Forex là gì?
Trần Vân Anh
Junior Editor
Forex là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi tiền tệ giữa các quốc gia thông qua hệ thống ngân hàng và tổ chức tín dụng.
Forex là gì?
Forex viết tắt của cụm từ Foreign Exchange (FX), hay còn được gọi là thị trường ngoại hối, là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi tiền tệ giữa các quốc gia thông qua hệ thống ngân hàng và tổ chức tín dụng dựa trên tỷ giá thỏa thuận.
Được mệnh danh là thị trường tài chính lớn nhất thế giới, Forex có khối lượng giao dịch hàng ngày lên tới $5,300 tỷ. Nếu so sánh thị trường Forex với Sở giao dịch chứng khoán New York, nơi giao dịch khoảng $25 tỷ mỗi ngày thì có thể hình dung thị trường này lớn như thế nào.
Với sự chênh lệch đáng kể này đã phản ánh mức độ toàn cầu hóa và đa dạng của thị trường Forex. Thành phần tham gia của thị trường này gồm: các ngân hàng trung ương, ngân hàng thương mại lớn, quỹ tài chính và các nhà giao dịch cá nhân,... làm cho Forex trở thành trung tâm quan trọng cho các hoạt động tài chính quốc tế.
Vì Forex có quy mô lớn hơn nhiều so với thị trường chứng khoán nên giao dịch ngoại hối cực kỳ thanh khoản, có thể nhập hoặc đóng lệnh ngay lập tức. Nó không giống như chứng khoán bị giới hạn giờ giao dịch và không phải lúc nào cũng khớp lệnh được.
Thị trường Forex hoạt động mở cửa xuyên suốt 24 giờ mỗi ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu, với lịch trình hoạt động theo giờ quốc tế và bắt đầu mỗi tuần từ Wellington, di chuyển qua các trung tâm tài chính như Tokyo, Singapore, London và kết thúc tại New York vào thứ Sáu.
Giao dịch Forex là gì?
Giao dịch Forex là hoạt động mua bán “tiền”
Bản chất của giao dịch Forex là hoạt động mua vào một đồng tiền tiền và cùng lúc bán ra một đồng tiền khác thông quan giao dịch trực tiếp hoặc một bên môi giới. Trong đó, giao dịch sẽ đi theo từng cặp như: USD/JPY hay EUR/USD,… Các cặp tiền tệ thường được chia thành ba loại riêng biệt:
- Các cặp tỷ giá chính: Thường là các cặp tiền có chứa USD do vị thế hàng đầu và sự thống trị của nó trên toàn thế giới. 7 cặp tỷ giá chính được biết đến nhiều nhất có thể kể đến như EUR/USD, GBP/USD, AUD/USD, NZD/USD, USD/JPY, USD/CHF và USD/CAD.
- Các cặp tỷ giá chéo: Các cặp tỷ giá không chứa USD và là giao thoa của các đồng tiền chính khác. Ví dụ như EUR/GBP, AUD/NZD, GBP/JPY hay NZD/CAD,...
- Các cặp tỷ giá lạ: khi một đồng tiền chính được ghép cặp với một đồng tiền đến từ các kinh tế mới nổi. Ví dụ như USD/HKD, CAD/MXN, EUR/SEK hay JPY/SGD…
Khi dự đoán giá trị của một đồng tiền sẽ tăng lên (tăng giá), nhà đầu tư sẽ có nhu cầu mua vào đồng tiền đó. Trong giao dịch Forex, hoạt động này được gọi với thuật ngữ “Long” hay “Buy”. Ngược lại, nếu dự đoán một đồng tiền giảm giá trị (mất giá), nhà đầu tư sẽ có nhu cầu bán ra, tức là muốn “Short” hay “Sell” đồng tiền đó.
Ví dụ: Đối với cặp EUR/USD, nhà đầu tư A nhận định EUR sẽ tăng giá so với USD trong tương lai. Do đó, A sẽ có nhu cầu dùng USD mua EUR và chờ khi giá tăng lên sẽ bán ra EUR mức giá cao hơn và ngược lại.
Bất cứ ai cũng có thể tham gia giao dịch Forex
Thị trường Forex được hình thành từ nhu cầu chuyển đổi tiền tệ giữa các quốc gia cho mục đích thương mại, thu hút đa dạng nhà đầu tư với mục tiêu khác nhau. Có người tìm kiếm lợi nhuận, trong khi người khác lại giao dịch để bảo vệ rủi ro hoặc đơn giản họ chỉ cần ngoại tệ để thanh toán hàng hóa và dịch vụ.
Trước kia, chỉ những tổ chức tài chính lớn và các cá nhân có giá trị ròng cao mới được tiếp cận thị trường Forex để giao dịch. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ hiện nay đã mở ra cơ hội cho nhiều khách hàng thông qua các nền tảng giao dịch trực tuyến, giúp mua bán ngoại hối một cách an toàn, tiện lợi và đáng tin cậy từ bất kỳ đâu.
Về cơ bản, có hai loại nhà giao dịch trên thị trường Forex: Hedgers (những người phòng hộ cho rủi ro tỷ giá) và Speculators (các nhà đầu cơ). Hedgers luôn tìm cách bảo vệ mình khỏi sự biến động của tỷ giá để giảm thiểu rủi ro. Như các tập đoàn lớn Apple và Exxon, sử dụng thị trường ngoại hối như một phương tiện để ổn định chi phí và dự báo tài chính.
Ngược lại, các nhà đầu cơ lại chào đón rủi ro, tận dụng sự biến động của tỷ giá để kiếm lời. Nhóm này không chỉ gồm các nhóm giao dịch ngoại hối chuyên nghiệp thuộc các ngân hàng mà còn có sự tham gia của những nhà đầu tư cá nhân, hay còn gọi là retail traders, ai cũng có thể tham gia với mong muốn tăng thu nhập.
Qua đó, thị trường ngoại hối trở thành một sân chơi đa dạng với sự tham gia của nhiều đối tượng, từ các tổ chức tài chính lớn đến những nhà đầu tư cá nhân, mỗi người với chiến lược và mục tiêu riêng biệt.
Thị trường Forex có khối lượng giao dịch rất lớn và thanh khoản cao nên các nhà đầu tư nhỏ lẻ với số vốn không quá lớn vẫn có thể tham gia đầu tư và tiến hành khớp lệnh nhanh chóng do nhu cầu mua bán trên thị trường này diễn ra liên tục.
Thị trường Forex (...)
Thị trường Forex cung cấp cho các khách hàng có nhu cầu giao dịch thương mại quốc tế thông qua các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa - dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại,... từ đó giúp luân chuyển các khoản đầu tư, tín dụng, các giao dịch tài chính quốc tế khác hay tăng cường trao đổi, giao lưu giữa các quốc gia.
Ngoài ra, thị trường ngoại hối còn cùng cấp các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá cho các khoản thu xuất khẩu, thanh toán nhập khẩu, các khoản đầu tư bằng ngoại tệ và các khoản đi vay bằng ngoại tệ thông qua các sản phẩm phái sinh khác nhau như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng hoán đổi, hợp đồng quyền chọn và hợp đồng tương lai.
Thông qua hoạt động của thị trường ngoại hối có thể xác định được khách quan sức mua của đồng tiền theo quy luật cung cầu của thị trường. Nhờ vậy, các ngân hàng trung ương có thể tiến hành can thiệp khi cần điều chỉnh tỷ giá theo hướng có lợi cho nền kinh tế hoặc tránh làm mất giá đồng tiền trên thị trường quốc tế.
Ví dụ, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã nhiều lần tiến hành mua vào lượng lớn trái phiếu chính phủ Nhật Bản các kỳ hạn khác nhau để tránh cho JPY không bị mất giá quá nhiều so với USD và các đồng tiền chính khác.
Thị trường Forex giao dịch dưới nhiều hình thức
Giao dịch giao ngay (spot) là một giao dịch tiền tệ được thực hiện trong vòng 2 ngày làm việc kể từ khi chốt giao dịch, ngoại trừ USD/CAD được giao chỉ trong một ngày làm việc, theo quy ước quốc tế. Đây là thị trường lớn nhất trong số các thị trường ngoại hối, chiếm khoảng 30% khối lượng giao dịch và được thực hiện xuyên suốt ngày đêm 24/5.
Giao dịch kỳ hạn (forward) là giao dịch hai bên cam kết sẽ mua - bán với nhau một lượng ngoại tệ theo một mức tỷ giá xác định và việc thanh toán sẽ được thực hiện vào thời điểm xác định trong tương lai. Kỳ hạn của giao dịch này là từ 3 - 365 ngày.
Giao dịch tương lai (future) là giao dịch mua/bán ngoại tệ theo tỷ giá được xác định vào ngày giao dịch và việc thanh toán sẽ được thực hiện vào 1 thời điểm trong tương lai theo thoả thuận.
Các yếu tố chi phối biến động thị trường Forex?
Cung và cầu là yếu tố chính chi phối biến động thị trường Forex
Thị trường ngoại hối có cách thức hoạt động giống như hầu hết các thị trường khác, ở chỗ nó cũng phụ thuộc chủ yếu vào cung và cầu. Khi nhu cầu đối với một đồng tiền tăng, giá trị của đồng tiền đó so với các đồng tiền khác cũng tăng theo.
Ví dụ, nếu có nhu cầu lớn đối với Đô la Mỹ từ các công dân Châu Âu đang nắm giữ đồng Euro, họ sẽ đổi Euro của họ thành Đô la Mỹ. Giá trị của Đô la Mỹ sẽ tăng trong khi giá trị của Euro sẽ giảm.
Điều quan trọng cần lưu ý là sự thay đổi giá trị này chỉ áp dụng cho cặp tiền tệ được giao dịch như EUR/USD và không ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị của USD so với các đồng tiền khác như JPY.
Các sự kiện chính trị tác động đến kỳ vọng đầu tư
Sự tác động đến thị trường Forex không chỉ dừng lại ở cung và cầu mà các tin tức chính trị như bầu cử tổng thống hay chiến tranh giữa các quốc giá cũng có thể gây ra những biến động lớn.
Ví dụ, giá USD thường “chạy loạn” gần các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ do chúng ảnh hưởng đến tâm lý và kỳ vọng của nhà đầu tư đối với chính sách kinh tế mà vị tổng thống đắc cử sẽ áp dụng trong tương lai.
Hoặc như chiến tranh Nga - Ukraine khiến giá dầu thô tăng vọt do Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ 2 thế giới. Việc Mỹ và các đồng minh áp dụng các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này khiến Nga có động thái trả đũa bằng việc cắt giảm sản lượng hoặc ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu.
Sức mạnh của một nền kinh tế quyết định giá trị của một đồng tiền
Sức mạnh của một nền kinh tế sẽ là yếu tố quyết định giá trị của một đồng tiền trên trường quốc tế. Bởi vậy, để theo dõi tình hình kinh tế của một quốc gia, các nhà đầu tư sẽ bám sát biến động của nhiều chỉ tiêu kinh tế khác nhau như tăng trưởng (GDP), lạm phát (PPI, PMI, CPI,...) hay lao động (tỷ lệ thất nghiệp, tốc độ tăng trưởng lương,...),...
Nhờ vậy, các nhà đầu tư có thể cập nhật và phản ứng kịp thời trước các biến động. Việc này không chỉ giúp họ tối ưu hóa cơ hội lợi nhuận mà còn giảm thiểu rủi ro trong giao dịch.
Lãi suất thường trực tiếp ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của việc giữ đồng tiền của quốc gia đó. Ví dụ, khi một nền kinh tế tăng trưởng quá nóng, ngân hàng trung ương của quốc gia đó sẽ thực thi thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát, thông qua việc tăng lãi suất điều hành, từ đó thúc đẩy nhu cầu mua vào đồng tiền đó.
Mặt khác, một khi nền kinh tế rơi vào suy thoái nghiêm trọng có thể làm suy yếu niềm tin vào đồng tiền, gây ra áp lực giảm giá, đồng thời việc ngân hàng trung ương hạ lãi suất để kích thích tiêu dùng và đầu tư cũng có thể làm giảm sức hút của đồng tiền đó
Các thuật ngữ, khái niệm cơ bản trong giao dịch Forex
Tỷ giá hối đoái là tỷ giá quy đổi giá trị của 2 đơn vị tiền tệ khác nhau
Tỷ giá hối đoái (exchange rate) là tỷ giá được sử dụng để quy đổi giá trị của một đơn vị tiền tệ sang đơn vị tiền tệ khác khi thực hiện giao dịch ngoại tệ, như giao dịch mua bán ngoại tệ hoặc giao dịch đầu tư nước ngoài.
Ví dụ, tỷ giá USD/VND = 23,000 có nghĩa là 1 USD có thể đổi lấy 23,000 VNĐ
Pip là đơn vị đo lường mức độ biến động của cặp tỷ giá
Pip (Percentage in point) là đơn vị đo lường được sử dụng để phản ánh mức độ biến động về giá trị giữa 2 loại tiền tệ. Thông thường, giá trị pip nằm ở vị trí thứ tư sau dấu phẩy, nhưng đối với các cặp tiền có chứa JPY phía sau thì giá trị pip đứng thứ hai sau dấu phẩy.
Ví dụ, báo cáo PPI Mỹ tháng 8/2023 tăng 1.6% y/y so với dự báo tăng 1.2% và mức 0.8% của tháng trước, phản ánh lạm phát tăng cao tại Hoa Kỳ và Fed có nguy cơ phải thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ (tăng lãi suất điều hành), thúc đẩy nhu cầu mua mạnh USD khiến cặp tiền tăng vọt khoảng 60 pip ngay sau khi dữ liệu được công bố.
Đòn bẩy giúp tối đa hóa lợi nhuận với số vốn nhỏ
Đòn bẩy (leverage) là một công cụ tài chính cho phép nhà giao dịch mở vị thế lớn hơn số tiền thực sự mà họ đầu tư. Đòn bẩy được sử dụng để kiếm lời từ biến động của tỷ giá giữa 2 đồng tiền khác nhau bằng cách và được nhà môi giới cùng cấp cho các nhà đầu tư như một khoản vay. Tỷ lệ đòn bẩy phổ biến thường là 1:20, 1:50, 1:100 và 1:200.
Khi nhà đầu tư tiến hành giao dịch trên thị trường ngoại hối, họ cần mở tài khoản và ký quỹ một khoản tiền mặt nhất định với nhà môi giới. Ký quỹ được hiểu là số tiền gửi cần thiết để mở hoặc duy trì một vị thế giao dịch.
Lúc này bên môi giới sẽ cung cấp các gói đòn bẩy tài chính với lượng ký quỹ nhất định, tùy thuộc vào quy mô của lệnh giao dịch. Ví dụ, với tỷ lệ đòn bẩy là 1:50 thì yêu cầu ký quỹ tối thiểu là 1/50 = 2%.
Giao dịch tiêu chuẩn được thực hiện trên 100.000 đơn vị tiền tệ, vì vậy đối với giao dịch có kích thước này, đòn bẩy được cung cấp thường là 50:1 hoặc 100:1. Đòn bẩy 200:1 thường được sử dụng cho các lệnh giao dịch từ 50.000 đơn vị tiền tệ trở xuống.
Đồng yết giá được quy ước đứng trước đồng định giá
Các nhà đầu tư sẽ cần hiểu làm thế nào để đọc đúng một báo giá cặp tiền tệ trước khi bắt đầu giao dịch. Tỷ giá hối đoái của hai loại tiền tệ được trích dẫn theo một cặp, chẳng hạn như EUR/USD.
Do trong bất kỳ giao dịch ngoại hối nào, nhà đầu tư cũng sẽ phải đồng thời mua vào một đồng tiền và bán ra một đồng tiền khác. Đồng tiền đầu tiên trong cặp tỷ giá nằm ở bên trái của dấu gạch chéo được gọi là đồng tiền yết giá và đồng còn lại nằm ở bên phải dấu gạch chéo được gọi là đồng định giá.
Ví dụ:
Giá chào mua thường lớn hơn giá chào bán
Mọi cặp tiền đều được báo hai loại giá đó là giá chào mua và giá chào bán (hay giá Bid và giá Ask).
Bid (giá chào mua) là giá cao nhất mà người mua có thể thanh toán. Khi bạn đang tìm cách bán một cặp tiền, đây là mức giá bạn sẽ thấy, thường ở bên trái của báo giá và có màu đỏ.
Ask (giá chào bán) ngược lại với giá Bid, đây là mức giá thấp nhất mà người bán sẵn sàng bỏ ra. Khi tìm mua một cặp tiền tệ, đây là mức giá bạn sẽ thấy, thường ở bên phải và có màu xanh lam. Thông thường giá chào mua sẽ thấp hơn giá chào bán.
Spread là khoảng cách chênh lệch giữa giá chào mua và giá chào bán. Spread thường là mức phí giao dịch, có thể thấy mức phí này thấp hơn rất nhiều so với thị trường khác.
dubaotiente.com