Dovish là gì?

Dovish là gì?

Đức Nguyễn

Đức Nguyễn

FX Strategist

09:00 29/11/2023

Dovish (dịch thô bồ câu) là từ dùng để mô tả chính sách tiền tệ mở rộng (lãi suất thấp, nới lỏng định lượng) nhằm ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng, thất nghiệp thấp thay vì kiểm soát lạm phát.

Dovish là lập trường chính sách tiền tệ nới lỏng

Dovish (thường được dịch là bồ câu) là từ được dùng để chỉ chính sách tiền tệ nới lỏng, khi ngân hàng trung ương muốn bơm thanh khoản vào nền kinh tế. Chính sách Dovish được áp dụng trong giai đoạn nền kinh tế tăng trưởng chậm, nhằm hỗ trợ thị trường lao động, bỏ qua lo ngại lạm phát.

Một số yếu tố của lập trường dovish là lãi suất thấp, tỷ lệ dự trữ bắt buộc thấp nhằm đẩy mạnh cho vay, nới lỏng định lượng (mua trái phiếu để bơm tiền ra thị trường), các quan chức bình luận hướng tới kỳ vọng lãi suất giảm,...

Ngược lại với dovish là hawkish (thường dịch là diều hâu), sử dụng để chỉ lập trường chính sách thắt chặt (lãi suất cao, thắt chặt định lượng).

Lập trường dovish gây áp lực lên giá trị đồng tiền

Các quốc gia có lập trường chính sách dovish thường có lãi suất thấp hơn, do đó nhà đầu tư thường sẽ đưa dòng vốn khỏi đây sang các nước có lãi suất cao. Sự di chuyển này khiến nguồn cung đồng tiền tăng, cùng với đó là sự mất giá.


EUR từng giảm mạnh trong thời điểm ECB duy trì chính sách dovish trong khi các ngân hàng trung ương khác đã thắt chặt. Đỉnh điểm, tỷ giá EUR/USD đã giảm xuống dưới 1 (EUR có giá trị quy đổi thấp hơn USD) do phân kỳ chính sách giữa Mỹ và châu Âu

Lập trường dovish hỗ trợ tiêu dùng và thị trường lao động

Chính sách dovish thúc đẩy tiêu dùng nhờ lãi suất vay thấp hơn. Bên cạnh đó, việc hạ lãi suất cũng giúp thúc đẩy nền kinh tế nhờ việc hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh với chi phí thấp. Điều này hỗ trợ thị trường lao động mở rộng, qua đó tiếp tục tác động vào tiêu dùng.

Tuy nhiên, tình trạng lãi suất thấp kéo dài và nền kinh tế tăng trưởng quá nóng sẽ kéo theo lạm phát cao, khi có quá nhiều tiền để tiêu, nhưng hoạt động sản xuất không thể bắt kịp với nhu cầu.

Lập trường dovish hỗ trợ tài sản rủi ro

Khi tỷ lệ thất nghiệp thấp, người dân có nhiều tiền sẽ tăng cường mua sắm, chi tiêu, càng giúp thúc đẩy hiệu quả của nền kinh tế. Tài sản rủi ro như cổ phiếu, bất động sản thường sẽ bước vào chu kỳ tăng mạnh mẽ khi chính sách dovish được áp dụng. 

Dovish cũng có thể chuyển thành hawkish (và ngược lại)

Khi lập trường dovish đã hoàn thành nhiệm vụ, hoặc có vấn đề này sinh, ngân hàng trung ương có thể dần quay trở lại chính sách trung lập hơn, hoặc chuyển sang hawkish hoàn toàn.

Trong lịch sử gần đây của Fed đã có nhiều quan chức chuyển hướng từ hawkish sang dovish hoặc ngược lại:

Gần đây nhất ta có thể thấy việc Fed của Chủ tịch Powell nhanh chóng chuyển từ bơm tiền sau đại dịch sang tăng lãi suất mạnh tay để kiềm chế lạm phát.

Hay như trong nhiệm kỳ chủ tịch Alan Greenspan, ông từng được cho là hawkish, nhưng sau đó dần chuyển hướng dovish hơn.

Cựu chủ tịch Fed St. Louis James Bullard cũng từng là một thành viên rất dovish trong giai đoạn 2019-2020, nhưng sau đó đã chuyển hướng trở thành thành viên hawkish nhất trong giai đoạn 2022-2023 trước khi ông chuyển sang hàn lâm. Ông thường xuyên là thành viên có ảnh hưởng lớn chỉ sau chủ tịch Fed.

dubaotiente.com

Broker listing

Thư mục bài viết