Giá vàng giảm tuần này sau 4 tuần tăng liên tiếp
Tin Tức Tổng Hợp
feeder
Giá vàng đã có một tuần giằng co theo diễn biến của thị trường chứng khoán thế giới, khi nhà đầu tư cân nhắc giữa một bên là mối lo về biến chủng Delta và một bên là niềm tin vào sự phục hồi kinh tế toàn cầu...
Giá vàng thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu và hoàn tất tuần giảm đầu tiên sau chuỗi 4 tuần tăng trước đó. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và tỷ giá đồng USD cùng tăng đã gây áp lực giảm lên giá kim loại quý.
Trang MarketWatch dẫn nhận định của ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao thuộc công ty Oanda, nói rằng sức hấp dẫn của vàng suy giảm do “tâm lý ham thích rủi ro tăng mạnh” trong phiên ngày thứ Sáu, khi cả ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ cùng đóng cửa ở mức cao chưa từng thấy.
Theo nhà phân tích này, giá vàng có khả năng sẽ tiếp tục giằng co quanh mốc 1.800 USD/oz trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ hai ngày vào ngày thứ Tư tuần tới.
Lúc đóng cửa, giá vàng giao tháng 8 trên sàn COMEX tại New York giảm 3,6 USD/oz, tương đương giảm 0,2%, còn 1.801,8 USD/oz. Giá vàng giao ngay giảm 4,7 USD/oz, tương đương giảm gần 0,3%, còn 1.803,2 USD/oz.
Tính cả tuần, giá vàng giao sau giảm khoảng 0,7%.
Ông Michael Armbruster, nhà quản lý quỹ thuộc Altavest, nói rằng phiên giảm này của giá vàng “không có gì đáng ngạc nhiên, xét đến việc lợi suất trái phiếu trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng.
Lợi suất này chốt tuần ở mức 1,28%, sau khi lập đáy của 5 tháng dưới mức 1,2% vào đầu tuần. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD đóng cửa với mức tăng nhẹ, lên hơn 92,9 điểm. Cả tuần, chỉ số tăng hơn 0,2%.
“Nếu giá vàng giảm dưới 1.800 USD/oz thì đó là một cơ hội mua vào cho các nhà đầu cơ vàng giá lên”, ông Armbruster nói.
Giá vàng đã có một tuần giằng co theo diễn biến của thị trường chứng khoán thế giới, khi nhà đầu tư cân nhắc giữa một bên là mối lo về sự lây lan chóng mặt của biến chủng Covid Delta, và một bên là niềm tin vào sự phục hồi kinh tế toàn cầu, đặc biệt là kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, lạc quan đã thắng thế và chứng khoán Mỹ có một tuần tăng điểm, bất chấp phiên giảm chóng mặt vào đầu tuần. Điều này khiến kim loại quý trở nên kém hấp dẫn.
Ngoài ra, khi tìm kiếm một kênh đầu tư an toàn trong thời gian gần đây, giới đầu tư quốc tế đổ vốn nhiều hơn vào đồng USD và Yên Nhật, thay vì mạnh tay gom mua vàng.
Diễn biến giá vàng thế giới 1 năm qua. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: Trading View
Theo nhà phân tích Christopher Louney thuộc RBC Capital Markets, giá vàng đang cùng lúc chịu sự chi phối của nhiều yếu tố, gồm các dữ liệu kinh tế, kỳ vọng vào chính sách của Fed, tin tức về Covid-19. Những yếu tố này tác động lên giá vàng một cách trực tiếp và cả gián tiếp thông qua gây biến động tỷ giá USD, lợi suất trái phiếu và thị trường chứng khoán.
Cũng theo ông Louney, giá vàng hiện đang ở dưới ngưỡng trung bình của vùng biên độ dao động trong 1 năm trở lại đây, trong khi các quỹ giao dịch hoán đổi vàng (ETF) đã bán ròng từ đầu năm đến nay, nên “thị trường không mấy tin tưởng vào triển vọng tăng giá của vàng, cho dù giá vàng có tăng gần đây và lạm phát leo thang”.
Giá vàng miếng SJC tại Hà Nội sáng nay theo niêm yết của Tập đoàn Phú Quý là 57 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,7 triệu đồng/lượng (bán ra), giá mua không đổi nhưng giá bán tăng 100.000 đồng/lượng so với sáng qua.
Nhẫn tròn trơn 999,9 Phú Quý được báo giá ở mức 51,4 triệu đồng/lượng và 52,3 triệu đồng/lượng, tương ứng đi ngang và tăng 100.000 đồng/lượng.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 56,8 triệu đồng/lượng và 57,45 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá so với hôm qua.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng bán lẻ trong nước đang cao hơn trên 7 triệu đồng/lượng.
Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 23.150 đồng (mua vào) và 23.230 đồng (bán ra), giá mua giữ nguyên nhưng giá bán tăng 10 đồng so với sáng qua.
Link gốc tại đây.
Theo VnEconomy