thường, một thị trường được coi là bearish khi giá đã giảm khoảng 20%, nhưng đây mới là điều kiện cần và chưa đủ để vào lệnh mua. Đặc biệt là trong các giai đoạn suy thoái kinh tế thì khả năng cao là thị trường sẽ tiếp tục giảm sâu hơn nữa, có thể lên tới 50% bởi khi giá tài sản ở mức rất rẻ thì lực bán cũng sẽ giảm đi đáng kể.
Đây là lúc thanh khoản thị trường giảm mạnh so với thời điểm giá tăng bùng nổ trước đó và là tín hiệu đầu tiên để các nhà đầu tư cân nhắc bắt đáy. Cùng lúc, tỷ lệ áp dụng chiến lược đòn bẩy tài chính lúc này rất cao với nhiều phiên giá lao dốc và sập mạnh do áp lực bán tăng trên diện rộng, với sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư lớn.
Khi tiến hành bắt đáy thị trường, các nhà đầu tư có thể làm tăng khả năng sinh lời và cải thiện tỷ suất lợi nhuận khi giá tăng trở lại. Tuy nhiên, phương pháp này đi kèm với độ rủi ro lớn vì thông thường các nhà đầu tư chỉ biết thị trường đã tạo đáy khi đã đi qua nó và phải đổi mặt với nguy cơ thua lỗ nặng nề nếu giá tiếp tục giảm.
Thị trường có thể phục hồi sau khi tạo đáy
Đến một thời điểm khi tâm lý bi quan bao trùm lên toàn bộ thị trường, các thông tin tiêu cực liên tục xuất hiện cũng không khiến giá giảm hơn được nữa do các nhà đầu tư đang đứng ngoài quan sát để chờ thời điểm mua vào trong tương lai. Đây cũng là một dấu hiệu nhận diện thị trường đã thực sự tạo đáy và chỉ chờ thời điểm để phục hồi.
Một lý do khiến việc thị trường giảm mạnh lại mang đến cơ hội mua vào tuyệt vời là bởi trong dài hạn các thị trường đã có xu hướng tăng trở lại và điều này đã được minh chứng qua nhiều thập kỷ.
Ngay cả trong thị trường giảm kéo dài dai dẳng những năm 1970, các đợt giảm mạnh thường dẫn đến việc định giá tài sản rẻ hơn, do đó dẫn tới sự phục hồi trong kỳ vọng của nhà đầu tư. Thị trường thường diễn biến theo chu kỳ kinh doanh, các pha thoái trào và suy giảm trong hoạt động kinh tế nói chung thường kéo dài từ 6 đến 12 tháng.
Ví dụ, giá cổ phiếu Nvidia từ năm 2016 đến nay đã tăng từ hơn 6 USD/cổ phiếu lên hơn 500 USD/cổ phiếu nhờ sự bùng nổ của công nghệ AI. Nếu mua ở mức giá thấp trong khoảng thời gian đầu sẽ mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho các nhà đầu tư.
Trái lại, nhiều nhà đầu tư đã tin rằng đây là một món hời khi có thể mua cổ phiếu hơn 25 USD của ngân hàng Lehman Brothers với giá 19 USD trong năm 2007. Tuy nhiên đến tháng 9/2008, giá giảm xuống còn 17 USD/cổ phiếu và 1 tuần sau Lehman phải nộp đơn xin phá sản với giá cổ phiếu chỉ còn 15 cent.
Thị trường tạo đáy sau khi trải qua 3 giai đoạn chính
Đầu tiên là giai đoạn phân phối khi dòng tiền của các nhà đầu tư nhanh nhạy và giàu kinh nghiệm rút ra khỏi thị trường. Đây là thời điểm thị trường trở nên lạc quan và vô cùng phấn khích với niềm tin rằng giá sẽ tiếp tục tăng và họ cũng chính là những nhà đầu tư cuối cùng mua vào mà không biết rằng mình đang “đu đỉnh”.
Giai đoạn thứ hai là giai đoạn giá lao dốc với tốc độ nhanh và mạnh. Lúc này một loạt các thông tin xấu được đưa ra ồ ạt khiến các nhà đầu tư trở nên cực kỳ hoang mang và áp lực bán tháo gia tăng trên diện rộng.
Cuối cùng là giai đoạn tuyệt vọng nhất, các nhà đầu tư gần như không quan tâm đến giá cả và chỉ muốn bán tháo ồ ạt để cắt lỗ, mong sao thoát được thị trường càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, đây lại chính là giai đoạn khởi đầu cho một xu hướng tăng mới và các nhà đầu tư dài hạn sẽ tìm cách bắt đáy tại khu vực này với mức giá tốt nhất.
Sử dụng các chỉ báo kỹ thuật để xác định đáy thị trường
Không có bất kỳ công cụ nào có thể xác định chính xác đâu là đáy do thị trường lên xuống theo kỳ vọng của các nhà đầu tư cũng như các yếu tố kinh tế cơ bản như diễn biến vi mô và vĩ mô. Bởi vậy, các nhà đầu tư chuyên nghiệp thường sẽ tìm kiếm giai đoạn thị trường có tiềm năng tạo đáy để tiến hành mua vào.
Các chỉ báo kỹ thuật sẽ là một trong số các công cụ đắc lực và dễ sử dụng để các nhà đầu tư cá nhân có thể theo dõi các giai đoạn thị trường tạo đáy, bao gồm nhóm các chỉ báo động lượng và động lực (MACD, RSI, Momentum), chỉ báo xu hướng (MA), các tín hiệu đảo chiều thông qua các mô hình nến, mô hình giá, phân kỳ MACD,...
Ví dụ, bất cứ khi nào thị trường giảm hơn 30% so với đường trung bình động 3 năm, đó thường là cơ hội mua rất tốt. Những độ lệch lớn so với xu hướng trên thị trường chứng khoán mang đến những cơ hội mua và bán tốt.
dubaotiente.com