GBP - Đồng Bảng Anh

GBP - Đồng Bảng Anh

Đức Nguyễn

Đức Nguyễn

FX Strategist

15:03 03/11/2023

Đồng Bảng Anh (GBP) là đơn vị tiền tệ chính thức của Vương quốc Anh. Đồng tiền cũng được biết đến với cái tên sterling, và được toàn quyền điều hành bởi Ngân hàng trung ương Anh.

GBP là gì?

GBP là đơn vị tiền tệ chính thức của Vương quốc Anh

GBP là tên viết tắt của đồng bảng Anh, đơn vị tiền tệ chính thức của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland cùng các lãnh thổ hải ngoại cũng như các thuộc địa khác. Mặc dù tên chính thức của GBP là đồng bảng Anh, nhưng "sterling" hoặc STG có thể được sử dụng phổ biến hơn trong thiết lập kế toán hoặc ngoại hối.

Ký hiệu của GBP ban đầu có hai gạch trên thân (₤), sau này mới chuyển thành một gạch (£). Ký hiệu này xuất xứ từ ký tự L trong LSD – tên viết tắt của các đơn vị trong hệ đếm 12 bao gồm librae, solidi, denarii, chuyển sang tiếng Anh là Pound, shilling và pence (hoặc penny).

Đồng xu penny (số nhiều: pence) có giá trị bằng 1/100 bảng (GBP). Nhiều cổ phiếu Anh được giao dịch bằng penny thay vì GBP. 

Nhiều đồng tiền khác được neo giá theo GBP bao gồm đồng bảng quần đảo Falkland, bảng Gibraltar, bảng Helian, bảng Jersey (JEP), bảng Guernsey (GGP), bảng Manx, tiền giấy Scotland và tiền giấy Bắc Ireland.

GBP có 2 loại là tiền kim loại và tiền giấy

Hiện nay, để thuận tiện cho việc cất trữ và luân chuyển tiền trong quá trình giao thương buôn bán thì GBP được phát hành dưới 2 hình thức tiền là kim loại và giấy cùng với các mệnh giá khác nhau.

Tiền kim loại hay là tiền xu do Xưởng đúc tiền Hoàng gia phát hành bao gồm các mệnh giá là 1 xu, 2 xu, 5 xu, 10 xu, 20 xu, 50 xu, 1 bảng và 2 bảng, ngoài ra có cả 5 bảng nhưng ít được sử dụng. Trên mỗi tiền xu có in hình một biểu tượng nhất định: 

  • Đồng 1 xu có hình của một cổng thành.
  • Đồng 2 xu có hình về biểu tượng của Huân tước xứ Wales.
  • Đồng 5 xu có hình về loài hoa Thistle được gọi là quốc hoa của xứ Scotland.
  • Đồng 10 xu có hình về một con sư tử để tượng trưng cho nước Anh .
  • Đồng 20 xu có hình về loài hoa hồng Tudor.
  • Đồng 50 xu có hình về Britannia và một con sư tử.
  • Đồng 1 bảng có biểu tượng về cây thánh giá Celtic xứ Northern Ireland.
  • Đồng 2 bảng có in câu nói nổi tiếng của Isaac Newton là “Standing on the Shoulders of Giants”.

Tiền giấy do BoE phát hành bao gồm các loại mệnh giá là 5 bảng, 10 bảng, 20 bảng và 50 bảng. Việc phát hành này tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu và phải đặt thế chấp tại BoE cho toàn bộ lượng tiền giấy đưa vào lưu thông. Mắt trước tờ tiền in hình nguyên thủ quốc gia, mặt sau là một vĩ nhân khác:

  • Tờ 5 bảng Anh có in hình Winston Churchill, nguyên thủ tướng Anh thời thế chiến thứ 2
  • Tờ 10 bảng Anh có in hình Jane Austen, một nữ văn sĩ người Anh
  • Tờ 20 bảng Anh có in hình J. M. W. Turner, một họa sĩ vẽ tranh phong cảnh thuộc trường phái lãng mạn
  • Tờ 50 bảng Anh có in hình Alan Turing, người đặt ra nền tảng cho khoa học máy tính hiện đại và các bản vẽ kỹ thuật cho các máy dùng để giải mã Máy Enigma

GBP được điều hành bởi Ngân hàng Trung ương Anh

BoE là cơ quan chịu trách nhiệm điều hành và quản lý GBP nhằm đảm bảo ổn định tỷ giá và ổn định kinh tế. BOE được thành lập vào năm 1694 và là một trong những ngân hàng trung ương lâu đời nhất trên thế giới.

Ngân hàng Trung ương Anh có thể ảnh hưởng đến giá trị của GBP thông qua những thay đổi trong kỳ vọng lãi suất, điều đó có nghĩa là tiền tệ tăng giá khi kỳ vọng lãi suất tăng lên.

Ví dụ, nếu BOE giữ nguyên lãi suất nhưng đưa ra hướng dẫn (cho thị trường biết) rằng họ dự kiến ​​sẽ tăng lãi suất nhiều hơn trong tương lai, đồng Bảng Anh sẽ tăng giá. Tương tự như vậy, kỳ vọng tăng lãi suất trong tương lai giảm hoặc kỳ vọng cắt giảm lãi suất có thể dẫn đến giảm giá trị của đồng Bảng Anh.

Bên cạnh lãi suất, các công cụ như nới lỏng định lượng (QE) cũng có thể dẫn đến tăng và giảm giá trị của GBP. Nếu BOE thông báo rằng họ có kế hoạch bắt đầu chương trình nới lỏng định lượng (QE), GBP có thể giảm do một lượng lớn thanh khoản được bơm vào thị trường, làm tăng nguồn cung tiền và lãi suất giảm.

GBP là một trong những đồng tiền có khối lượng giao dịch cao nhất thế giới

GBP là một đồng tiền dự trữ toàn cầu, với mức phổ biến chỉ sau USD và EUR. Bên cạnh đó, GBP cũng là một trong những đồng tiền được giao dịch nhiều nhất chỉ sau USD, EUR và JPY. Trên thị trường ngoại hối, GBP chiếm khoảng 13% tổng khối lượng giao dịch hàng ngày. 

GBP thường được sử dụng như một đồng tiền tham chiếu trong thương mại quốc tế và thị trường tài chính. Các cặp tiền phổ biến nhất liên quan đến GBP hiện nay là EUR (EUR/GBP) và USD (GBP/USD). Cặp tiền GBP/USD còn được các nhà giao dịch ngoại hối gọi là “cable”.

GBP có tầm ảnh hưởng quốc tế đáng kể

GBP là một trong những đồng tiền được sử dụng nhiều nhất trong giao dịch quốc tế, do đó biến động trong giá trị của đồng tiền có tầm ảnh hưởng lớn đối với thị trường tài chính quốc tế như thị trường ngoại hối, thị trường chứng khoán và thị trường hàng hóa. 

Những biến động trong giá trị GBP ảnh hưởng lớn nhất đến các quốc gia sử dụng đồng GBP hoặc giao dịch thương mại với Anh Quốc.

Chính sách tiền tệ của BoE cũng có ảnh hưởng đến lãi suất toàn cầu. Thay đổi lãi suất GBP có thể ảnh hưởng đến việc vay mượn, đầu tư quốc tế và dự trữ toàn cầu.

Lịch sử hình thành và phát triển của GBP

Từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ 12, đồng bảng Anh được định nghĩa là trọng lượng của một pound bạc nguyên chất

Từ thập niên 60 của thế kỷ 7 TCN, đồng bảng Anh đã lần đầu tiên được tạo ra như một dạng tiền tệ, trải qua hàng nghìn năm phát triển nó vẫn được dùng như một đơn vị tiền tệ hợp pháp. Có thể nói, đồng bảng Anh chính là đồng tiền lâu đời nhất trên thế giới.

Nguồn gốc của đồng bảng Anh có từ khoảng năm 760 dưới thời trị vì của Vua Offa xứ Mercia. Vua Offa đã phát hành đồng xu bạc, đồng xu bạc này nhanh chóng lan rộng ra các vương quốc Anglo-Saxon và trở thành đồng xu tiêu chuẩn ở Vương quốc Anh.

Một Bảng Anh lúc đó được định nghĩa là trọng lượng của một pound bạc nguyên chất (do đó hình thành tên gọi "pound"). Tuy nhiên, do bạc có giá trị thay đổi theo thời gian, nên đồng bảng Anh cũng thay đổi theo. 

Năm 1158, Vua Henry II giới thiệu loại tiền đúc mới được làm từ 92.5% bạc, từ đó mới lấy tên là đồng bảng Anh. Những đồng xu bạc mới này bền hơn nhiều so với những đồng xu bạc trước đây, do đó chúng tồn tại lâu hơn trong lưu thông. 

Từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 16, đồng pound sterling thay thế đồng xu bạc

Từ năm 1543 - 1551, nước Anh dưới thời vua Tudor trải qua biến động tài chính, đồng xu bạc giảm hàm lượng bạc rất nhiều. Tới năm 1551, hàm lượng bạc trong đồng penny của nước Anh chỉ còn một phần ba. Dưới thời Nữ hoàng Elizabeth I, những đồng xu bạc cũ được thu về để đúc lại hoặc đổi đồng xu mới theo một tỷ lệ có khấu trừ.

Từ năm 1560 - 1561, đồng bảng Anh (pound sterling) được xác lập bởi Elizabeth I cùng nhóm cố vấn của bà, trong đó một pound Anh được chia thành 20 shilling, mỗi shilling được chia thành 12 pence. Đồng pound sterling luôn giữ được giá trị ổn định bất kể các đồng tiền khác của Châu Âu có thay đổi, thậm chí qua các khủng hoảng tài chính. 

Nhờ đồng tiền vững giá trong nhiều thế kỷ, nước Anh xây dựng được nền tảng tài chính ưu việt với hệ thống tín dụng an toàn, uy tín. Đến năm 1694, Bảng Anh đã trở thành đồng tiền chính thức của BoE ngay khi được thành lập.

Từ thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 19, đồng bảng Anh gắn với bản vị vàng

Năm 1816, từ bản vị bạc, đồng bảng chính thức chuyển sang bản vị vàng nhờ sự định giá vàng quá cao ở Anh khiến lượng vàng chảy về Anh ngày càng tăng. Bản vị vàng được duy trì từ sau Chiến tranh Napoleon đến sau Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, nước Anh là vẫn một trong những nền kinh tế mạnh nhất thế giới nhưng sau chiến tranh, nó vay nợ 850 triệu bảng, với lãi suất lên tới 40% chi tiêu của chính phủ. Ngay sau đó là những nỗ lực lấy lại sự ổn định tiền tệ, tuy nhiên tại thời điểm đó chỉ có thể đổi đồng bảng lấy vàng thỏi chứ không phải xu vàng như thời kỳ trước Chiến tranh.

Đến ngày 21 tháng 9 năm 1931, bản vị vàng bị từ bỏ trong thời gian Đại khủng hoảng và bảng Anh mất giá 25%.

Từ cuối thế kỷ 19 đến nay, Anh để giá trị của đồng bảng được thả nổi

Năm 1971, cùng với sự sụp đổ của Hệ thống tiền tệ Bretton Woods, Anh đã để giá trị của đồng bảng Anh được xác định tự do so với các loại tiền tệ khác dưới sự tác động của các yếu tố thị trường. 

Năm 2002, EUR chính thức trở thành đồng tiền chung của các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, nhưng Vương quốc Anh không chấp nhận EUR mà vẫn quyết định giữ GBP là đơn vị tiền tệ chính thức của họ.

Cùng với Anh, Đan Mạch và Thụy Điển cũng không gia nhập đồng hệ thống đồng tiền chung Châu Âu. Đứng về mặt lý thuyết, các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu phải gia nhập hệ thống này và chấp nhận EUR, tuy nhiên có quyền trì hoãn không xác định thời gian. 

Nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong quá trình thay thế đồng bảng Anh bằng EUR là do còn nhiều tranh cãi về mặt chính trị, không chỉ là bởi nước Anh đã từng bị buộc phải ra khỏi Cơ chế Tỷ giá Châu Âu khi mà sự yếu kém của kinh tế Anh làm cho cơ chế này không duy trì được, mà còn bởi vì đồng bảng là biểu tượng tự hào quốc gia của Anh.

“GBP và thứ Tư đen”

“Thứ Tư đen” là tên gọi cho một sự kiện diễn ra vào thứ tư ngày 16 tháng 9 năm 1992. Khi mà các nhà đầu cơ, đứng đầu là George Soros, đã phá vỡ giá trị đồng bảng và khiến ngân hàng trung ương Anh sụp đổ. Tại thời điểm đó, chính quyền của Đảng Bảo thủ đã buộc phải quyết định rút đồng bảng Anh khỏi Cơ chế tỷ giá hối đoái châu Âu (ERM). 

Đầu tháng 9 năm 1992, giới đầu cơ nhanh chóng tiến hành bán và bán khống bảng Anh. Hành động đầu cơ ồ ạt này khiến bảng Anh mất giá cực nhanh. Ngày 15 tháng 9, bảng Anh mất giá hơn 2,25%.

Chính phủ Anh đã tung dự trữ ngoại hối của mình ra để chống lại, song cũng không ngăn được sự mất giá của bảng Anh. Sau đó, ngân hàng Anh đã tăng lãi suất chiết khấu từ 10% lên 12% rồi 15% nhưng cũng không có tác dụng. 

Đến khi giá trị của đồng GBP giảm thêm 9,5%, chính phủ Anh sau đó đã bất lực và chính thức tuyên bố rút lui khỏi ERM cuối ngày 16 tháng 9. Trong năm tuần sau đó, giá trị của đồng bảng Anh đã mất giá 15% so với đồng Mác Đức và 25% so với đồng USD.

Để thực hiện thương vụ bán khống đồng bảng Anh, Quỹ Quantum Fund của Soros đã bỏ ra hơn 10 tỷ USD, trong đó, phải vay hàng tỷ USD cho giao dịch này. Kết thúc phi vụ, Soros kiếm được lợi nhuận khoảng hơn 1 tỷ USD, trong khi đó, nước Anh chịu thiệt hại hơn 3,3 tỷ bảng Anh.

GBP và Brexit

Brexit là từ ghép ám chỉ việc Vương quốc Anh và tách ra khỏi Liên minh châu Âu. Sự kiện Brexit đã gây nên những hậu quả trầm trọng về chính trị, văn hóa và kinh tế cho nước Anh. Tác động lớn nhất của Brexit tới tiền tệ Anh là sự mất giá của đồng bảng Anh. 

Ngày 23/6/2016 đánh dấu sự kiện Anh bắt đầu cuộc trưng cầu dân ý về quyết định ở lại hay rời khỏi EU, chính sự kiện này đã gây nên những ảnh hưởng đáng kể tới thị trường tài chính tiền tệ của Anh. 

Ngày 24/6/2016, GBP giảm 8.1% so với USD, xuống 1.3679, mức thấp nhất kể từ năm 1985.

Sự mất giá của đồng Bảng Anh đã tác động đến những chủ thể tham gia giao dịch trên thị trường theo nhiều chiều hướng khác nhau. Khách hàng muốn trao đổi đồng bảng Anh sang các loại đồng ngoại tệ khác đang phải chịu thiệt, trong khi những người muốn đổi ngoại tệ mua bảng Anh lại đang nhận được nhiều lợi ích hơn.

Sau khi Vương quốc Anh chính thức rời khỏi EU vào tháng 1 năm 2020, GBP vẫn tiếp tục suy yếu. Tính đến tháng 10/2023, GBP đã giảm khoảng 20% so với USD và 25% so với EUR.

Sự sụt giảm này khiến giá nhập khẩu, chi phí kinh doanh và lạm phát tăng. Tổ chức Resolution Foundation ước tính đồng Bảng mất giá làm tăng giá nhập khẩu và lạm phát, dẫn đến lương thực tế giảm 2.9%, khiến các hộ gia đình thiệt 870 GBP/năm.

dubaotiente.com

Broker listing

Thư mục bài viết