EUR/USD điều chỉnh giảm sau khi đồng USD phục hồi nhờ Fed giữ vững lập trường thắt chặt

Phạm Phương Anh
Junior Editor
EUR/USD đã giảm xuống mức khoảng 1.0450 do đồng bạc xanh phục hồi trở lại sau khi các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bày tỏ quan điểm rằng chưa cần thay đổi chính sách tiền tệ trong thời điểm hiện tại. Hiện các nhà đầu tư đang chờ đợi biên bản cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), dự kiến sẽ được công bố vào ngày mai.

Trong phiên giao dịch châu Âu hôm thứ Ba, cặp tiền EUR/USD đã giảm xuống vùng 1.0450 sau khi không thể vượt qua ngưỡng kháng cự tâm lý quan trọng 1.0500 trong hai phiên giao dịch gần đây. Sự suy giảm của cặp tiền này diễn ra đồng thời với sự phục hồi của Chỉ số DXY, chỉ số đo lường sức mạnh của đồng USD so với sáu đồng tiền đối trọng, đã tăng từ mức thấp nhất trong hai tháng lên khoảng 107.00 tại thời điểm hiện tại.
Đồng USD đã thu hút động lượng mua khi nhà đầu tư ngày càng kỳ vọng rằng Fed sẽ duy trì lãi suất ở mức 4.25%-4.50% trong thời gian kéo dài hơn dự kiến. Trong ngày thứ Hai, nhiều quan chức Fed đã đồng loạt phát biểu rằng hiện tại chưa cần điều chỉnh chính sách tiền tệ.
Thống đốc Fed Michelle Bowman đã phát biểu tại hội nghị Hiệp hội Ngân hàng Hoa Kỳ rằng bà muốn thấy các bằng chứng thuyết phục hơn về việc lạm phát sẽ tiếp tục giảm trước khi xem xét điều chỉnh chính sách. Bà cũng nhấn mạnh rằng việc giữ nguyên lãi suất hiện tại cho phép Fed có thêm thời gian đánh giá các dữ liệu kinh tế mới và hiểu rõ hơn về tác động của các chính sách của chính phủ đối với nền kinh tế.
Ở một diễn biến khác, Chủ tịch Fed Philadelphia Patrick Harker ủng hộ quan điểm giữ nguyên lãi suất, dựa trên các yếu tố tích cực như tăng trưởng kinh tế vững chắc, thị trường lao động ổn định và áp lực lạm phát vẫn còn. Mặc dù không đưa ra khung thời gian cụ thể, ông tỏ ra lạc quan rằng lạm phát sẽ dần hạ nhiệt.
Nhà đầu tư hiện đang chờ đợi biên bản cuộc họp FOMC tháng Một, dự kiến công bố vào thứ Tư, để tìm kiếm thêm thông tin về định hướng chính sách tiền tệ. Trong cuộc họp đó, Fed đã tạm dừng chu kỳ nới lỏng tiền tệ đã bắt đầu từ tháng 9. Chủ tịch Fed Jerome Powell đã chỉ ra rằng chỉ nên điều chỉnh chính sách khi có "tiến triển rõ ràng trong việc kiểm soát lạm phát hoặc khi thị trường lao động bắt đầu có dấu hiệu suy yếu".
Các yếu tố tác động thị trường
- Sự điều chỉnh giảm của cặp EUR/USD cũng một phần do sự suy yếu của đồng EUR. Triển vọng của đồng tiền chung châu Âu đang trở nên không chắc chắn sau khi ông Joachim Nagel - thành viên Hội đồng Quản trị ECB kiêm Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) - đã bày tỏ lo ngại về tác động tiêu cực của chính sách thuế quan Mỹ đối với nền kinh tế Đức, vốn đã trải qua hai năm suy thoái liên tiếp.
- "Với nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, Đức sẽ rất dễ bị tổn thương," ông Nagel nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Câu lạc bộ Quốc tế Liên hiệp hôm thứ Hai. Ông dự báo sản lượng kinh tế của Đức đến năm 2027 có thể thấp hơn gần 1.5% so với dự báo ban đầu. Hiện tại, Bundesbank chỉ kỳ vọng kinh tế Đức tăng trưởng khiêm tốn ở mức 0.2% trong năm nay và 0.8% vào năm 2026.
- Mối lo ngại về thuế quan đã gia tăng sau khi Tổng thống Trump thông báo trong cuối tuần vừa qua về kế hoạch áp thuế lên xe ô tô nhập khẩu từ khoảng ngày 2 tháng 4. Theo số liệu từ Cơ quan Theo dõi Ngoại thương OEC, Đức đã xuất khẩu 24.3 tỷ đô la xe ô tô sang Mỹ trong năm 2023.
- Thêm vào đó, dự báo rằng ECB sẽ cắt giảm lãi suất thêm ba lần nữa trong năm nay cũng đang hạn chế khả năng tăng giá của đồng Euro. Những kỳ vọng về chính sách nới lỏng tiền tệ của ECB xuất phát từ lo ngại ngày càng tăng rằng lạm phát có thể giảm xuống dưới mức mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương.
Phân tích kỹ thuật: EUR/USD giảm từ 1.0500
Biểu đồ EUR/USD khung thời gian ngày
EUR/USD giảm sau khi đối mặt với kháng cự gần mức tâm lý 1.0500. Tuy nhiên, triển vọng cho cặp tiền tệ chính vẫn tích cực khi tỷ giá đang duy trì trên Đường EMA 50 ngày, khoảng 1.0430.
Chỉ báo RSI 14 ngày gặp khó khăn khi vượt qua vùng 60.00. Động lượng mua sẽ được kích hoạt nếu RSI duy trì được trên mức đó.
Nếu phe bán chiếm ưu thế, đáy ngày 10 tháng 2 tại 1.0285 sẽ đóng vai trò là vùng hỗ trợ chính cho cặp tiền. Ngược lại, mức cao ngày 6 tháng 12 là 1.0630 sẽ là rào cản chính cho phe mua Euro.
FX Street