Dù có hay không 'yêu' chỉ số S&P 500, bài 'giải phẫu' kinh điển sau đây vẫn đáng để bạn đọc qua một lần!
Thành Duy
Junior editor
Mặc dù có những lo ngại gần đây, S&P 500 vẫn duy trì trong một xu hướng tăng mạnh, bất chấp rủi ro điều chỉnh giảm trong ngắn hạn. Bài phân tích này trình bày bức tranh tổng quát về mặt kỹ thuật, đi kèm một số yếu tố cơ bản then chốt với S&P 500 và cung cấp góc nhìn chi tiết về hướng đi tiếp theo của chỉ số, cùng với các cơ hội đầu tư, bởi những đợt điều chỉnh ngắn hạn có thể mở ra cơ hội mua mạnh.
Bài phân tích sẽ đề cập đến những vấn đề gì xoay quanh chỉ số S&P 500?
Những bình luận gần đây của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell cho thấy lập trường dovish hơn, củng cố khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Lãi suất thấp hơn có thể kích thích hoạt động kinh tế và thúc đẩy lợi nhuận của doanh nghiệp, kéo theo giá cổ phiếu tăng. Dù vậy, một số nhà đầu tư có thể chuyển hướng sang kim loại quý và hút một phần dòng vốn ra khỏi S&P 500. Bên cạnh đó, các chỉ báo đang cho thấy những thách thức tiềm ẩn về thanh khoản do dự trữ bắt buộc của hệ thống ngân hàng suy giảm.
Những cuộc thảo luận gần đây về chính sách tiền tệ của FOMC trong bối cảnh hiện tại đã có những tác động sâu sắc đến thị trường chứng khoán. Mặc dù lạm phát bắt đầu cho thấy sự hạ nhiệt rõ ràng hơn, nhưng khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 9 đã và đang tạo ra sự bất ổn cho thị trường. Ngoài ra, thị trường tài chính bắt đầu nhìn vào sự sụt giảm trong dự trữ bắt buộc của hệ thống ngân hàng, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản.
Xu hướng lạm phát và lo ngại về thanh khoản
-
Xu hướng lạm phát
Những bình luận gần đây của ông Powell, nhấn mạnh niềm tin vào việc đạt được mục tiêu lạm phát 2%, đã có những tác động đáng kể đến S&P 500. Phát biểu của ông cho thấy rằng ngân hàng trung ương có thể sớm chuyển hướng sang cắt giảm lãi suất. Sự thay đổi này sẽ làm giảm chi phí vay mượn, kích thích hoạt động kinh tế và có khả năng thúc đẩy lợi nhuận của doanh nghiệp, vốn là yếu tố nền tảng quan trọng để cổ phiếu tăng giá. Dù vậy, sức hấp dẫn của câu chuyện cắt giảm lãi suất có thể khiến một số nhà đầu tư chuyển hướng sang kim loại quý, đồng thời tiềm ẩn tác động đến dòng vốn vào S&P 500.
Mặc dù ông Powell có cái nhìn lạc quan về lạm phát, nhưng dữ liệu CPI trong biểu đồ dưới đây lại cho thấy một bức tranh phức tạp. Mặc dù giá trị CPI đã giảm đáng kể, cho thấy áp lực lạm phát đang hạ nhiệt, nhưng “sticky prices” vẫn ổn định. Sự ổn định này của giá cả cứng nhắc, vốn có xu hướng ít biến động hơn, cho thấy khả năng dự báo và cho thấy lạm phát đang trở nên dễ quản lý hơn.
*Sticky prices (tạm dịch “giá cả cứng nhắc”): Khi áp dụng cho giá cả, thuật ngữ này có nghĩa là mức giá được tính cho một loại hàng hoá nào đó mà rất khó thay đổi ngay cả khi có sự biến động trong chi phí đầu vào hoặc nhu cầu với hàng hóa đó (theo Investopedia).
Nhưng rồi, đây có hoàn toàn là tin vui?
Việc giá trị CPI giảm liên tục lại tạo ra môi trường thiếu chắc chắn cho S&P 500 trong ngắn hạn. Nguyên nhân là vì các nhà đầu tư có thể sẽ phải cân nhắc những lợi ích tiềm năng của việc giảm lạm phát so với những rủi ro của suy thoái kinh tế.
-
Lo ngại về thanh khoản
Ngoài ra, các chỉ báo khác lại đang cho thấy những nguy cơ tiềm ẩn về thanh khoản. Sự sụt giảm mạnh trong dự trữ bắt buộc của hệ thống ngân hàng, đang đến gần ngưỡng báo động, vốn tiềm ẩn rủi ro thanh khoản rất lớn. Điều này có thể dẫn đến đợt điều chỉnh trên cả thị trường chứng khoán và trái phiếu, tác động đến S&P 500. Khoản dự trữ này cần phải phục hồi lên trên mức 3,455 tỷ USD để "trấn an" thị trường khỏi rủi ro thiếu hụt thanh khoản của hệ thống.
Mặt khác, chỉ số điều kiện tài chính của Cục Dự trữ Liên bang Chicago, hiện ở mức -0.529, cho thấy thanh khoản có phần dồi dào trong hệ thống. Các nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ các chỉ số này để đo lường thanh khoản trong hệ thống. Sự đảo ngược của chỉ số này có thể cảnh báo về việc thiếu hụt thanh khoản trong hệ thống và gia tăng rủi ro điều chỉnh cho S&P 500.
Do đó, trong khi các chỉ báo kinh tế hiện tại cung cấp triển vọng trái chiều, thì khả năng thay đổi chính sách tiền tệ lại càng làm tăng thêm sự phức tạp và khiến các nhà đầu tư “nhức đầu” hơn. Vì vậy, việc theo dõi chặt chẽ tình trạng thanh khoản và xu hướng lạm phát sẽ rất quan trọng để xác định hướng đi sắp tới của S&P 500.
Do đó, trong khi các chỉ báo kinh tế hiện tại cung cấp triển vọng lẫn lộn, thì khả năng thay đổi chính sách tiền tệ sẽ làm tăng thêm sự phức tạp cho các nhà đầu tư. Việc theo dõi chặt chẽ tình trạng thanh khoản và xu hướng lạm phát sẽ rất quan trọng để điều hướng các biến động trong tương lai của S&P 500.
Những yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của S&P 500 kể từ năm 2009
Dưới góc độ kỹ thuật, triển vọng dài hạn cho S&P 500 là rất tích cực, như được thấy trong biểu đồ tháng dưới đây. Biểu đồ cho thấy S&P 500 chạm đáy vào tháng 3 năm 2009, ở mức 666.79. Sau khi chạm đáy này, chỉ số nhanh chóng đảo chiều tăng và đi ngang để xác nhận tạo đáy dài hạn. Đi sau là việc hoàn thành mô hình vai-đầu-vai ngược, với đỉnh 666.79 và hai vai lần lượt tại 1270.05 và 1266.74.
Việc hình thành đáy này được xem là nền tảng vững chắc cho các đợt tăng điểm ngoạn mục và giúp chỉ số duy trì ở mức cao. Vậy đâu là cơ sở để tạo đáy năm 2009? Chính là nhờ chính sách tiền tệ tích cực, kích thích tài chính và phục hồi kinh tế. Để ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Cục Dự trữ Liên bang đã thực hiện các biện pháp chưa từng có tiền lệ như hạ lãi suất xuống gần bằng 0 và áp dụng chương trình nới lỏng định lượng (QE) để bơm thêm tiền vào hệ thống kinh tế.
Những nước đi này đã giúp ổn định lĩnh vực ngân hàng, phục hồi niềm tin của thị trường, khuyến khích vay mượn và đầu tư. Đồng thời, các gói kích thích tài chính đáng kể thông qua chi tiêu chính phủ và ưu đãi thuế đã giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm thất nghiệp. Các chính sách này đặt nền tảng cho sự mở rộng các hoạt động kinh tế trong thời gian dài, kéo theo lợi nhuận của doanh nghiệp và dẫn đến một đợt tăng giá mạnh mẽ, thúc đẩy S&P 500 sau năm 2009.
Đợt tăng giá mạnh sau năm 2009 đã tạo thành một mô hình nêm mở rộng hướng lên từ năm 2015 đến tận thời điểm hiện tại. Chỉ số này đã được giao dịch trong mô hình này suốt hơn một thập kỷ và đã xuất hiện những nhịp break-out lịch sử trên nhiều khung thời gian khác nhau. Qua quan sát, có thể thấy ngay trước hai đợt bứt phá gần nhất là một mô hình tam giác cân ngược hình thành từ năm 2018 đến 2020 và một mô hình vai-đầu-vai ngược trong giai đoạn 2022 - 2023.
Những dự báo cho tương lai
Kế đến là đợt tăng điểm mạnh mẽ của S&P 500 được ghi nhận từ năm 2020 nhờ các chính sách tiền tệ và tài khóa chưa từng có nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19. Các chính sách này đã ổn định thị trường tài chính và thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Cụ thể, Cục Dự trữ Liên bang đã thực hiện các biện pháp quyết liệt, bao gồm giảm lãi suất xuống gần bằng 0, giúp tăng thanh khoản và giảm chi phí vay mượn. Đồng thời, chính phủ Mỹ ban hành các gói kích thích tài khóa đáng kể, bao gồm “tiền trực thăng” cho người dân, tăng trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng và lợi nhuận doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc phát triển và phân phối nhanh chóng vắc-xin COVID-19 đã thúc đẩy niềm tin của những nhà đầu tư, bởi điều này hứa hẹn sự trở lại, bình thường hóa các hoạt động kinh tế. Những yếu tố kết hợp này đã tạo ra môi trường thuận lợi cho thị trường chứng khoán, đưa S&P 500 lên mức cao kỷ lục trong giai đoạn này.
Sau đỉnh điểm của đợt tăng điểm này, giai đoạn tích lũy năm 2022 và 2023 đã hình thành mô hình vai-đầu-vai ngược. Sự bứt phá khỏi mô hình này đã khởi động một đợt tăng điểm mạnh mẽ mới hướng tới mục tiêu chinh phục mốc 6,000.
Nhìn chung, bức tranh kỹ thuật của S&P 500 vẫn lạc quan và dựa trên các mô hình tăng điểm khi nhìn về lịch sử và rõ ràng chỉ số đã đặt nền tảng vững chắc cho các đợt tăng trưởng trong những năm tới. Những con sóng này dự kiến sẽ nổi lên sau những đợt điều chỉnh giảm đáng kể về các mức hỗ trợ quan trọng, vốn được thị trường coi là tín hiệu mua.
Bên cạnh triển vọng dài hạn vô cùng tích cực là những rủi ro về ngắn hạn
Như đã đề cập ở trên, triển vọng dài hạn của S&P 500 là rất tích cực và dự kiến sẽ có những đợt tăng trưởng đáng kể. Dù vậy, các chỉ báo ngắn hạn lại cho thấy rủi ro điều chỉnh giảm. Điều này phù hợp với nguy cơ thiếu hụt thanh khoản đã được thảo luận trong phần đầu tiên của bài phân tích.
Biểu đồ tuần dưới đây cho thấy sự hình thành mô hình đáy tròn, với mức thấp nhất là 3,491.58 và vượt qua đường viền cổ ở mức 4,600, khởi động đợt tăng vọt của chỉ số lên mức kỷ lục.
Các cổ phiếu công nghệ lớn như Nvidia (NVDA), Microsoft (MSFT) và Apple (AAPL) đã đạt mức cao kỷ lục trong đợt tăng điểm này của S&P 500. Nhưng rồi, chỉ số S&P cho thấy cần có sự điều chỉnh trước khi có những đợt tăng tiếp theo. Quan điểm này cũng được củng cố bởi thực tế là các cổ phiếu lớn đang tiến gần đến vùng giá mục tiêu tương ứng của chúng. Hơn nữa, chỉ báo RSI trên biểu đồ tuần cho thấy các chỉ báo kỹ thuật đang tiến sâu vào vùng quá mua và báo hiệu cho một đợt điều chỉnh giảm đáng kể.
Kịch bản này càng được củng cố bởi biểu đồ ngày bên dưới. Biểu đồ này làm nổi bật sự hình thành mô hình nêm tăng và cho thấy chỉ số đang co hẹp về chóp của nêm. Đây là tình trạng tương tự như được quan sát trên biểu đồ tuần. Điểm thú vị là chỉ báo RSI trên biểu đồ ngày cũng cho thấy tình trạng quá mua nặng. Một pha break-down mô hình này sẽ là “phát súng mở màn” báo hiệu nhịp điều chỉnh của chỉ số đã bắt đầu. Điều này có thể xảy ra nếu chỉ số điều kiện tài chính của Cục Dự trữ Liên bang Chicago phục hồi từ mức thấp hiện tại, như đã đề cập trong phần đầu tiên.
Diễn biến nêu trên là một tín hiệu kỹ thuật then chốt, có thể mở ra cơ hội mua mạnh cho các nhà đầu tư dài hạn và trung hạn với vùng hỗ trợ cứng nằm trong khoảng 4,500-5,000.
Kết luận
Sau cùng, S&P 500 được dự báo sẽ có triển vọng dài hạn tích cực nhờ chính sách tiền tệ thuận lợi và kỳ vọng vào các mô hình kỹ thuật. Dù vậy, các nhà đầu tư vẫn cần theo dõi chặt chẽ các xu hướng ngắn hạn. Sự tương tác giữa giá trị CPI giảm, giá cả cứng nhắc ổn định và tình trạng thanh khoản biến động cho thấy sự phức tạp của môi trường hiện tại. Vì vậy, quản trị rủi ro vẫn là ưu tiên hàng đầu và nhà đầu tư cần phải cân bằng giữa lợi nhuận kỳ vọng với những rủi ro vốn có. Hơn nữa, sẽ hợp lý hơn nếu coi bất kỳ đợt điều chỉnh giảm đáng kể nào là cơ hội mua chiến lược cho các khoản đầu tư dài hạn và trung hạn.
FX Empire