Giá dầu phục hồi sau tuần giảm mạnh trước lo ngại về bão tại duyên hải vịnh Mexico
Quế Anh
Junior Editor
Giá dầu thế giới đã tăng trở lại khoảng 1% trong ngày thứ hai. Nguyên nhân chính được cho là do lo ngại về cơn bão dự kiến đổ bộ vào bang Louisiana (Mỹ) vào thứ tư tới, có thể gây gián đoạn hoạt động sản xuất và lọc dầu dọc tại duyên hải vịnh Mexico.
Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 0.78 USD, tương đương 1.1%, và chạm mức 71.84 USD/thùng. Cùng lúc đó, dầu thô WTI của Mỹ tăng 1.04 USD, tương đương 1.5%, lên mức 68.71 USD/thùng.
Vào thứ sáu tuần trước, giá dầu Brent và dầu diesel của Mỹ đóng cửa ở mức đáy kể từ tháng 12 năm 2021. Giá dầu WTI chạm mức đáy kể từ tháng 6 năm 2023 và hợp đồng tương lai xăng của Mỹ giảm xuống mức đáy kể từ tháng 2 năm 2021.
Trước tình hình trên, các nhà máy sản xuất dầu và khí đốt dọc theo bờ vịnh đã bắt đầu sơ tán nhân viên và giảm hoạt động khoan để ứng phó với cơn bão nhiệt đới Francine đang tiến vào vùng biển này. Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ dự báo Francine sẽ mạnh lên thành bão vào thứ ba trước khi đổ bộ vào bờ biển Louisiana.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), duyên hải bờ vịnh Mexico chiếm khoảng 50% công suất lọc dầu của nước này.
"Giá dầu đang phục hồi... Các cảnh báo về bão đang đe dọa duyên hải vịnh Mexico và thúc đẩy giá dầu. Tuy nhiên, các thảo luận hiện đang xoay quanh vấn đề nguồn cầu và động thái tiếp theo của OPEC+," John Evans, nhà phân tích tại PVM, nhận định.
OPEC+ bao gồm tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh như Nga.
Một thành viên OPEC, thuộc công ty Dầu khí Quốc gia của Libya đã tuyên bố tình trạng bất khả kháng của một số lô hàng dầu thô từ cảng Es Sider, khi sản lượng dầu bị giảm sút bởi căng thẳng chính trị liên quan đến NHTW và nguồn thu từ dầu mỏ.
Nhóm các nhà sản xuất dầu OPEC+ đã quyết định trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng 180,000 thùng/ngày thêm hai tháng tới (trước đó dự kiến vào tháng 10). Động thái này nhằm đối phó với tình trạng giá dầu thô đang sụt giảm mạnh trên thị trường quốc tế.
Theo giới phân tích, niềm tin về kịch bản "hạ cánh mềm" của nền kinh tế Mỹ đã góp phần hỗ trợ giá dầu. Kịch bản này dự báo lạm phát sẽ được kiểm soát mà không gây ra suy thoái kinh tế hay làm gia tăng đáng kể tỷ lệ thất nghiệp. Chính phủ Mỹ dự kiến công bố báo cáo quan trọng về lạm phát vào cuối tuần này.
Ông James Knightley, kinh tế trưởng tại ING nhận định: "Suy thoái tại Mỹ không phải là điều không thể tránh khỏi, nhưng Fed cần bắt đầu cắt giảm lãi suất nhanh chóng và mạnh mẽ để ngăn chặn điều đó."
Các nhà hoạch định chính sách của Fed đã cho thấy dấu hiệu về một đợt cắt giảm lãi suất tại cuộc họp chính sách vào ngày 17-18 tháng 9, đặc biệt trong bối cảnh thị trường lao động hạ nhiệt.
Việc hạ lãi suất có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu mỏ. Fed đã tăng lãi suất mạnh mẽ trong các năm 2022 và 2023 để kiểm soát lạm phát.
Dự báo bi quan
Tuy nhiên, không phải ai cũng lạc quan về giá dầu. Morgan Stanley đã hạ dự báo giá dầu Brent trong quý IV từ mức 80 USD xuống còn 75 USD/thùng. Đồng thời, họ cho rằng giá sẽ giữ ở mức này trừ khi nhu cầu yếu hơn nữa.
Các nhà giao dịch hàng hóa toàn cầu như Gunvor và Trafigura dự đoán dầu có thể giao dịch trong khoảng từ 60-70 USD/thùng do nhu cầu yếu từ Trung Quốc và tình trạng dư cung toàn cầu kéo dài.
Tại hội nghị năng lượng APPEC, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng sự chuyển đổi của Trung Quốc sang nhiên liệu sạch hơn và nền kinh tế trì trệ đang kìm hãm nhu cầu dầu mỏ tại quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Đồng thời, biên lợi nhuận lọc dầu tại châu Á đã giảm xuống mức thấp nhất theo mùa kể từ năm 2020.
Reuters