Dự báo biến động tuần 06-10/04: Tâm lý thị trường đã phần nào ổn định trở lại, đồng USD có dấu hiệu tăng?
Đạt Nguyễn
Currency Analyst
Hãy tạo thói quen tốt trong giao dịch cùng với các chuyên gia của Dubaotiente. Cùng nhìn lại một tuần vừa qua và lên kế hoạch cho tuần giao dịch 06-10/4 tới đây
Thị trường tuần vừa qua biến động với tâm lý thận trọng hơn, tuy nhiên diễn biến dịch bệnh Covid-19 đang rất khó kiểm soát: số người mắc bệnh đã lên đến hơn 1,2 triệu người, trong đó đã có 64,727 người tử vong. Riêng Mỹ ghi nhận 311,357 người dương tính, 8,452 người tử vong. Ở châu Âu đang bùng phát rất nhanh. Con số dự báo còn có thể tăng rất mạnh trong tuần tới đây. Chính Phủ Mỹ đã cảnh báo trong 1-2 tuần tiếp theo có thể sẽ là thời điểm đen tối nhất khi dự báo có thể có 100-240 nghìn người tử vong.
Biến động của thị trường trong tuần vừa qua: SPX -2.08%, DJ -2.7%, NASDAQ +2.63%, DXY +2.42%, Gold -0.57%, OIL +32.06%, US10Y -19.61%.
Số liệu kinh tế:
Tuần vừa rồi ghi nhận gia tăng đột biến trong báo cáo lao động Mỹ, khi có đến 6.65 triệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp và số việc làm mất đi trong tháng 3 lên tới 701k, tỷ lệ thất nghiệp Mỹ đã tăng lên 4.4%, mặc dù mức thu nhập trung bình tăng thêm 0.4%. Tuy nhiên con số báo cáo việc làm đã phản ảnh rất rõ tác động của nCoV với kinh tế Mỹ, có thể số liệu việc làm sẽ còn xấu hơn rất nhiều trong báo cáo đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuần này.
Tình hình sản xuất trong tháng vừa rồi tùy chưa phản ảnh rõ nét những tác động thật sự của nCoV (phần lớn số ca nhiễm và tử vong đều tập trung ở trung tâm tài chính New York, nơi ít có các nhà máy công nghiệp), số liệu PMI vẫn giữ được mức 49.1. Mặc dù số liệu sản xuất không quá xấu nhưng trước tình hình diễn biến nCoV ngày càng khó kiểm soát thì có thể trong tuần tới các ngành công nghiệp lớn sẽ chịu thiệt hại lớn. Tuy nhiên khi nhu cầu các hàng hóa thiết yếu tăng cao trong giai đoạn này thì số liệu CPI được công bố trong tuần tới có thể ít được chú ý, thay vào đó số liệu Core CPI (loại bỏ các nhóm ngành năng lượng và thực phẩm) sẽ được giới đầu tư quan tâm hơn.
Chỉ số niềm tin tiêu dùng giảm từ 132.6 của tháng Hai xuống 120 của tháng Ba, cao hơn so với dự báo, về tâm lý người tiêu dùng giai đoạn cách ly tránh dịch bệnh thì con số này có thể chưa phản ảnh hết sức khỏe nền kinh tế.
Trong tuần qua các số liệu kinh tế của EU và các quốc gia G7 khác đều ít được quan tâm so với những diễn biến của nCoV. Số liệu sản xuất PMI của Trung Quốc tương đối tích cực đang cho thấy sản xuất ở Trung Quốc có thể phục hồi lại sau khi nước này công bố kiểm soát tốt dịch bệnh. Tuy nhiên giới phân tích lại cho rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm xuống 1-2% (nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào sản xuất), vì thế số liệu PMI hiện tại không đánh giá được nhiều tình trạng sức khỏe kinh tế Trung Quốc.
Chính sách tiền tệ:
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) ngày 30/3 đã giảm lãi suất của các thỏa thuận mua lại đảo ngược (repo) 20 điểm cơ bản, từ 2.4% xuống còn 2.2%, khi giới chức tăng cường các biện pháp nới lỏng tiền tệ nhằm giảm bớt sức ép đối với nền kinh tế trong nước đang chịu thiệt hại do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Bên cạnh đó, PBoC quyết định “bơm” 50 tỷ NDT (7 tỷ USD) vào các thị trường tiền tệ thông qua các thỏa thuận repo kỳ hạn 7 ngày, kết thúc giai đoạn 29 ngày giao dịch liên tiếp không thực hiện bơm tiền mới vào thị trường thông qua thông qua công cụ thanh khoản.
Trong khi đó FED sau khi thực hiện cắt giảm lãi suất về 0-0.25%, thực hiện QE với quy mô mua trái phiếu kho bạc 50 tỷ USD/ngày (trước đó FED đã thực hiện QE 75 tỷ USD/ngày và giảm dần xuống 60 tỷ USD/ngày) và Chính phủ Mỹ công bố gói hỗ trợ kinh tế 2,200 tỷ USD. Sự giảm quy mô trở lại của hoạt động mua trái phiếu kho bạc được coi là một dấu hiệu cho thấy Fed cần giảm bớt tốc độ mở rộng bảng cân đối kế toán và chống lại áp lực bán quá mức đã xảy ra trên thị trường New York. Điều này đã đẩy lợi suất TPCP lên cao hơn.
Theo tuyên bố của Thủ tướng Abe Shinzo, quy mô chính sách kinh tế khẩn cấp trong tháng 4 này sẽ vượt trên 56.8 nghìn tỷ Yen, tương đương 530 tỷ USD, bằng 10% GDP của Nhật Bản.
Diễn biến thị trường trong tuần qua:
Lợi suất trái phiếu Mỹ: US10Y tiếp tục xu hướng giảm trong tuần qua, mặc dù đà giảm không còn mạnh như tháng trước, phần lớn bởi tâm lý thị trường đã dần ổn định và dòng tiền đã chạy vào trú ẩn tại những kênh đầu tư trước đó.
Hơn nữa sau khi các chính sách hỗ trợ kinh tế được công bố, phần nào đã tác động tích cực đến tâm lý thị trường hơn, mặc dù trong tuần vừa qua Mỹ ghi nhận số người nhiễm Covid-19 và tử vong tăng đột biến.
Hiện tại nhu cầu thiết yếu cho đời sống đang là trong tâm, do vậy các kênh đầu tư và an toàn vốn tạm thời sẽ ít được quan tâm. Đó là một phần lý do giải thích dù diễn biến dịch bệnh khó kiểm soát và bùng phát nhanh nhưng lợi suất trái phiếu lại ít biến động.
Không chỉ thị trường trái phiếu, mà ngay cả diễn biến của thị trường Chứng khoán cũng không ngoại lệ. Chỉ số SPX và DJ trong tuần vừa qua biến động không quá mạnh, đà giảm đã phần nào được khống chế.
Chỉ số VIX đo lường mức độ biến động của thị trường Chứng khoán trong tuần vừa qua đã giảm tương đối mạnh về lại mức 46.8, trong khi đó nhóm các công ty công nghệ NASDAQ lại đang cho thấy xu hướng phục hồi tốt hơn nhóm sản xuất công nghiệp. Nghĩa là giai đoạn người dân cách ly ở nhà thì các dịch vụ và công việc online đang tạo ra nhiều nguồn thu nhập hơn cho người dân.
Dự báo trong tuần tới có thể thị trường Chứng khoán sẽ có sự điều chỉnh tăng nhẹ, tuy nhiên 1-2 phiên đầu tuần có thể sẽ giảm do những tác động tiêu cực từ nCoV.
Vàng trong tuần vừa qua ít biến động tuy nhiên với các diễn biến risk off như hiện tại vẫn duy trì, hơn nữa số người thất nghiệp ở Mỹ tăng đột biến là nguyên nhân chính khiến giá vàng vẫn tiếp tục duy trì mức giá trên 1600$/oz mặc dù trước đó đã giảm về mức 1573$/oz.
Lượng vàng do quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust nắm giữ đã tăng 0.3% lên 967 tấn trong phiên ngày 31/3.
Phân tích kỹ thuật
Giá vàng hiện đã vượt qua được mức hỗ trợ 1600$/oz, trong bối cảnh hiện tại biên độ của vàng có thể sẽ tăng lên 1660$/oz trong tuần tới, tuy nhiên lực tăng của vàng hiện tại cũng chưa thật sự mạnh do đồng USD trong tuần qua và trong tuần tới có thể sẽ duy trì đà tăng.
Tiêu điểm trong tuần vừa qua là diễn biến giá dầu: Dầu đã có phiên tăng mạnh từ 21$/barrel lên 29.11$/barrel trong tuần vừa qua khi thông tin ông Trump cho biết Ả Rập Xê Út và Nga sẽ thực hiện cắt giảm sản lượng, chấm dứt cuộc chiến giá dầu. Cũng trong tuần qua đón nhận các tin tức tích cực khi Nga và OPEC đã đồng ý nối lại bàn đàm phán vào thứ 2 tuần tới.
Cuộc họp OPEC+ đã được lên lịch lại vào ngày 9/4, Ả Rập Xê Út và Nga cho biết họ muốn các nước dầu mỏ khác tham gia vào bất kỳ sự cắt giảm sản lượng nào. Trong khi đó, Trump cho biết ông sẽ buộc phải sử dụng công cụ thuế quan nếu cần thiết để bảo vệ ngành năng lượng Hoa Kỳ.
Phân tích kỹ thuật: dầu chạm mức hỗ trợ 161.8% trên hình vẽ, chỉ báo MACD có dấu hiệu đảo chiều khi khối lượng mua tăng mạnh trong tuần vừa qua. Hiện tại mức kháng cự tiếp theo vùng 33$/barrel, thị trường sẽ chờ đợi thêm thông tin từ cuộc họp OPEC+ để xác định xu hướng dầu tiếp theo.
Chỉ số DXY đã đảo chiều tăng mạnh trở lại trong tuần vừa qua mặc dù số liệu thị trường lao động Mỹ xấu hơn dự báo. Có thể diễn biến trú ẩn của giới đầu tư vào đồng USD vẫn còn mạnh. Hiện tại DXY đã vượt qua mức kháng cự quan trọng 99.64, có thể trong tuần tới xu hướng chủ đạo sẽ thiên về tăng, tuy nhiên trong 1-2 phiên đầu tuần có khả năng điều chỉnh về lại mức 100.
Trên biểu đồ phân tích kỹ thuật, chỉ số DXY có thể tăng lại mức 101.8 (thời điểm Quốc hội Mỹ thông qua gói hỗ trợ kinh tế), tuy nhiên trong giai đoạn này, chúng ta cần bám sát diễn biến thị trường trong ngày để có thể phân tích được xu hướng đồng USD.
Những thông tin quan trọng trong tuần này:
Diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại Mỹ và châu Âu đang diễn biến rất khó kiểm soát, số người nhiễm mới và tử vong liên tục tăng mạnh trong những ngày qua và có thể tuần tới đây vẫn sẽ là tuần tồi tệ của thế giới khi sẽ chứng kiến nhiều người tử vong hơn nữa.
Các số liệu lạm phát Mỹ sẽ được quan tâm, tuy nhiên cần loại bỏ yếu tố năng lượng và thực phẩm để có cái nhìn khách quan hơn.
Chính sách tiền tệ của Úc và Nhật: thị trường dự báo Nhật sẽ có thể tung gói kích thích kinh tế lớn tương đương 10% GDP.
Cuộc họp OPEC+ trong tuần tới sẽ rất được chú ý, sự kiện này có thể là tâm điểm của thị trường, kỳ vọng một cuộc đàm phán thuận lợi sẽ thúc đầy giá dầu tăng trở lại. Tuy nhiên nội tại sức khỏe kinh tế toàn cầu đã trở nên tồi tệ hơn do tác động của nCoV, do vậy khả năng cao sự kiện này sẽ chỉ tam thời xoa dịu thị trường. Dầu có thể phục hồi tuy nhiên dự báo sẽ không vượt qua được mức 33$/barrel.
Kết luận
Trong tuần tới sẽ có khá nhiều sự kiện quan trọng tác động đến thị trường, với đà tăng đồng USD có thể đã được xác nhận, dự báo có thể phục hồi lên mức 101. Tâm lý thị trường sẽ tiếp tục diễn biến khó lường và khó kiểm soát hơn. Các chính sách tiền tệ và những gói hỗ trợ tài khóa khẩn cấp đã được đưa ra, tuy nhiên hiệu quả của các chính sách trên sẽ cần thêm thời gian, do vậy trong khoảng thời gian ngắn tới, tâm lý lo ngại rủi ro vẫn sẽ còn tiếp diễn. Do vậy các bạn cần bám sát các diễn biến và có chiến lược giao dịch phù hợp tránh những rủi ro bất ngờ của thị trường.