Điều gì đang đứng sau sự tăng vọt của giá vàng gần đây?
Nguyễn Tuấn Đạt
Junior Analyst
Việc vàng tăng vọt lên đỉnh mới có thể do môi trường địa chính trị và triển vọng u ám của nền kinh tế toàn cầu, giá vàng sẽ tăng khi lãi suất của Fed giảm, điều mà nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ xảy ra vào cuối năm nay.
Sau khi ổn định trong nhiều tháng, giá vàng bắt đầu tăng vọt vào đầu tháng 3. Nó đã tăng 14% kể từ đó liên tục lập mức đỉnh mới. Nhưng căng thẳng địa chính trị đã tăng cao trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm và thậm chí triển vọng về thời điểm Fed cắt giảm lãi suất đã ảm đạm hơn trong những tuần gần đây. Vậy điều gì đã thay đổi?
Các nhà nhà phân tích đã đưa ra những câu trả lời rất khác nhau cho câu hỏi này: Có phải ngân hàng trung ương đang lo lắng về một đồng USD quá mạnh? Các quỹ đang đặt cược rằng Fed sẽ sớm cắt giảm lãi suất? Lạm phát dai dẳng và nỗi lo hạ cánh cứng? Đồng tiền suy yếu? Cuộc bầu cử sắp tới của Mỹ? Tất cả những điều trên?
Rất khó để có thể hiểu rõ và thăm dò thị trường vàng, một thị trường toàn cầu với các HĐTL và các quỹ ETF, cùng với nhiều nhà môi giới. Các cơ quan quản lý cũng đã nỗ lực tìm hiểu, dựa vào dữ liệu để cố gắng giải thích sự phục hồi bất ngờ đang diễn ra.
Ai đang mua?
Các ngân hàng trung ương cũng như các tổ chức lớn đang chuẩn bị để thích nghi với môi trường lãi suất thấp được kỳ vọng trong tương lai gần. Người tiêu dùng Trung Quốc lo lắng về lợi nhuận giảm sút từ các tài sản khác và đồng tiền mất giá, cũng mua vàng như một tài sản trú ẩn an toàn. Họ liên tục mua vàng trong một khoảng thời gian dài mà không rõ ràng lý do cụ thể vì sao họ lại làm như vậy. Mặc dù các nhà phân tích có sẵn dữ liệu thị trường tốt hơn và công cụ phân tích mạnh mẽ hơn, nhưng việc giải thích tại sao mọi người đồng loạt mua vàng với trạng thái lo sợ vẫn là một thách thức.
Các ngân hàng trung ương đang tăng cường nắm giữ vàng
Họ đang mua gì?
Một điều khó hiểu cũng đang diễn ra: Các nhà đầu tư chưa mua ETF, một trong những cách dễ dàng nhất để mua vàng. Một dòng vốn lớn đang chảy ra từ các quỹ ETF vàng.
Nate Geraci, chủ tịch của ETF Store cho biết: “Đây là một trong những hiện tượng kỳ lạ nhất mà tôi từng thấy. Điều thú vị là nhu cầu vàng rất mạnh ở các kênh khác”.
Việc chốt lời đến từ các nhà đầu tư đã mua nhiều năm trước là một lí do Citigroup giải thích cho việc dòng vốn của ETF yếu đi một cách đáng kể. Tuy nhiên theo Joe Cavatoni, người giám sát World Gold, dòng vốn lớn chảy ra khỏi các quỹ ETF vàng lại không có tác động đáng kể đến giá cả, điều này cho thấy nhu cầu chung đối với vàng đang rất mạnh mẽ. Ông nói trong một cuộc phỏng vấn: “Có những nhà đầu tư khác đang mua vàng vật chất, vì vậy việc này không ảnh hưởng nhiều đến giá vàng. Dòng vốn chảy ra từ các quỹ ETF có thể đang đi vào thị trường phi tập trung và được các ngân hàng trung ương mua vào."
Dòng vốn ra từ các quỹ ETF vàng vẫn tiếp tục tăng
Họ mua ở đâu?
Trong thị trường HĐTL và phi tập trung, hoạt động giao dịch đang mạnh mẽ, phản ánh rằng những tổ chức thông thường như ngân hàng trung ương, ngân hàng đầu tư, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư quốc gia đều đang tham gia mua vàng. Giao dịch quyền chọn cũng đang tăng lên và giá vàng vẫn có thể cao hơn nữa khi các option dealer vội vàng bù đắp rủi ro của họ.
Số lượng HĐTL chưa thanh toán ở New York đang tăng lên, một dấu hiệu cho thấy ngày càng có nhiều kỳ vọng rằng giá vàng sẽ tăng trong tương lai. Nhưng khối lượng giao dịch tổng thể đã vượt xa số lượng hợp đồng mở, điều này có thể tạo ra những biến động giá cả lớn, khiến giá bất ổn định.
Khối lương giao dịch vàng vẫn đang tăng
Khi nào họ mua?
Chủ yếu vào thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu. Thị trường vàng nổi tiếng nhạy cảm với những thay đổi trong dữ liệu kinh tế Mỹ, điều này được củng cố khi giá tăng vọt vào đầu tháng Ba. Các báo cáo kinh tế quan trọng vào thời điểm đó cung cấp các thông tin về sức mạnh của sản xuất, việc làm, GDP và lạm phát, đồng thời việc mua sắm tăng vọt sau khi có các dữ liệu kinh tế cũng tác động đến giá vàng.
Các nhà đầu tư mua vàng 3 lần 1 tuần
Nhưng điều đó đã khiến các nhà phân tích bối rối, vì thị trường gần đây đã giảm kỳ vọng về mức độ cũng như đẩy lùi thời điểm Fed cắt giảm lãi suất so với dự kiến vài tháng trước. Về lý thuyết, điều đó sẽ là tiêu cực đối với vàng vì lãi suất cao làm giảm sức hấp dẫn của vàng so với các tài sản khác như trái phiếu. Các nhà đầu tư cũng đang đẩy USD lên giá, khiến vàng trở nên đắt hơn ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Tại sao họ lại mua vào thời điểm này?
Đây là 1 câu hỏi lớn. Điều mâu thuẫn là mặc dù thị trường đã giảm kỳ vọng về mức độ cũng như đẩy lùi thời điểm Fed cắt giảm lãi suất, giá vàng vẫn tăng.
Một khả năng là một số nhà đầu tư vàng đang dự đoán kinh tế Mỹ sẽ hạ cánh cứng dựa trên dữ liệu gần đây và đổ xô mua vàng với vai trò của một tài sản trú ẩn an toàn.
Ý tưởng này cũng có thể giải thích cho một xu hướng kỳ lạ khác trên thị trường vàng trong những tuần gần đây, đó là mối quan hệ giữa chênh lệch của HĐTL vàng kỳ hạn 3 tháng và giá giao ngay và lãi suất của Fed.
Chênh lệch giữa HĐTL vàng kỳ hạn 3 tháng và giá giao ngay giảm xuống thấp hơn lãi suất của Fed
Chênh lệch giữa HĐTL vàng kỳ hạn 3 tháng và giá giao ngay đã giảm xuống dưới mức lãi suất của Fed trong những tuần gần đây, khi giá giao ngay tăng vọt. Trong lịch sử, điều đó chỉ xảy ra khi lãi suất ở mức thấp hoặc sắp giảm mạnh.
Sự đảo ngược này có thể cho thấy rằng các nhà đầu tư đang lo lắng và đổ xô nắm giữ vàng giao ngay, như một biện pháp bảo vệ trước tình trạng hỗn loạn có thể xảy ra.
Ole Hansen, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank AS, cho biết: “Đà tăng của vàng đang mâu thuẫn với nhiều dữ liệu hiện tại, đặc biệt là khi lãi suất vẫn ở mức cao. Tôi nghĩ có thể Mỹ sẽ phải đối mặt với cuộc hạ cánh cứng, kèm theo nhiều bất ổn địa chính trị và xu hướng phi toàn cầu hóa đang thúc đẩy nhu cầu về vàng của các ngân hàng trung ương.”
Bloomberg