Giá dầu tăng nhờ sản xuất Trung Quốc phục hồi, nhưng triển vọng cuối năm ảm đạm
Nguyễn Đặng Hà Lê
Junior Editor
Giá dầu tăng vào thứ Ba sau khi dữ liệu cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã mở rộng trong tháng 12. Tuy nhiên, giá dầu vẫn đối mặt xu hướng giảm năm thứ hai liên tiếp do lo ngại về nhu cầu ở các quốc gia tiêu thụ hàng đầu.
Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 60 cent, tương đương 0.8%, lên mức 74.59 USD/thùng vào lúc 12:30 trưa giờ Việt Nam. Trong khi đó, dầu thô WTI của Mỹ tăng 62 cent, tương đương 0.9%, lên 71.61 USD/thùng. Tính cả năm, giá Brent giảm 3.2% và WTI giảm nhẹ 0.1%.
Sản xuất tại Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng trong tháng 12, đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp mở rộng, dù tốc độ chậm lại theo khảo sát chính thức công bố hôm thứ Ba. Điều này cho thấy các gói kích thích kinh tế mới đang hỗ trợ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Ngoài ra, chính quyền Trung Quốc đã đồng ý phát hành kỷ lục 3 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 411 tỷ USD) trái phiếu đặc biệt vào năm 2025 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Reuters đưa tin tuần trước.
Triển vọng nhu cầu dầu suy yếu tại Trung Quốc đã khiến OPEC và IEA đồng loạt hạ dự báo tiêu thụ dầu cho năm 2025.
Để đối phó với áp lực từ giá dầu giảm, OPEC+ quyết định hoãn kế hoạch tăng sản lượng đến tháng 4/2025. Tuy nhiên, IEA dự báo nguồn cung dầu toàn cầu vẫn sẽ vượt cầu, khi sản lượng tăng mạnh từ Mỹ và các nhà sản xuất ngoài OPEC vượt qua tốc độ tăng trưởng chậm chạp của nhu cầu.
Mặc dù triển vọng nhu cầu yếu trong dài hạn gây áp lực lên giá dầu, giá có thể được hỗ trợ ngắn hạn nhờ lượng tồn kho dầu thô của Mỹ sụt giảm, ước tính giảm khoảng 3 triệu thùng trong tuần trước.
Trong tuần kết thúc ngày 20/12, cả Brent và WTI đều được hỗ trợ mạnh nhờ tồn kho dầu thô Mỹ giảm vượt kỳ vọng, khi các nhà máy lọc dầu tăng cường sản xuất và nhu cầu nhiên liệu tăng cao trong mùa lễ hội.
Mối quan tâm của các nhà đầu tư trong năm tới sẽ tập trung vào lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau khi ngân hàng trung ương vào đầu tháng này chỉ dự báo chỉ hai lần cắt giảm lãi suất, thay vì bốn lần như trong tháng 9, do lạm phát vẫn còn cao.
Lãi suất thấp thường khuyến khích vay mượn và thúc đẩy tăng trưởng, điều này dự kiến sẽ làm tăng nhu cầu dầu.
Sự thay đổi kỳ vọng về lãi suất Mỹ và chênh lệch lãi suất mở rộng giữa Mỹ và các nền kinh tế khác đã làm tăng giá đồng USD và ảnh hưởng đến các đồng tiền khác.
Đồng bạc xanh mạnh hơn khiến việc mua dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng ngoài Mỹ, gây áp lực lên nhu cầu.
Thị trường cũng đang chuẩn bị cho các chính sách của Tổng thống Trump về việc nới lỏng quy định, cắt giảm thuế, tăng thuế quan và thắt chặt nhập cư, dự kiến sẽ vừa thúc đẩy tăng trưởng vừa làm tăng lạm phát - và cuối cùng có lợi cho đồng USD.
Reuters