Fed tăng lãi suất 75 điểm cơ bản lần thứ hai liên tiếp trong cuộc chiến chống lạm phát
Lê Nhật Thanh
Junior Analyst
Cục Dự trữ Liên bang hôm thứ Tư đã tăng lãi suất 0.75% lần thứ hai liên tiếp, đưa lãi suất lên 2.25-2.5%, tiếp tục tìm cách kìm hãm lạm phát mà không gây ra suy thoái.
Với việc tăng 150bp chỉ trong 2 cuộc họp, đây là lần Fed thắt chặt mạnh nay nhất kể từ khi Fed chính thức áp dụng lãi suất là công cụ chính sách chính vào đầu những năm 1990.
Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới lãi suất liên ngân hàng, lãi suất Fed cũng ảnh hưởng tới vô số sản phẩm tiêu dùng như vay thế chấp có điều chỉnh, vay mua ô tô và cả thẻ tín dụng. Lần thắt chặt này đã đưa lãi suất lên mức cao nhất kể từ tháng 12 năm 2018.
Thị trường đã trông đợi vào động thái này sau khi các quan chức Fed thông báo về việc tăng lãi suất trong một loạt bình luận từ cuộc họp tháng 6. Cổ phiếu chạm đỉnh sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell để ngỏ về động thái tiếp theo tại cuộc họp tháng 9, cho rằng nó sẽ phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế sắp tới. Các quan chức cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kìm hãm lạm phát ngay cả khi nó đồng nghĩa với việc nền kinh tế phát triển chậm hơn.
“Khi chính sách tiền tệ được thắt chặt hơn nữa, nó sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng trong khi chúng tôi đánh giá những điều chỉnh của chính sách có ảnh hưởng như thế nào đến lạm phát nói riêng và nền kinh tế nói chung,” ông Powell nói.
“Tuy nhiên, tăng trưởng việc làm vẫn mạnh mẽ những tháng gần đây và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp”, ủy ban nói thêm, sử dụng ngôn ngữ tương tự như trong tuyên bố tháng Sáu. Các quan chức một lần nữa mô tả lạm phát là “tăng cao” và cho rằng tình hình là do các vấn đề của chuỗi cung ứng, giá thực phẩm và năng lượng cũng như là “áp lực giá lan rộng hơn”.
Powell cho biết ông không nghĩ rằng nền kinh tế đang suy thoái, mặc dù tăng trưởng kinh tế ở mức âm trong quý đầu tiên và có vẻ không khả quan hơn trong quý hai.
“Hãy nghĩ xem suy thoái là gì. Đó là một sự suy giảm trên diện rộng của nhiều ngành, kéo dài trong vài tháng. Diễn biến hiện tại có vẻ không giống như vậy,” ông cho biết. “Việc thị trường lao động tăng trưởng tốt - một tín hiệu tích cực về sức mạnh kinh tế thực sự là một lý do khiến bạn phải đặt câu hỏi về số liệu GDP”.
Quyết định tăng lãi suất được đồng thuận bởi cả 12 thành viên. Vào tháng 6, Chủ tịch Fed thành phố Kansas, bà Esther George chỉ bỏ phiếu tăng 50bp.
Lãi suất mục tiêu kể từ tháng 7 năm 2006.
Lần tăng lãi suất này đến sau khi lạm phát tại Mỹ chạm mức 9.1%. Fed đặt mục tiêu cho lạm phát vào khoảng 2%, mặc dù đã điều chỉnh vào năm 2020 cho phép lạm phát nóng hơn một chút để đạt được toàn dụng lao động
Fed cam kết quyết tâm kìm hãm lạm phát và nói rằng điều đó có thể đi kèm với một cái giá phải trả với tăng trưởng kinh tế nói chung và thị trường lao động nói riêng.
“Chúng tôi cho rằng kinh tế cần phải tăng trưởng chậm lại. Tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại trong năm nay vì một số lý do”. Ông nói thêm nền kinh tế có thể sẽ tăng trưởng dưới mức trung bình trong dài hạn của nó một khoảng thời gian. “Tôi thực sự nghĩ rằng chúng ta cần một thời gian tăng trưởng dưới tiềm năng để tạo ra những khoảng nghỉ”.
Vào tháng Sáu, tỷ lệ thất nghiệp giữ nguyên ở mức 3.6%, gần bằng mức toàn dụng. Nhưng lạm phát, ngay cả theo PCE lõi, thước đo chính của Fed, ở mức 4.7% vào tháng Năm, vẫn gấp đôi mục tiêu.
Việc nỗ lực để giảm lạm phát không phải là không có rủi ro. Nền kinh tế Mỹ đang đứng trên bờ vực suy thoái khi lạm phát làm chậm việc mua hàng của người tiêu dùng và ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh.
GDP quý đầu tiên giảm 1.6% và thị trường đang chuẩn bị cho dữ liệu quý hai sẽ được công bố vào thứ Năm, và cũng không loại trừ kinh tế tiếp tục thu hẹp, chính thức đưa kinh tế vào suy thoái. Ước tính của Dow Jones cho số liệu công bố hôm thứ Năm là tăng trưởng 0.3%.
Cùng với việc tăng lãi suất, Fed tiếp tục giảm quy mô tài sản nắm giữ trên bảng cân đối kế toán gần 9 nghìn tỷ USD của mình. Bắt đầu từ tháng 6, Fed đã bắt đầu ngừng tái đầu tư một số khoản tiền thu được từ trái phiếu đáo hạn.
Bảng cân đối kế toán mới giảm 16 tỷ USD kể từ khi bắt đầu triển khai, mặc dù Fed đã đặt mức giới hạn lên tới 47.5 tỷ USD mỗi tháng. Giới hạn sẽ tăng trong suốt mùa hè và cuối cùng đạt 95 tỷ USD/tháng vào tháng 9. Quá trình này được thị trường gọi là “thắt chặt định lượng” và là một cơ chế khác mà Fed sử dụng để tác động đến tình hình tài chính.
Cùng với việc đẩy nhanh thu hẹp bảng cân đối kế toán, thị trường kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất thêm ít nhất nửa điểm phần trăm nữa vào tháng 9. Theo dữ liệu từ CME Group, chiều thứ Tư vừa rồi, các nhà giao dịch đã cho rằng có khoảng 33% khả năng ngân hàng trung ương sẽ tăng 0.75% lần thứ 3 liên tiếp vào tháng 9.
FOMC không họp vào tháng 8, nhưng các quan chức sẽ có buổi tọa đàm hàng năm tại Jackson Hole, Wyoming.
Thị trường kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào mùa hè năm sau, mặc dù các dự báo của ủy ban được công bố vào tháng 6 cho thấy sẽ việc tăng lãi suất sẽ tiếp tục ít nhất là đến năm 2024.
Nhiều quan chức cho biết họ dự kiến sẽ tăng mạnh lãi suất đến tháng 9, sau đó đánh giá tác động của việc này lên lạm phát. Bất chấp mức tăng tổng cộng 1.5% từ tháng 3 đến tháng 6, CPI tháng 6 vẫn ở mức cao nhất kể từ tháng 11 năm 1981.
Ngân hàng trung ương đã phải đối mặt với nhiều chỉ trích vì đã quá chậm trễ trong việc thắt chặt khi lạm phát bắt đầu tăng tốc từ năm 2021, cũng như là việc có thể tăng lãi suất quá đà và gây ra suy thoái kinh tế nghiêm trọng hơn.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ, đại diện bang Massachusetts, bà Elizabeth Warren, nói với CNBC hôm thứ Tư rằng bà lo ngại việc Fed tăng lãi suất sẽ gây nguy hiểm kinh tế cho người ở tầng lớp thấp do tỷ lệ thất nghiệp tăng.
CNBC