Đồng Lira suy yếu là điều bạn không thể bỏ qua!
Anh Tùng, CFA
Senior Analyst
Việc đồng nội tệ Thổ Nhĩ Kỳ suy yếu hơn nữa có thể làm ảnh hưởng đến việc nhập khẩu hàng hóa châu Âu và gây khó khăn đến khả năng trả nợ của các doanh nghiệp đối với các ngân hàng châu Âu
Tỷ giá USD/TRY đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại tại 7.377 vào ngày 10/8. So với mức 5.949 vào ngày cuối năm 2019, đồng lira đã giảm tới 21% so với USD trong năm nay, đây là mức giảm mạnh nhất kể từ 2018. Sau sự sụt giá của Lira, khả năng cao “nạn nhân” tiếp theo sẽ là đồng Euro.
Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ (TCMB) đã cố gắng giữ giá đồng tiền của mình bằng cách bán đi hàng tỷ USD trong dự trữ ngoại hối và USD đi vay để mua đồng lira. Nhưng những nỗ lực của ngân hàng đã bị chững lại trong những tuần gần đây. Đồng tiền này đã giảm 6.6% so với đồng dollar kể từ ngày 24 tháng 7, gây ra suy đoán rằng TCMB sắp “hết phép”.
Áp lực suy yếu đối với đồng tiền là một hồi chuông báo động về khả năng trả nợ dài hạn của Thổ Nhĩ Kỳ đối với các chủ nợ nước ngoài, bao gồm các ngân hàng châu Âu. Đồng lira yếu hơn cũng khiến hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn và kiềm chế khả năng nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ đối với hàng hóa từ châu Âu khi đại dịch đã đe dọa đến tình hình thương mại. Lee Hardman, nhà phân tích tiền tệ tại Ngân hàng MUFG của Nhật Bản cho biết: “Nếu tình trạng này tiếp tục diễn biến ở Thổ Nhĩ Kỳ, điều đó có thể có tác động xấu đến đồng euro. “Khu vực đồng euro có các liên kết thương mại chặt chẽ hơn với Thổ Nhĩ Kỳ so với Hoa Kỳ”
Thổ Nhĩ Kỳ không phải là thành viên của Liên minh châu Âu, mặc dù nước này có mối quan hệ thương mại chặt chẽ với khối EU. Năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ sáu của khối EU này.
Các ngân hàng châu Âu đã giảm thiểu việc cho vay với Thổ Nhĩ Kỳ kể từ cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 2018 của nước này, vì đồng lira suy yếu có thể khiến các công ty và ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ gặp khó khăn trong việc thanh toán lãi suất hoặc thanh toán các khoản nợ ở nước ngoài của họ. Tuy nhiên đứng đầu trong các khoản vay nước ngoài của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là các ngân hàng tại Tây Ban Nha và Pháp, vượt xa các ngân hàng tại Hoa Kỳ, theo BIS.
Thổ Nhĩ Kỳ đã thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu trong năm nay bằng cách giảm lãi suất và mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng giá rẻ cho các hộ gia đình và công ty. Điều đó đặc biệt có vấn đề vì tăng trưởng ngoại hối của đất nước như dollar và euro đang bị sụt giảm nghiêm trọng, bởi du lịch đang bị hạn chế trong thời gian đại dịch, cũng như xuất khẩu sụt giảm. Chênh lệch giữa nhập khẩu và xuất khẩu ngày càng mở rộng, làm tăng thâm hụt cán cân vãng lai và gây thiệt hại thêm nhu cầu ngoại tệ. Bức tranh kinh tế ngày càng xấu đi khiến các nhà đầu tư đồn đoán rằng quốc gia này đang tiến gần hơn đến một cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán. Điều đó sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ không thể thanh toán hàng nhập khẩu từ châu Âu hoặc thanh toán nợ nước ngoài.
Các chuyên gia cho biết, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang đi xuống và nhu cầu hàng hóa châu Âu giảm có thể là mối đe dọa đối với tốc độ phục hồi của Châu Âu sau cuộc suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra, các nhà đầu tư cho biết. Tuy nhiên trước đó, các nhà đầu tư suy đoán rằng nền kinh tế EU sẽ phục hồi nhanh hơn nền kinh tế Mỹ, vì châu Âu dường như kìm chế các đợt bùng phát COVID-19 mới hiệu quả hơn so với Mỹ, điều này đã thúc đẩy cặp EUR/USD tăng lên mức cao nhất trong vòng 2 năm tại 1.191 vào đầu tháng 8. Viraj Patel, một chiến lược gia tỷ giá và ngoại hối toàn cầu tại công ty nghiên cứu Arkera cho biết: “Đồng euro đã đi trước trong câu chuyện tăng trưởng của châu Âu, bạn có thể thấy một số câu chuyện đó đã được thị trường phản ánh vào giá”.