Dự báo biến động tuần 23-27/03: Tâm lý thị trường trở nên hoảng loạn khi lo ngại khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Tùng Trịnh
CEO
Trong tuần vừa qua thị trường tiếp tục diễn biến tiêu cực khi tác động của nCoV quá lớn đến kinh tế toàn cầu. Mỹ, EU và các nền kinh tế khác đã phải thực hiện rất nhiều biện pháp can thiệp vào thị trường bao gồm cả chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá và rất nhiều công cụ khác. Tâm lý "risk off" thể hiện qua thị trường Chứng khoán giảm mạnh (DJ -17.3%, SPX -14.98%), Dầu -29.62%, Gold -31.01%, DXY +3.3%. Lợi suất trái phiếu Mỹ US10Y -13.93%.
Số liệu kinh tế:
- Doanh số bán lẻ Mỹ: giảm 0.4% tháng này, nguyên nhân phần lớn đến từ việc giảm chi tiêu vì các lệnh cấm khi dịch cúm nCoV diễn biến phức tạp.
- Đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng thêm 281k > dự báo trong giai đoạn các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân sự.
- Số liệu cung ứng sản xuất của TQ giảm 13.5% (mức thấp kỷ lục từ trước đến nay), cho thấy được tác động của nCoV là rất lớn với kinh tế TQ.
- Tâm lý kinh doanh Đức giảm 49.5%, thấp hơn dự báo và thấp hơn mức kể từ 2012.
Những thống kê các số liệu kinh tế trong tuần vừa qua đều thể hiện tác động của dịch cúm nCoV là rất lớn với các nền kinh tế trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, hầu hết các ngân hàng trung ương đã phải thực hiện các công cụ chính sách tiền tệ khẩn cấp và mạnh tay để đối phó với các tác động của dịch bệnh.
Cụ thể FED đã phải hạ lãi suất khẩn cấp 2 lần trong vòng 2 tuần đưa lãi suất cơ bản từ 1.75% xuống 0-0.25%. Không chỉ cắt giảm lãi suất, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới cũng tái khởi động lại các chương trình nới lỏng định lượng (QE) với quy mô cao gấp nhiều lần trước đó để bơm thẳng tiền vào nền kinh tế.
Theo đó, FED cam kết mua vào 750 tỷ USD trái phiếu Kho bạc và chứng khoán thế chấp; ECB cũng vừa triển khai thêm một gói QE mới với quy mô lên tới 750 tỷ EUR (tương đương 820 tỷ USD), nâng quy mô mua vào tài sản của cơ quan này trong năm nay lên tới 1,1 nghìn tỷ EUR, bằng khoảng 6% GDP của khu vực…
Pháp cũng tuyên bố sẽ chi 45 tỷ EUR để hỗ trợ doanh nghiệp.
Tại Nhật, Bộ trưởng Tài chính Taro Aso cho biết Chính phủ sẽ khai thác phần còn lại của dự trữ ngân sách tài chính năm nay, trị giá khoảng 270 tỷ JPY (2,62 tỷ USD) cho các gói hỗ trợ…
IMF tuyên bố sẵn sàng huy động tối đa khả năng cho vay 1.000 tỷ USD của mình để hỗ trợ các nước thành viên. Hay như ADB mới đây cũng tuyên bố gói hỗ trợ 6,5 tỷ USD để ứng phó với đại dịch...
Lợi suất trái phiếu Mỹ tiếp tục xu hướng giảm mặc dù trước đó đã tăng qua mốc 1% (US10Y). Tuy nhiên các động thái kích thích kinh tế của FED vào thời điểm tác động của nCoV đã quá lớn đang khiến thị trường cảm thấy bất an hơn, dòng tiền tiếp tục đổ về trái phiếu Mỹ và đồng USD.
Thị trường Chứng khoán Mỹ phản ứng tiêu cực với những điều chỉnh chính sách tiền tệ của FED. VIX có thời điểm vượt qua mức 85 (cao hơn cả giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2008) – tâm lý lo sợ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu dẫn đến các hoạt động sản xuất giảm sút đã khiến nhà đầu tư bán tháo tất cả tài sản đầu tư để chuyển vào trái phiếu và đồng USD.
Trên biểu đồ, các chỉ số Chứng khoán Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng giảm trong tuần tới. Thị trường Chứng khoán Châu Âu cũng tiếp tục chịu áp lực giảm khi nCoV đã bùng phát mạnh tại châu Âu (số liệu mới nhất số người chết vì nCoV tại Ý đã vượt qua Trung Quốc).
Thị trường hàng hoá cơ bản cũng giảm mạnh, giá dầu đã phá vỡ mức mức đáy 26$/barrel năm 2016 và chạm mốc 20$ trong tuần vừa qua khi các nỗ lực của OPEC và đồng minh bất thành, trong khi đó nhu cầu dầu trên thế giới giảm mạnh, các ngành công nghiệp và vận tải đình trệ. Trên biểu đồ phân tích kỹ thuật, giá dầu có thể sẽ được hỗ trợ tại mức 20$, tuy nhiên không có điều gì đảm bảo giá dầu sẽ không giảm xuống dưới 20$ khi nhu cầu vẫn tiếp tục giảm, mặc dù nguồn cung hiện tại vẫn chưa được cắt giảm.
Giá đồng, sắt cũng ghi nhận xu hướng giảm trong giai đoạn này. Thị trường hàng hoá cơ bản giảm thể hiện rất rõ tăng trưởng kinh tế đã đình trệ. Biểu đồ tỷ lệ Đồng/Vàng được sử dụng gần đây là một trong số những công cụ inter-market xác định chu kỳ kinh tế đã giảm xuống mức thấp hơn giai đoạn khủng hoảng 2008.
Diễn biến giá vàng trong tuần vừa qua tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm sau khi đã phá vỡ mức kháng cự 1560$/oz. Trong giai đoạn khủng hoảng do dịch bệnh gây ra, nhu cầu vàng không những không tăng mà còn giảm mạnh hơn bởi tâm lý cần những nhu cầu thiết yếu phục vụ cuộc sống, cùng với đó dòng tiền đổ mạnh vào USD đã kéo giá vàng giảm mạnh trở lại.
Trên biểu đồ Phân tích kỹ thuật, vàng có thể sẽ giảm về lại mức 1400$/oz trong tuần tới, kiểm tra lại vùng hỗ trợ dài hạn.
Những diễn biến lo ngại rủi ro trên toàn cầu, dẫn đến việc các Ngân hàng trung ương phải nới lỏng chính sách đã khiến dòng tiền chạy về các tài sản trú ẩn như trái phiếu Mỹ và đồng USD tăng cao. Dự báo trong tuần tới đồng USD vẫn có thể sẽ trở thành tài sản trú ẩn.
Trên biểu đồ phân tích kỹ thuật, USD đã phá vỡ đỉnh 100.0 và hiện đang có dấu hiệu tăng lên mức kháng cự 103.62 (hậu bầu cử tổng thống Mỹ).
Các tin tức quan trọng có thể tác động đến xu hướng thị trường trong tuần tới.
- Diễn biến xấu từ nCoV tiếp tục là key drive tác động đến tâm lý thị trường.
- Số liệu sản xuất EU – được dự báo không đạt kỳ vọng trong giai đoạn EU đang phải gồng mình chống lại các tác động của nCoV.
- Số liệu GDP q/q, thu nhập và chi tiêu cá nhân, đơn xin trợ cấp thất nghiệp Mỹ sẽ được quan tâm.
- Chính sách tiền tệ của Anh: được dự báo sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách và kích thích nền kinh tế bằng các công cụ chính sách tiền tệ mạnh tay hơn.
- Những can thiệp bằng các công cụ chính sách tiền tệ và tài khoá của các nền kinh tế để đối phó với hệ luỵ suy thoái kinh tế toàn cầu do nCoV gây ra.
Nhận xét: Tâm lý lo ngại rủi, xu hướng dịch chuyển dòng tiền vào các tài sản trú ẩn là trái phiếu và đồng USD tăng mạnh được dự báo sẽ tiếp diễn trong tuần này. Chỉ số DXY có thể sẽ tiếp tục tăng mạnh và hướng về mốc 103.62, trong khi các đồng tiền G7 kỳ vọng sẽ tiếp tục xu hướng giảm. Còn quá sớm để thị trường quay trở lại với những kênh đầu tư rủi ro. Nhu cầu hàng hoá cơ bản, sản xuất công nghiệp và dịch vụ được dự báo sẽ tiếp tục suy yếu.