EUR/USD suy yếu sau khi dữ liệu PMI của các nước trong khu vực Euro được công bố
Bùi Hải Đăng
Junior Analyst
Nền kinh tế Khu vực Đồng tiền chung châu Âu vẫn đang gặp khó khăn và đang có dấu hiệu rơi vào giai đoạn suy thoái kỹ thuật trong những tuần tới. Điều này đã khiến cho EUR/USD gặp áp lực bán mạnh.
Nền kinh tế Khu vực Đồng tiền chung châu Âu vẫn đang gặp khó khăn và đang có dấu hiệu rơi vào giai đoạn suy thoái kỹ thuật trong những tuần tới. Theo HCOB, hoạt động kinh doanh ở châu Âu đã giảm mạnh hơn vào tháng 12, với tốc độ nhanh nhất trong 11 năm (không tính 2020 do ảnh hưởng bởi đại dịch)
Tiến sĩ Cyrus de la Rubia, chuyên gia kinh tế trưởng của HCOB nhận xét: "Một lần nữa, các con số cho thấy một bức tranh đáng buồn khi nền kinh tế Khu vực Đồng tiền châu Âu không thể hiện bất kỳ dấu hiệu của một sự phục hồi rõ ràng nào. Ngược lại, nền kinh tế của Euro đã suy yếu dần trong sáu tháng gần đây, do đó khả năng khu vực châu Âu rơi vào suy thoái là rất cao."
Trong cuộc họp vào thứ Năm, ECB đã giữ nguyên quan điểm hawkish nhằm chống lại sự hưng phấn của thị trường về việc giảm lãi suất. Chủ tịch ECB Lagarde phát biểu rằng lãi suất sẽ được giữ ở mức cao đủ lâu để đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2%, và hội đồng không có bất cứ cuộc thảo luận nào về việc cắt giảm lãi suất. Nếu khu vực Đồng tiền chung châu Âu rơi vào suy thoái khả năng cao là lạm phát sẽ tiếp tục giảm, điều này có thể khiến ECB phải thay đổi lại quan điểm của mình.
Sự suy yếu của đồng đô la Mỹ đã gia tăng vào cuối ngày thứ Tư sau khi Fed đưa ra tín hiệu cho việc cắt giảm lãi suất 75 bps vào năm 2024. Sau khi cuộc họp FOMC kết thúc, kỳ vọng của thị trường về việc cắt giảm lãi suất của Mỹ trong năm 2024 đã tăng lên 150 bps, với lần cắt giảm 25 bps đầu tiên được dự kiến vào tháng 3. Điều này đã khiến cho đồng USD giảm mạnh, từ đó giúp cho EUR/USD quay trở lại mức cao 1.1009.
Biểu đồ EUR/USD khung ngày
DailyFX