[Glossary] – QE và những điều cần biết.
Uông Quang
Manager, Technical Analyst
Cùng tìm hiểu về QE (nới lỏng định lượng) và vai trò của chính sách này trong thực tiễn điều hành nền kinh tế nhé.
QE là gì?
Nới lỏng định lượng (Quantitative Easing - QE) là một chính sách tiền tệ độc đáo, trong đó một ngân hàng trung ương sẽ mua chứng khoán dài hạn từ thị trường mở để tăng cung tiền, đồng thời khuyến khích cho vay và đầu tư. Mua các chứng khoán này làm tăng thêm tiền mới cho nền kinh tế và góp phần làm giảm lãi suất. Nó cũng làm mở rộng bảng cân đối của ngân hàng trung ương.
Khi lãi suất ngắn hạn ở mức 0 hoặc gần bằng 0, các hoạt động thị trường mở thông thường của một ngân hàng trung ương với mục tiêu là lãi suất sẽ không còn hiệu quả. Thay vào đó, một ngân hàng trung ương có thể nhắm đến việc mua lại một số lượng tài sản xác định. Nới lỏng định lượng làm tăng cung tiền bằng cách mua tài sản, một nguồn dự trữ mới được tạo ra sẽ cung cấp cho ngân hàng nhiều thanh khoản hơn.
Bản chất của QE
Để thực hiện nới lỏng định lượng, các ngân hàng trung ương tăng cung tiền bằng cách mua trái phiếu chính phủ và các chứng khoán khác. Việc tăng cung tiền làm giảm chi phí của tiền có tác dụng tương tự như việc tăng cung của bất kỳ tài sản nào khác trên thị trường. Chi phí của tiền thấp hơn dẫn đến lãi suất thấp hơn. Khi lãi suất thấp hơn, các ngân hàng có thể cho vay với các điều khoản dễ dàng hơn. QE thường được thực hiện khi lãi suất gần bằng 0 bởi vì, tại thời điểm này, các ngân hàng trung ương có ít công cụ hơn để tác động đến tăng trưởng kinh tế.
Nếu việc nới lỏng định lượng mất đi tính hiệu quả, chính sách tài khóa của chính phủ cũng có thể được sử dụng để tiếp tục mở rộng cung tiền. Là một phương pháp, nới lỏng định lượng có thể là sự kết hợp của cả chính sách tiền tệ và tài khóa; ví dụ: chính phủ mua tài sản bao gồm trái phiếu chính phủ dài hạn đang được phát hành để tài trợ cho chi tiêu thâm hụt.
Lưu ý đặc biệt
Nếu các ngân hàng trung ương tăng cung tiền, nó có thể tạo ra lạm phát. Kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra đối với một ngân hàng trung ương là chiến lược nới lỏng định lượng của nó có thể gây ra lạm phát mà không có sự tăng trưởng kinh tế như dự tính. Một tình huống kinh tế có lạm phát, nhưng không có tăng trưởng kinh tế, được gọi là lạm phát đình đốn (stagflation).
Mặc dù hầu hết các ngân hàng trung ương được tạo ra bởi chính phủ của đất nước họ và có những quyền hạn nhất định, họ không thể dựa vào đó để buộc các ngân hàng tăng cường hoạt động cho vay. Tương tự, các ngân hàng trung ương cũng không thể buộc người vay tìm kiếm các khoản vay và đầu tư. Nếu cung tiền tăng được tạo ra bởi nới lỏng định lượng không hoạt động thông qua ngân hàng và đi vào nền kinh tế, nới lỏng định lượng có thể không phát huy hiệu quả (ngoại trừ một số công cụ để hỗ trợ chi tiêu thâm hụt).
Một hậu quả tiêu cực tiềm tàng khác của việc nới lỏng định lượng là nó có thể làm mất giá đồng nội tệ. Mặc dù một loại tiền tệ mất giá có thể hỗ trợ các nhà sản xuất và xuất khẩu trong nước vì hàng hóa xuất khẩu sẽ rẻ hơn trên thị trường toàn cầu (và điều này có thể giúp kích thích tăng trưởng), giá trị tiền tệ giảm làm cho giá cả hàng nhập khẩu đắt hơn. Điều này có thể làm tăng chi phí sản xuất và mức giá tiêu dùng.
Bắt đầu từ năm 2008, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed đã bắt đầu một chương trình nới lỏng định lượng bằng cách tăng cung tiền thêm 4 nghìn tỷ đô la. Điều này có tác dụng làm gia tăng mục tài sản của bảng cân đối của Cục Dự trữ Liên bang, khi họ mua trái phiếu, các khoản nợ thế chấp và các tài sản khác. Nợ phải trả của Fed, chủ yếu tại các ngân hàng Hoa Kỳ, tăng cùng một lượng. Mục tiêu của chương trình này là kích thích các ngân hàng cho vay và đầu tư từ những khoản dự trữ đó nhằm mục địch kích thích tăng trưởng kinh tế nói chung.
Tuy nhiên, điều thực sự đã xảy ra khi đó là các ngân hàng nắm giữ phần lớn số tiền đó dưới dạng dự trữ vượt mức. Vào thời kỳ đỉnh cao, các ngân hàng Hoa Kỳ nắm giữ 2.7 nghìn tỷ đô la dự trữ vượt mức, một kết quả bất ngờ cho chương trình nới lỏng định lượng của Cục Dự trữ Liên bang.
Hầu hết các nhà kinh tế tin rằng chương trình nới lỏng định lượng của Cục Dự trữ Liên bang đã giúp giải cứu nền kinh tế Hoa Kỳ (và có khả năng là thế giới) sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Tuy nhiên, vai trò của nó trong sự phục hồi tiếp theo thực sự là không thể định lượng được. Các ngân hàng trung ương khác đã cố gắng triển khai nới lỏng định lượng như một biện pháp chống lại suy thoái và giảm phát ở nước họ nhưng không đi đến kết quả giống nhau.
Một số ví dụ về QE trong thực tiễn
Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, Nhật Bản rơi vào suy thoái kinh tế. Bắt đầu từ năm 2000, Ngân hàng Trung Ương Nhật Bản (BOJ) đã bắt đầu một chương trình nới lỏng định lượng mạnh mẽ nhằm hạn chế giảm phát và kích thích nền kinh tế. BOJ chuyển từ mua trái phiếu chính phủ Nhật Bản sang mua nợ tư nhân và cổ phiếu. Tuy nhiên, chiến dịch nới lỏng định lượng đã không đạt được mục tiêu. Từ năm 1995 đến 2007, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản đã giảm từ 5.45 nghìn tỷ đô la xuống còn 4.52 nghìn tỷ đô la về mặt danh nghĩa, bất chấp những nỗ lực của BOJ.
Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) cũng áp dụng chiến lược nới lỏng định lượng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Cuối cùng, danh mục tài sản trong bảng cân đối của SNB gần bằng sản lượng kinh tế hàng năm của cả nước. Điều này làm cho phiên bản nới lỏng định lượng của SNB trở thành phiên bản QE lớn nhất thế giới (tính theo tỷ lệ so với GDP). Mặc dù tăng trưởng kinh tế đã tích cực sau đó ở Thụy Sĩ, rất khó để đánh giá sự phục hồi đó có phải là kêt quả của chương trình nới lỏng định lượng của SNB hay không. Ví dụ: mặc dù lãi suất được đẩy xuống mức dưới 0%, SNB vẫn không thể đạt được mục tiêu lạm phát.
Vào tháng 8 năm 2016, Ngân hàng Anh (BoE) tuyên bố rằng họ sẽ khởi động một chương trình nới lỏng định lượng bổ sung để giúp giải quyết bất kỳ sự chia rẽ kinh tế nào đến từ ảnh hưởng của Brexit. Kế hoạch của BOE là một gói mua Trái phiếu Chính phủ và nợ doanh nghiệp trị giá lần lượt 60 tỷ và 10 tỷ Bảng Anh. Kế hoạch này nhằm giữ mức lãi suất không tăng, đồng thời kích thích đầu tư kinh doanh và việc làm.
Từ tháng 8 năm 2016 đến tháng 6 năm 2018, Văn phòng Thống kê Quốc gia tại Hoa Kỳ đã báo cáo rằng tổng tài sản cố định gộp tích lũy (một chỉ số đo lường mức độ của hoạt động đầu tư kinh doanh) đã tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng quý là 0.4%. Con số này thấp hơn tốc độ trung bình từ năm 2009 đến năm 2018. Do đó, các nhà kinh tế đã được giao nhiệm vụ xác định liệu tăng trưởng có thực sự trở nên tồi tệ hơn nếu như không có chương trình nới lỏng định lượng này.
Vào ngày 12 tháng 3 năm 2020, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed đã công bố kế hoạch thực hiện việc mua tài sản lên tới 1.5 nghìn tỷ đô la như một biện pháp khẩn cấp để cung cấp thanh khoản cho hệ thống tài chính của Hoa Kỳ. Quyết định này được đưa ra là kết quả của sự bất ổn kinh tế và thị trường lớn do sự lây lan nhanh chóng của virus COVID-19 và sự ngừng trệ hoạt động kinh tế sau đó.