Đồng Yên lóe lên rồi vụt tắt, làm lộ tâm lý "dễ bị kích động" của giới đầu tư trước nguy cơ can thiệp
Thành Duy
Junior editor
Theo phân tích của Nomura, cú hích bất ngờ của đồng Yên vào thứ Ba nhiều khả năng bắt nguồn từ tâm lý thị trường ngày càng "dễ bị kích động". Đầu phiên Mỹ, cặp USD/JPY đã có một nhịp đảo chiều ngắn ngủi, tuột dốc từ mức 154.76 xuống đáy phiên 154.04 chỉ trong vài phút trước khi tăng trở lại.
Theo phân tích của Nomura, cú hích bất ngờ của đồng Yên vào thứ Ba nhiều khả năng bắt nguồn từ tâm lý thị trường ngày càng "dễ bị kích động" trước viễn cảnh các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản can thiệp vào thị trường tiền tệ, thay vì xuất phát từ bất kỳ động thái chính thức nào trên thị trường ngoại hối.
Đầu phiên Mỹ, cặp USD/JPY đã có một đợt đảo chiều ngắn ngủi, tuột dốc từ mức 154.76 xuống đáy phiên 154.04 chỉ trong vài phút trước khi tăng trở lại. Với việc cặp tiền này đang ở mức cao nhất 34 năm qua và xu hướng tăng của USD/JPY vẫn còn đó, các nhà giao dịch đang tỏ ra vô cùng cẩn trọng trước bất kỳ biến động mạnh nào có thể báo hiệu cho sự can thiệp của Bộ Tài chính Nhật Bản - sự kiện đã từng xảy ra vào tháng 9 và tháng 10 năm 2022.
"Thị trường đang trở nên nhạy cảm hơn với những cú giảm đột ngột của USD/JPY, đặc biệt khi cặp tiền này đang tiến sát đến ngưỡng quan trọng 155", các Chiến lược gia tiền tệ của Nomura, bao gồm Yujiro Goto, Yusuke Miyairi và Jin Moteki, nhận định trong báo cáo ngày thứ Ba. "Điều đáng lưu ý là USD/JPY đã không giảm tiếp sau đợt giảm đầu tiên", họ bổ sung, đồng thời chỉ ra rằng động thái mạnh mẽ này có thể khiến thị trường nhận thức rõ hơn về khả năng năng can thiệp và hạn chế đà giảm của đồng Yên.
Tại Monex, nhà giao dịch ngoại hối Helen Given cũng đồng tình rằng biến động giá của đồng Yên vào thứ Ba phản ánh tâm lý thị trường ngày càng nhạy cảm với rủi ro can thiệp. "Khi USD/JPY tiến sát đến mức 155, các nhà giao dịch đang tận dụng mọi nhịp giảm để không bị bỏ lại phía sau", Given nói.
Biến động của USD/JPY cho thấy lực mua mạnh sau ''báo động giả'' về việc can thiệp
Các chiến lược gia của Nomura so sánh động thái này với đợt giảm giá ngắn ngủi nhưng mạnh hơn của đồng Yên vào tháng 10 năm ngoái, cũng từng dấy lên nghi ngờ về khả năng can thiệp của Bộ Tài chính Nhật Bản vào thời điểm đó. Dữ liệu chính thức sau đó xác nhận rằng không có sự can thiệp trực tiếp nào của chính phủ trên thị trường ngoại hối.
Một lý do khiến các nhà giao dịch tập trung vào mức 155 là do đáo hạn các hợp đồng quyền chọn, biến mức này trở thành một kháng cự quan trọng trong ngắn hạn với USD/JPY. Dữ liệu gần đây từ The Depository Trust & Clearing Corporation cho thấy một lượng đáng kể các quyền chọn với mức giá thực hiện bằng hoặc cao hơn 155 một chút đã hết hạn trong những ngày gần đây.
Theo Chidu Narayanan, chiến lược gia trưởng APAC tại Wells Fargo Securities ở Singapore, bất kỳ sự can thiệp nào cũng có thể đẩy USD/JPY xuống thấp hơn. Điều này là khả thi do tâm lý bán khống đang chiếm phần đông. Tuy nhiên, trong một lưu ý cho khách hàng được công bố trước khi USD/JPY giảm vào sáng thứ Ba, ông cảnh báo rằng "bất kỳ đợt giảm giá nào cũng có thể thu hút lực cầu, qua đó nối lại đà tăng."
Diễn biến giá chính là minh chứng cho quan điểm của Narayanan. Sự sụt giảm của USD/JPY vào thứ Ba là chưa đến 0.5% trước khi quay đầu tăng trở lại bởi các nhà giao dịch tích cực mua vào. Trái ngược với cú sụt hơn 1.8% hồi tháng 10 năm ngoái.
Bloomberg