Đồng USD tiếp tục giảm khi Fed "tiên phong" xoay trục chính sách tiền tệ
Đặng Thùy Linh
Junior Analyst
Đồng đô la ghi nhận mức giảm lớn nhất trong hai ngày kể từ tháng 7 khi nhà đầu tư thay đổi kỳ vọng về lãi suất của Mỹ sau cuộc họp mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang.
Chỉ số DXY giảm 0.8% hôm thứ Năm, mức thấp nhất kể từ tháng 8, tiếp tục đà giảm của hôm thứ Tư khi các nhà hoạch định chính sách Mỹ cho biết họ đã bắt đầu cân nhắc thời điểm nới lỏng tiền tệ.
Đồng euro và bảng Anh tăng hơn 1% so với đồng bạc xanh sau khi các ngân hàng trung ương giữ nguyên lãi suất. Đồng renminbi của Trung Quốc cũng tăng 0.9%.
Dự báo hàng quý của các quan chức Fed cho biết mục tiêu lãi suất liên bang trong năm tới sẽ giảm mạnh hơn so với tháng 9 năm nay. Điều đó đã thúc đẩy kỳ vọng cắt giảm lãi suất, tạo ra làn sóng khắp thị trường tài chính toàn cầu.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Châu Âu vẫn giữ nguyên lãi suất vào thứ Năm và không có kế hoạch hạ lãi suất sau khi lạm phát giảm gần đây.
Helen Given, nhà giao dịch ngoại hối tại Monex USA, cho biết: “Fed đã khiến thị trường biến động, nhưng tôi nghĩ phản ứng hôm nay có phần thái quá. Trong khi các thị trường tin rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất đầu tiên, tôi không tin và nghĩ rằng nó sẽ đến từ ECB vào tháng 3”.
Ở diễn biến khác, Ngân hàng Anh đã giữ lãi suất ở mức cao nhất trong 15 năm, vì vậy lãi suất sẽ tiếp tục tăng cao trong một thời gian. Tại Na Uy, ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất và có thể là lần cuối cùng. Động thái bất ngờ này đã thúc đẩy đồng krone tăng hơn 3% so với đồng đô la, dẫn đến mức tăng của tất cả các đồng G10 so với đồng bạc xanh vào thứ Năm.
Brad Bechtel, chiến lược gia ngoại hối tại Jefferies, cho biết mặc dù đồng đô la có thể giảm nhẹ do tâm lý cắt giảm lãi suất, nhưng phần lớn động thái này đều nằm ở lạm phát. “Vì vậy, mọi thứ sẽ phụ thuộc vào dữ liệu,” ông nói.
Bloomberg